Tác phẩm và dư luận

“Một vài chiếc lá mỏng manh...”*

ĐỖ QUANG HẠNH |

(Đọc “Trong căn phòng một người bại liệt” - Ghi chép và chân dung của Nguyễn Quang Thiều, Cty sách Phương Nam và NXB Hội Nhà văn 2016, 212 trang).

Trong cuộc đời làm báo, Nguyễn Quang Thiều cũng như chúng tôi, viết về những người đang còn sống, còn làm việc là phải nhiều hơn hẳn những gì viết để tưởng nhớ, hoặc chỉ để nhắc nhở bạn đọc một điều gì đó, dù nhỏ bé thôi về những người đã khuất. Nhưng tôi biết, cũng có không ít những cây bút chủ yếu viết về những người đã “muôn năm cũ”, đã rời xa chúng ta. Không chỉ là những nhà nghiên cứu, có những nhà văn, nhà thơ, nhà báo có thể viết nhiều về người (đã) chết nhiều hơn về người (còn) sống… Một trong những gương mặt đáng gọi là tiêu biểu ấy là người bạn thân thiết của chúng tôi, Nguyễn Thụy Kha. Tôi đã từng nghe có người nửa đùa nửa thật, thậm chí có khi hơi ác ý gọi anh là “con kền kền”. Anh chỉ cười, và vẫn viết khi có người ra đi, nhất là trong giới âm nhạc. Tôi đã từng bị phê bình khi trên trang báo do mình phụ trách, có “hơi bị nhiều” những bài vĩnh biệt, tưởng nhớ…

Tập sách này, là sự “hồi tưởng về những người đã mất”. Tôi thấy anh chọn tên sách thật xác đáng: “Trong căn phòng những người bại liệt”. Nhân vật người bà bại liệt của tác giả không phải do dị tật bẩm sinh, “chân tay chỉ bất động” suốt 4 năm cuối đời, “nhưng đầu óc bà hoàn toàn minh mẫn”. Trong muôn vàn bệnh tật khốn khổ của con người, bại liệt là nỗi đau lớn, không phải nỗi đau thể xác mà về tinh thần, nếu người bệnh còn nhận thức được. Không thể đi lại, thậm chí không cử động được một phần thân thể là sự hành hạ khủng khiếp. Không phải ngẫu nhiên mà một trong những phép lạ đầu tiên của Đức Kitô chính là chữa cho một người bị bại liệt. Nguyễn Quang Thiều kể lại, “trong những ngày đó, bà tôi rất muốn được nhìn thấy gương mặt mình” và “bà tôi thích thú và kinh hãi” khi nhìn mình trong gương.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Mặc dù, Nguyễn Quang Thiều viết rất đẹp như một câu thơ: “Bà tôi nhìn vào gương giống như một con bồ câu soi mình vào chậu nước” thì cái cảm giác “thích thú và kinh hãi” của người bà vẫn ám ảnh chúng ta. Có lẽ sự kinh hãi còn lớn hơn cả sự thích thú. Bà không thể “cố định nghĩa bằng dụng cụ - chiếc gương và “ngay sau đó, dù chỉ là vô thức, bà tôi đã kiếm tìm sự hiện hữu… Nó đúng là sự tồn tại của bà tôi”. Người bà không còn cảm giác gì với cơ thể bại liệt”, “phải dùng giọng nói đã trở thành tấm gương để soi ký ức và ý thức sống của bà”. Rồi bà “nói lan man đủ thứ chuyện từ sáng tới khi đi ngủ”. Từ những câu chuyện, lời nói miên man và rời rạc ấy, Nguyễn Quang Thiều đã “lưu giữ trọn vẹn những gì đã qua đời sống này ở làng quê” và người bà là “nhà văn đầu tiên và vĩ đại” trong suốt tuổi thơ anh.

