Văn hóa - Xã hội

Rằm tháng bảy

NSND ĐÀO TRỌNG KHÁNH |

Rằm tháng Bảy hay Tết Trung nguyên là một trong những ngày lễ mang màu sắc truyền thống lâu đời, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, còn tồn tại trong các gia đình Việt Nam, mặc dù ngày nay việc tổ chức đã khác xưa nhiều lắm.

Từ xưa người ta còn gọi rằm tháng Bảy là Lễ Vu Lan - ngày lễ tưởng nhớ Cha Mẹ, bắt nguồn từ truyền thuyết nhà Phật - chuyện ngài Mục Liên, một vị tôn giả tu hành xuống địa ngục tìm mẹ, theo lời Phật dạy, sám hối những nghiệp ác, giúp mẹ thoát khỏi những khổ báo, lên được cung trời. Từ đó về sau, các Phật tử thành tâm sám hối, cử hành Lễ Vu Lan rằm tháng Bảy, cứu rỗi các vong nhân cầu thoát khỏi địa ngục tăm tối. Sự tích hay nguồn gốc rằm tháng Bảy là vậy. Còn trong đời sống tinh thần của người Việt, điều linh thiêng là vào ngày đó, dường như người ta cảm nhận có một cái cầu vô hình được bắc giữa hai bờ của thế giới Âm Dương theo quan niệm cổ, gặp gỡ, cảm thông tự tấm lòng thành, giữa người sống và người chết, dù ít nhiều còn mang màu sắc dị đoan nhưng cũng thể hiện được tinh thần nhân văn theo tục lệ cổ truyền của cha ông xưa.

Một điều quý hóa, trân trọng ở Tết Trung nguyên - rằm tháng Bảy là tục lệ cúng các vong linh không nơi nương tựa còn gọi là các cô hồn của ông bà ta ở các làng xã. Thường làng xã nào xưa kia đều có lập một miếu thờ ở đầu làng gọi là miếu cô hồn để hương khói cho người chết đường chết chợ, chết vì chinh chiến trận mạc, những vong hồn lang thang không nơi nương tựa, không người cúng giỗ. Những miếu thờ này hiện nay ở Huế có nhiều. Miếu thờ trang trọng, ghi nhớ những vong hồn đã qua đời từ khi kinh thành thất thủ từ những thế kỷ trước.

Làng tôi thường cúng cô hồn vào buổi chiều ngay ở sân đình, đồ lễ được bày ra nào hoa quả, bỏng gạo, cơm nắm, vàng mã, đặc biệt là cháo hoa. Trên đường từ sân đình ra cánh đồng, những bồ đài làm bằng lá mít được cắm rải rác, phất phơ trên những que tre. Người ta đổ cháo hoa vào đó để gọi các cô hồn về ăn. Trong tiếng trống thi thoảng lại ngân lên đều đều, trong khói hương phảng phất dưới ánh chiều đang tắt dần như nhìn thấy trên các ngả đường mòn từ cánh đồng, bến sông, từ những dãy núi xa ngoài chân đê những vong hồn lũ lượt kéo về húp cháo trong những chiếc bồ đài lá mít…

Việc mỗi năm lo cho được một bữa cỗ cúng cho những người chết không nơi nương tựa gieo vào lòng những đứa trẻ thơ ở trong làng một niềm cảm thông sâu sắc với số phận mỗi con người, bắt nguồn từ lòng nhân ái, cưu mang, đùm bọc lẫn nhau cả người sống lẫn người chết, truyền từ đời này sang đời khác, không bao giờ dứt, hình thành bản tính hiền lành nhân hậu của người Việt từ nghìn xưa.

