“Hổ phụ rèn con” - mốt giáo dục đầy tham vọng ở Trung Quốc

Hương Giang |

He Yide từng tự tay điều khiển máy bay ở ngoại ô Bắc Kinh, thử chinh phục đỉnh núi Fuji lạnh cóng và đi bộ 100km dọc theo sa mạc Lop nổi tiếng nguy hiểm của Trung Quốc. Điều đáng chú ý nằm ở chỗ Yide không phải là một vận động viên mạo hiểm dày dạn kinh nghiệm. Cậu bé chỉ là một đứa trẻ 9 tuổi, con của một ông bố tham vọng với cách dạy con đặc biệt khác người.
Đẩy con ra khỏi tổ ấm để nhanh trưởng thành
Cha Yide là He Liesheng, một doanh nhân bình thường ở Trung Quốc nhưng đã trở thành gương mặt đại diện cho một thế hệ các ông bố mới được gọi là “hổ phụ” tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Cá nhân He thích gọi mình là “đại bàng cha”. “Một khi con đại bàng non đủ cứng cáp, đại bàng cha mẹ sẽ đẩy nó, một cách tàn nhẫn, ra khỏi tổ ấm nằm trên vách núi”, He nói trong cuộc gặp gỡ gần đây với tờ South China Morning Post (SCMP). “Trong quá trình rơi xuống, đại bàng non phải đập cánh và tự tìm cách để bay. Nếu không nó sẽ chết”.
He đã nêu triết lý sống này trước báo chí vào năm 2012, khi anh cùng cậu con trai lần đầu thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới, nhờ một đoạn video được chia sẻ mạnh trên mạng. Đoạn video có cảnh Yide chỉ mặc một chiếc quần đùi màu vàng và run rẩy chạy trong điều kiện thời tiết lạnh cóng, trên một con đường phủ tuyết trắng ở New York. Bất chấp việc con trai vừa khóc vừa van xin cha bế mình lên, He vẫn không mủi lòng.
Sau lần ấy, cha con He tiếp tục lên báo thêm nhiều lần nữa, vì lối dạy con chẳng giống ai của anh, với đa phần dư luận nghiêng về phía chê bai, chỉ trích ông bố tàn nhẫn. Đơn cử như vào tháng 10.2012, lực lượng kiểm lâm Nhật Bản đã phải giải cứu He và Yide khi cha con bị kẹt lại ở độ cao 3.400m trên ngọn núi Fuji cao 3.776m. Việc này xảy ra bởi hai cha con lên núi mà không có người dẫn đường và bất chấp nhiều cảnh báo rằng khu vực đỉnh núi có những cơn gió chướng thổi rất mạnh. Theo một số trang tin, cả hai cha con đều được trang bị khá tồi cho hành trình. Họ không có đồ chống thấm nước mưa, mang theo ít nước ngọt và thực phẩm cùng các trang thiết bị khác phục vụ hành trình.
He giải thích lý do của việc chuẩn bị tồi là do anh tưởng các cửa hàng nằm dọc theo tuyến đường leo núi sẽ vẫn hoạt động trong mùa thấp điểm - điều đã không xảy ra. Rốt cục, cả hai phải từ bỏ ý định chinh phục đỉnh núi sau khi một chủ cửa hàng cảnh báo họ về việc thời tiết đang xấu đi nhanh. Họ đành ăn một bát mỳ ăn liền rồi theo chân lực lượng kiểm lâm xuống núi. Nhưng đây có lẽ là lần duy nhất He thất bại vì đánh giá sai tình hình.
