Ngọn cờ đầu của phong trào nữ quyền thế kỷ XX

TS. Nguyễn Hữu Mạnh (Khoa Lịch sử - Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQGHN) |

Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu là một trong những nhà thơ lớn của dân tộc, là tác giả của bản hùng ca “Lục Vân Tiên”. Ít người biết rằng người con gái của cụ, Sương Nguyệt Anh cũng là một nhà thơ, dịch giả và nhà hoạt động nữ quyền quan trọng đầu thế kỷ XX. Những đóng góp của bà đem lại sự tự hào, tạo lên nguồn cảm hứng, nguồn động lực bất tận cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam sau này.

Hồng nhan bạc phận, góa phụ tuổi 30

Năm 1864 là một năm đau buồn trong lịch sử kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, khi người anh hùng Trương Định bị tên Việt gian Huỳnh Công Tấn phản bội, dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây, đánh úp và sát hại. Trong bài thơ “Văn tế Trương Định” của Nguyễn Đình Chiểu, có câu “Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt, thương đấng anh hùng gặp thuở gian truân. Đất Gò Công cây cỏ ủ ê, cảm niềm thần tử, mắc nơi họa hại”. Cũng trong năm đau thương đó của lịch sử đất nước, bà Sương Nguyệt Anh cất tiếng khóc chào đời ngày 8.3.1864 tại làng An Bình Đông, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Tượng chân dung nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. Ảnh: Trường THPT Sương Nguyệt Anh, tỉnh Bến Tre
Tượng chân dung nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. Ảnh: Trường THPT Sương Nguyệt Anh, tỉnh Bến Tre
Sương Nguyệt Anh là con thứ tư (trong gia tộc thường gọi bà là Năm Hạnh) của cụ Nguyễn Đình Chiều (hay gọi là Đồ Chiểu), mẹ là bà Lê Thị Điền, người làng Thanh Ba thuộc huyện Cần Giuộc. Theo gia phả của Nguyễn chi thế phổ, bà có tên thật là Nguyễn Thị Khuê, tuy nhiên trên bia mộ ghi là Nguyễn Ngọc Khuê, tự Nguyệt Anh. Ngoài bút hiệu Sương Nguyệt Anh, bà còn dùng nhiều bút danh khác như Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh...

Nguyễn Liên Phong xuất bản tập “Điếu cổ hạ kim thi tập” cho rằng, Sương Nguyệt Anh “học chữ nho nhiều, năng làm thơ nôm, thơ chữ, hơi căn chương tao nhã, cả đàn bà trong Nam duy cô ấy học chữ nho nhiều hơn hết”. Bên cạnh đó, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã luôn nuôi dưỡng những hạt mầm của tinh thần yêu nước và thương dân trong lòng bà. Lớn lên, bà trở thành người thiếu nữ tài sắc, hiếu thảo và vô cùng thông minh.

Cùng với người chị gái Nguyễn Thị Xuyến, cả hai được người đời truyền tụng là Nhị Kiều vì tài năng hay chữ, giỏi thơ, sắc đẹp, cốt cách giản dị, tự nhiên. Bà trở thành đối tượng theo đuổi của nhiều đấng hào kiệt trong vùng.

Mặc dù đã có vợ và nhiều người tình, nhưng ông Tri phủ Ba Tường - ông Phủ Xuyên vẫn muốn hỏi bà làm vợ. Bà đã từ chối nhiều lần, nhưng y vẫn thường lui tới, ỷ lại là người hợp tác với Pháp nên có nhiều tài sản, có quyền ức hiếp gia đình cụ Đồ Chiểu. Một chiều, y đến nhà khi bà đang học với cha. Lớp học im phăng phắc khi thấy người khách lạ đột ngột bước vào.

Để đuổi khéo, bà liền lấy cớ ôn lại bài cũ mà đọc cho cụ Đồ Chiểu lúc này đã mù nghe bài "Hịch đánh chuột": “Ghét là ghét trộm dầu bàn Phật, trốn án mà xưng vương, căm là căm cắn sách kẻ nho, đành lòng mà phá đạo. Ngao ngán bấy thân chuột thối, biết ngày bầy ô thước phanh thây, nực cười thay cái bụng chuột tham, từng bao thuở sông Hoàng Hà cạn ráo”. Những câu văn sắc bén của bà khiến tên Phủ Ba Tường dù vẫn luôn tỏ ra kiêu ngạo và tự đại nhưng trong lòng cảm thấy nhục nhã, lặng lẽ rời đi, mang lòng oán hận.

