Sạt lở bủa vây - nhớ về 3 “ông tam công” mở đất

Hoàng Văn Minh |

Sách giáo khoa địa lý phổ thông bây giờ vẫn còn ghi: Mỗi năm vùng ĐBSCL, đặc biệt là Mũi Cà Mau, lấn ra biển khoảng trên 100m. Tuy nhiên đó đã là chuyện cũ. Bởi từ cuối thập niên của năm 2000 đến nay, triều cường kèm theo sóng lớn thường xuyên đã tạo ra thực tế kinh hoàng ngược lại: Mỗi năm vùng Mũi Cà Mau bị cuốn trôi trung bình 5-8 km bờ biển, kéo theo đó là hàng trăm ha đất mỗi năm bị biển “nuốt trôi”. Mà đâu chỉ mỗi biển Cà Mau, sạt lở đang bủa vây cả vùng đồng bằng từ biển đến sông...
Vàm Nao sông dữ
Đôi khi trí tưởng tượng của con người bất lực trước thực tế cuộc sống. Đó là khi tôi xem đoạn clip người dân quay cảnh những ngôi nhà cao tầng chỉ trong chớp mắt đã trở thành một đống gạch vụn rồi mất hút dưới lòng nước. Theo kiểu ai đó cầm móng nhà kéo xuống trong vụ sạt lở bờ sông Vàm Nao, đoạn chảy qua ấp Mỹ Hội (xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) ngày 22.4. Vụ sạt lở với chiều dài 70m, làm 14 căn nhà và 2 nền nhà (chưa xây nhà) rơi xuống sông.
Tôi đã xem đi xem lại nhiều lần nhưng vẫn không tin vào những gì mình thấy, không hình dung được những gì đang xảy ra. Gần 20 ngày sau vụ sạt lở, tôi có mặt tại ấp Mỹ Hội và những người dân chứng kiến chuyện hôm đó vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông Trần Văn Bi - người có hai căn nhà bị nhấn chìm xuống sông gây thiệt hại hơn 5 tỉ đến hôm đó cũng ngơ ngác như người mất hồn bởi không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình.
“Chắc chắn là ông Năm Chèo trở mình”, ông Tuấn - một trong những người chứng kiến nói với tâm trạng sợ hãi. Mỗi khi thực tế vượt quá sức tưởng tượng thì cách thuyết phục nhất là “đổ thừa” cho thần thánh. Và “ông Năm Chèo”, là ông Tuấn đang nhắc đến truyền thuyết về một con cá sấu khổng lồ 5 chân đang ẩn nấp dưới lòng sông Vàm Nào từ mấy trăm năm trước được lưu truyền trong dân gian. Bây giờ trời đẹp hay ngứa ngáy gì đấy, “ông Năm Chèo” trở mình, thế là 14 căn nhà cùng một đoạn đất bờ sông biến mất trong cái chớp mắt!
Sạt lở ở sông Vàm Nao (An Giang) vẫn chưa dừng lại. Ảnh: Trần Lưu

Không biết chuyện “ông Năm Chèo” trở mình thực hư thế nào. Nhưng Vàm Nao sông dữ là chuyện đã được lịch sử xác tín khi là nơi nước xoáy cuộn vòng cầu, đánh đắm rất nhiều thương thuyền qua đây nên từ năm 1700 đã được Nguyễn Hữu Cảnh đặt tên là “Thuận Vàm” với mong muốn tai nạn giảm thiểu. Vàm Nao còn là sông sâu, cá dữ trầm mình dưới đó vô số nên từ thời Thoại Ngọc Hầu đào kênh Vĩnh Tế phân chia biên giới Việt Nam - Campuchia dài hơn 100km ở vùng “Châu Đốc tân cương”, bắt đầu từ năm 1819, đã có hàng ngàn sưu dân đào kênh chịu không nổi khổ cực bỏ trốn qua sông đã làm mồi hết cho cá dữ. Để rồi sau gần 200 năm, Vàm Nao vẫn là sông dữ với trận “trở mình” ngày 22.4 khi mép sạt lở đã ăn sâu vào đường liên xã khoảng 2m, làm cắt đứt tuyến đường giao thông từ xã Mỹ Hội Đông đi Nhơn Mỹ.

Hiện khu vực này tiếp tục có dấu hiệu rạn nứt ăn sâu vào khoảng 1,5m; dài 8m, làm ảnh hưởng đến 11 căn nhà. Chưa hết, theo kết quả khảo sát của Trung tâm quan trắc, Sở TN-MT tỉnh An Giang, khu vực đang xảy ra sạt lở đã xuất hiện hố xoáy dài 380m, ngang 120m, sâu (âm) 42m nên nguy cơ sạt lở vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Vàm Nao không phải là địa chỉ cá biệt mà chỉ là một trong số hơn 40 điểm sạt lở nghiêm trọng đã được xác định ở khắp các huyện tiếp giáp sông Tiền, sông Hậu. Còn tại Đồng Tháp bên cạnh, địa phương này có 34 điểm sạt lở bờ sông nằm rải rác khắp 9/12 huyện thị trong tỉnh với tổng chiều dài trên 5,5 km. Các địa phương khác như thành phố Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang... đều có hàng chục điểm nóng sạt lở trong nội thủy. Hệ quả mất đất từ sạt lở không chỉ là những ngôi nhà bị “nuốt chửng” vào dòng nước xoáy, mà một số cồn đất màu mỡ trên sông Hậu cũng đã trở thành ký ức trước cơn xâm thực. Điển hình nhất là cồn Cả Đôi được phù sa sông Hậu bồi đắp mà thành với chiều dài trên 4km và rộng trên 20ha. Nhưng từ những năm 1990, diện tích cồn mau chóng thu hẹp còn 6ha và đến nay, cồn Cả Đôi hoàn toàn biến mất.
Nhìn đâu cũng thấy sạt lở
“Mũi Cà Mau nói riêng và vùng Bán đảo Cà Mau nói chung sẽ mất đến 56% diện tích đất trong vòng 80-90 năm nữa nếu tình hình sạt lở như hiện nay không được cải thiện” - các chuyên gia Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đã cảnh báo như vậy tại một thảo về phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cách đây nhiều năm. “80 - 90 năm nữa là con số của tương lai, của đời ai đó” - tôi từng ơ thờ nghĩ thế cho đến khi trở lại mũi Cà Mau mới đây và giật mình với những tan hoang trước mắt. Thay cho những tiếng “thì thầm” của “đất nở” là những âm thanh gào rú ghê rợn của những trận sóng như cuồng phong của biển Tây ập vào những bờ đê lở lói, ăn mòn vào đất liền như những biến chứng của bệnh nhân tiểu đường.
“Mắm trước, đước sau, tràm theo sát/Sau hàng dừa nước mái nhà ai”. Cha ông ta có ơn đức mở cõi về Nam nhưng công trạng mở đất “mỗi năm lấn ra biển khoảng trên 100m” như trong sách giáo khoa ghi lại là của những “ông mắm”, “ông đước”, “ông tràm”. Ba “ông này” được người dân Nam Bộ đề cao như ba “ông tam công” làm nhiệm vụ mở đất (những hạt mắm), giữ đất (những cây đước theo sau cây mắm) và thuần hóa đất (những cây tràm).
Bây giờ thì trên bán đảo Cà Mau, ba “ông tam công” vẫn làm nhiệm vụ mở đất, giữ đất và thuần hóa đất như xưa. Có thể các “ông” còn sống đâu đó với phần việc của mình, nhưng vẫn chỉ là hạt muối bỏ biển so với tốc độ sạt lở và mất đất. Thống kê mới nhất của Sở NN-PTNT Cà Mau, toàn tỉnh hiện có khoảng 150 km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng. Khoảng 450ha đất, rừng phòng hộ bị cuốn về biển mỗi năm. Hiện có nhiều đoạn sạt lở vào sát chân của đê biển, đe dọa đến 100.000ha đất nuôi trồng thủy sản của trên 260.000 hộ dân. Riêng rừng phòng hộ của tỉnh, nếu tính từ năm 1999 đến nay đã mất trên 5.000 ha và đáng nói là số này hiện không có cơ hội phục hồi.
Tại Kiên Giang, tuyến đê biển dài hơn 200km từ Mũi Nai (thị xã Hà Tiên) đến Tiều Dừa (huyện An Minh) nhiều đoạn cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng, với tổng chiều dài gần 40km, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống hàng trăm hộ dân ở các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên và An Minh. Tại các tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng... sạt lở mỗi ngày thêm nghiêm trọng. Ở 2 xã ven biển của thị xã Duyên Hải (Trà Vinh) là Hiệp Thạnh và Trường Long Hòa, hàng chục héc ta rừng dương phòng hộ 20 năm tuổi đã bị sóng biển đánh bật gốc, đe dọa đất sản xuất của người dân. Tại Bạc Liêu, nơi có hơn 56km chiều dài bờ biển, nhiều đoạn đê kè ven biển đã và đang bị xói lở... thường ngày với tổng chiều dài khoảng 15km thuộc các xã Vĩnh Trạch Đông, Hiệp Thành, phường Nhà Mát (Bạc Liêu) và thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải).
Chỉ hơn tháng qua, đê kè Gành Hào (huyện Đông Hải) sạt lở cả chục lần. Nước biển dâng cao, cùng với sóng to gió lớn đã đánh sập nhiều đoạn đê kè, với tổng chiều dài 94m, diện tích sạt lở 940m2, hành lang sau đê kè bị sụp 393m2; đỉnh kè bị gãy hoàn toàn với chiều dài 47m, gây nguy cơ vỡ đê kè rất cao. Sóng lớn tràn qua thân kè Gành Hào gây ngập úng, làm thiệt hại lớn đến tài sản, tính mạng của hơn 1.000 hộ dân. “Mỗi khi thủy triều đột ngột dâng cao bất thường, đê kè Gành Hào thường bị sóng đánh phủ rất cao từ 2 - 3m, nước biển tràn vào khu dân cư làm ngập nhà cửa, trường học... Cứ đà này không sớm thì muộn, người dân chúng tôi cũng sẽ chung số phận như ở dưới sông Vàm Nao”, ông Tư Hậu - người dân sống gần đê Gành Hào lo lắng.
Chưa hết, hệ thống đê kè ven biển thuộc phường Nhà Mát (Bạc Liêu) thường xuyên bị sóng biển đánh gây hư hỏng, gãy dài hàng chục mét. Sạt lở đã làm 2 mố cầu Chiên Túp 1, thuộc xã Vĩnh Trạch Đông (Bạc Liêu) bị sụp lún nghiêm trọng, xe cộ không thể lưu thông được. Gần nhất, trong hai ngày 30 và 31.5, sạt lở đã nhấn chìm 5 căn nhà ở khu vực chợ Thanh Tùng (huyện Đầm Dơi) và 16 căn nhà ở thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) bị sụt lún, chìm xuống nước, gây thiệt hại hơn 1,2 tỉ đồng…
Tính đến thời điểm này, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tới 393 điểm sạt lở cả bờ sông và bờ biển, với tổng chiều dài trên 581km, khiến hàng ngàn ha đất bị mất mỗi năm, đe dọa cuộc sống của hàng vạn hộ dân, trong đó nặng nề nhất là vùng bán đảo Cà Mau. 393 điểm sạt lở sẽ là 393 vết thương hoại tử ăn mòn vào bản đồ hình chữ S và chắc chắn phải cần rất nhiều nỗ lực trước sự biến đổi của tự nhiên này. Nếu không, đời sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, biến mất trong chớp mắt như clip sạt lở sông Vàm Nao đầy ám ảnh...
Hoàng Văn Minh
TIN LIÊN QUAN

Hậu sạt lở ở An Giang: Hàng trăm hộ dân “ăn nhờ ở đậu” vì... thiếu cát

TRẦN LƯU |

Từ sau vụ người dân Cù Lao Giêng phản ứng dự án thông luồng, đến nay, tỉnh An Giang vẫn đau đầu trong việc tìm nguồn cát xây dựng khu tái định cư cho hơn 100 hộ dân bị ảnh hưởng trong vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên sông Vàm Nao vừa qua. Theo đó, hàng trăm hộ dân vẫn phải sống trong cảnh lay lắt, tạm bợ do khu tái định cư chưa thể hoàn thành…

Hối hả vét cát sông Tiền giữa hai bờ sạt lở

Trà Sư |

Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi thực hiện chuyến điền dã về Biển Hồ (Vương quốc Campuchia) bằng đường thủy và tận mắt chứng kiến cảnh tượng hãi hùng: Hàng chục phương tiện hối hả hút cát trong bối cảnh 2 bên bờ chi chít những biển báo sạt lở.

Nhiều người trên thế giới tin tưởng sẽ giàu có hơn sau lạm phát

Quý An (theo Reuters) |

Có 2/5 số người được hỏi tin rằng họ sẽ giàu có hơn trong tương lai, trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát.

Các nhà vườn miền Tây tất bật vận chuyển hoa ra chợ bán Tết

YẾN PHƯƠNG |

Tại một số vườn hoa Tếtmiền Tây, vào thời điểm này, các nhà vườn đang tất bật với việc xuất hoa bán cho thương lái, hoặc vất vả vận chuyển từng chậu hoa từ vườn ra chợ để bán Tết.

Cận Tết tôm, cua Cà Mau nắm tay tăng giá chóng mặt vẫn không đủ hàng để bán

NHẬT HỒ |

Cà Mau - Giá một kg tôm đất khô đã lên đến 1,7 triệu đồng. Không thua kém tôm đất khô, cua gạch Cà Mau cũng có giá lên đến 1,2 triệu đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây và không đủ hàng để bán.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hậu sạt lở ở An Giang: Hàng trăm hộ dân “ăn nhờ ở đậu” vì... thiếu cát

TRẦN LƯU |

Từ sau vụ người dân Cù Lao Giêng phản ứng dự án thông luồng, đến nay, tỉnh An Giang vẫn đau đầu trong việc tìm nguồn cát xây dựng khu tái định cư cho hơn 100 hộ dân bị ảnh hưởng trong vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên sông Vàm Nao vừa qua. Theo đó, hàng trăm hộ dân vẫn phải sống trong cảnh lay lắt, tạm bợ do khu tái định cư chưa thể hoàn thành…

Hối hả vét cát sông Tiền giữa hai bờ sạt lở

Trà Sư |

Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi thực hiện chuyến điền dã về Biển Hồ (Vương quốc Campuchia) bằng đường thủy và tận mắt chứng kiến cảnh tượng hãi hùng: Hàng chục phương tiện hối hả hút cát trong bối cảnh 2 bên bờ chi chít những biển báo sạt lở.