Nhiều tháng trước phi vụ leo núi Fuji, He từng buộc con trai phải một mình chèo thuyền vượt sông ở khu vực Thanh Đảo, Sơn Đông. Năm tiếp theo, He phải tự mình lái một chiếc máy bay hạng nhẹ trong vòng 35 phút tại Công viên động vật hoang dã ở Bắc Kinh. Dù bị lên án, nỗ lực sau có mang tới cho Yide và cha đẻ một thắng lợi: Tổ chức kỷ lục Guinness thừa nhận Yide là người trẻ nhất trên trái đất từng lái một chiếc máy bay!
Chưa dừng lại ở đó, năm 2014, cặp cha con này lại có hành trình vượt qua sa mạc Lop dài 3.000km. Trong hành trình, họ đã phải đi bộ khoảng 100km. Cả hai đã thực hành nhiều kỹ năng sinh tồn, gồm hái lượm thực phẩm và ngủ trong những chiếc hố mà họ tự đào để bảo vệ bản thân. Có thể nói rằng chuyến đi lần này của cha con He rất đáng kể. Sa mạc Lop, nằm ở Tân Cương, là một hồ muối đã khô cạn với biệt danh “Biển Chết” ở Trung Quốc. Nhiều người đã bỏ mạng khi cố băng qua sa mạc này.
Theo lời He, anh phải dạy con một cách nghiêm khắc và cứng rắn vì Yide vốn là đứa trẻ sinh non. Ngay từ khi chào đời, Yide đã gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe, gồm tình trạng bị não úng thủy, vốn có thể dẫn tới tình trạng bại liệt. Phương pháp dạy dỗ của He đã mang tới kết quả là Yide hiện rất khỏe mạnh về thể chất, thậm chí là hơn nhiều chúng bạn cùng trang lứa.
Học sinh lớp 3 nhưng đã sắp có bằng đại học
Khi phóng viên SCMP gặp lại hổ phụ này cùng con trai của anh vào một ngày Chủ Nhật của tháng 6.2017, Yide đang chuẩn bị cho cuộc thi vào lớp 6 ở Nam Kinh, Giang Tô. Phần lớn học sinh Trung Quốc phải trải qua kỳ thi này khi lên tuổi 12. Ngoài việc chạm vào các dấu mốc hết sức ấn tượng về thể lực, cậu bé còn đạt được những thành tích học tập đặc biệt. Dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc của cha, Yide hiện đang là một nhà vô địch về tính toán bằng bảng tính, sắp sửa có bằng đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh và đang dành thời gian rảnh để nghiền ngẫm các giáo trình giảng dạy thuộc bậc đại học.
“Kỹ thuật dạy dỗ con của tôi đã có tác động rất lớn tới Duoduo”, He nói với phóng viên tờ Post, âu yếm gọi con bằng tên thân mật ở nhà. “Duoduo hiện đang đọc giáo trình kinh tế của Đại học Nam Kinh - một trong những ngôi trường danh giá nhất Trung Quốc - nhưng cháu vẫn không mất đi tiếng cười hồn nhiên như chúng bạn cùng lứa”.
Hiện Yide đang tuân thủ một thời khóa biểu khá chặt chẽ, gồm 3 giờ thể dục mỗi ngày và rất nhiều bài học với kiến thức cao siêu hơn nhiều những gì một đứa trẻ bằng tuổi cậu bé vẫn học. Giống nhiều đứa trẻ 9 tuổi khác, Yide đang là học sinh lớp 3 tại một trường tiểu học ở địa phương. Tuy nhiên ngoài giờ học trên lớp, Yide còn phải tham gia nhiều lớp học với các gia sư mà cha thuê để giúp cậu chuẩn bị cho các bài thi đầu vào cấp 2.