Sở dĩ tôi nhắc lại nhiều bài chân dung này, không chỉ vì đây là một trong những bài hay nhất của cuốn sách, mà tôi cho rằng, những người bình thường, không mấy tuổi tên - là những bài viết đáng đọc nhất, gây được ấn tượng nhất đối với người đọc. Một nhà văn có tiếng, một người hoạt động sáng tạo đa tài - đôi khi đa sự nữa - như Nguyễn Quang Thiều, anh có thừa có mối quan hệ rộng rãi với những người nổi tiếng, những người thành đạt không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài, nhưng tôi vẫn thấy anh viết về những người bình thường hay hơn, ít ra là trong cuốn sách này. Khi đọc những bài viết như thế, tôi lại nhớ đến người bạn, biên đạo múa Ea Sola Thủy, người say mê làm các vở kịch múa, và thích nói, thích suy tưởng về lớp người vô danh. Bà Xuýt, người em họ bà nội Nguyễn Quang Thiều “lưng bà còng và nằm song song với mặt đất” lúc nào cũng như “con ốc sên bò trên đường”, làm tôi cứ nhớ đến những bà, những chị luôn phải cắm mặt xuống đất trong “Hạn hán cơn mưa”, những người vô danh ấy luôn ám ảnh và khiến Thủy Ea Sola chung thủy suốt đời trong sáng tác… Nhân vật bà Xuýt ấy thật khác thường, “chẳng hề ốm đau, chẳng hề lo lắng hay sợ hãi điều gì”, nhưng sự cảm nhận của Nguyễn Quang Thiều đã gợi cho chúng ta rằng, đó là “người của cổ xưa còn sót lại” và lẽ nào chúng ta cứ sống một “cuộc sống quá nhiều bon chen, quá nhiều tham vọng, quá nhiều sầu não và quá nhiều sợ hãi”.

Trong những bài viết đầy xúc động về người ông, người bố, người mẹ, người cô… hoặc là những người không phải thân thích, ruột già đầy cảm động ấy, có cuộc đời người anh họ của tác giả. Đi lính năm 17 tuổi, không về, người mẹ - tức bà cô của tác giả - trở thành Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng theo ông thân sinh tác giả thì anh ấy vẫn còn sống, nhưng cụt hết tứ chi và còn nhiều vết thương khác nữa, đang ở trại thương binh, kiên quyết không gặp người nhà. Người đọc không thể “bắt” tác giả dù hiện nay có thừa khả năng phải chứng minh sự thật ấy. Câu hỏi ấy cứ day dứt bởi đó là nỗi bi thảm của chiến tranh, làm sao có thể quên hình ảnh bà mẹ khi nhận giấy báo tử già đi nhanh hẳn, lặng lẽ hơn, chợt quên chợt nhớ rồi lẫn hẳn, chỉ còn “sống với những mùa tầm xuân nở”…

Những hồi tưởng về người “vô danh” ấy như là phác thảo của truyện ngắn.

Nhưng tôi nghĩ, để đọc như thế có khi hay hơn. Hình như thời buổi này, người ta thích đọc thể loại không hư cấu (non - fiction) hơn thì phải, mặc dù cùng chẳng ai cấm người viết về người thật - việc thật không dùng chút hư cấu nào.

Dù thích hơn cái gọi là phần 1 (trong cuốn sách tác giả không chia, nhưng có ý xếp theo thứ tự) nhưng phần 2 của anh, viết về những người có tên tuổi, những người có công trạng cũng có những bài đáng nhớ, đáng đọc. Với tôi, đó là những bài viết về Phạm Tiến Duật (Lạc trong hòa bình), Tố Hữu (Tố Hữu và ngọn đèn cô đơn đã tắt), Xuân Quỳnh (Người đàn bà tài sắc đoản mệnh), Diễm Châu (Một người đã về tới nhà mình)…. Tất nhiên có những bài viết còn đơn giản, thậm chí vội vàng của một người nhiều năm làm báo chuyên nghiệp, nhưng những gì Nguyễn Quang Thiều viết đều ấm áp, chân tình, bao dung… và có những dấu ấn riêng, giọng riêng, cảm nhận riêng thật sự.

Người xưa nói, “cái quan luận định”, nhưng có lẽ với Nguyễn Quang Thiều, anh không muốn “luận định”, không muốn dễ dãi, “độ lượng” theo kiểu điếu văn, cũng như không rắc hoa, tô vẽ... cho người đã mất. Tôi đã từng thích những câu thơ của E. Evtusenko, Chẳng có ai tẻ nhạt trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử… (Bằng Việt dịch). Nghe có lý và nhân ái lắm, nhưng càng có tuổi, tôi lại càng thấy xa lạ với bài thơ ấy. Cũng chính nhà thơ này, năm 2000 đã viết: Ở nước Nga, không mất mùa lúa mà mất mùa người (Khi nào nước Nga mới có con người?). Hình như, đó chỉ là tâm trạng của một nhà thơ, có phần cực đoan. Không ít người, kể cả những người vẻ như có tên, có “công trạng” khi xét lại (cái từ vốn một thời rất tội nghiệp, rất mang tiếng này) thì thấy họ cũng vô danh (hoặc sẽ vô danh ngay cả khi họ còn sống), cũng tầm thường, tẻ nhạt, thậm chí còn là rất tệ…

Nhưng đó là chuyện khác. Và như thế, tôi tán thành những lời của Nguyễn Quang Thiều, “Mỗi ghi chép của tôi đối với cuộc đời họ cũng chỉ như một chiếc là của một mùa cây bất tận trên thế gian này. Chiếc lá mỏng manh, mơ hồ và lướt qua khẽ khàng có thể cho ta thấy cả mùa cây và có thể chẳng cho thấy được một chút gì”.

* Ý của Nguyễn Quang Thiều.

ĐỖ QUANG HẠNH
TIN LIÊN QUAN

Huấn luyện viên Mai Đức Chung và điều chưa kể về hành trình đến World Cup

AN NGUYÊN |

Cách đây 1 năm, hành trình đến World Cup 2023 của bóng đá nữ Việt Nam như một câu chuyện cổ tích được viết nên bởi huấn luyện viên Mai Đức Chung và các học trò.

Những năm Mão đáng nhớ trong lịch sử dân tộc

Anh Đức - Hoàng Anh |

Khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam; ra đời bộ Luật Hồng Đức hay thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là những sự kiện đều diễn ra vào năm Mão.

Chú mèo của năm, nuôi ngược lại chủ

Minh Ánh - Hà Chi |

Chỉ bằng những clip Tiktok quay lại những hoạt động thường ngày, chú mèo Chi Thối này năm qua đã kiếm về hàng trăm triệu về cho chủ của mình.

Việt Nam và hành trình kể những câu chuyện về vẻ đẹp bất tận

Nick M |

Nhà thám hiểm lừng danh người Morocco - Ibn Battuta – từng nói: “Du lịch – ban đầu nó khiến bạn không thốt nên lời, và sau đó biến bạn trở thành một người kể chuyện”. Và du lịch Việt Nam, đã và đang kể những câu chuyện về vẻ đẹp bất tận đi khắp thế giới.

NSND Tự Long nói về sự xuất hiện của NSND Công Lý ở Táo Quân 2023

Mi Lan |

NSND Công Lý xuất hiện ngắn gọn ở Táo Quân 2023 với 3 câu thoại ngắn.

Hà Nội bình yên, đẹp mơ màng trong sáng mùng 1 Tết

NHÓM PV |

Thời tiết Hà Nội vào sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão (tức 22.1) lạnh giá khiến người dân xuất hành du Xuân muộn hơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông sản góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia

Nhóm PV |

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, khi xuất khẩu hàng hoá ra thị trường quốc tế cần có những cách thức quảng bá thương hiệu quốc gia, ngược lại thương hiệu quốc gia sẽ góp phần định vị nông sản của Việt Nam.

Cộng đồng quốc tế tin tưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ

Trà My |

Năm 2023 đến với nhiều cơ hội và thách thức mới. Với đà tăng trưởng của năm 2022, kinh tế Việt Nam được cộng đồng các tổ chức quốc tế dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc.