Không ngạc nhiên

Nỗi sợ của người nghèo

HÀ QUANG MINH |

Chủ nhật trước, tôi đi theo một đoàn thuộc Quỹ Nam Phương Foundation (một quỹ thiện nguyện đầu tiên ở Việt Nam được thành lập bởi học sinh, sinh viên) xuống huyện Cái Bè, Tiền Giang khánh thành một cây cầu dân sinh.

Trong buổi lễ khánh thành ấy, Quỹ Nam Phương Foundation và một vài đơn vị tài trợ cũng có tặng quà cho những em học sinh giỏi và những hộ nghèo của địa phương. Và trong lúc ấy, giọng nói của cô MC trẻ đẹp cứ khiến tôi day dứt mãi. “Các dì các bác ơi, không phải bỏ dép ra đâu ạ. Con cũng đang đi guốc trên sân khấu mà. Các dì các bác cứ đi cả dép lên đi, không sao đâu mà”, cô nói như năn nỉ nhưng những người nghèo lên nhận quà tặng vẫn cứ len lén bỏ dép ra để bước lên cái gọi là sân khấu dù thực tế, cái khoảng trống nhỏ xíu trong khoảnh sân cũng chẳng rộng rãi gì để tổ chức buổi khánh thành cây cầu chẳng hề có chút cách ngăn nào để gọi là sân khấu.

Cái day dứt ấy theo tôi mãi, khi nhìn những bàn chân thô ráp, với những ngón chân vàng vì phèn, đen đúa vì đất, cứ rón rén bước lên chỗ nhận quà với đôi dép bỏ lại phía sau. Và chỉ đến khi cô MC nói vui rằng cô, dì, chú, bác mà không đi dép thì cô cũng tháo guốc ra luôn, mọi người mới bắt đầu “dám” giữ nguyên đôi dép để bước lên cái chỗ không cần phải tháo dép đi chân trần làm gì. Ẩn sâu đằng sau cái rón rén là gì? Tôi tự đặt ra câu hỏi cho riêng mình. Và cuối cùng, tôi đi đến một đáp án thỏa hiệp chính mình rằng, ẩn sâu đằng sau đó chính là nỗi sợ.

Người nghèo ở nông thôn Việt luôn giữ một nỗi sợ hãi tự ti như thế mỗi khi bước vào một chốn nào đó mà họ nghĩ rằng không thuộc về mình. Và dần dà, cái nỗi sợ ấy ăn sâu vào tiềm thức, ăn sâu đến mức người ta sợ cả sự tử tế. Và chúng ta nhìn thấy cái nỗi sợ sự tử tế ấy nhiều lần rồi, nhiều đến mức chúng ta mặc định sự tồn tại của nó là bình thường. Nhưng hãy thử ngồi lặng lại, lục tìm các bức ảnh trao quà từ thiện trên mạng, chúng ta sẽ nhận ra trong ánh mắt người nghèo là cái rón rén còn khủng khiếp hơn cái rón rén của bước chân mà tôi chứng kiến ở Cái Bè kia, cái rón rén của một sự sợ hãi mơ hồ mà ngay cả người sợ cũng không hiểu nổi mình đang sợ cái gì.

Người xưa nói rất nặng lời, rằng cái nghèo thì kéo theo cái hèn. Nhưng thực tế, có những người không nghèo nhưng vẫn hèn và những người nghèo mà tôi chứng kiến kia chưa chắc họ đã hèn. Chỉ có điều họ luôn nơm nớp trước xã hội, nơm nớp như thể mỗi cơ hội nhỏ bé, mong manh có thể rời họ bất kỳ lúc nào. Và tôi tưởng tượng ra rằng, trước sự tử tế mà họ còn nơm nớp như vậy thì mỗi khi bước lên cửa công, họ sẽ còn nơm nớp đến mức nào. Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong phát biểu gần đây, còn cho rằng, muốn thay đổi thì phải phụ thuộc vào các cán bộ cơ sở, những người đã có biểu hiện xa rời quần chúng và quan cách từ rất lâu rồi. Trước sự quan cách ấy, liệu rằng nỗi sợ đơn thuần của những người nghèo sẽ lớn đến mức nào, nhất là khi họ cần một trợ giúp nào đó của cơ quan chính quyền địa phương. Cảm giác phải đi xin cái gì đó, cảm giác mình không bằng người khác đã để lại một vết sẹo mặc cảm trong họ, cái mặc cảm đã trở nên phổ biến.

Không hiểu rằng những người nghèo ở những địa phương mới được nhắc tới gần đây như Thanh Hoá là ví dụ điển hình sẽ còn sợ hãi đến mức nào khi họ vẫn phải gồng mình đóng hàng loạt khoản thu mà chính họ đã “thống nhất quan điểm” với chính quyền địa phương. Khi đọc những lý giải của một ông trưởng thôn trong vụ người chết không được khai tử vì còn nợ các khoản thu của địa phương, dù người chết ấy thuộc diện hộ nghèo, rằng “mọi khoản thu này đều được đồng thuận của người dân”, tôi thầm nghĩ, những người nghèo với nỗi sợ thường trực kia có dám lên tiếng phản đối lại hay không, hay là họ lẳng lặng cúi đầu chấp thuận, với tâm thức “thôi thì việc đến đâu thì đến”.

Chúng ta hướng đến một xã hội cởi mở, nhưng có cởi mở đến mấy thì vẫn có những người không dám bày tỏ quan điểm, ý kiến. Cái mặc cảm nghèo túng ngăn cản họ làm việc đó, và chính vì thế, bi kịch nhiều khi cứ xảy đến như một vòng lặp. Tại sao chúng ta không khuyến khích họ nói ra, nhẹ nhàng thôi, như cái cách cô MC xinh đẹp kia năn nỉ người dân ở Cái Bè đừng tháo dép khi lên nhận quà? Chúng ta cần họ nói ra để chúng ta không mang lại cho họ thêm sự phi lý. Nhưng chúng ta cũng thờ ơ quá thì phải, chúng ta thờ ơ trước nỗi sợ của họ để rồi chính chúng ta cũng mang mặc cảm “sợ gặp người nghèo”.

Tự nhiên, tôi nhớ đến lời của cô bé sáng lập viên Quỹ Nam Phương Foundation rằng, “đã đến lúc đừng chìa tay ra với người khó mà hãy chủ động nắm lấy tay họ”. Cô bé ấy mới 22 tuổi, và tôi ước ao rằng, thế hệ của cô cũng nhiều người suy nghĩ như cô, ngõ hầu giúp thế hệ chúng ta sửa cái lỗi tâm lý, thái độ đã ăn sâu đến mức thành thói quen thường ngày.

HÀ QUANG MINH
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.