Văn chương

Sương đỏ

TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN NGỌC TIẾN |

Đọc đến hơn nửa, ngỡ truyện ngắn này chẳng có gì hấp dẫn, chỉ là chuyện của anh chàng thương binh mê sử, đang làm cuốn sử huyện nhà. Viết sử, mà lại phải cắt bớt gần hết phần lịch sử chiến tranh biên giới của huyện nhà, nơi chính người viết sử và bao đồng đội để lại máu xương thì người tự trọng sao không đớn đau?

Cầm tấm bằng tốt nghiệp về tỉnh, anh được nhận ngay vào phòng lịch sử Ban Tuyên giáo. Trước nay phòng toàn người tay ngang, nay có anh học đúng ngành lại thương binh thì hợp mọi lẽ. Anh thương binh cụt một chân còn được phân gian tập thể cấp bốn ở trung tâm thị xã. Dù dân trong tỉnh, song quê sát biên, vì thế thị xã quá mới với anh. Dấu tích đổ nát lồ lộ trên các phố nhỏ. Gạch vỡ ngói tan vẫn chưa được thu dọn. Thị xã vắng vẻ, nhiều gia đình chạy giặc chưa về. Không khí buồn, luẩn quẩn những nơm nớp. Đêm xuống, nhà nào cũng chốt chặt cửa.

Anh trở về quê thắp hương kính báo tổ tiên. Thị trấn đã có chút hơi người. Nhà anh lành lặn trong vá víu. Miếng ván tường đọng cặn thời gian lỗ chỗ vết đạn xen lẫn ván mới. Mái nhà trước kia lợp ngói âm dương rêu cũ nay thêm cả mảng cỏ tranh. Bộ đội làm cả. Anh mở cửa bước vào, không khí rợn lạnh. Một miếng ngói vỡ cỡ bằng cái lá mắc coọc còn trong bát hương. Lần trở về ngay sau khi lành vết thương, anh không được vào, bộ đội công binh cảnh báo có mìn. Bố mẹ và ba đứa em đã chết ở đâu đó trên đất này. Hỏi người thị trấn, chả ai biết. Cửa nhà ông rèn dao cuốc đã mở nhưng chưa có tiếng phì phò. Vài người đi nương về, bó củi trên lưng nặng trĩu. Lặng lẽ hơn cả bóng ma.

Công việc hàng ngày của anh công chức tuyên giáo vùng cao là đi gặp cán bộ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, người am hiểu lịch sử văn hóa địa phương, nhẫn nhịn ngồi nghe những câu chuyện lê thê, để ghi chép. Thỉnh thoảng anh đề nghị mời các thầy từ Hà Nội lên giúp làm rõ chỗ mờ. Lần nào cũng nhất quyết đề xuất ký giấy mời phải là bí thư. Anh thích nhất viết sử huyện. Bố cục như người viết trước. Có tiền lại được trọng vọng, uống say với đám tuyên giáo lại say với bác bí và phó bí. Một lần về Hà Nội công tác, đến thăm thầy, tiện mồm khoe “chiến công”. Cơ mặt thầy chả co vào, cũng không giãn ra, thầy nói như nói với ai.

- Xưa, khi giặc Minh xâm lược Đại Việt, vua Minh ngầm chỉ thị cho quân tướng thấy sách vở là đốt, thấy bia là đập, tướng Trương Phụ còn sai đốt không hết thì gánh về Kim Lăng. Vua Minh còn cho tiến sĩ Hạ Thì và hành nhân Hạ Thanh sang thu lượm tất cả sách chép về lịch sử và sự tích xưa do người Việt viết. Lại cho người đem sách Khổng, Đạo và Phật giáo của họ sang thay thế những cuốn đã lấy đi. Để lại sách là kế cho lâu dài. Có ai đi học mà không dùng đến sách?

Đúng là thầy già con hát trẻ. Khác xưa, lần này sang họ đốt hết. Hàng nghìn đầu sách ở thư viện tỉnh không cuốn nào nguyên vẹn, nham nhở vết xém đen. Ông trưởng phòng bảo hôm trở về ông đã khóc, bao nhiêu tài liệu gốc, tài liệu sưu tầm mấy chục năm chỉ là còn đống tro. Làm sử không có tài liệu chẳng khác mổ trâu không dao.

