Họa sĩ Trần Nhật Thăng: “Lao động khiến cho nghệ thuật có giá trị”

AN LÊ (thực hiện) |

Trần Nhật Thăng có một sức lao động nghệ thuật “kinh khủng”. Năm 2024 mới chỉ trôi qua được 4 tháng, tuy nhiên, người hoạ sĩ vừa qua tuổi 53 này đã kịp phóng bút để vẽ ra hàng chục bức tranh cho 2 cuộc triển lãm “Mây đi qua tôi” hồi tháng Ba và “Mây Miền” vào tháng Năm.

30 năm miệt mài để hình thành một con đường

* Năm nay với anh có vẻ là năm “đắc hội long vân”, rồng gặp được mây hay sao mà liên tiếp sáng tác về chủ đề mây?

- Thật ra đấy cũng chỉ là chuyện ngẫu nhiên mà thôi. Có lần, khi tôi đang ngồi uống trà vặt ở xưởng vẽ trên Vân Hồ (Mộc Châu, Sơn La) đột nhiên thấy mây ùa vào nhà. Trong phút chốc, mọi thứ từ có thành không, từ chật hẹp thành mênh mông. Thế là ý tưởng “Mây đi qua tôi” nảy số và hình thành.

Cũng trong khi đang sáng tác cho chủ đề “Mây đi qua tôi”, tôi đã vấn vương, quấn quýt với concept (khái niệm - PV) “Mây Miền”. Nó không còn chỉ là diễn tiến hành động của mây nữa mà là một nội hàm mây, một thế giới mây. Tuy cùng một mạch sáng tác, cùng một đối tượng nhưng bản chất lại khác nhau.

Mây của “Mây đi qua tôi” có nhiều sắc thái, trong khi mây của “Mây Miền” đơn sắc và thiên về blue, u uẩn hơn, trầm lắng hơn, biểu đạt nội tâm của mây qua góc nhìn của tôi chứ không phải biểu đạt tâm trạng của con người bằng mây như ở “Mây đi qua tôi”.

* Anh có thể nói qua về “Mây Miền”?

- Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 16 của tôi. Ở “Mây Miền” có tổng cộng 23 bức tranh, được đặt tên từ "Mây Miền 1" đến "Mây Miền 23". Tất cả đều là Acrylic vẽ trên toan. Tuy nhiên, tôi chỉ treo 20 bức ở cuộc triển lãm này bởi vì yếu tố không gian. Đấy cũng là một điều đáng tiếc, nhưng thôi, cứ để cho sự tuỳ tiện dẫn dắt, như mây trôi nước chảy, chẳng cố cưỡng cầu.

* 23 bức tranh được anh sáng tác trong khoảng thời gian hơn một tháng? Đấy là do năng lực sáng tạo siêu việt của anh hay là vẽ mây theo lối trừu tượng quá đơn giản?

- Anh đã bao giờ rơi vào trạng thái như bị điên chưa? Đã bao giờ nhập cảnh giới như điên chưa? Nếu anh đã từng rơi vào trạng thái này, chắc chắn anh sẽ hiểu tại sao tôi có thể vẽ 23 bức trong một khoảng thời gian gấp gáp như thế. Tôi sáng tác ý tưởng và thể hiện chúng trên toan để trở thành một bức tranh chứ không phải thợ vẽ hay công nhân “nghệ thuật” làm việc theo khuôn mẫu, quy trình.

Có lẽ anh không biết rằng hơn chục năm trước, khi bị ở trạng thái điên nhất, tôi đã từng vẽ cả vài bức trong một đêm trắng. Sau đó, như thể một cỗ máy cạn kiệt năng lượng hoàn toàn, tôi không thể vẽ trong một thời gian dài, phải chuyển sang những món chơi khác để phục hồi năng lượng, ý tưởng mới.

Khi anh nhìn vào một bức tranh trừu tượng, có lẽ anh sẽ khởi sinh định kiến: Ôi, vẽ thế này thì có gì là khó, không hình khối, không bố cục, không tạo hình, cứ loằng ngoằng, loẹt quẹt mấy nét là xong. Nếu quả đúng là trừu tượng là như thế, thì tất cả mọi người đều là họa sĩ, đều là Paul Jackson Pollock (họa sĩ nổi tiếng với trường phái trừu tượng sống động người Mỹ - PV).

