"Sến" và những chuyện thiền tình

Di Li |

Tôi nhận được bản thảo cuốn “Sến” của Phạm Trung Tuyến đúng vào ngày 8.3. Vừa thấy “Alo” trên Facebook, tôi hớn hở hiện lên, tưởng được chúc mừng, ai dè bị ấn cho tập bản thảo. Tác giả bảo là việc “nhờ vả” chứ không phải việc chúc mừng, tuy nhiên bản thảo này cũng sẽ coi như... quà tặng. Nghĩ bực dọc rằng hàng ngày nhìn thấy chữ nghĩa đã đủ sợ lắm rồi, giờ lại “quà tặng” bằng chữ, lại còn chữ “sến”, tôi lạnh nhạt bảo tối về sẽ đọc sau. Nhưng đọc được vài truyện, lập tức cảm thấy biết ơn người viết, và biết rằng đây đúng là một món quà, không chỉ cho tôi, mà cho tất cả độc giả yêu văn chương, và cho những ai đã từng yêu và đang có một mối tình trong đời.
1. Nghe Phạm Trung Tuyến nói tên cũ của tập truyện định lấy là “Thiền tình”, một nhan đề đầy mâu thuẫn. “Thiền” là tìm đến sự bình yên, thanh thản, nhẹ bẫng của tâm hồn, mà có “Tình” nào lại lặng sóng được bao giờ. Sau có lẽ để chiều ý độc giả mà “Sến” ra đời. Truyện nào trong tập cũng vậy, luôn có hai phần, phần dẫn chuyện và phần bình chuyện. Nhưng chẳng biết tác giả có nhận ra, phần đầu bao giờ cũng là “Thiền”, mà phần sau thì dậy sóng, dù người viết có thể chủ trương ngược lại. 45 câu chuyện là 45 ô rubik của tình yêu. Và chẳng thể ai đừng được một cơn nhói đau khi tìm ra đâu đó khuôn mặt mình mờ ảo sau những tầng lớp của chữ nghĩa. Viết về chữ “Yêu” mà chân thành, viết về chữ “Si” mà vẫn tỉnh, viết về chữ “Tình” mà không sến, triết lý về cái điều xưa cũ ấy mà không rỗng tuếch, cường điệu, thực khó vô cùng. Chuyện tình của Phạm Trung Tuyến tuy thế mà ly kỳ, mà hồi hộp. Nó được viết ra bởi một lối văn đẹp mang phong cách rất riêng của anh với những cái kết khiến người ta sững sờ. Sử dụng thể kiếm hiệp quen thuộc với lối giễu nhại thông minh và hài hước, những câu chuyện ngụ ngôn phảng phất chất triết lý tình yêu kiểu ngụ ngôn “Những câu chuyện thời tiền sử” của Alberto Moravia, Phạm Trung Tuyến khiến tôi bắt gặp lại anh ở tập sách “Những câu chuyện trong đêm” cách đây 8 năm. Văn Tuyến kiệm lời, thứ kiệm lời không phải sở trường của người Việt, bởi viết ngắn quá hoặc dài quá mà hấp dẫn được, tôi cho rằng khó vô cùng, có lẽ bởi thế mà các nhà văn trong nước luôn chọn thể loại có độ dài trung bình chăng. Kiệm lời mà vẫn khiến độc giả phải hồi hộp không biết câu chuyện sẽ dẫn mình đến đâu phải chăng cũng là một chiêu tuyệt đỉnh điêu luyện như “kiếm ý” trong truyện “Tín kiếm” vậy. Nhưng vì kiệm lời quá, mà nhiều lần tôi phải đọc đi đọc lại một truyện để tìm ra chân ý của nó. Và đọc xong, lần nào cũng vậy, buông bản thảo mà lặng đi một hồi ở những câu cuối cùng.

2. Có lẽ vì sở thích cá nhân chăng, mà tôi thích hơn cả cách thể hiện ở những câu chuyện ngụ ngôn của Phạm Trung Tuyến như “Chim mồi”, “Núi trắng”, “Cá sấu”, “Tội ác”... Ở “Chim mồi”, có lẽ cái cảm giác hy vọng, vị tha, bao dung và vớt vát luôn có ở bất cứ người nào khi yêu, nhưng rồi sự thực đôi khi vẫn nghiệt ngã, người ta chỉ nhận ra điều ấy khi tuổi đã hết tráng niên: “20 tuổi, tôi nghĩ con chim mồi sẽ tự cởi nút buộc, đánh thức con chim mái rồi cùng bay đi.”/ “30 tuổi, tôi nghĩ rằng con chim mồi sẽ cắn lưỡi vì ân hận.”/ “40 tuổi, tôi nghĩ con chim mồi sẽ lặng lẽ quay đi và thì thầm: Xin lỗi, anh chỉ là một con chim mồi”.

