Những đôi mắt đẹp bên sườn Hy Mã Lạp Sơn

ghi chép của Lãng Quân |

Đi nhiều vùng núi lồng trong mây đặc quánh của Hymalaya, người ta dễ choáng váng vì hội chứng độ cao. Hầu hết chúng tôi nằm vật ra, phải uống nước hoa hồng tinh chế để chống lại hội chứng sinh ra do không khí loãng, rồi thở bình ô xy để có thể tiếp tục hành trình.

Khoa học đã phản ánh và lý giải, lúc ấy, đầu óc lữ khách mụ mị đi, họ thường nghĩ và mơ về quá khứ với tổ tiên của mình. Có trải nghiệm thì bạn mới ồ lên ngạc nhiên: Quả đúng như vậy. 

Không biết các tài xế xe tải gầm gừ những cỗ máy khổng lồ và đôi khi rất cũ kỹ ở Trung Quốc, Tây Tạng, Bhutan, Ấn Độ, Nepal kia, họ đã nghĩ gì khi cả tháng trời rong ruổi núi non? Những cỗ xe dài như khúc cua trên sườn nóc nhà thế giới, những hành trình miên man dài như một phận người lam lũ.

Trang điểm ôtô

Ghé lại hỏi chuyện, thì thấy hầu hết họ trang trí ca-bin, rồi ba bề bốn bên của chiếc xe dài rộng như tòa... cung điện, như một lâu đài của niềm tin tôn giáo. Họ bảo, ngồi trên ngất ngư cồng kềnh này, dù bạn lái giỏi cỡ nào, thì vẫn phải bám níu vào niềm tin siêu nhiên độ trì nào đó, thì mới tin có ngày trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Tôi có đứa cháu vừa bị ung thư và vĩnh viễn 34 tuổi trên vùng đất đen kịt của mỏ than Khánh H, tỉnh Thái Nguyên. Cháu hài hước, luôn đọc cái câu này khi thoăn thoắt leo lên ca-bin, nổ máy chiếc đại xa không biển số, bởi nó chỉ đi loanh quanh trong khu vực khai thác than lộ thiên. “Xe mở cửa như quan tài mở nắp/ Chồng vào ca bin là vợ thắt khăn tang”.

Mỏ sâu vặn xoáy trôn ốc, được đào bới từ thời thuộc Pháp, núi bãi thải của mỏ cao hơn cả ngọn núi thật, nó án ngữ cả vùng trời thăm thẳm, ngay cả khi bạn nhìn từ tít trung tâm thành phố Thái Nguyên ra. Cháu tôi ngồi lái xe, tôi đứng dưới không nhìn thấy nó nữa. Cứ tưởng cỗ xe tự di chuyển bằng một rô-bốt điều khiển tinh vi nào đó.

Giờ ở chênh vênh sườn núi cao gần năm nghìn mét so với mực nước biển. Rồi con đèo cao nhất thế giới mà nhân loại tiến bộ từng mở nổi đường cơ giới vượt qua. Một lái xe người Tây Tạng đang nghỉ bên suối giặt giũ, tắm rửa, phơi phóng trong hành trình ba tháng ròng chở hàng xuyên quốc gia, đã cởi mở cho chúng tôi “đột nhập” chiếc xe lộng lẫy như một ngôi đền thiêng của mình.

Anh này tên là Tung Cang, người gốc Bhutan. Mới 25 tuổi, cu cậu đen nhẻm, nụ cười sáng lóa, ngoài kia cây cối vàng óng, tất cả rung rinh trong gió như muôn ngàn “cây vàng cây bạc” lóng lánh mà người Việt Nam hay đem lên đền chùa cắm vào ban thờ Thần - Phật vậy. Tung Cang bảo, ở quê anh, người ta có cả một dịch vụ sơn vẽ, trang điểm xe ôtô như thế này.

Xuất phát là các xe tải của nhà chùa, nhà đền, họ vẽ xe như tô điểm cho di tích tâm linh. Xe là một phần của chùa, đền. Ở Bhutan, người ta hầu như không phân biệt các khái niệm đền (temple) với chùa (pagoda) như ở ta. Cả đền, chùa, tu viện của họ dường như là một khái niệm về nơi thờ phụng, hành lễ, nơi neo giữ và chăm sóc niềm tin tôn giáo của bà con.

Một mái hiên nghèo xập xệ, họ cũng vẽ linh đình, rinh rượp, sắc màu sặc sỡ như cung điện của nhà vua. Một bến nước, một cái nhà mở mái ra che cho máng nước vắt từ sườn non xuống các nông hộ, họ đều vẽ hoa văn, vôi ve bờ tường lộng lẫy. Và trông xa trông gần thì “tác phẩm” đó đẹp đẽ y như một ngôi đền. Với tư duy đó, lúc đầu, cỗ xe của nhà chùa chở các vị sư, chở “thiện nam tín nữ” đi làm việc gì đó, nó là một phần của “di tích tôn giáo”, của thế giới các nhà tu hành.

Vậy thì tại sao nó không được sơn vẽ, trang trí như... ngôi chùa? Và họ vẽ tuyệt đẹp. Phàm những công trình đẹp, tinh tế và kỳ vĩ nhất thế giới, hầu như bao giờ cũng liên quan đến tâm linh. Chỉ có sức mạnh tâm linh mới làm nên những kỳ tích ấy được. Mà những cỗ xe có đôi mắt đẹp lướt đi tự tin và thanh thản ven Hy Mã Lạp Sơn là một ví dụ.

Xe tải “kiểu nhà chùa” giờ đã lan ra khắp nơi, nó trở thành một tài sản nghệ thuật và có gì đó rất tôn giáo ở miền thượng du của sơn hệ Hymalaya huyền thoại. Xe nào cũng vẽ đôi mắt to, tròn, đẹp mướt mát. Lông mi cong rợp, lòng đen lòng trắng của đôi mắt được vẽ bố trí thế nào đó, trông rất là đoan chính và ngoan đạo.

Một lái xe tải giải thích: Tiếng Anh là “quốc ngữ thứ hai” của đất nước tôi. Theo đó, khi nói về những cái gì đẹp đẽ, như kiểu Hồ Gươm của Hà Nội hay Vườn địa đàn hàng triệu bông tuy líp ở Hà Lan, người ta hay dùng từ “she” (cô ấy). Đẹp không thể nào chỉ có ở phụ nữ, nhưng nó là một đặc quyền lớn lao của họ.

Và những chiếc xe tải đẹp kia, dù vạm vỡ, dù kiêu hùng với các cỗ máy uy lực khét tiếng thế giới, một khi đã được sơn vẽ tuyệt đẹp (theo quan niệm của họ), thì họ cũng gọi nó là “she” (cô nàng). Đó là lý do, xe nào cũng mang đôi mắt rất nữ tính, nữ thần.

Đẹp, chắc là đẹp đến mức như người ta viết trong thần thoại Hy Lạp, đẹp như đôi mắt bò cái. Thần Dớt (Zeus, Jupiter) tối tú tối linh mê mẩn đôi mắt nàng ấy, để tránh bị vợ ghen, đã biến nàng thành con bò cái đi lang thang đợi “giai” bên bờ biển. Nàng ấy có đôi mắt ướt nhẹp và tình ơi là tình.

Trong những ngày lang thang ở ba bề bốn bên của dãy núi xương sống/ nóc nhà/ cực thứ ba của địa cầu, tôi chỉ còn biết thốt lên: Chịu chơi đến thế là cùng. Người ta vẽ dương vật to chăng dọc ngang ngôi nhà của mình, ống nước thải to đùng của khu dân cư cũng là cái dương vật đang xả nước. Vào những nơi linh thiêng nhất, hình ảnh phụ nữ khỏa thân, thậm chí bị ác quỷ giẫm chân lên, cũng nần nẫn ra đó.

Có cả một ngôi chùa mà nhà sư ban phước cho dân chúng bằng cách gõ cái dương vật bằng gỗ lên đầu, rồi cả làng cả tổng nhà nào cũng bán hàng trăm cái dương vật có mắt, có răng, có to có nhỏ làm quà lưu niệm. Đẹp nhất vẫn là các ngôi đền sơn vẽ đủ thứ muông thú, sinh thực khí “dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Nhiều nhà báo Việt Nam và thế giới từng gọi các vùng đất với dòng chảy văn hóa tâm linh giần giật như máu chảy dưới da này là nơi... dễ tạo ra các cú sốc văn hóa/ trải nghiệm.

Thế giới từng lừng danh với sêri phim “The World of Cars”, thế giới của ôtô. Xe nào cũng có giới tính, đủ miệng, mắt, mũi, chân tay như con người; đủ tình yêu, sự thành công, lòng tị hiềm, các cuộc chiến bi hài đôi khi còn hơn cả phận kiếp con người vậy. Các mô hình xe ôtô nhân cách hóa, mang gương mặt người đã có tên gọi nổi tiếng và trở thành đồ chơi yêu thích của nhiều thế hệ, với một sự phủ sóng hầu như khắp toàn cầu.

Ở Việt Nam, người ta cũng coi ôtô như một “linh hồn” cần được chăm sóc và cầu an theo những cách nào đó để mọi hành trình đều khỏe mạnh và bình yên. Họ thắp nhang trước mũi xe mỗi ngày. Họ đặt tượng Phật bà, tượng Di lặc trong xe, có lá bùa hay hình ảnh linh thiêng treo bung biêng trước mặt người lái, rồi các nhà sư chân chính trú niệm kỹ càng.