Cơm niêu nước lọ vài năm thì anh lấy vợ. Hôm đó ông cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy xuống huyện công tác cùng vỗ vai: “Cậu thương binh, sức khỏe yếu, cha mẹ và các em lại không còn, theo mình cậu nên lấy một cô khỏe khoắn. Vợ công chức chả giúp gì được đâu. Có đám này hay lắm, “to chân gân mặt, đắt mấy cũng mua”, ngữ ấy mắn đẻ lại hay chiều chồng. Mình quen bố cô ta”.

Ông dắt đi xem mặt. Ngượng nhưng anh vẫn chống nạng theo. Cô gái đang bán hàng xén, đúng như ông tả. Anh lúng túng, chỉ nói được câu: “Chào em”.

- Cưới xong mở cho vợ quầy hàng, bán nhì nhằng cũng đủ sống - ông ấy bảo.

Nhờ nhiệt tình của ông cán bộ văn phòng chắp nối đám cưới đã diễn ra. Hội trường tỉnh khá rộng kín khách. Cưới dưới xuôi mỗi mâm chỉ đặt một chai sáu lăm còn cưới ở miền núi mỗi mâm đặt một can ba lít. Đám nào can hai lít là bị trách. Đêm tân hôn, cái chân giả đè lên đùi non, vợ không kêu nhưng nhăn mặt, anh phải lấy cờ lê tháo ốc bỏ nó ra. Thiếu chân giả anh thấy mất cân bằng, hóa ra chân không chỉ để đi, nó là điểm tì cho chuyện chăn gối.

Thị xã bắt đầu khác khi các ông chủ doanh nghiệp dưới xuôi mò lên xin khai thác mỏ kim loại. Trữ lượng không lớn nhưng rải rác huyện nào cũng có, thuận lợi là mỏ lộ thiên, móc lên đưa ngay qua biên giới. Quầy hàng xén của vợ đã có khách quen. Đời trôi trôi. Tập thể ngày nào sau quy hoạch bỗng trở thành mặt phố khu trung tâm. Cả dãy vui mừng, hơn trúng số độc đắc. Lương công chức chả bằng tiền cho thuê cửa hàng. Hai vợ chồng tích cóp xây được nhà hai tầng.Mong gì hơn.

Một ngày trời trong veo, nắng nhẹ, miền núi hiếm có ngày đẹp như vậy, Bí thư huyện quê anh họp thường vụ xong rẽ vào phòng.

- Huyện mình có bề dầy lịch sử đánh giặc, chiều sâu văn hóa hơn đứt các huyện khác nhưng đến nay chỉ có mấy tập tài liệu đánh máy mỏng tang. Huyện ủy đã họp, thống nhất phải viết một cuốn lịch sử cho xứng tầm và cũng để làm tài liệu giáo dục cho các thế hệ, cậu là chuyên viên cứng lại người huyện nhà nên chúng tớ quyết định đặt hàng cậu. Cậu nghĩ thế nào?

Lòng anh xốn xang, Bí thư huyện nói thế nghĩa là đã có lời với sếp và ông ấy gật đầu.

- Em là người con quê hương, được các anh tin tưởng sao em có thể từ chối cơ chứ!

Cán bộ nào cũng thích sử huyện phải lấp lánh. Cứ theo hướng ấy mà làm là ổn.

***

Quê gốc anh không phải ở thị trấn đó nhưng nó là nơi cụ nội sinh ra ông anh và bố mẹ anh sinh ra anh. Ba dân tộc trộn lẫn vào nhau sống hòa thuận. Từ thị trấn sang bên kia theo đường mòn khá xa còn theo đường chim bay thì chưa bằng con dao quăng. Dân hai bên qua lại trao đổi hàng hóa như hàng xóm. Mùa đông, chiều ngang dòng thác đầu thị trấn hẹp lại như sợi chỉ bạc giăng từ đỉnh núi xuống chân. Nơi đó là chỗ chơi trò bắn nước của trẻ con. Mẹ anh bán hàng xén, một nhà bán muối, một ông mở lò rèn làm dao cày cuốc. Bố anh kể, cụ nội dừng chân nơi đây từ lúc người Pháp sang, nhưng mấy trăm năm trước, tổ kỵ từ xứ Đông theo Mạc Đăng Dung lên Thăng Long. Khi vua Mạc bị chúa Trịnh Tùng đuổi khỏi Thăng Long, chắt chít lại chạy theo lên miền biên viễn ẩn nhẫn. Được dân đất “chín chúa tranh vua” bao bọc, che chở vì phục Mạc có chí có nhẫn. Hơn sáu mươi năm sau, Lê - Trịnh lại mang quân vây đánh vì di hận, Mạc Kính Vũ chống đỡ không nổi phải trốn vào dân. Sợ Lê - Trịnh tru di, dân họ Mạc cải sang các họ khác, nhánh nhà anh cải thành Hoàng.

Anh hình dung ngay kết cấu cuốn sách. Phần đầu không thể thiếu: Kinh độ, vĩ độ, diện tích, dân số, dân tộc… những thứ đó bê nguyên tài liệu lưu trữ. Phần chống ngoại xâm xưa cũng dễ, sẽ xin nghỉ phép về Hà Nội lục tìm trong thư viện trường, bí quá thì nhờ các thầy. Phần kháng chiến chống Pháp đơn giản, sách vô vàn, nhân chứng trong và ngoài tỉnh tuy cao tuổi song nhiều cụ còn minh mẫn. Chống Mỹ càng thuận lợi hơn vì cách nay vài chục năm, bao nhiêu thanh niên tòng quân, bao nhiêu liệt sĩ thương binh bên ngành thương binh xã hội có hết. Như các cuốn sử huyện trước đã làm, anh sẽ đưa vào danh sách Bí thư, Chủ tịch các thời kỳ, thêm cả ảnh theo đúng mẫu, vừa trân trọng vừa ghi công, đó cũng là chỗ chốt cho huyện duyệt chi. Nhưng phần chiến tranh biên giới thì thế nào? Sơ lược hay viết kỹ? Chuyện hóa ra đau đầu. Anh cầm điện thoại gọi cho thầy. Chưa nghe hết thầy cắt ngang:

- Ăn oản chùa lại đái trước cổng nhà Phật thì sư có chịu được không? Xưa, Lê Thánh Tông lên ngôi được bảy năm ép sử quan phải cho xem nhật lịch quốc sử, sử quan không muốn mà chả thể từ chối. Sử thần Lê - Trịnh coi Mạc nhà anh là “ngụy triều” vì cho Mạc Đăng Dung cướp ngôi, dù triều Lê lúc đó vữa nát. Hưởng bổng lộc nhà Lê nên sử quan tha hoá, vong thân chép về Mạc Đăng Dung với những lời lẽ đầy hạ nhục, khinh bỉ “Xích tay vào cổ, đi chân đất, quỳ gối lê lết đến phủ nhà Minh, dập mặt dâng biểu xin hàng”. Thầy nhớ có lần em kể nhà em chết cả đúng không? Mấy hôm nay thầy mệt, tivi toàn đón khách và lễ kỷ niệm.

Thầy tắt máy luôn. Không riêng nhà anh, hai chị em con bé hàng xóm cõng nhau đang đứng giữa đường ăn sắn, một băng đạn lia ngang, hai đứa trẻ gục xuống. Đêm hổ tha xác vào rừng ăn hết thịt, chỉ để lại hai cái sọ cùng xương cẳng chân. Khi im tiếng súng, bộ đội công binh lên dò mìn nhìn thấy mang chôn...

***

Anh đi và về, viết tay được vài trang lại đưa cho hai con đánh vi tính. Từ lúc chồi cây mắc khén nhu nhú trên cành cho đến lúc cành mắc khén lại đâm chồi cũng là lúc anh đặt dấu chấm cuối cùng trên bản thảo. Một hôm đi làm về bất ngờ thấy ba mẹ con mắt đỏ hoe, anh hoảng hốt. Chưa kịp hỏi, thằng lớn sụt sịt.

- Hôm tới bố cho cả nhà về quê thắp hương cho ông bà và các chú...

Cái thằng bị cô giáo sử phàn nàn chả bao giờ thuộc bài nói ra lời ấy khiến nước mắt anh trào ra. Anh ôm con.

***

Mấy hôm nay nằm nhà. Mặt bừng lên như bốc hỏa. Căn phòng nhỏ ngột ngạt thêm. Tập bản thảo nằm chênh vênh trên mép bàn. Hội đồng nghiệm thu của huyện yêu cầu sửa phần chiến tranh biên giới, không có văn bản chỉ nói mồm bảo lược bớt đi, để lại những ý chính thì mới in được. Giờ anh hiểu vì sao lũ bạn trong lớp liên tiếp bỏ nghề. Thằng thông minh, học giỏi nhất lớp, năm cuối đã thạo Hán Nôm được thầy tin sẽ thành cái gì đó trong làng cũng rời cơ quan ra ngoài mở bãi bia. Thầy ốm nó đến thăm, thầy quay mặt vào tường. Nó vái thầy ba vái rồi đi ra. Nhớ lần hội thảo triều Mạc, thầy bảo: “ Thằng “Mạc vi Hoàng” đi với thầy”.