“Cá sấu” lại là một câu chuyện khác về thái cực phổ biến của tình yêu: “Thử thách tình cảm của nhau luôn là việc chán chường nhất trong cuộc đời này. Bởi, khi đã nghi ngờ tình cảm của người khác, cuối cùng rồi ta cũng sẽ chứng minh được rằng mình đã đúng. Đó cũng là lúc ta hủy diệt xong trái tim mình”. Và ở “Tội ác”, có thể sẽ không chỉ một vài độc giả rùng mình khi đọc đến khi tận cuối “Chỉ vì cô đơn mà yêu một ai đó, như thế là tội ác!”. Nhưng câu chuyện mà tôi thấy thú vị nhất trong tập truyện vẫn là “Núi trắng”. Chỉ là chuyện của Quạ và Đại bàng thôi, về sự khôn ngoan và dại dột, về sự bình yên của thảo nguyên và sự thách thức đầy bí ẩn, cám dỗ và nguy hiểm của ngọn núi trắng. Đây không đơn thuần là một câu chuyện về tình yêu, và sự cám dỗ. Đó còn là lòng đam mê và dấn thân theo những lý tưởng, đối lập với tư duy an toàn và Sống mòn của đại đa số người. Và cái thứ bi kịch “người” khổ sở nhất chính là khi người ta có đam mê mà lại chọn cho mình một con đường an toàn. Đấy là khi người ta sẽ trải dài cuộc sống của mình bằng sự khao khát đầy dằn vặt và tiếc nuối đến tận trước khi chết. “Chỉ một mình Đại Bàng là còn nhớ đến Quạ. Chiều chiều, nó đứng trên vách núi nhìn về phía tây”.
Và tác giả đôi khi minh triết đến tinh quái khi ở “Bên khe núi”, anh kết luận: “Số phận của con hổ là gặp ba chú tiểu. Nó sẽ may mắn hơn nếu chỉ gặp một chú!”.
Nhà thơ Hữu Việt cũng đồng quan điểm như thế: “Phạm Trung Tuyến đã cho chúng ta nghe những câu chuyện cũ mà mới, quen mà hoá lạ..., ấy là nhờ cái tài của người kể. Thủ pháp và kết cấu từng truyện được lặp lại một cách cố tình như những công án thời hiện đại khiến người đọc vừa khoan khoái thú vị, vừa ngẫm ngợi sâu xa..., ấy là bởi cái duyên của người kể. Cho dù đó là chuyện ngụ ngôn hay tân cổ tích thì cuối cùng vẫn để bàn đến một chữ tình. Mà tình là gì lại khiến ta xao xuyến, rạo rực, day dứt, nhớ nhung, khắc khoải, tự vấn khôn nguôi mãi thế? Phải chăng nó chưa bao giờ ra ngoài cái tôi bản thể nhưng vì lẽ nào đó trong cuộc sống xô bồ vội vã chúng ta đã vô tình coi nhẹ, hoặc tự tôn, ích kỷ hoặc uỷ mị, u mê”.
Công bằng mà nói, không phải tất cả các truyện trong tập “Thiền tình” đều xuất sắc như nhau, nhưng có cùng âm hưởng tuyệt đẹp, và khi kết vào nhau, chúng tạo nên một dàn bè cao, trầm mà không lạc điệu, để cùng kiến tạo một bản hòa phối vĩnh cửu của cuộc sống: Tình yêu - Đam mê - Cám dỗ - Day dứt - Nuối tiếc - và cả những thanh âm hoang hoải của nỗi Cô đơn.
Di Li
TIN LIÊN QUAN

Chuyện tình xuyên thế kỷ qua những bức thư tay của nhà văn Vũ Tú Nam

Bích Hà |

Sau gần 70 năm gắn bó, chia sẻ ngọt bùi, ở tuổi 88, vợ chồng nhà văn Tú Nam và Thanh Hương lần đầu trao nhau nhẫn cưới, bởi “ngày xưa thành hôn với nhau trong thời kỳ gian khổ còn không có chiếc nhẫn cưới để trao nhau”. Họ bây giờ - lúc nhớ lúc quên, mắt đã mờ, chân chậm, nhưng vẫn tràn đầy tình yêu sau bao năm trao đổi những lá thư đầu.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: “Vẫn phải sống thể tất cho nhau chứ!”

Nguyên Lê |

Một thời, lợn “giải cứu” người, nông thôn “giải cứu” thành thị..., còn vừa qua thì “giải cứu lợn” lại trở thành một “từ khóa”, là tiếng kêu cứu của nông thôn với thành thị... - Một liên tưởng thú vị từ “Chuyện ngõ nghèo” (hay cũng có thể gọi vui là “Bách khoa lợn”, “Nhật ký lợn”...) – cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn “lão làng” Nguyễn Xuân Khánh.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Chuyện tình xuyên thế kỷ qua những bức thư tay của nhà văn Vũ Tú Nam

Bích Hà |

Sau gần 70 năm gắn bó, chia sẻ ngọt bùi, ở tuổi 88, vợ chồng nhà văn Tú Nam và Thanh Hương lần đầu trao nhau nhẫn cưới, bởi “ngày xưa thành hôn với nhau trong thời kỳ gian khổ còn không có chiếc nhẫn cưới để trao nhau”. Họ bây giờ - lúc nhớ lúc quên, mắt đã mờ, chân chậm, nhưng vẫn tràn đầy tình yêu sau bao năm trao đổi những lá thư đầu.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: “Vẫn phải sống thể tất cho nhau chứ!”

Nguyên Lê |

Một thời, lợn “giải cứu” người, nông thôn “giải cứu” thành thị..., còn vừa qua thì “giải cứu lợn” lại trở thành một “từ khóa”, là tiếng kêu cứu của nông thôn với thành thị... - Một liên tưởng thú vị từ “Chuyện ngõ nghèo” (hay cũng có thể gọi vui là “Bách khoa lợn”, “Nhật ký lợn”...) – cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn “lão làng” Nguyễn Xuân Khánh.