Ở Trung Quốc, tôi chứng kiến họ đặt ảnh ông Mao Trạch Đông trên xe rất trang trọng. Ở Ấn Độ, người ta thậm chí thờ tượng Vua Khỉ Hanuman, để rồi mỗi ban mai, tài xế sẽ vái lạy mặt trời, vẩy nước sông Hằng lên cổ gáy và đỉnh đầu mình, rồi lạy thần khỉ trước khi bắt đầu hành trình nào đó.

Nhiều nước Châu Âu, tài xế chuyên nghiệp có “nghi lễ” rất đời thường mà cũng rất xúc động: Treo ảnh cha mẹ, vợ con mình ở góc mình ngồi lái. Để nhìn thấy họ thường xuyên và nhắc nhở mình: Sau tay lái là các số phận người, là hạnh phúc của chính người thân của mình. Chúng ta cũng từng biết đến những chiếc xe được kẻ vẽ kỳ dị, lộng lẫy, nhiều người biến xe ôtô của mình thành cái nhà khổng lồ, thành khách sạn khép kín, có buồng tắm và nhà bếp là những rơ-moóc kéo phía sau.

Tuy nhiên, đó chỉ là những kỷ lục hy hữu. Để có một hệ thống xe tô vẽ thành sêri khắp cả một khu vực rộng lớn của địa cầu, xe nào cũng có đôi mắt đẹp và nhiều họa tiết trang trí mang dấu ấn phong cách của một niềm tin tâm linh phổ biến; với cả một nghề “vẽ xe” gồm những hình thù theo công thức, những linh vật theo đúng truyền thuyết, những đôi mắt to tròn và hoa lá được người dân cùng “tín” - thì chỉ có ở các cư dân sống viền quanh nóc nhà thế giới. Phải chăng người Ấn Độ, người Nepal và các vùng đất kỳ bí Bhutan, Tây Tạng đã cùng sáng tạo ra “văn hóa xe cộ” đó? Họ kỳ công vun đắp thành cả một lối sơn vẽ, một thái độ “thành kính” với xe cộ.

Ở Bhutan, họ có những tấm biển rất chơi chữ: Bạn là đờ-rai-v (driver), đừng có phờ-lai (to fly) nhé, tức là hãy lái xe đừng có bay... xuống vực. Có biển ghi rõ: Đừng đi nhanh quá, vì bạn đã kết hôn và bạn có thể ly hôn vì cuộc chơi tốc độ, rồi bỏ mạng dưới thung sâu đấy nhé.

Những con mắt thẳm

Trang trí xe, kẻ vẽ cả đường sá, là những cách mà người ta tin là mình có thể nhờ nó mà họ được an toàn. Ít ra, khi bạn hết sức cẩn trọng, lại thêm niềm tin là bạn thần thánh sẽ phù hộ để bạn sẽ an toàn, thì độ an toàn cũng đã tăng cao hơn rất nhiều rồi.

Ngoài vẽ đôi mắt đẹp ở gần hai đèn pha ôtô tải, người Bhutan còn vẽ các cành hoa hồng, đủ lá xanh biếc và hoa thắm hồng. Đủ các loài linh vật, con nào cũng phải đẹp và linh thiêng, đôi khi có mây rồng vờn quanh cho nó “đức cao vọng trọng” nữa. Người Bhutan có quan niệm chúc phúc dễ hiểu và nhân ái.

Các hình tượng được vẽ, được đắp tạc ở khắp từ cung vua cho đến nhà thường dân, đến các quán ăn “cơm bụi” đều có: Ấy là cảnh con khỉ ngồi trên lưng con voi đang cong vòi cắp một nhành hoa. Con thỏ lại ngồi tiếp trên lưng con khỉ, con chim lại ngồi trên lưng con thỏ. Chim và khỉ, khi cõng bạn trên đầu thì đều... “cầm” hoa. Phủ lên tất cả nhóm linh vật đó, là một cái cây thiêng sum suê. Có khi họ lại là hình đủ 12 con giáp được một vị thần ôm ấp, cưng nựng, bảo bọc.

Có khi chỉ là một hình tròn bí ẩn, câm lặng, hồng rực như mặt trời, bát ngát hơn hệ thiên hà. Và bé xíu, ở tít giữa hằng hà sa số đó, là đức Phật ngồi bắt quyết niệm chú. Tất cả những “bức vẽ” nghệ thuật và tôn giáo đó, được các họa sĩ đưa cả lên trang trí ôtô. Đi từ trong thung sâu lên, giữa khúc cua chóng mặt, từ trong nền rừng thắm của vực sâu và non cao hùng vĩ, hiện ra một “tòa lâu đài” rực rỡ.

Đó là chiếc xe tải được sơn vẽ kỹ càng, phía trước là đôi mắt đẹp như vừa mới chớp chớp của “nàng”. My cong, ánh nhìn đủ cung bậc, vừa hiền khô và mướt mát, đa đoan và đắc đạo. Ba bề bốn bên là rồng (Bhutan là “Đất nước của Rồng Sấm”) các loại, các vị phúc thần và quỷ dữ, cờ quạt, vải xanh đỏ bay tơ tướp, rồi sư tử, hổ, nai, hươu, voi, báo, bò tót. “Chú” nào cũng góp mặt đủ. Các chữ “Good luck”, “Well come”, các cây đèn thờ hay bánh xe chuyển pháp luân... - tất cả cũng được cách điệu đầy hình khối và màu sắc. Đặc biệt, người ta hay dừng xe ven các đỉnh đèo để xe và người đều cầu khấn bình an.

Hôm ấy, từ đỉnh con đèo Dochula cao hơn ba nghìn mét nhìn sang Tây Tạng, nơi có 108 ngọn tháp nổi tiếng hướng về đỉnh Everest cao nhất thế giới, tượng trưng cho 108 lời răn, và 108 câu kinh niệm Phật, chúng tôi chứng kiến đoàn xe tải tưng bừng hình khối và sắc màu, xe nào cũng hút hồn người ta bằng cặp “mắt thần” sơn vẽ kỳ khu, với cái nhìn thăm thẳm đầy nữ tính. “Đôi mắt thần” này có gì đó giống các cặp mắt vẽ trên thuyền của người miền Tây Nam Bộ nước ta?

Sự mệt mỏi bởi không khí loãng, cái căng thẳng bởi chênh vênh núi đèo cũng dịu hết đi. Chúng tôi như gặp được những tâm hồn mơ mộng và lời nguyện cầu bình an ở ngay ven lối lên quả đồi có 108 ngọn tháp tuyệt mỹ, chứ không đang phải bị tắc đường bởi một đoàn xe tải vấy bùn đất đang chở hàng xuyên quốc gia. Dòng chảy văn hóa tâm linh như tưới thẫm thêm cho cái không gian vốn đã đặc quánh đức tin ở Phật Tổ.

Chợt, từ bìa rừng êm xốp miên man toàn rêu xanh, trên tán cây lông lá như quái thú giữa sương mù, một đàn voọc xinh xắn xuất hiện. Chúng nắm đuôi nhau nhảy từ vách núi ra các nóc xe tải. Cảnh thần tiên ấy, khiến khách xa thấy đàn khỉ cưỡi lưng voi trong tranh vẽ ở sườn xe tải như hòa lẫn vào lũ linh trưởng hoang dã kia.

“Cô hãy là nơi những khóm dừa/ Dầm chân trong nước đứng say sưa/ Cho tôi là kẻ qua sa mạc/ Tạm lánh hè gay, thế cũng vừa”, bạn tôi đọc thơ Xuân Diệu. Bỗng thấy, cả chiếc xe vẽ đôi mắt đẹp thăm thẳm Nữ Thần, cả đàn khỉ - voọc sum vầy thơ ngộ nọ, chúng đều là những bóng dừa và hồ nước “cứu rỗi” các sa mạc tâm hồn giữa buổi hè gay.

Thế mới càng hiểu vì sao ở phòng quà lưu niệm đỉnh đèo Dochula, người ta lại bán cả sách ảnh do đích thân của Đức Vua Bhutan chụp! “Ông” vua đương nhiệm này sinh năm 1982, học rộng, biết nhiều, với các bài phát biểu về Hạnh Phúc ở Hội nghị Biến đổi toàn cầu làm chấn động thế giới, ngài vẫn cầm máy ảnh, sáng tác và vẫn khiến nhiều nhiếp ảnh gia tầm cỡ phải bái phục.

Tôi mua cuốn “Bhutan - Through the Lens of the King” (Đất nước Bhutan, qua ống kính máy ảnh của Đức Vua). Khi mà những chiếc xe tải cũng còn có phong cách nghệ thuật, có “con mắt thơ thao thức”, thì xứ sở ấy có Đức Vua chụp ảnh và xuất bản thành sách, thì rừng tự nhiên bao phủ tới 71% lãnh thổ cũng là quá dễ hiểu. Một quốc gia không phát thải khí nhà kính, nơi được nhân loại tiến bộ vinh danh là “hạnh phúc nhất thế giới”.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
Những cảnh mà chúng tôi gặp bên sườn Hymalaya.
 
Người mẹ trẻ đang trang điểm một chiếc Linga bằng gỗ để làm đồ lưu niệm.
Người mẹ trẻ đang trang điểm một chiếc Linga bằng gỗ để làm đồ lưu niệm.
ghi chép của Lãng Quân
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.