Không khí hội thảo căng thẳng. Ban tổ chức phải cho mua thêm nước suối lạnh. Các thầy chia làm ba phe. Một phe dẫn “Toàn thư” bảo Mạc cắt hai châu Quy Hòa cho Minh là điều sỉ nhục Đại Việt. Phe kia dẫn “Minh sử” chứng minh chuyện cắt đất chỉ trên giấy, từ lâu nó là đất của Minh, đó là cách “Thần phục giả vờ. Độc lập thực sự” mà các triều đại trước đều làm. Còn phe thứ ba thì trung dung, thầy bảo đó là khôn ngu. Có vẻ phe của thầy chứng minh bằng “Minh sử” thắng thế. Sau đó thầy thú nhận chuyện phải dẫn “Minh sử” làm thầy day dứt và quyết định viết thư ngỏ xin lỗi. Bao nhiêu năm cặm cụi trong kho Hán Nôm ẩm mốc thầy bảo chả dám khuyên các trò nhưng tôi nói thế này “Sử làng hay sử nước khác nhau ở độ dày mỏng và câu chuyện, nhân vật nhưng giống ở chỗ kẻ làm sử phải “thuật nhi bất tác”, đừng như Lê Văn Hưu chép trong “Toàn thư” xếp Triệu Đà vào một “kỷ”. Bố con dân Việt Nam nào chịu được”.

Anh gọi điện cho ông Trưởng ban Tuyên giáo huyện xin lỗi. Nỗi buồn đeo bám dai dẳng. Không chịu nổi, anh viết đơn xin nghỉ hưu non. Mọi người trong phòng mong anh nghĩ lại, chỉ riêng ông trưởng phòng miệng bảo thế song trong bụng nghĩ khác, ông đang nhắn nhe bên Tổ chức tỉnh xin đứa cháu gái học cao đẳng sư phạm về phòng.

***

Con đường đất trơn trượt vì trận mưa đêm. Anh nhấn chân gỗ về số một rồi tăng ga nhưng bánh xe quay tròn, bùn văng về phía sau thành hình dẻ quạt. Đành xuống xe khập khiễng đẩy tí một. Gần hai tiếng mới lên đến nhà Chúy. May mà nó có nhà. Chúy cùng tiểu đội với anh, cũng là đứa duy nhất còn sống sau khi anh bị thương. Căn nhà sàn chênh vênh xiêu vẹo. Mấy khóm chuối cao vổng chưa có buồng. Lá bầu héo vàng trên giàn tre.

- Có việc gì mà lại vất vả đến thăm nhau thế? Giọng Chúy lơ lớ.

Sai vợ thịt gà và trong lúc chờ chín Chúy lấy can rượu. Ngà ngà. Anh hỏi:

- Chúy còn nhớ cái hôm đánh ở điểm cao 829 không?

- Cũng lâu rồi chỉ nhớ ít ít thôi.

- Thế Chúy có nhớ hôm đó có vệt sương đỏ quanh công sự không?

- Ồ không nhớ đâu, mình đánh nhau chỉ nhớ bắn AK về phía trước thôi.

Hôm ấy những vệt sương đỏ lơ lửng trước mặt, bên phải, bên trái, sau lưng và cả trên trời, ngẩng đầu lên là thấy, sao Chúy có thể dễ quên đến thế? Vùng này chỉ có sương trắng, những vệt sương đỏ là xác người trúng đạn bắn lên không trung máu tóe ra hòa vào sương, ngưng thành giọt rỏ xuống đất. Giọt một. Giọt một.

- Chúy thử nhớ lại xem?

- Chả nhớ đâu, từ ngày phục viên có ai hỏi đâu. Chỉ lo làm cái kinh tế thôi. Mưa tuyết vừa rồi rau cải nát hết cả rồi.

Chả trách được Chúy. Anh bê can rượu cho vào mồm tu, rượu tràn ra mặt. Chúy cười, sai vợ đi mua can nữa.

Hôm sau anh về. Tấp tểnh dắt xe vào nhà. Mặt bã bượt. Đau đớn vượt ra khỏi khuôn mặt vốn lúc nào cũng buồn như lá cây thiếu gió. Cái chân lành đau nhức, chống nạng leo lên tận đỉnh đồi làm gì chả đau. Phần chân bị mất còn đau hơn, buốt đến tận óc, vừa thật, vừa xa xôi, đau mà không thể xoa bóp hay uống thuốc được, bác sĩ bảo là hội chứng đau nhớ. Bộ óc con người đâu phải như bộ nhớ điện thoại, cứ đầy là tự động xóa để nạp tin nhắn mới, nó có vùng lưu giữ ký ức riêng, chỉ cần nghĩ đến tự khắc thời gian tâm lý sẽ đưa ra hết. Nhưng tại sao ai ai cũng nhớ thời chống Pháp, chống Mỹ? Uất ức trào lên khi anh nhớ câu nói của Stalin mà thầy dạy sử cận đại trích dẫn: “Một người chết sẽ trở thành anh hùng, hàng vạn chiến sĩ chết ngoài mặt trận chỉ là con số thống kê”, chỉ là con số thống kê thôi sao? Trời ơi sao tàn nhẫn thế!

Chỉ nghĩ, tác giả để nhân vật tự vẫn có quá không? Ngày xưa Tư Mã Thiên oan ức bị hoạn, chịu đựng tủi nhục mà sống để viết tiếp bộ sử để đời… Nhưng cũng có thể thông cảm với tác giả, dù nhiều người đã quên - thậm chí là anh bạn lính ngày nào - hoặc có người cố tình quên, thì anh cựu chiến binh đầy thương tật kia suốt đời bị ám ảnh bởi những lớp sương đỏ là “xác người trúng đạn bắn lên… máu tóe ra hòa sương, ngưng thành giọt rỏ xuống đất…”. Tôi cho rằng, cái kết khá hay với lời nói của người vợ ngỡ tưởng chỉ biết đếm tiền, khi trách chồng đã chọn cái chết không đàng hoàng, chết hèn là đáng khinh… Y TRANG

Vợ đã dọn cơm. Mùi dấm bỗng chua chua trong nồi canh cá, món canh anh ưa thích hôm nay lại làm anh bực bội. Anh lặng như chào cờ trong phòng. Hôm sau ở nhà, những ngày sau cũng thế. Sáng sáng kê ghế trên tầng hai nhìn qua ô cửa, đờ đẫn. Đến một ngày tháng Giêng. Sương trùm thị xã, giấu kín tòa nhà hai mươi tầng mới khánh thành. Trưa mà sương cứ luẩn quẩn. Sương lượn qua ô cửa nhỏ vào nhà vờn qua mặt. Những vệt sương đỏ lại hiện ra… Anh vùng dậy lấy sợi dây nilon buộc lên móc quạt trần, kê ghế ghé cổ vào rồi đạp ghế. Tiếng ghế đổ khiến thằng con trai ở phòng bên chạy sang. Nó vội dựng cái ghế, đứng lên bế bổng lấy bố, tháo cái thòng lọng ra khỏi cổ. Anh chưa chết…

***

Sắc khí đã hiện lên khuôn mặt gầy gò. Vợ anh bê bát cháo đặt bên cạnh, nhẹ nhàng:

- Sao anh chết kiểu hèn thế? Có chết cũng phải chết thật đàng hoàng như lúc anh đàng hoàng sống. Đàn ông chết hèn là đáng khinh.

Anh chết anh hết khổ nhưng em góa bụa các con mồ côi cha, anh nghĩ sao? Và nhánh Mạc nhà anh ở đây còn ai không? Vì sao tiên tổ nhà anh bị đánh ở Thăng Long phải chạy lên miền biên viễn mà vẫn lập thành, xây lũy? Vì các cụ phục cơ hội quay về Thăng Long. Anh cứ viết tất cả những gì anh ghi chép được. Em sẽ mua đồng lá thuê thợ khắc, khi anh chết, em cho vào quan tài, như cụ Mạc Ngọc Liễn xưa đã làm. Biết đâu vài trăm năm sau lại có ích.

Anh lặng cứng nhìn vợ. Tưởng con mẹ bán tạp hóa chỉ biết tính tiền…

 
Nguyễn Ngọc Tiến, tốt nghiệp Khoa Lý luận - Biên kịch Trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội năm 1990. Hiện là phóng viên báo Hà Nội mới.


TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN NGỌC TIẾN
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.