Hồi tháng 2 năm nay, Yide đã tham gia 3 cuộc thi để đảm bảo các yêu cầu bắt buộc của Đại học Nam Kinh, nhằm cấp bằng đại học về quản lý kinh tế cho các sinh viên tự học. Yide đã vượt qua hai bài thi và chỉ trượt một bài duy nhất. Để được cấp tấm bằng quản trị kinh doanh, cậu còn phải vượt qua 11 bài thi khác, bên cạnh việc viết một bài luận văn có ý nghĩa và giá trị thực tiễn - điều mà ngay cả những sinh viên bình thường có thể cũng phải lắc đầu lè lưỡi.
Cha của Yide nói rằng anh muốn con trai chỉ tập trung vào các môn học liên quan tới kinh doanh, bởi tham vọng của cậu bé là trở thành một doanh nhân. Các giáo trình giảng dạy chính thức bị anh xem là quá lãng phí thời gian vào các môn học “vô bổ”.
“Với mục tiêu đó trong tâm trí, Duoduo sẽ học các môn cần thiết cho một doanh nhân có năng lực”, He nói, cho biết thêm rằng Yide sẽ không tham gia gaokao, kỳ thi đầu vào đại học nổi tiếng khốc liệt ở Trung Quốc. Thay vì thế, cậu bé sẽ tập trung lấy các bằng cấp chứng chỉ dành cho sinh viên tự học.
“Duoduo cần có bằng cấp trong ít nhất 3 lĩnh vực lớn nữa, như quản trị nguồn nhân lực”, anh nói. “Lấy các bằng chứng nhận này là cách khả dĩ nhất cho Duoduo hiện nay, bởi chúng không bị hạn chế về độ tuổi như cuộc thi gaokao”.
He cho biết phương pháp dạy con cứng rắn như của anh đã mang lợi ích cho nhiều đứa trẻ khác nữa. Trong năm ngoái, khoảng 20 đứa trẻ từ trên khắp Trung Quốc giống như Yide đã tham gia các hoạt động tự học tại nhà, dựa trên giáo trình do anh soạn thảo.
Giáo trình He cung cấp theo một chương trình riêng và các giáo viên dạy từng môn học sẽ do He bố trí. He nói rằng bất chấp sự nghi ngờ tồn tại lâu nay, ngày càng có nhiều phụ huynh ủng hộ phương pháp giảng dạy của anh. Trong số đó có không ít người muốn thử nghiệm phương pháp giáo dục mới với con mình, vì họ không còn thích chương trình giáo dục phổ thông nữa.
“Những đứa trẻ đó thay đổi quá nhiều trong trường học của tôi”, He nói. “Chúng không còn nghiện các trò chơi điện tử và cũng không chán ghét việc làm bài tập về nhà , không nói tục nhiều như trước nữa”.
Một làn sóng ủng hộ tăng cao
Thực vậy, đã có sự tăng lên về tỉ lệ ủng hộ cho các phương thức dạy con hướng theo truyền thống trong xã hội nghiên cứu. “Phương thức dạy con truyền thống, với người cha nghiêm khắc và người mẹ dịu hiền, có gốc rễ rất sâu trong lối dạy con của người Trung Quốc”, Chen Binbin, một nhà tâm lý học từ trường nghiên cứu chính sách công và phát triển xã hội thuộc Đại học Phúc Đán, cho biết.
Ở Trung Quốc, phương thức dạy con ngày càng đề cao tình cảm nồng ấm và sự nhẹ nhàng của các ông bố, thường được xem là lối dạy chịu ảnh hưởng từ phương Tây. Nhưng trong mấy năm gần đây, xã hội Trung Quốc đã tăng cường việc giáo dục và dạy học theo văn hóa, giá trị truyền thống, khi ngày càng nhiều người lo ngại ảnh hưởng từ phương Tây sẽ làm giảm sút bản sắc văn hóa.
Cơ quan giáo dục Trung Quốc gần đây đã yêu cầu các trường học phải làm nhiều hơn để củng cố giá trị truyền thống. Các lớp học thêm dạy về văn chương và thư pháp cổ Trung Quốc đã thu hút đông đảo người tham gia... Các “hổ phụ” cũng xuất hiện ngày càng nhiều, thuộc về đủ mọi tầng lớp.
Hồi tháng 8 năm ngoái, Zhang Junguang, một tài xế xe tải 39 tuổi ở Hà Nam, đã gây sốc khi bắt con trai 4 tuổi trượt patin đi một quãng đường dài 500km tới Bắc Kinh để “tăng cường sức mạnh” cho con. Trong hành trình kéo dài chưa đầy 2 tuần, đứa trẻ đã phải trượt patin liên tục suốt cả ngày và chỉ được ngủ khi trời tối, trước khi lên đường vào mờ sáng hôm sau. Có ngày bé đã phải trượt patin tới gần 30km, trong điều kiện đường xá gồ ghề và vẫn phải lên đường bất chấp thời tiết mưa bão hay gió mạnh.
“Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc lên cao, vì nhiều lý do khác nhau, người ta nghĩ rằng nên quay trở lại với cách dạy con truyền thống”, Li Xuan, một giáo sư tâm lý ở Đại học New York Thượng Hải nhận xét. “Các ông bố có con trai lại càng đặc biệt quan tâm tới những phương thức giáo dục truyền thống”.
Xu hướng này đã thể hiện rõ từ phản ứng của khán giả với chương trình truyền hình thực tế ăn khách “Bố ơi mình đi đâu thế” phiên bản Trung Quốc. “Ví dụ như khi diễn viên Lâm Chí Dĩnh tìm cách bảo vệ con trai mình khỏi nguy hiểm, khán giả đã chỉ trích lối dạy con của anh. Họ nói rằng anh không nên làm thế vì đứa trẻ là con trai và cần phải trở nên mạnh mẽ hơn. Nhưng khi ngôi sao thể thao Thiên Lương hét vào mặt con gái, khán giả đều ghét anh vì đã làm thế.
Cha đẻ của Yide thừa nhận anh cứng rắn với con trai hơn là với cô con gái 5 tuổi He Yijing. Cả Yijing và Yide đều phải tự học vài giờ mỗi ngày nhưng He nói rằng anh nương tay hơn với cô con gái. “Tôi thường cắt giảm việc học tập tại nhà trẻ của Hanhan xuống chỉ còn một buổi sáng. Nhưng sau đó tôi đã quyết định cho cháu học cả ngày ở trường, để có thời gian chơi với chúng bạn cùng lứa”, anh kể. Ngoài điều này ra, Yijing không giống những đứa trẻ bình thường. Dù bạn bè vẫn đang học tập ở mức độ mẫu giáo, cô bé đã phải học các giáo trình thuộc về học sinh lớp 3.
“Tôi chọn con đường chưa ai đi”
Và không phải “hổ phụ” nào cũng dễ dãi, nương tay với con gái. Một ông bố gần đây mới nổi danh trên mạng xã hội Trung Quốc là Chen Dongzhi vì có cô con gái Chen Anke, 5 tuổi với khả năng chơi piano như một nghệ sĩ thành thục .
Hồi tháng 4 năm nay, cô gái bé nhỏ tới từ Thiên Tân này đã khiến khán giả Mỹ kinh ngạc khi xuất hiện trong chương trình tạp kỹ Little Big Shots của MC Steve Harvey và chơi đủ loại nhạc, từ Beethoven sang Bach. Các đoạn video ghi lại màn trình diễn của Anke và phong thái tuyệt vời của cô bé cũng được chia sẻ rất mạnh trên Internet, trong đó cư dân mạng thi nhau ca ngợi vì cô bé giúp Trung Quốc toả sáng trên trường thế giới.
Chen Anke, cô bé 5 tuổi trở thành “thần đồng” piano nhờ chương trình dạy dỗ rất nghiêm khắc của cha.