Vì yêu nhân vật Kiều Nguyệt Nga trong tác phẩm “Lục Vân Tiên” của cha, nên bà lấy bút danh là Nguyệt Anh khi viết văn làm thơ. Sau khi mẹ bà qua đời, hai năm sau lần lượt cha và những người chị em khác cũng qua đời, để lại nỗi đau lớn trong lòng bà. Tri phủ Ba Tường vẫn thường xuyên hay đến gây rối, thường xuyên bắt người anh Nguyễn Đình Chúc lên hầu chuyện.

Gia đình bà buộc phải dời về Cái Nứa (Mỹ Tho) để tránh tai họa, nhưng y vẫn đeo đuổi không buông tha. Bà cuối cùng đã phải lánh sang nhà người quen là ông nghè Trương Văn Mân ở Rạch Miễu. Tại đây, vì mến tài của Phó tổng Hòa Quới, tỉnh Gia Định, góa vợ tên Nguyễn Công Trinh (có tài liệu ghi là Nguyễn Công Tính, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Công Tín), bà nguyện làm vợ của ông, sinh được một cô con gái tên là Nguyễn Thị Vinh.

Chẳng bao lâu sau thì chồng mất khi con gái mới tròn 2 tuổi, bà tuy mới 30 nhưng quyết không đi thêm bước nữa, mở trường dạy chữ Nho cho học trò trong vùng, thủ tiết thờ chồng nuôi con. Nguyệt Anh rơi vào cảnh đứt gánh nửa chừng xuân, đau khổ muôn vàn. Từ đó, bút danh của bà được có thêm một chữ Sương, đổi thành Sương Nguyệt Anh, có nghĩa là Góa phụ Nguyệt Anh, khăng khăng bền một tiết kiên trinh, hỏi ai không kính phục một tâm hồn cao khiết.

Sương Nguyệt Anh ở vậy nuôi con cho đến khi khôn lớn rồi gả con cho Mai Văn Ngọc, một nhà nho ở Mỹ Tho sở hữu phẩm hạnh cao thượng. Nhưng tai ương lại ập đến, khi người con gái bất hạnh sớm qua đời, để lại cho bà một đứa cháu gái còn đỏ hỏn, còn cảnh nào xót xa sầu thảm hơn nữa. Bà buồn rầu, bỏ quê quán, lên Sài Gòn. Hưởng ứng lời kêu gọi trong phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, bà bán một phần điền sản và vận động quyên góp để giúp đỡ thanh niên Việt Nam sang Nhật du học những năm 1906 - 1908.

Nữ chú bút tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam

Cuối năm 1917, Sương Nguyệt Anh được một nhóm trí thức tại Sài Gòn mời làm chủ bút, vừa tham gia biên tập vừa viết bài cho tờ Nữ giới chung, nghĩa là Tiếng chuông của nữ giới. Đây là tờ báo đầu tiên dành cho phụ nữ Việt Nam và được điều hành bởi một phụ nữ tài danh. Sương Nguyệt Anh đem hết tâm huyết, dồn sức mà cống hiến, tô điểm cho tờ báo.

Nữ giới chung là một tờ báo xuất bản vào ngày thứ sáu hàng tuần. Số báo đầu tiên xuất bản ngày 1.2.1918, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích phát triển kinh tế và tập trung đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội.

Tờ báo có nhiều chuyên mục bao gồm xã thuyết, văn nghệ, dạy gia chánh, thơ văn của phụ nữ và mẹ con nói chuyện, khuyên chị em, lời hay ý đẹp... Bà Sương Nguyệt Anh dẫn dắt tờ báo này trở thành tờ báo đầu tiên ở Việt Nam tập trung vào việc giáo dục về đức hạnh, vai trò của phụ nữ và phê phán những luật lệ khắt khe đối với nữ giới.

Bà Sương Nguyệt Anh đã đóng góp nhiều bài viết tiến bộ cho tờ Nữ giới chung. Ví dụ, trong số thứ 9, bà khuyên chị em không nên chỉ tập trung vào việc đọc thi ca, mà còn phải hiểu biết cả về tình hình xã hội hiện tại. Bà viết: “Thuở xưa, tài nữ nước ta như Đoàn Thị Điểm, bà Hồ Xuân Hương, bà phủ Thanh Quan, bà Diệu Liên công chúa là đương buổi thời khoa cử nhất sĩ nhì nông. Ngày nay ngọn sóng Âu trào qua Nam Hải, các khoa học mênh mông, công nghệ thế ấy, khoa học thế kia, trông người mà ngẫm nghĩ đến ta, tình buồn cảnh buồn mà không buồn lại buồn cảnh bông tàn trăng khuyết, lý tưởng sao mà lạ vậy? Kìa ta mở cặp mắt ngó ra hoàng hải, người Âu Mỹ làm thầy giáo cũng đàn bà, mà thầy kiện (luật sư) cũng là đàn bà, trong tay sẵn có một nghề, không phải nương nhờ người nam tử.

Ấy cái học người ta như thế, há phải như người mình không bệnh mà rên! Chị em ơi! Cái nết đánh chết cái hay, dẫu vẫn như ả Tạ nàng Ban, cũng chẳng qua một trò chơi. Muốn có cái địa vị ngang hàng với nam tử thì chẳng những việc tề gia nội trợ phải thuộc lòng, mà tình trong thế ngoài cũng phải ráng nên ghé mắt, tuy chưa được như người Âu Mỹ song cũng đừng phụ tiếng Lạc Hồng”.

Cách đây hơn 80 năm, bà Sương Nguyệt Anh đã viết được những lời này, tựa như ngọn cờ đầu trong phong trào nữ quyền, có ảnh hưởng bao trùm đời sống tinh thần của nữ giới. Tuy nhiên, tờ báo này khiến mật thám Pháp e ngại, tháng 7.1918, tờ Nữ giới chung bị đình bản, xuất bản được hơn 20 số báo.

Sương Nguyệt Anh chán trường, lại bị đau mắt, về quê sống với người em trai út. Đôi mắt dần bị lòa, bà sớm chiều bốc thuốc, mở trường dạy học nối nghiệp của cha, sáng tác thơ văn nuôi cháu ngoại Mai Huỳnh Hoa nên người. Sáng sớm ngày 12 tháng Chạp năm Tân Dậu (tức ngày 9.1.1922), Sương Nguyệt Anh trút hơi thở cuối cùng, thọ 58 tuổi và cho đến nay người ta hầu như không thể tìm thấy tấm ảnh nào của bà.

Ngày nay, mộ phần của bà nằm trong khu đền thờ cùng song thân bà tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. TPHCM và nhiều tỉnh thành khác vẫn có tên đường, tên trường mang tên Sương Nguyệt Anh để tưởng nhớ công ơn của người con gái tài hoa này.

Nhìn lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Sương Nguyệt Anh, có thể thấy từ thơ văn đến báo chí đều toát lên vẻ đẹp tài hoa và trí tuệ của một nữ trí thức hiếm hoi đầu thế kỷ XX trên vùng đất Nam Bộ. Với những đóng góp của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, tên tuổi của bà luôn được thế hệ sau nhắc đến.

GS. Trịnh Vân Thanh trong Thành ngữ danh nhân tự điển từng dẫn lời rằng: “Cuộc đời bà đã trải qua biết bao đau khổ, nhưng biết bao nỗi khổ đó hình như để thử thách người thiếu phụ kiên trinh. Nhắc đến Sương Nguyệt Anh, người ta còn thấy nơi bà là một tấm gương hoạt động cho phái nữ lưu; người ta không quên một cây bút rắn rỏi đã từng nêu trên tờ Nữ giới chung nhiều vấn đề lý thú về phận sự đàn bà đối với gia đình và xã hội. Trong buổi giao thời, phụ nữ nước nhà vừa ra khỏi khuê môn để tiếp xúc với văn hóa Âu Tây, bà Sương Nguyệt Anh rất xứng đáng là nữ sĩ tiên phong trên đất Việt”.