Vào ngày rằm tháng Bảy hàng năm, ở các xóm làng xưa, ngoài việc cúng giỗ những người đã khuất, còn có tục biếu cỗ người đang sống. Dù nghèo hay giàu, nhà nào cũng cố sửa soạn được một mâm cỗ. Cỗ biếu thường là của con gái đã đi lấy chồng, biếu bố mẹ đẻ, con nuôi biếu bố mẹ nuôi, con cái đã ra ở riêng biếu bố mẹ đẻ của mình. Thường ngày, rằm tháng Bảy năm nào cũng vậy, quãng buổi trưa, đường làng tíu tít người qua lại chuyện trò, hỏi han nhau sức khỏe các cụ ông, cụ bà. Người ta đặt cỗ vào mẹt, vào mâm đồng, đội lên đầu mang đi biếu, dù ít, dù nhiều, tùy theo gia cảnh nhưng là bày tỏ lòng hiếu thảo và ơn sinh thành đối với bố mẹ. Ngày nay ở thành thị, người có điều kiện, rằm tháng Bảy - Lễ Vu Lan, làm cỗ cúng trên chùa, cầu phúc cho cha mẹ. Cỗ biếu cho người sống và cỗ cúng cho người chết trở thành một tục lễ đẹp, đáng ghi nhớ của cả cộng đồng, cần bằng được cả hai cõi Âm Dương, đời sống và tâm linh con người.

Các cụ đời trước ở quê ra tỉnh lập nghiệp đã mấy đời, gia đình nền nếp, vẫn giữ tục lệ nhưng không còn được như cũ. Tôi có người cô chết trẻ. Ngày giỗ cô, năm nào bà nội tôi cũng làm mâm cơm cúng. Tuy vậy, vào rằm tháng Bảy, bà vẫn cúng cháo ở cửa ngõ nhà tôi. Bà bảo: Cúng cho cô mày và bạn bè về ăn. Cúng cháo xong, bà tôi đốt đồ mã cho những người thân đã mất. Đồ mã hồi đó chỉ là quần áo, giày dép, mũ nón, vàng tiền. Bà gửi khăn xếp, áo the cho ông, còn cô được gửi áo tứ thân, khăn mỏ quạ. Ai cũng tin rằng, trong ngày rằm tháng Bảy - gọi là ngày xá tội vong nhân này, các vong hồn bị đọa đầy nơi địa ngục đều được ăn no, mặc đẹp, được tự do trở về với người thân, thăm nhà cửa quê hương bản quán. Tục lệ là như vậy, hư thực không nghĩ ngợi nhiều, làm yên lòng người sống, tình thân ái con người đằm thắm, gần gũi hơn, Âm Dương là một, tưởng như không cách biệt.

Thời xưa ở thành thị cũng còn giữ tục lệ này. Đêm rằm tháng Bảy ở các phố, nhất là các phố cổ, nhà nhà đều bầy mâm cỗ cúng vong ở trước cửa, hương khói đèn nến lập lòe như sao xa. Người đi xem phá cỗ nhộn nhịp, cảnh tượng hồn hậu, no ấm, thanh bình. Ngẫm lại, quả có tốn kém một tí, nhưng không khí ấy, ước có tiền vạn cũng không dễ mua được.

Nghề làm hàng mã là nghề cổ truyền lâu đời. Nhiều gia đình cha truyền con nối. Có nhiều người có bàn tay vàng làm đồ cúng tế, làm voi ngựa, hình nhân, làm hia, mão đẹp long lanh hơn cả đồ thật. Phú quý sinh lễ nghĩa, giàu có sắm nhiều vàng mã, voi ngựa, con hầu, đầy tớ nhà cửa, áo quần bằng giấy chất cao như núi rồi đem đốt đi. Thật là lãng phí. Nhà Phật cũng phản đối cho là u mê, không thức tỉnh. Tục lệ này ở thôn quê nay hầu như không còn nữa. Thật là may mắn, tiến bộ. Những Làng văn hóa được nhân rộng ra ngày càng nhiều trong cả nước, nhờ công sức tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa của toàn xã hội.

Trò chuyện với các cụ am hiểu văn chương Hán - Nôm nhân ngày rằm tháng Bảy, đọc lại Văn tế thập loại chúng sinh của thi hào Nguyễn Du mới thấy tấm lòng nhân hậu của cha ông đối với con người, với người sống, người chết thật là sâu sắc. "Tiết Tháng Bảy mưa dầm sùi sụt/ Toát hơi may lạnh lẽo sương khô/ Não nùng thay buổi chiều thu…".

Tháng Bảy mưa dầm buồn quá! Xương khô nơi nào cũng đều lạnh buốt cả. Tình người cảm thông làm cho vong linh nổi trôi, phiêu dạt, đoàn tụ lại, làm ấm lòng người sống. Đây là ý nghĩa cao cả của tình người, của lòng nhân hậu. “Có lòng nhân hậu mới ra con người” (Quốc văn giáo khoa thư). Có điều đang buồn là những năm cuối của thế kỷ XX trở lại đây, nhiều tập tục thiêng liêng đầy tính nhân văn đang càng bị mai một đi. Ở thành thị người ta đua nhau đốt vàng mã cho người chết, không chỉ vào ngày rằm chính mà hầu hết các ngày rằm, mồng Một hàng tháng. Bởi thế, công nghệ sản xuất đồ mã đã phát triển hơn lúc nào hết. Đốt mã ngày nay không giống như ngày xưa, nghi thức giản dị, mà bây giờ người ta đốt vàng mã như để "hối lộ" cho thần thánh, ma quỷ, mong các thế lực dưới Âm đem đến cho họ tiền bạc và quyền chức. Đồ mã ngày nay cũng khác xưa, nào ôtô mã, xe máy, biệt thự, đôla mã và cả ôsin mã. Một cuộc sống thực dụng mang màu sắc dị đoan, vật chất đang từng ngày lấn át địa hạt văn hóa của đời sống tâm linh, dường như đang phá tan những nhịp cầu vô hình nối giữa người sống với ký ức của những người thân đã chết. Nhận thức sai lầm dẫn đến hủ tục làm băng hoại tinh thần văn hóa như vậy nhất định là phải loại bỏ. Còn Tết Trung nguyên - rằm tháng Bảy, Lễ Vu Lan là một nét đẹp tinh thần truyền thống của cha ông xưa, biết bao cha mẹ sinh thành tưởng nhớ không quên những người đã khuất, những người không nơi nương tựa, trong thời đại vật chất này nên được gìn giữ tôn vinh. Ký ức và lòng nhân ái đối với quá khứ chính là đạo lý của hiện tại và tương lai của mỗi dân tộc!

 

 

NSND ĐÀO TRỌNG KHÁNH
TIN LIÊN QUAN

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê ăn Tết, có chặng xe về miền Tây hết vé

Chân Phúc |

Lượng khách tăng đột biến tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) trong sáng ngày 19.1. Một số chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã rơi vào tình trạng hết vé.

Interactive: Bạn có hiểu đúng về cách bày mâm ngũ quả 3 miền?

Nhóm PV |

Bày mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Tùy theo vùng miền, mâm ngũ quả lại được bài trí với nhiều loại quả khác nhau. Vậy mâm ngũ quả mỗi miền gồm những quả gì và ý nghĩa của nó là gì, cách chưng ra sao? Tham gia chương trình truyền hình tương tác của Báo Lao Động bằng cách theo dõi câu hỏi, bấm vào phương án trả lời mà bạn cho là đúng ngay trên màn hình video tương tác dưới đây.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài: Luôn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà

Vương Trần |

Tết Nguyên đán Quý Mão đến nhưng ở nơi xa xứ, nhiều lao động Việt Nam vẫn đang ngược xuôi, mưu sinh với công việc. Xa quê, nơi xứ người, nhiều lao động không khỏi bồi hồi, nhớ hương vị Tết quê.

Những người lính canh giữ mùa xuân biển cả

Tạ Quang |

Kiên Giang - Trong những ngày Tết, khi người dân được vui vầy sum họp bên gia đình thì những cán bộ, chiến sĩ, tàu cảnh sát biển 9003, Hải đội 401-Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4, lại lên đường làm nhiệm vụ trực Tết trên biển, vì nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Người Việt chi hàng trăm triệu đồng nuôi mèo quý tộc

ANH HUY |

Mặc dù có giá lên tới hàng trăm triệu đồng song những con mèo quý tộc có nguồn gốc từ Châu Âu vẫn được giới sành chơi Việt săn đón, đặc biệt là trong năm Quý Mão 2023.

Những sự kiện thể thao trong nước và quốc tế nổi bật trong năm 2023

TAM NGUYÊN |

Thể thao Việt Nam và thế giới sẽ tiếp tục có một năm sôi động với nhiều sự kiện đáng chú ý…