Tuy nhiên khi được Harvey hỏi sau màn trình diễn rằng bản thân đã đến với âm nhạc như thế nào, Anke trả lời thành thực rằng bé mới chỉ học piano cách đây 2 năm vì “cha đẻ muốn thế”. “Cháu tập đàn gần như mỗi ngày. Chẳng có ngày nào cháu không tập đàn”, cô bé nói với Harvey.

Trước đó, cha Anke có nói với báo chí Trung Quốc rằng Anke tập piano 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày và anh có kế hoạch huấn luyện con gái trở thành “Lang Lang thứ hai”. Lang Lang là một nghệ sĩ piano nổi tiếng của Trung Quốc và anh từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2014 với tờ Telegraph rằng sự thành công của mình là nhờ có một ông bố nghiêm khắc, một “hổ phụ”. Bố của Lang Lang đã buộc con phải tập đàn tới 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày chỉ để có thể được nhập học vào một trường nhạc hàng đầu ở Bắc Kinh.
Sau màn trình diễn của Anke ở Mỹ, báo chí Trung Quốc dẫn lời Chen nói rằng khi còn nhỏ, anh rất thích chơi piano, nhưng không có điều kiện vì kinh tế gia đình eo hẹp. “Tôi chẳng có cơ hội để trải nghiệm phần đẹp đẽ nhất, có tác động lớn nhất của âm nhạc, vì thế trước đây tôi nghĩ rằng nếu có con trong tương lai, tôi chắc chắn sẽ để con mình học piano, để con mình có cơ hội vươn lên dẫn đầu, có cơ hội học tập một cách tốt nhất”, Chen chia sẻ. “Rất nhiều bậc phụ huynh để con mình thử học tập mọi thứ... nhưng tôi cảm thấy họ không đầu tư đủ sâu vào một thứ cụ thể nào đó. Tôi thậm chí cảm thấy rằng họ chẳng có phương hướng”.
Chen thừa nhận rằng “có khả năng Anke sẽ căm ghét cha trong tương lai”, nhưng cho biết thêm rằng âm nhạc là một trong những cái đích lớn của đời mình và anh hy vọng con gái sẽ theo đuổi niềm đam mê này suốt đời”.
Trong khi nhiều cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ sự thông cảm với Anke về việc cô bé phải luyện chơi đàn trong nhiều giờ, vài người khác lại ca ngợi lối dạy con của Chen. “Có bao nhiêu ông bố sẵn sàng nuôi dạy con mình như thế này, khi dành rất nhiều thời gian và tiền bạc cho con, đồng hành và lớn lên cùng con”, một blogger viết trên Weibo.
“Những kẻ nói rằng cha đẻ của Anke ích kỷ đã không thấu hiểu tình yêu của anh dành cho con. Được vui chơi suốt thời ấu thơ chưa chắc sẽ dẫn tới một tương lai tươi đẹp, nhưng đứa trẻ này sẽ không bao giờ cảm thấy lạc lối về tương lai của mình”.
Nhưng bất chấp việc sự ủng hộ tăng lên dành cho các “hổ phụ”, “hổ mẫu” ở Trung Quốc, nhà tâm lý Chen ở Đại học Phúc Đán nói rằng lối giáo dục truyền thống đang dần không được ưa chuộng theo thời gian. “Sau khi Trung Quốc cải cách và mở cửa trong giai đoạn cuối những năm 1970, cùng với việc ban hành chính sách một con, các ông bố Trung Quốc đã bớt nghiêm khắc”, ông nói. “Nhìn chung, các ông bố Trung Quốc thời hiện đại nay đã quan tâm nhiều hơn tới cảm xúc, mối quan tâm của con trẻ, khuyến khích con đi theo hướng tự khám phá bản thân. Họ làm thế bởi đã chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ các giá trị phương Tây.
He Jie, giảng viên từ khoa tâm lý và khoa học hành vi của Đại học Chiết Giang nói rằng có những mặt tiêu cực và tích cực trong bất kỳ phương pháp dạy con nào, dù là nghiêm khắc hay mềm mỏng. Điều quan trọng là cha mẹ phải lựa chọn phương thức dạy dựa trên cá tính của con. “Nếu một đứa trẻ thuộc tuýp hiếu động và nghịch ngợm, cha mẹ có thể chọn phương thức nghiêm khắc, hướng về phía chi tiết. Nhưng nếu một đứa trẻ thuộc tuýp nhạy cảm hay đa cảm, ta cần áp dụng phương pháp dạy nhẹ nhàng, nới lỏng hơn”, cô cho biết.
Về phần mình “hổ phụ” He tin tưởng phương pháp dạy con của anh là đúng đắn. He gọi mình là một ông bố “có trách nhiệm, sáng tạo”. Trong cuộc tiếp xúc với tờ SCMP anh chia sẻ: “Tôi muốn Duoduo là một con người mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tâm hồn.Và tôi đã chọn con đường chưa ai đi cả”.