Ngày 1.2.2023, Google đã đổi ảnh Doodle (biểu tượng đặc biệt trên trang Tìm kiếm để thể hiện các dịp lễ hay tôn vinh) thành ảnh của bà Sương Nguyệt Anh nhằm vinh danh cho những đóng góp của bà, một nhà thơ đa tài, nữ tổng biên tập đầu tiên của tờ báo phụ nữ, ngọn cờ đầu trong cuộc đấu tranh vì quyền lợi và địa vị của phụ nữ Việt Nam. Tiếc rằng, sau đó Google buộc phải xin lỗi vì sự cố nhầm lẫn ảnh của bà.

TS. Nguyễn Hữu Mạnh (Khoa Lịch sử - Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQGHN)
TIN LIÊN QUAN

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3

Huyền Chi |

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 ra đời để tôn vinh "một nửa thế giới" và được nhiều quốc gia coi là ngày lễ lớn trong năm.

Phụ nữ thế giới có ăn mừng 8.3 như Việt Nam?

Thúy Ngọc (Theo Goodhousekeeping) |

Phụ nữ tại một số quốc gia thường nhận hoa và quà từ đàn ông vào ngày 8.3, trong khi ở vài nước Châu Âu hay Mỹ, phụ nữ sẽ tự mua hoa.

Nói chuyện chuyên đề nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8.3

Quế Chi |

Bắc Giang - Liên đoàn Lao động huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Dũng tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề “Hành trang người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3), ngày Quốc tế hạnh phúc (20.3) năm 2023 và hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” năm 2023.

Sĩ tử học ngày cày đêm cho cuộc đua giành vé vào lớp 10 trường công lập

Nhóm PV |

Cuộc đua vào lớp 10 trường công lập tại Hà Nội đang dần nóng lên nhất là khi Sở giáo dục và đào tạo công bố thông tin trong năm nay chỉ có 55,7% số học sinh lớp 9 ở Hà Nội có suất để học tại các trường THPT công lập. Nhiều phụ huynh và học sinh tìm mọi cách để ôn luyện với mục đích đỗ vào trường cấp 3 mà mình mong muốn.

Ngăn chặn thuốc lá điện tử xâm nhập học đường: Khó khăn nhiều phía

Hoàng Bin |

Với nguy cơ đã nhận diện, tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đang trở thành vấn nạn đối với môi trường học đường, thế nhưng việc quản lý vấn đề này tại Quảng Nam đang gặp khó khăn từ nhiều phía.

Đà Nẵng: 3 nữ quái dàn cảnh bán thuốc tiên, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng

Khánh Ngọc |

Công an quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) đã thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với 2 trong số 3 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiều tối qua - 23.3.

Người dân và du khách hào hứng trải nghiệm xe đạp công cộng ở Đà Nẵng

Mai Hương - Văn Trực |

Sau khi xe đạp công cộng được đưa vào sử dụng ở Đà Nẵng, nhiều người dân và du khách hào hứng trải nghiệm loại hình mới mẻ này.

TPHCM: Hơn 31.000 xe hết hạn tạm giữ chưa được xử lý

MINH QUÂN |

TPHCM - Thời gian dài, thủ tục nhiều khiến hơn 31.000 phương tiện giao thông vi phạm quá thời hạn bị tạm giữ tại các kho tang vật của Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh chưa được xử lý.

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3

Huyền Chi |

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 ra đời để tôn vinh "một nửa thế giới" và được nhiều quốc gia coi là ngày lễ lớn trong năm.

Phụ nữ thế giới có ăn mừng 8.3 như Việt Nam?

Thúy Ngọc (Theo Goodhousekeeping) |

Phụ nữ tại một số quốc gia thường nhận hoa và quà từ đàn ông vào ngày 8.3, trong khi ở vài nước Châu Âu hay Mỹ, phụ nữ sẽ tự mua hoa.

Nói chuyện chuyên đề nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8.3

Quế Chi |

Bắc Giang - Liên đoàn Lao động huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Dũng tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề “Hành trang người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3), ngày Quốc tế hạnh phúc (20.3) năm 2023 và hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” năm 2023.