Dùng máy bay thu được đánh giặc

lê tiên long |

Ít người biết rằng, trước ngày không quân tiêm kích Việt Nam đánh thắng trận đầu trên bầu trời Hàm Rồng, Thanh Hóa - ngày 3.4.1965, các phi công Việt Nam đã bắn rơi một chiếc máy bay chở biệt kích Mỹ từ ngày 16.2.1964, bằng một chiếc máy bay của... Lào.

Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam là một quân chủng non trẻ, được thành lập ngày 22.10.1963 trên cơ sở hợp nhất các lực lượng của Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân. Đến ngày 3.3.1964, trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam – Trung đoàn 921 mới được thành lập.

Tuy vậy, lịch sử không quân Việt Nam đã ghi nhận trận “đụng độ” đầu tiên của không quân Việt Nam và không quân Mỹ đã diễn ra từ ngày 6.11.1961, với sự kiện phi công Đinh Tôn dùng máy bay vận tải Li-2 của Liên Xô phản kích máy bay trinh sát RB-26C của Mỹ.

Và sau khi Trung đoàn 921 – Đoàn Sao Đỏ anh hùng – được thành lập từ lực lượng phi công học tập ở Trung Quốc và máy bay MiG-15, UmiG-15 của Liên Xô vừa được đưa về nước đang ổn định tổ chức, thì trận không chiến đầu tiên của không quân Việt Nam đã diễn ra, với thành phần tham chiến là chiếc máy bay huấn luyện T-28 xuất xứ từ Mỹ và thu được từ quân đội Lào từ trước đó, có được bổ sung linh kiện từ một chiếc máy bay cùng loại của... Thái Lan!

Lai lịch chiếc máy bay T-28

Theo sách “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975)” của Nguyễn Sỹ Hưng – Nguyễn Nam Liên và nhóm tác giả thuộc Không quân Việt Nam, trưa ngày 16.9.1963, một máy bay huấn luyện quân sự T-28 Trojan sơn cờ hiệu của Không quân Hoàng gia Lào đã bất ngờ hạ cánh xuống sân bay Bạch Mai, Hà Nội. Chiếc máy bay này do phi công Bun Khăm điều khiển đang bay biểu diễn nhân ngày sinh nhà vua Savang Vatthana tại Viêng Chăn đã bay sang hàng phía Việt Nam.

T-28 Trojan là một máy bay huấn luyện kiêm chiến đấu hạng nhẹ hai chỗ ngồi do hãng North American Aviation chế tạo và đưa vào sử dụng từ đầu năm 1950. Loại máy bay này được trang bị một động cơ cánh quạt R-1820 công suất 1.425 mã lực. Máy bay này có kích cỡ khá lớn, với chiều dài 10,06m, sải cánh 12,22m, cao 3,86m, trọng lượng cất cánh tối đa 3,85 tấn. Theo thông số của nhà sản xuất, nó có thể đạt tốc độ tối đa 552 km/h, trần bay 10.820 mét.

Dù được phát triển cho mục đích huấn luyện, nhưng máy bay T-28 có khả năng mang vũ khí trên 2-6 giá treo cánh gồm bom, bom napal, rocket và có pod súng máy. Đó là lý do tại sao mà chiếc T-28 được Không quân nhân dân Việt Nam sử dụng lại có 2 khẩu đại liên 12,7mm với 200 viên đạn. Thời kỳ này, tuy Lào là đất nước trung lập nhưng vẫn có quan hệ gắn bó với Mỹ, nên Quân đội Hoàng gia Lào được Mỹ trang bị loại máy bay này cùng nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại khác.

Những năm chiến tranh Việt Nam, T-28 được sử dụng khá rộng rãi trong huấn luyện cũng như chiến đấu. Máy bay thiết kế hai chỗ ngồi với hai hệ thống lái phục vụ huấn luyện phi công. Đây quả là “món quà” bất ngờ đối với Không quân nhân dân Việt Nam. Chiếc máy bay ngay lập tức được đưa vào biên chế chiến đấu của Trung đoàn Không quân vận tải quân sự 919 (thành lập ngày 1.5.1959) với số hiệu 963, kỷ niệm tháng và năm nó được mang “quốc tịch” Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Trong những năm này, Mỹ và chính quyền Sài Gòn thường xuyên tổ chức nhiều chuyến bay thả biệt kích xuống khu vực rừng núi Tây Bắc Việt Nam nhằm mục đích do thám và phá hoại, kích động gây bạo loạn. Chính vì thế, Quân chủng Phòng không – Không quân đã giao nhiệm vụ cho đội ngũ kỹ thuật tìm hiểu và làm chủ chiếc máy bay T-28 để sẵn sàng làm nhiệm vụ phục kích chặn đánh các máy bay thả biệt kích.

Công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương, hai phi công là Thượng úy Nguyễn Văn Ba và Trung úy Lê Tiến Phước cùng các giáo viên bay đang sử dụng loại máy bay huấn luyện YAK-18 của Liên Xô, với sự trợ giúp của phi công Lào Khăm Bun, nhanh chóng nắm vững kỹ thuật và đưa chiếc máy bay T-28 bay trở lại bầu trời.

Tuy nhiên, sau một thời gian huấn luyện, một số linh kiện và cả lốp của chiếc 963 đã hết hạn sử dụng. Rất may là sau đó lại có một chiếc T-28 khác của Không quân Vương quốc Thái Lan, không biết do hết dầu, hay chủ đích bay sang Việt Nam, đã hạ cánh và bỏ lại máy bay ở vùng phía Tây tỉnh Quảng Bình. Lực lượng kỹ thuật đã tháo rời 2 động cơ và 2 cánh, rồi chở chiếc máy bay này về sân bay Bạch Mai để lấy các linh kiện còn tốt lắp cho chiếc 963 để có đủ điều kiện chiến đấu.

Tháng 1.1964, sau khi kiểm tra toàn bộ công tác chuẩn bị, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân quyết định đưa chiếc T-28 vào trực chiến.

Trận đánh đầu tiên

Ngay từ cuối tháng 1.1964, chiếc máy bay số hiệu 963 đã xuất kích vài lần nhưng không phát hiện được mục tiêu. Giai đoạn này, lực lượng Phòng không – Không quân Việt Nam chưa có rađa dẫn đường cho máy bay, chỉ mới có rađa cảnh giới. Sau nhiều lần tổ chức rút kinh nghiệm, tổ bay và các lực lượng chỉ huy, dẫn đường đã sẵn sàng cho chuyến xuất kích tiếp theo.

Lúc 23h30 đêm 15.2.1964, rađa cảnh giới vòng ngoài phát hiện được mục tiêu, sở chỉ huy cho 963 vào cấp 1. Kíp trực dẫn đường tại sở chỉ huy gồm Trần Quang Kính, Đào Ngọc Ngư và sĩ quan tiêu đồ gần Lê Thành Chơn.

Lúc 1h07 rạng sáng ngày 16.2, Tư lệnh Quân chủng quyết định cho T-28 cất cánh. Đêm hôm đó dù là tuần trăng mờ đầu tiên nhưng trời rất tối. Phi công Nguyễn Văn Ba và Lê Tiến Phước phải căng mắt tập trung quan sát. Khi đến cự ly khoảng 500 mét, Nguyễn Văn Ba đã nhìn rõ chiếc máy bay hai động cơ C-123 của đối phương.

Phi công Ba nhấn nút lên đạn và xin vào công kích rồi chiếm vị trí thuận lợi nhấn cò bắn hai loạt đạn hết 163 viên, đến loạt thứ 3 thì súng bị kẹt đạn. Nhưng chiếc C-123 đã trúng đạn, phụt lửa, tròng trành rồi nghiêng về bên trái và rơi rất nhanh xuống khu vực biên giới Việt - Lào.

Sở chỉ huy ra lệnh cho 963 về hạ cánh tại sân bay Gia Lâm. Đây là chiến thắng không chiến đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam. Các phi công của Không quân nhân dân Việt Nam dưới sự dẫn dắt của sở chỉ huy đã mưu trí, sáng tạo sử dụng chính máy bay T-28 của Mỹ để tiêu diệt máy bay C-123 làm nhiệm vụ thả biệt kích.

Chiến thắng này đã tạo tiền đề cho những chiến công vang dội về sau của Không quân nhân dân Việt Nam trong việc chống lại các cuộc tập kích đường không quy mô lớn của không quân và hải quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam.

Chiếc máy bay đầu tiên bị không quân nhân dân Việt Nam bắn hạ là loại C-123 Provider - máy bay vận tải quân sự được hãng Chase Aircraft thiết kế và và hãng Fairchild Aircraft sản xuất cho Không quân Mỹ. Chúng được triển khai ở Việt Nam từ đầu những năm 1960, chủ yếu cho nhiệm vụ thả biệt kích phá hoại miền bắc Việt Nam.

Loại máy bay này được trang bị 2 động cơ cánh quạt R-2800-99W công suất 2.500 mã lực/chiếc cho tốc độ bay 367km/h, tầm bay 1.666km. Máy bay có thể chở 60 người hoặc 11 tấn hàng hóa các loại.

Theo sách “Cuộc chiến bí mật – Hồ sơ lực lượng đặc biệt VNCH” của NicolasCage, trong những năm từ 1961-1964, CIA đã sử dụng các phi hành đoàn người Đài Loan lái những chiếc máy bay C-123 cho các phi vụ xâm nhập miền Bắc hoặc lãnh thổ Campuchia. Những phi công Đài Loan này không biết tiếng Việt, tuy họ đều có thẻ căn cước Việt Nam Cộng hòa. Chỉ một số rất ít viên chức Việt Nam Cộng hòa mới biết họ là ai.

Theo lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam, người trực tiếp bắn hạ chiếc máy bay C-123 đầu tiên này, phi công Nguyễn Văn Ba, sinh năm 1930 tại Mỏ Cày, Bến Tre. Sau khi tập kết ra Bắc, ông được chọn đi học lái máy bay tại Trung Quốc, sau khi về nước ông được phân công làm giáo viên bay tại Trung đoàn Không quân 910, sân bay Cát Bi, Hải Phòng. Sau khi thu nhận chiếc máy bay T-28, ông được phân công nghiên cứu cách sử dụng và thực hành bay trên chiếc máy bay này và đã cùng đồng đội Lê Tiến Phước lập chiến công đầu tiên và tổ bay này đã vinh dự được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với cương vị Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 919, ông Nguyễn Văn Ba đã cùng Ban chỉ huy Trung đoàn tổ chức nhiều trận đánh xuất sắc, trong đó có trận tiêu diệt căn cứ ra đa Pa Thí của Mỹ đóng trên đất Lào ngày 12.1.1968. Sau năm 1975, Đại tá Nguyễn Văn Ba đảm trách một số cương vị quan trọng thuộc Tổng cục Hàng không như Phó Giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất, Giám đốc xưởng kỹ thuật A-75, Hiệu trưởng Trường Hàng không Việt Nam.

Năm 1995, Đại tá Nguyễn Văn Ba đã được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

lê tiên long
TIN LIÊN QUAN

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Khách Trung Quốc đổ xô đặt tour nước ngoài dịp Tết Nguyên đán

Thúy Ngọc |

Dịp Tết Nguyên đán, yêu cầu đặt tour dịch vụ du lịch của khách Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á tăng 1026% so với cùng kỳ năm ngoái.