 

Hương Giang
TIN LIÊN QUAN

Trung Quốc lo ngại xu hướng thêu da “điên rồ” của giới trẻ

Huyền Anh |

Phương tiện truyền thông Trung Quốc đang yêu cầu các bậc cha mẹ nước này hãy thận trọng trước một xu hướng mới của giới trẻ: Thêu da. Bởi hình thức tự gây hại này có thể làm nhiễm khuẩn dẫn đến nhiễm độc máu.

Sao Châu Âu vỡ mộng với bóng đá Trung Quốc

VIỆT HÙNG |

Sau 6 tháng “bơi” trong những đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, trước mắt Carlos Tevez là một viễn cảnh mù mờ mà chính anh cũng không lường trước được. Cùng với Tevez là một số “mảnh đời” khác và câu hỏi bất định về tương lai...

Dừng cửa hàng “chỉ phục vụ khách Trung Quốc” vừa mở cửa hoạt động

Nguyễn Hùng |

Đoàn liên ngành UBND TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, ngày 15.6, đã yêu cầu đóng cửa một điểm bán hàng “chỉ phục vụ khách Trung Quốc” mới đi vào hoạt động tại khách sạn Mạnh Long, Khu du lịch Tuần Châu. Như vậy, thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, đến nay, đã có 16 điểm bán hàng cho khách đường bộ Trung Quốc tại Hạ Long bị đóng cửa; trong khi đó, nhiều điểm bán hàng tương tự ở Móng Cái lại hoạt động trở lại.

Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo trên Biển Đông

Hà Liên |

Trung Quốc cần hành động có trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên Biển Đông, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Trung Quốc lo ngại xu hướng thêu da “điên rồ” của giới trẻ

Huyền Anh |

Phương tiện truyền thông Trung Quốc đang yêu cầu các bậc cha mẹ nước này hãy thận trọng trước một xu hướng mới của giới trẻ: Thêu da. Bởi hình thức tự gây hại này có thể làm nhiễm khuẩn dẫn đến nhiễm độc máu.

Sao Châu Âu vỡ mộng với bóng đá Trung Quốc

VIỆT HÙNG |

Sau 6 tháng “bơi” trong những đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, trước mắt Carlos Tevez là một viễn cảnh mù mờ mà chính anh cũng không lường trước được. Cùng với Tevez là một số “mảnh đời” khác và câu hỏi bất định về tương lai...

Dừng cửa hàng “chỉ phục vụ khách Trung Quốc” vừa mở cửa hoạt động

Nguyễn Hùng |

Đoàn liên ngành UBND TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, ngày 15.6, đã yêu cầu đóng cửa một điểm bán hàng “chỉ phục vụ khách Trung Quốc” mới đi vào hoạt động tại khách sạn Mạnh Long, Khu du lịch Tuần Châu. Như vậy, thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, đến nay, đã có 16 điểm bán hàng cho khách đường bộ Trung Quốc tại Hạ Long bị đóng cửa; trong khi đó, nhiều điểm bán hàng tương tự ở Móng Cái lại hoạt động trở lại.

Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo trên Biển Đông

Hà Liên |

Trung Quốc cần hành động có trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên Biển Đông, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói.