Nông dân giữ màu xanh giữa dòng sông Hậu

Phong Linh |

Người chủ trương phân loại, thu gom vỏ chai nhựa làm thuyền; người giữ vỏ trái cây để làm phân hữu cơ; người chung tay trồng cây xanh tạo không khí trong lành... đó là cách mà nông dân tại Hợp tác xã (HTX) du lịch nông nghiệp Cồn Sơn, TP Cần Thơ đang thực hiện để giữ màu xanh cho quê hương.

Nặng tình với dòng sông

Những ngày cuối năm 2023, chúng tôi có dịp theo chân anh Bùi Công Thuận, hướng dẫn viên tại HTX du lịch nông nghiệp Cồn Sơn để trải nghiệm, thưởng ngoạn và hiểu rõ hơn cách làm du lịch xanh của bà con. Dòng sông Hậu hiền hòa ôm ấp chúng tôi đến với xứ Cồn ngọt ngào và nam hướng dẫn viên người miền Tây cũng có giọng nói lắm đỗi thân thương.

Trước khi đến với đất Cồn “chính hiệu”, tàu của anh Thuận đưa chúng tôi rẽ thăm bè cá Bảy Bon - mô hình nuôi cá lồng bè kết hợp đón khách tham quan của gia đình lão nông Lý Văn Bon (64 tuổi). Sau khi đã mắt chiêm ngưỡng đủ loại cá hiếm, chúng tôi gặp trực tiếp người đàn ông được mệnh danh là nặng tình sông Hậu. Lão tâm tư, để bảo tồn cá đã vận dụng nhiều kỹ thuật, từ nuôi trong thùng chứa oxy tự thiết kế đến kiểm tra độ pH và dH trong phạm vi thích hợp, sau đó mới dám thả ra lồng bè. Đến nay, ông nuôi thành công nhiều loài cá và giới thiệu rộng rãi đến khách du lịch trong và ngoài nước.

"Với nhà tôi, việc mở cửa cho du khách tham quan có nhiều ý nghĩa, vừa giúp quảng bá những loài cá quý vừa để người ta biết đến Cồn Sơn, nhưng quan trọng là tôi mong muốn truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước đến mọi người, đó là cách mà tôi giữ màu xanh cho dòng sông Hậu" - ông Bon nói thêm.

Đáng chú ý, hồi tháng 6.2022, ông Bảy Bon đã cùng bà con đất Cồn Sơn, các hướng dẫn viên du lịch tiến hành thu gom, phân loại rác thải nhựa, nổi bật là hoạt động kết thuyền bằng 2.500 chai nhựa để “làm đẹp” môi trường, thực hiện theo mô hình “Người dân cồn Sơn nói không với rác thải nhựa”. Bạn Nguyễn Thị Thu Thảo (du khách từ Quảng Nam) bày tỏ: “Mô hình có ý nghĩa tạo môi trường sạch sẽ, cảnh quan đẹp mắt. Hơn nữa, du khách khi sử dụng chai nhựa cũng ý thức hơn, bỏ đúng nơi quy định”.

Bất ngờ khi người đồng hành cùng chúng tôi cũng là thành viên trực tiếp kết thuyền nhựa này. Anh Thuận nói: “Có gian nan nhưng ai nấy cũng vui và thấy có ý nghĩa. Khi du khách sờ vào chiếc thuyền này, mọi người sẽ hiểu tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, từ đó để rác đúng nơi quy định. Vừa qua, bà con Cồn Sơn cũng tiếp tục trồng khoảng 1.000 cây tràm trên khu vực đất nổi giữa dòng sông Hậu nhằm giữ đất và bảo tồn đất”.

Màu xanh mướt của nhà vườn trồng nhãn trên Cồn Sơn. Ảnh: Phong Linh
Màu xanh mướt của nhà vườn trồng nhãn trên Cồn Sơn. Ảnh: Phong Linh

Làm sạch môi trường... không khó

Rời bè cá, anh Thuận tiếp tục đưa chúng tôi đến thăm các nhà vườn trái cây nằm giữa “hòn ngọc” miền Tây. Trong vô số kiến thức về đất và người Cồn Sơn, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với cách mà người nông dân thu gom vỏ trái cây để làm phân hữu cơ. Điển hình như nhà vườn vú sữa của chị Nguyễn Thị Ngọc Mai - người dành cả đời gắn mình với cây trái.

Chị Mai cho biết, để cho ra những trái vú sữa thơm ngon, ngọt thanh phục vụ du khách có sự góp sức không nhỏ của phân hữu cơ từ vỏ cây, lá cây. “Ở đây, rác được chúng tôi xử lý rất kỹ. Đối với bọc nilon, đồ nhựa, chúng tôi sẽ tái sử dụng nhằm hạn chế thải rác ra môi trường; rác hữu cơ như rễ rau, vỏ lá, vỏ cây... sẽ được phân khu ủ trong vườn làm phân, bón lại cho cây trái tốt tươi” - chị Mai chia sẻ bí quyết.

Men theo lối dẫn đường mòn dưới vườn vú sữa và qua thêm nhịp cầu tre, chúng tôi tiếp tục sang nhà vườn Thành Tâm để tận xem “vũ công” cá lóc bay và cá lóc bú bình. Khi du khách vẫn còn thưởng thức ổi nhà trồng trong thời gian chờ cá biểu diễn, tôi được dịp ngồi trò chuyện với ông Nguyễn Thành Tâm - chủ nhà vườn này.

Nông dân đã ngoài 50 tuổi chậm rãi kể: “Từ lâu, con cá, chiếc lá, mảnh vườn đã trở thành bạn của tôi, rồi hồi nào không hay, mình cũng muốn môi trường sống phải xanh-sạch-đẹp như cách mà sông Hậu ưu đãi cho chúng tôi. Vì thế, khi làm du lịch, chúng tôi luôn đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu, đồng thời nhắc nhở du khách để rác đúng nơi, đúng chỗ, y như cách mà người Cồn Sơn yêu thiên nhiên.

Tôi cho rằng du lịch xanh đang trở thành xu thế, người ta thích không khí trong lành để thư giãn và tái tạo năng lượng. Hiểu được tâm lý đó, tôi và bà con sẽ trồng thêm nhiều cây xanh, đặc biệt là cây ăn trái để làm sạch môi trường. Đối với cá nhà tôi, khi đủ ngày, đủ tháng, tôi cũng trả chúng về sông để sống đời thiên nhiên”.

Cùng làm, cùng ăn thì du lịch xanh càng bền vững

Trước khi tạm dừng hành trình, chúng tôi ghé thăm nhà vườn Công Minh, nơi làm đủ các loại bánh dân gian như bánh bò, bánh chuối, bánh kẹp... Điều đáng chú ý là sau khoảng thời gian tìm hiểu muôn điều lý thú, khách Tây, khách ta lại thoải mái quay quần trò chuyện như thể gặp lại đồng hương lâu năm. Để rồi từ cái ghế, cái bàn, chiếc võng... trong giờ nghỉ trưa này, đều tái hiện hình hài của miền Tây 20 năm về trước.

Chị Lê Thị Bé Bảy, người gắn bó hay nói chính xác hơn là bà đỡ của HTX du lịch nông nghiệp Cồn Sơn - cho hay, nét hấp dẫn của du lịch Cồn Sơn là thiên nhiên, con người và sản phẩm du lịch đều mang đậm nét bản địa. Hơn 8 năm kể từ ngày đưa vào hoạt động, dù lượng khách đến ngày một đông hơn, Cồn Sơn trở thành thương hiệu nhưng bà con nơi đây vẫn vậy, vẫn giữ được “chất quê” ở phố, vẫn thân thiện, mến khách, hào sản và tôn chỉ giữ được màu xanh của miền Tây.

“Người ta hay gọi tôi là bà đỡ cho du lịch Cồn Sơn nhưng cá nhân tôi lại thấy mình nhận lại được nhiều lắm ở vùng đất này. Phải nói tính chân thật thể hiện rất rõ trong giao tiếp như: “Ăn cơm chưa”; “Mới ghé chơi chút tính dìa hả”... rồi cách mà bà con nơi đây làm vườn, sản xuất, chăn nuôi...

Trước khi tôi đến đây, người dân đã yêu thiên nhiên và biết cách bảo vệ môi trường. Chính vì lẽ đó, ngay khi đặt nền tảng du lịch, tôi tiếp tục khuyến khích người dân thu gom, phân loại rác. Tôi tin Cồn Sơn sẽ trở thành điểm du lịch xanh tái tạo, tạo nên sự khác biệt với những điểm du lịch sinh thái khác trong khu vực” - chị Bảy chia sẻ.

Cũng theo chị Bảy, hiện du lịch Cồn Sơn đang ở giai đoạn xây dựng, do đó, để mô hình kinh tế kéo dài tuổi đời, chị và người Cồn Sơn đã đào tạo thêm lực lượng kế thừa. Đến thời điểm hiện tại, con, em người Cồn Sơn đã được truyền lửa và thấm nhuần cách làm du lịch xanh-sạch-đẹp.

Trên chiếc tàu trở về trung tâm thành phố, khi máy tàu đập sóng nước giòn tan, tôi hiểu hơn lý do vì sao anh Thuận - người Vĩnh Long, lại quyết định gắn bó với vùng đất này ngay sau khi ra trường; hay như câu nói của nông dân huấn luyện cá lóc bay. “Ở đây xanh lắm, mát lắm, sống ở đây, đi du lịch ở đây là thấy khỏe liền!”.

Năm 2023, đoàn công tác lãnh đạo TP Cần Thơ do Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ - Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu, cũng khảo sát mô hình Hợp tác xã du lịch nông nghiệp Cồn Sơn. Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ, các cấp chính quyền thành phố và địa phương cần quan tâm tạo mọi điều kiện hỗ trợ hợp tác xã phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, cũng như đảm bảo tốt các vấn đề về cảnh quan môi trường để phục vụ du lịch nông nghiệp.

Phong Linh
TIN LIÊN QUAN

Nông dân Sóc Trăng, Hậu Giang chịu thiệt để giữ chữ tín

ĐẠT PHAN |

Giá lúa tại ĐBSCL liên tiếp lập đỉnh khiến câu chuyện tranh mua, tranh bán và câu chuyện “bẻ kèo” các hợp đồng bao tiêu tại vựa lúa lớn nhất nước lại là chủ đề cho những cuộc tranh luận trái chiều. Nhiều ý kiến phê phán sự “bội tín” của nông dân, nhưng cũng không ít người nhắc lại những năm giá lúa bấp bênh, không ít doanh nghiệp sẵn sàng bỏ cọc khiến nông dân chỉ biết ngậm trái đắng.

Thời tiết thất thường, nông dân trồng hoa Mê Linh thấp thỏm lo vụ Tết

Phương Thảo |

Trong bối cảnh khó khăn chung về kinh tế, giá hoa theo đó cũng bị ảnh hưởng. Vượt qua cản trở lớn về thời tiết, người nông dân kỳ vọng một vụ Tết được mùa, được giá.

Nông dân Sơn La tất bật chuẩn bị cho đào xuống phố dịp Tết

Khánh Linh |

Sơn La - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, những ngày này, đào rừng trồng được người dân vùng cao Sơn La đang tất bật cắt tỉa, chuẩn bị đưa về xuôi bán Tết.

Nga xác nhận rơi máy bay ở Afghanistan

Linh Nhi |

Vụ rơi máy bay Nga xảy ra tại tỉnh Badakhshan, Afghanistan ngày 21.1.

Giải bài toán nguồn cung nhà giá rẻ

Ngọc Thiện |

Phân khúc nhà ở giá rẻ sẽ trở thành điểm tựa cơ bản cho quá trình tái cấu trúc thị trường bất động sản trong năm 2024.

Đường huyết mạch nối Hà Đông với Thanh Trì sắp được chi 2.800 tỉ đồng mở rộng

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển nhỏ hẹp, thường xuyên ùn tắc sẽ được chi 2.800 tỉ đồng mở rộng trong giai đoạn 2022-2026.

Dân Thủ đô chi hàng chục triệu tân trang xe ô tô những ngày cận Tết

Hồng Diệp - Hiệp Phạm |

Thời điểm trước Tết, thị trường làm đẹp, tân trang xe ô tô lại trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nhu cầu của khách tăng cao khiến các cửa hàng, dịch vụ chăm sóc, bảo dưỡng tiếp đón hàng chục khách mỗi ngày.

Căn hộ giá rẻ ít, thu nhập 25 triệu đồng/tháng vẫn đắn đo không dám mua nhà

ANH HUY |

Trên thị trường Hà Nội gần như hiếm có dự án phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2). Chính vì điều này, nhiều người có thu nhập trên 25 triệu đồng/tháng vẫn không dám mạnh dạn mua nhà ở.

Nông dân Sóc Trăng, Hậu Giang chịu thiệt để giữ chữ tín

ĐẠT PHAN |

Giá lúa tại ĐBSCL liên tiếp lập đỉnh khiến câu chuyện tranh mua, tranh bán và câu chuyện “bẻ kèo” các hợp đồng bao tiêu tại vựa lúa lớn nhất nước lại là chủ đề cho những cuộc tranh luận trái chiều. Nhiều ý kiến phê phán sự “bội tín” của nông dân, nhưng cũng không ít người nhắc lại những năm giá lúa bấp bênh, không ít doanh nghiệp sẵn sàng bỏ cọc khiến nông dân chỉ biết ngậm trái đắng.

Thời tiết thất thường, nông dân trồng hoa Mê Linh thấp thỏm lo vụ Tết

Phương Thảo |

Trong bối cảnh khó khăn chung về kinh tế, giá hoa theo đó cũng bị ảnh hưởng. Vượt qua cản trở lớn về thời tiết, người nông dân kỳ vọng một vụ Tết được mùa, được giá.

Nông dân Sơn La tất bật chuẩn bị cho đào xuống phố dịp Tết

Khánh Linh |

Sơn La - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, những ngày này, đào rừng trồng được người dân vùng cao Sơn La đang tất bật cắt tỉa, chuẩn bị đưa về xuôi bán Tết.