Đánh thức miền Tây xứ Nghệ

Vân Anh |

Là huyện vùng cao có lợi thế về vị trí và điều kiện thuận lợi về nông - lâm nghiệp, du lịch, thương mại, có đại ngàn Pù Mát được UNESCO đưa vào danh sách các địa danh thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An, Con Cuông có nội lực để phát triển sinh kế, nhưng vùng miền Tây xứ Nghệ này vẫn đang cần lắm những nguồn đầu tư để tiềm năng được bừng giấc.

Cam bản Pha

Đón tiếp những vị khách phương xa trong căn nhà khang trang mới xây ở bản Pha, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, ông Tăng Ngọc Sơn hồ hởi khoe với khách các cộng sự của ông đang tất bật bên góc nhà với những chiếc máy móc còn khá thô sơ, dụng cụ pha chế, máy đóng nắp chai, máy dập “đát” và cả lô chai lọ. Họ đang lọc rượu cho sạch độc tố, một trong những bước quan trọng để làm rượu cam. Vừa rót cho khách mỗi người một chút rượu nếm thử, ông Sơn hào hứng kể, sản phẩm của nhà ông làm ra đến đâu bán hết đến đó, thậm chí không đủ để đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính. Còn chừng hai tháng nữa cam bản Pha mới chín rộ và tới mùa thu hoạch, nhưng gia đình ông Sơn và nhiều hộ khác đã làm không hết việc từ những tháng trước đó.

Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt người đàn ông khắc khổ nhưng rắn rỏi khi ông nói về cái nghề đã mang lại cho gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cam bản Pha nổi tiếng với vị ngọt đậm đà nhờ điều kiện thổ nhưỡng tự nhiên, và cũng nhờ công sức chăm bón, trồng sạch theo tiêu chuẩn VietGap.

Năm 2015, trong lần khảo sát cho dự án nhằm đa dạng hoá các phương thức sinh kế ở các bản làng nông nghiệp, vùng sâu vùng xa và dân tộc thiểu số, các chuyên gia của Tổ chức Hợp tác Phát triển Nhật Bản (JICA) đã ấn tượng với quả cam bản Pha, và quyết định phối hợp với Viện Nghiên cứu ngành nghề nông nghiệp Việt Nam chọn ra 5 hộ dân xây dựng vườn cam sinh thái, đồng thời hỗ trợ các thiết bị để chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị từ cam. Ông Sơn là trưởng nhóm của 5 hộ dân này, được đi tập huấn và bắt tay vào sản xuất từ năm 2016.

Chỉ với 8ha cam của cả 5 hộ và dây chuyền sản xuất có vốn đầu tư chưa đến 100 triệu đồng, ông Sơn và các “đồng nghiệp” đã khai thác tối đa giá trị của mọi quả cam từ vỏ đến ruột, không kể là cam non, cam rụng, cam hỏng hay cam chín. Cam chín sẽ được phân loại đem bán theo những mức giá khác nhau, từ 30.000-50.000 đồng/kg. Vỏ cam rụng, thứ trước kia chỉ có cách đổ đống vứt đi, thì nay được “hoá phép” thành tinh dầu cam với giá trị kinh tế cao, 4-5 triệu đồng/lít. Vỏ cam được làm mứt, vừa có vị ngọt, vừa có vị tê tê nơi đầu lưỡi. Ruột cam khô được ép để làm men cam, từ đó pha chế rượu cam, làm xà phòng cam. Chỉ một vụ cam năm 2016, ông Sơn thu được 650 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 100 triệu, ông đã có đủ tiền phụ thêm để sửa sang ngôi nhà mới.

“Trước khi có dự án của JICA, mỗi năm vườn cam của chúng tôi mất trắng khoảng 1 tấn cam rụng. Nhìn mà buốt ruột, của đau con xót mà không biết làm thế nào. Tiếc lắm, vì đó là công sức của mình mà phải tự tay nhặt đổ đi. Nay, cam rụng cũng không sợ, chúng tôi đã biết cách chế biến vỏ cam thành tinh dầu, lợi nhuận không chạy đi đâu được” - ông Thái Bá Trường, một tổ viên trong nhóm, kể, niềm vui trào ra trong ánh mắt và nụ cười.

Bà Kha Thị Tím, Phó Chủ tịch huyện Con Cuông cũng không giấu được niềm vui khi nhớ lại, cam rụng không chỉ là sự bất lực của người dân mà còn là vấn nạn về môi trường. Con suối Yên đầu bản chất đầy cam thối, mưa xuống, nước từ thượng nguồn đổ về, những quả cam đã nhão nhoét, bốc mùi cứ thế trôi theo dòng nước. Giờ đây, cứ 70kg cam rụng sẽ cho 18-20kg vỏ, chiết xuất được 200ml tinh dầu, giá thành khoảng 1 triệu đồng. Đau đáu cùng người dân, bà Tím đang vận động thêm nhiều hộ trồng cam sạch, dần dần mở rộng nhà xưởng sản xuất, quản lý chặt chất lượng, xây dựng chỉ dẫn để nhận dạng cam Con Cuông và tìm thêm nhiều thị trường đầu ra cho sản phẩm. Đó cũng là nguyện vọng chung của ông Sơn và ông Trường để phát triển thêm loài cây cho thu nhập cao nhất ở địa phương này.

Ngược dòng Giăng

Vườn quốc gia Pù Mát nằm một phần trên địa bàn huyện Con Cuông, được xem là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An do UNESCO công nhận năm 2007. Sinh sống xen kẽ trong khu rừng cấm này chủ yếu là người Thái, và tộc người Đan Lai, dọc hai bên bờ sông Giăng. Có tự mình trải nghiệm tuyến du lịch trên thuyền độc mộc ngược - xuôi dòng đà Giăng, từ đập Phà Lài lên Khe Khặng mới cảm nhận được tuyệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Bức tranh sơn thuỷ hữu tình như níu chân du khách, không khí trong veo, núi non trùng điệp, cây cỏ ngút ngàn xanh mướt. Thư giãn nhẹ nhàng cảm nhận lênh đênh trên thuyền ở những vùng nước lặng, rồi hít một hơi thật sâu để bám chắc vào mạn thuyền mạo hiểm vượt qua những đoạn nước chảy xiết đến hung dữ, mới biết thế nào là “lên thác xuống ghềnh”.

Ấy vậy mà sông Giăng như cô gái còn chưa thức giấc, tour du lịch dù được khai thác đã lâu nhưng mới chỉ ít người biết đến. Anh Hoàng Đức Chung, cán bộ phòng Kế hoạch phát triển tài nguyên của Sở Du lịch Nghệ An giải thích, nhu cầu của du khách thì có, nhưng địa phương mới chỉ dừng ở bước phục vụ tự phát, chưa có đơn vị lữ hành nào đầu tư vào đây. Phần khác, khu vực này cũng là nơi trọng yếu về an ninh quốc gia, du khách trong nước có thể ngược dòng Giăng vào đến tận vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, trong khi khách nước ngoài chỉ được vào vùng đệm, và phải xin phép biên phòng. Hiện tại, tổng cộng mới có khoảng 20 chiếc thuyền phục vụ khách tham quan. Với mức giá từ 800.000 đến 1,2 triệu mỗi chuyến, nguồn thu từ du lịch trên sông Giăng sẽ đem lại khoản tiền đáng kể cho địa phương nếu lượng khách tăng lên. Con Cuông đang khát khao những dự án xứng tầm khai mở.

Homestay ở bản Nưa

Hôm ấy, homestay của vợ chồng chị Lô Thị Hoa và anh Vi Văn Thụ náo nhiệt hẳn bởi đoàn khách phương xa. Người phụ nữ hoạt bát đó tất bật cùng các chị em tự tay chuẩn bị các món ăn đặc trưng của người Thái để đãi khách. Bữa tối có món rau dún, hoa đu đủ xào, cá mát sông Giăng, cơm lam, gà nướng than, moọc, xôi ngũ sắc... Tất cả được bày biện bắt mắt nhất có thể, nhưng đậm chất truyền thống, dùng những vật liệu quen thuộc như tre, nứa, lá chuối.... Chị Hoa kể, có được mâm cơm ngon sạch và đẹp đẽ như thế là nhờ công lớn của tiến sĩ Katsuhiro Ando, chuyên gia dự án đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các làng nông, ngư nghiệp của JICA. Ando đã cất công mời giáo sư Kokogo người Nhật và tiến sĩ Phạm Hùng Long, Viện Nghiên cứu Du lịch, đến đứng lớp để dạy tổ ẩm thực của bản Nưa làm du lịch cộng đồng.

Bữa cơm đãi khách của homestay nhà chị Lô Thị Hoa.  ảnh: V.A
Bữa cơm đãi khách của homestay nhà chị Lô Thị Hoa. ảnh: V.A

Bản Nưa mới có 3 homestay nằm cách nhau không xa, tất cả đều là của anh chị em trong gia đình, và hoạt động theo nhóm, khách có thể lựa chọn ở nhà này và ăn ở nhà kia. Từ tháng 9.2016, Ando đã hỗ trợ 3 homestay này xây nhà vệ sinh khép kín, sạch sẽ và thuận tiện. Để không phá vỡ môi trường cảnh quan tự nhiên, các công trình phụ chỉ có phần lõi bên trong là bêtông và các thiết bị vệ sinh đạt chuẩn, còn phần mái được lợp lá, tường được lát bởi chính những viên sỏi và đá cuội lấy từ sông Giăng. Nhà sàn của chị Hoa được xây từ năm 1985, đến năm 2011 chị mạnh dạn bán lợn gà, trâu bò, cùng vốn tiết kiệm và vay ngân hàng, tất cả được 250 triệu để sửa sang lại ngôi nhà, nhưng vẫn giữ nguyên hàng rào cây xanh bao quanh nhà. “Ando bảo đừng đua đòi bêtông hoá, khách du lịch đến đây là muốn thưởng thức thiên nhiên, hoà mình vào cây cỏ, hít thở ôxy và không khí trong lành. Đừng bao giờ xoá bỏ nhà sàn” - chị Hoa kể.

Năm ngoái, 3 homestay của anh chị em nhà chị Hoa đón hơn 900 lượt khách, còn từ đầu năm đến nay đã được hơn 1.200 lượt. Chỉ trong 2 năm, chị Hoa đã trả hết 50 triệu tiền nợ ngân hàng. “Trước đây cả năm nhà tôi trồng được 1 tấn thóc, thu nhập chỉ 6 triệu đồng. Nhưng kể từ khi tham gia làm du lịch cộng đồng, mỗi tháng trừ chi phí đi tôi còn 3 triệu, nhiều hơn làm nông, mà lại còn được đón khách gần xa, vui lắm. Mỗi lần họp thôn, họp ở huyện, tôi đều đề xuất nhà nào trong bản cũng nên làm du lịch”.

Homestay ở bản Nưa. Ảnh: V.A
Homestay ở bản Nưa. Ảnh: V.A

Những người Nhật nặng lòng với xứ Nghệ

Ngoài công việc là chuyên gia của JICA, tiến sĩ Katsuhiro Ando còn là giảng viên trường Đại học Yamanashi. Hôm đó, anh dẫn một nhóm sinh viên của mình đến trải nghiệm thực tế ở bản Nưa. Các cô cậu sinh viên ở tuổi 20 vô cùng háo hức với các món ăn của người Thái, với nhà sàn, với những điệu múa truyền thống của bản Nưa, với hành trình trên sông Giăng và dạo quanh bản làng trên những chiếc xe trâu lộc cộc, yên bình. Đối với Fujita Yoshiki, cậu sinh viên nhỏ thó nhưng phong cách bụi bặm, điều gây ấn tượng lớn nhất là phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, sự hiếu khách và tấm lòng ấm áp của người dân nơi đây, khiến cậu thấy thoải mái như được trở về nhà. Yoshiki chuẩn bị sang Việt Nam theo học ngành du lịch tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. “Tôi lựa chọn Việt Nam - nơi có xu hướng phát triển nhanh về du lịch, muốn tìm những nét tương đồng giữa Việt Nam và Nhật Bản, sau đó quay về nước để làm du lịch như ở bản Nưa” - lời bộc bạch của chàng sinh viên Nhật làm ấm lòng người bản Nưa.

Đồng cảm với Yoshiki, các cô cậu sinh viên Sakiho Takahashi, Makiko Shimakawa, Raito Hotta và Mai Thị Phương Dung không kìm được xúc động khi nói về sự thân thiện, nồng hậu và mến khách của người dân bản Nưa. “Chúng cháu yêu bản Nưa và sẽ quay lại trong một ngày gần nhất”. Hình ảnh nụ cười tươi luôn thường trực trên môi của những người dân bản xứ đầy năng lượng, niềm tự hào họ mang trong mình và quyết tâm cố gắng làm du lịch, khiến các bạn trẻ bị chinh phục hoàn toàn. Chia tay người dân xứ Nghệ, những giọt nước mắt xúc động đã lăn trên khuôn mặt cả chủ và khách khi cô sinh viên Mai Thị Phương Dung nghẹn ngào đọc những vần thơ của tác giả Phạm Thạch Hoàng: “Đất nước bốn nghìn năm dâu bể/Xứ Nghệ nốt son nối giữa hai miền/Xứ Nghệ không phải là dấu huyền/Xứ Nghệ là dấu nặng/Nặng mà sâu lắng/Nặng chuỗi ân tình/Xứ Nghệ bên đông là bể/Bên tây là rừng/Sóng và gió vỗ về nhau quyện vào đất Nghệ/Sao mà thương thế/Người ơi...”.

Vân Anh
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.