Cái khó khăn, cái vật vã, cái đau đớn của tôi là ý tưởng. Làm thế nào để có một ý tưởng, một khái niệm và làm thế nào diễn giải chúng lên toan, biến chúng từ sóng ý thức thành những vệt màu loằng ngoằng trong mắt của anh. Để có thể vẽ 23 bức tranh trong vòng 1 tháng, tôi đã mất 30 năm.

* 30 năm? Anh dùng quãng thời gian đó để làm gì?

- Để tìm ra con đường của mình. Đơn giản thế thôi! Đó là quá trình lao động suy tưởng rất vất vả nhưng hoàn toàn không tạo ra được giá trị vật chất nào cả. Khi mới tốt nghiệp trường Yết Kiêu (ĐH Mỹ thuật Việt Nam), tôi cũng từng vẽ tranh phong cảnh, chân dung để bán kiếm tiền sống, và kiếm cũng kha khá.

Cho đến một ngày, tôi nhìn những bức tranh đó, và tự nhiên hét lên đầy tự vấn: “Thăng ơi, mày đang vẽ cái gì thế? Mày đang làm gì đời mày vậy? Đây là cái mà mày sẽ theo đuổi ư?”. Sau đó, tôi quyết định từ bỏ con đường đó, xoá số các gallery, bỏ luôn những bức tranh đang gửi bán, coi như đoạn tuyệt.

Và tôi nghiền ngẫm ngôn ngữ trừu tượng để lập bút bằng ngôn ngữ hội họa vô hình vô tướng này. Nó phù hợp với nhân dạng của tôi, kiếp sống của tôi, sứ mệnh của tôi. Con đường đó rất chông gai, đầy những hiểu nhầm kiểu “không biết vẽ thì mới vẽ trừu tượng” của những người không thể thụ cảm được ngôn ngữ này.

Trong 30 năm bước chân trên con đường này, tôi và vợ con đã phải chịu nhiều cảnh đau khổ, có khi không có tiền đóng tiền điện nước. Tranh vẽ ra thoả mãn đam mê nhưng không bán được, cứ chất đống hàng trăm mét trong kho. Thật sự, khi nhìn tác phẩm của mình như thế, tôi không khỏi xót xa và không tránh được mặc cảm kém cỏi với vợ con.

Một số tác phẩm của họa sĩ Trần Nhật Thăng.
Một số tác phẩm của họa sĩ Trần Nhật Thăng.

Lao động đem lại giá trị cho nghệ thuật

* Lao động nghệ thuật cũng nghiệt ngã đến thế sao?

- Đúng vậy! Chẳng có gì đạt được nếu không thông qua quá trình lao động. Lao động là một quá trình tư duy liên tục, kiểm nghiệm phép thử sai, để thuyết phục tất cả - trước hết là bản thân mình – vào giá trị của tác phẩm mà mình tạo ra. Mỗi đường vung bút phải là một đường gươm chính xác, có ý đồ mạch lạc.

Thời Chiến Quốc, nước Tề có người đồ tể dùng dao mổ trâu bò, cả năm không phải mài dao. Đó là nhờ kỹ năng đi dao tuyệt đỉnh, lựa tránh chạm dao vào xương gân mà chỉ lách cắt thịt. Tuyệt kỹ này chính là thành tựu công phu của quá trình lao động, tích tụ cả một đời người, chứ không thể có trong ngày một ngày hai.

Tôi không dám ví nét bút của mình cũng ở cảnh giới công phu đó, nhưng 30 năm lao động trong lĩnh vực trừu tượng, đã giúp tôi làm chủ được ngôn ngữ này. Chỉ cần có ý tưởng là có thể diễn ngôn trên mặt toan bằng màu sắc, đường nét, cũng giống như anh dùng con chữ vậy.

Nhìn chung, khi tôi nhìn lại 16 cuộc triển lãm cá nhân của mình, nhìn việc người khác sẵn sàng bỏ vài chục nghìn USD để mua tranh của mình, tôi hiểu rằng đó là thành tựu của 30 năm mài dao đầy đau khổ, hoài nghi, và dằn vặt. Thế nên, bút phóng liên miên như kiếm ý, nét không dứt nhưng tách bạch mạch lạc vô cùng.

* Tôi đã hiểu tại sao anh có thể sáng tác số lượng lớn tác phẩm trong một thời gian ngắn? Nhưng tại sao phải dồn dập như thế?

- Vì chúng ta không thể biết được cái gì đang đợi mình ở ngày mai. Càng ngày tôi càng thấu đạt sự vô thường. Mỗi tối đi ngủ, tôi không biết ngày mai có thức dậy không? Mỗi khi rửa cọ xếp màu, tôi không biết mình có thể vẽ tiếp một bức tranh khác nữa không?

Mỗi ngày, lại thấy mất mát vài gương mặt thân quen. Điều đó cho tôi đau khổ, nhưng cũng hoát ngộ về lẽ vô thường, được mất. Như thung lũng kia đã rực rỡ xanh, đỏ, tím, vàng của hiện thực siêu thực rồi chỉ trong một sát na đã phủ đầy mây, tất cả biến mất từ màu sắc đến hình ảnh, chỉ còn sắc trắng mênh mông.

Ai có thể biết được điều đó? Ai có thể làm chủ được điều đó? Không ai cả. Nên chúng ta an vui với mọi chuyển cảnh đi, thấy nắng thì vui với nắng, thấy mây thì vui với mây, không thấy cái gì thì vui với hư không trống rỗng. Do đó, tôi vẽ, vẽ, và vẽ khi còn có thể vẽ, để rồi sau này, an lòng với việc không thể vẽ, không vẽ được nữa.

* Có vẻ anh không hối tiếc về điều gì đúng không?

- Tôi không hối tiếc về con đường của mình, thế nhưng tôi có chút hối tiếc về con người mình. Tôi có một người bạn thân tên là Hà Minh Tuân, hoạt động ở mảng điêu khắc. Chúng tôi đồng trang lứa, đồng niên khóa nên chia sẻ nhiều thứ chung. Tuy nhiên, chúng tôi không có cuộc chơi nghệ thuật chung nào?

Thật ra thì cũng có, nhưng nó chưa kịp thực hiện thì bạn tôi rơi vào quá vãng sau một cơn đột quỵ. Tôi hối tiếc về chuyện đó, vì mình vẫn vị kỷ, vẫn nghĩ còn nhiều cơ hội nên bỏ lỡ một cuộc chơi với bạn. Bây giờ, người không còn, chỉ còn sự dằn vặt trong tâm, trí, thần, thức.

* Dường như anh đang vẽ cho cả bạn của mình?

- Thật sự tôi muốn làm điều đó. Sáng tác cho cả bạn mình nhưng đấy là điều không thể. Tha nhân vẫn là tha nhân, và ý định của mình dù tốt đẹp đến mấy vẫn có thể là địa ngục của tha nhân. Bạn tôi đã đi con đường riêng, nó đã kết thúc. Còn tôi vẫn đi chừng nào còn đi được.

Tôi hy vọng rằng, trên từng bước đi, ở trên kia hay nơi nào đó, mắt của bạn vẫn quán chiếu, vẫn vui vẻ với nỗ lực sáng tạo của tôi. Thật sự, không phải ngẫu nhiên mà tôi có “Mây đi qua tôi” và “Mây Miền”. Nó chính là nỗi khắc khoải của tôi, của chúng ta về lẽ vô thường của cuộc nhân sinh, của sinh mạng, của thế giới.

Tôi muốn mây từ trong tâm trí của mình, lên toan rồi lên trên đó với bạn tôi. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, không có giới hạn ngăn cách nào cả nếu tâm ý được tương thông. Mây là lời kinh cầu, là sự sám hối của tôi với thế gian này. Hãy để mây bay.

AN LÊ (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Đà Nẵng ký họa qua góc nhìn của họa sĩ trẻ

Quỳnh - Nguyệt |

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, họa sĩ trẻ Hồ Kim Thạch (SN 2000) lại yêu thích và có niềm đam mê với nét đẹp của TP Đà Nẵng. Thạch đến học tập và làm việc tại Đà Nẵng và đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm ký họa đầy sinh động về nơi này.

Họa sĩ Linh Chi sống trong nghệ thuật

Thanh Hương |

Triển lãm tranh và sách “Họa sĩ Linh Chi - Sống trong nghệ thuật” sẽ được giới thiệu đến công chúng Thủ đô từ ngày 20 - 29.12 tại Phòng nghệ thuật, Nhà xuất bản Hội Nhà văn (Hà Nội).

Triển lãm trưng bày 35 bức tranh mới của họa sĩ Đào Anh Khánh

huyền chi |

Những tác phẩm mới của họa sĩ Đào Anh Khánh gây ấn tượng bởi gam màu rực rỡ, tươi mới, có nhiều cung bậc chuyển tiếp màu sắc.

Núi Pháo của Masan Group thua lỗ kỷ lục, dòng tiền gặp khó

Lục Giang |

Masan High-Tech Materials lỗ sau thuế lên tới 1.529 tỉ đồng trong năm 2023, Khoáng sản Núi Pháo cũng ghi nhận khoản lỗ 1.409 tỉ đồng. Nhìn vào bức tranh tài chính cùng với những động thái của Masan High-Tech Materials thời gian gần đây cho thấy, doanh nghiệp đang gặp khó về dòng tiền và đối diện với áp lực thanh toán nợ vay.

Đường ở trung tâm TPHCM bị ùn tắc nghiêm trọng trong đêm 29.4

Nguyên Chân |

TPHCM - Lượng phương tiện đổ về khu vực trung tâm như công viên bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ tăng cao khiến đường Tôn Đức Thắng ở trung tâm TPHCM rơi vào tình trạng ùn tắc trong tối 29.4

Trực tiếp U23 Indonesia 0-0 U23 Uzbekistan: Hiệp 2

TAM NGUYÊN |

Trực tiếp trận U23 Indonesia - U23 Uzbekistan tại bán kết giải U23 châu Á 2024 lúc 21h00 ngày 29.4.

Giữa nghỉ lễ, hàng chục công nhân vẫn đội nắng nóng 40 độ đòi nợ BHXH

Khánh Linh - Hoàng Lộc |

Vĩnh Phúc - Bị nợ BHXH từ cuối năm 2020 đến tháng 9.2022, sau nhiều lần biểu tình đòi quyền lợi nhưng không thành, kỳ nghỉ lễ này, hàng chục công nhân Công ty TNHH SY VINA (xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương) tiếp tục căng băng rôn ở cổng công ty, đội nắng, xuyên lễ đòi quyền lợi.

Tin 20h: Chênh lệch mua - bán quá cao, có nên mua vàng thời điểm này?

Nhóm PV |

Tin 20h ngày 29.4: Mới cuối tháng 4, nắng nóng gay gắt sắp phá vỡ kỷ lục ở Việt Nam; Ám ảnh cuộc sống ở ngôi làng tái chế rác lớn nhất miền Bắc; Lỗ nặng vì giá vàng tiềm ẩn rủi ro, có nên mua vàng?...

Đà Nẵng ký họa qua góc nhìn của họa sĩ trẻ

Quỳnh - Nguyệt |

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, họa sĩ trẻ Hồ Kim Thạch (SN 2000) lại yêu thích và có niềm đam mê với nét đẹp của TP Đà Nẵng. Thạch đến học tập và làm việc tại Đà Nẵng và đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm ký họa đầy sinh động về nơi này.

Họa sĩ Linh Chi sống trong nghệ thuật

Thanh Hương |

Triển lãm tranh và sách “Họa sĩ Linh Chi - Sống trong nghệ thuật” sẽ được giới thiệu đến công chúng Thủ đô từ ngày 20 - 29.12 tại Phòng nghệ thuật, Nhà xuất bản Hội Nhà văn (Hà Nội).

Triển lãm trưng bày 35 bức tranh mới của họa sĩ Đào Anh Khánh

huyền chi |

Những tác phẩm mới của họa sĩ Đào Anh Khánh gây ấn tượng bởi gam màu rực rỡ, tươi mới, có nhiều cung bậc chuyển tiếp màu sắc.