Chuyện làng văn nghệ: Trăm năm Vũ Hoàng Chương

NGUYỄN THỤY KHA |

Mùa Xuân năm 1976 ở Sài Gòn, lần đầu tiên tôi được ăn một cái Tết Sài Gòn. Lạ và mới. Một buổi sáng, người bạn Sài Gòn mới quen mời tôi uống cà phê ở một quán góc đường Đinh Tiên Hoàng. Trong không gian mờ khói thuốc lá mơ màng, người bạn chỉ vào phía những bàn kê phía trong, nơi đó có một người già vóc hạc đang ngồi trầm ngâm trước ly cà phê, trên tay điếu thuốc Basto vờn khói bay.

Người bạn nói: “Nhà thơ Vũ Hoàng Chương đấy”. Tôi ngồi lặng lẽ ngắm nhìn và lục trong trí nhớ những câu thơ Vũ Hoàng Chương mà chúng tôi vẫn truyền miệng với nhau thời đại học thật ấn tượng, nhất vẫn là: “Say đi em! Say đi em! Say cho lơi lả ánh đèn/ Cho cung bậc ngả nghiêng, điên rồ xác thịt/ Rượu rượu nữa, và quên, quên hết!…”. Vốn liếng của tôi về Vũ Hoàng Chương ở miền Bắc chỉ có thế. Chỉ có thế nhưng còn hơn rất nhiều người chẳng biết gì về ông. Buổi sáng mùa xuân này với tôi, ông cũng lạ và mới như Sài Gòn vậy. Tôi chỉ lặng lẽ ngắm nhìn. Hóa ra tôi còn may hơn rất nhiều bạn cùng trang lứa. Cũng trong năm 1976, ngày 6.9, Vũ Hoàng Chương tạ thế ở tuổi 60 tại Sài Gòn.

 Nhà thơ Vũ Hoàng Chương.

Năm 1992, khi Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tập “Thơ say” của Vũ Hoàng Chương, tôi có cuộc nói chuyện về tập thơ này của ông tại Thư viện Hà Nội. Sau cuộc nói chuyện, tôi được gặp ông Vũ Hoàng Địch - tác giả lời bài hát “Nắng Ba Đình” (nhạc Bùi Công Kỳ) - em ruột Vũ Hoàng Chương. Từ đấy, tôi và ông Địch thành chỗ thân quen. Những lần gặp nhau, chúng tôi đều nói về Vũ Hoàng Chương. Nhờ thế những mẩu chuyện về Vũ Hoàng Chương một thời dài ở miền Bắc qua lời kể của ông Địch đã được tôi chắp nối theo thời gian. Chuyện đời Vũ Hoàng Chương cũng khá ly kỳ. Chả thế mà trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân đã từng viết: “Ý giả như Vũ Hoàng Chương định nối nghiệp những thi hào tựa của Đông Á: Lái nghiệp say. Người say đủ thứ: Say rượu, say ca, say tình đong đưa. Người lại còn hơn cổ nhân những thứ say mới nhập cảng: Say thuốc phiện, say nhảy đầm. Bấy nhiêu cái say sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn mọi say sưa khác: Say thơ…”. Mấy câu thơ có chữ “say” mà tôi nhớ của Vũ Hoàng Chương là ở bài “Say đi em” mà Hoài Thanh - Hoài Chân đưa vào tập “Thi nhân Việt Nam” cùng “Quên”, “Phương xa”, “Nghe hát”.

 

 

Tác phẩm “Vân muội” của Vũ Hoàng Chương.

Vũ Hoàng Chương sinh ngày 5.5.1916 tại Nam Định. Năm 1930 ông lên Hà Nội học Trung học tại trường Albert Sarraut. Năm 1937, ông đỗ tú tài Tây và theo học Khoa Luật Đại học Hà Nội. Hai năm sau, ông thôi học, làm phó thanh tra Sở Hỏa xa Đông Dương. Có lúc ông đã làm trưởng ga Bắc Ninh. Cũng thời ấy, ông bắt đầu có thơ in trên các báo và gây được sự chú ý. Năm 1940, tập thơ “Say” được ấn hành. Ông tâm sự với Bàng Bá Lân - người bạn thơ thân thiết đến cuối đời - rằng: “Thơ tôi làm khá nhiều nhưng chưa có ý định in. Tại Lưu Trọng Lư nợ tôi ít tiền, không trả được, đành gán cho tôi số giấy mà ông ấy trữ để in thơ. Thế là bỗng dưng tôi có giấy lại sẵn thơ. Vì vậy “Thơ say” ra đời”. Năm 1941, ông lại thôi làm Hỏa xa để vào trường đại học, học toán. Năm 1942 là năm Vũ Hoàng Chương có nhiều kỷ niệm với bạn văn chương, lúc ấy ông đã thôi học toán xuống Hải Phòng dạy tư. Dịp rằm tháng bảy, ông cùng nhà thơ Đỗ Huy Nhiệm, Lê Trọng Quỹ và Thế Lữ cùng lên nghe Quan họ ở Kinh Bắc. Chuyến say sưa ấy, Vũ Hoàng Chương đã ghi lại bằng một bài thơ trong đó có đoạn: “…Hành trình thế đó rượu lang thang/Cạnh nách sẵn hai thằng bạn Kiết/Tôi và ông Quỹ gắng bước theo/ Say cứ bừa say, miễn đừng chết...”.

Sở dĩ Vũ Hoàng Chương thích lên Kinh Bắc vì đã từng làm xếp ga Bắc Ninh, hơn nữa lại có người yêu tên là Vân ở làng Dương Ổ. Đấy là nàng thơ để Vũ Hoàng chương viết kịch thơ “Vân muội” và ra tập thơ “Mây” năm 1943. Một lần khác cũng năm 1942, Vũ Hoàng Chương định lên thăm “nàng thơ”, đến ga Đầu Cầu thì gặp Tô Hoài và Nguyễn Bính, thế là rủ nhau cùng đi luôn. Lên đến Bắc Giang ghé thăm nhà thơ Bàng Bá Lân. Mấy ông “lêu têu” cứ tưởng gặp bạn quý, Bàng Bá Lân sẽ đãi một chầu hát ả đào linh đình. Nhưng vì tính Bàng Bá Lân lành hiền nên chuyện đó không xảy ra. Vũ Hoàng Chương và Nguyễn Bính tức khí cùng nhau làm thơ họa cho bõ tức. Nguyễn Bính ra câu đầu: “Tô Hoài, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương”.

C.H.C tiếp: “Còi thét vào ga Phủ Lạng Thương/ Sở tại bàng quan chầy xuống xóm”.

N.B tiếp: “Thi nhân Bá Ngọ chuyến lên đường/ Giòng trong giòng đục thêm ngao ngán”.

V.H.C tiếp: “Chùm chín chùm xanh uổng vấn vương”.

Họa thơ đến đây dù muỗi cắn, vẫn buồn ngủ. Hai ông lăn ra ngủ cạnh Tô Hoài đã “kéo gỗ” từ sớm. Đến khi thức dậy ra ga, bài thơ “Liên ngâm” mới hoàn thành xong hai câu cuối: “Nằm muỗi qua đêm chờ sáng dậy/ Còi xe phong hỏa xé màn sương”.

Mang cái tức về tới Hà Nội, Tô Hoài về nhà có việc, còn hai ông ra Bờ Hồ thì gặp đạo diễn Chu Ngọc. Chu Ngọc và Vũ Trọng Can đã cháy túi ở phòng hát ả đào của Chu Thị Năm hai hôm liền. Vũ Trọng Can chạy đến Bắc Kỳ Kịch đoàn lấy tiền tác quyền, còn Chu Ngọc may vớ hai ông bạn vàng vội kéo xuống nhà Chu Thị chữa cháy. Chữa cháy và chơi đến trưa hôm sau, trừ Vũ Trọng Can có hẹn phải ở lại Hà Nội, tam nhân lại đồng hành về Hải Phòng. Vừa đúng dịp nhà hát của nhà thơ Lan Sơn vừa khai trương được hai tuần, đang hồi thịnh đạt. Thế là “gió bão ăn chơi” nổi sấm chớp, đám cháy ngày càng lan rộng. Vũ Hoàng Chương đã phải thở than trong đoạn “Mưỡu nói” của một bài ca trù ứng tác: “Từ đêm Chu Thị cháy nhà/ Cháy vào Hà Nội cháy ra Hải Tần (tức Hải Phòng)/ Cháy xa thôi lại cháy gần/ Một phen dựng hóa, mấy lần cầu phong”.

Cuộc chơi kéo được 4 hôm thì Chu Ngọc gặp một chủ rạp muốn họ lập ban kịch về diễn tại rạp. Thế là có tiền tạm ứng. Tam nhân lại kéo nhau ra Đồ Sơn. Nhưng Nguyễn Bính đi đâu mà chưa có “của nếp” là chưa yên. Vậy là tam nhân lại ngược lên Hải Dương chơi và kiếm “của nếp”. Các bậc tiền bối ăn chơi đến thế là cùng. Làm gương cho các đàn em phấn đấu bở hơi tai là chắc. Quan niệm “làm mà chơi, chơi mà làm” lúc nào cũng đúng với giới văn nghệ. Các ông giang hồ bạt tử vậy nhưng lại thành lập được ban Kịch Hà Nội với logo là hình Tháp Rùa. Đêm 12.12.1942, kịch thơ “Vân muội” của Vũ Hoàng Chương được ban Kịch Hà Nội trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Việc định biến “nàng thơ” xứ Quan họ thành hôn thê của Vũ Hoàng Chương thất bại vì “nàng thơ” đã được gia đình gả chồng cho từ năm 12 tuổi. Theo tục lệ, nếu thoái hôn thì gia đình nhà gái phải trả lễ cho nhà trai. Mặc dù Vũ Hoàng Chương sẵn sàng làm việc này, nhưng “nàng thơ” nhút nhát của ông đã không dám hé răng với cha mẹ. Bởi vậy, họ đành chia tay nhau. Cái còn lại chính là kịch thơ “Vân muội” và tập thơ “Mây” đi vào lịch sử văn nghệ Việt Nam. Tập thơ “Mây” được nhà xuất bản Đời Nay ấn hành. Bìa tập thơ do họa sĩ Tô Ngọc Vân trình bày rất đẹp. Ở góc bìa có chàng say ôm bầu rượu ngửa mặt nhìn đám mây do Nhà xuất bản Đời Nay là nhà xuất bản lớn nên nhiều thi nhân biết tập thơ “Mây” sẽ ấn hành năm 1943, lúc này, Vũ Hoàng Chương đã thành thân với Thục Oanh - chị ruột nhà thơ Đinh Hùng. Một trong những thi nhân mong ngóng tập thơ “Mây” ấn hành là Huy Cận. Cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa Huy Cận và Vũ Hoàng Chương ở Hàng Lược cũng để lại một giai thoại hay. Vừa gặp nhau, Huy Cận đã đọc ngẫu hứng hai câu lục bát: “Đã lên gặp lại chàng say/ Lửa thiêng xin đốt chờ Mây xuống trần”. Vũ Hoàng Chương đối ngay khiến Huy Cận rất phục: “Mây kia chẳng chịu xuống trần/ Lửa ơi! Theo khói lên gần với mây”. Đọc thơ xong, Huy Cận kéo ngay Vũ Hoàng Chương vào hàng phở nổi tiếng ở phố Hàng Đồng. Bây giờ, hàng phở thì vẫn còn, mà thi nhân thì đã xa xăm vào chốn thiên thai. Viết về tập “Thơ Say”, Hoài Thanh - Hoài Chân đã đánh giá rất chân thật về thơ Vũ Hoàng Chương: “Vũ Hoàng Chương rất gần Lưu Trọng Lư, Tản Đà: Cả ba đều say. Nhưng cái say của Vũ Hoàng Chương mới hơn. Cái chán nản cũng thế. Tuy có chịu ảnh hưởng của thơ Pháp nhưng trước hết là phản ảnh của cuộc đổi mới. Say mà không điên và cái chán nản, dầu có cái vị Beaudelaira, vẫn nhẹ nhàng, thoáng đãng, không nặng nề u ám như cái chản nản của Beaudelaire”. Đến tập thơ “Mây” còn thấy Vũ Hoàng Chương hòa vào thơ mình rõ nét thể hành của Đường Thi với ấn tượng và tượng trưng của thơ Pháp.

Từ Cách mạng tháng Tám, Vũ Hoàng Chương vẫn gắn bó với kịch thơ và cùng Đoàn Văn Cừ ra tập “Thơ lửa” ở khu 3 khi dạy học ở Thái Bình. Trong hoạt động kịch thơ ở Hà Nội từ trước và sau Cách mạng tháng Tám, Vũ Hoàng Chương với Hoàng Cầm đã để lại giai thoại về cuộc tình tay ba với bà Tuyết Khanh (sau này là vợ Hoàng Cầm). Khi Tuyết Khanh cùng Hoàng Cầm hoạt động văn nghệ ở khu 10, ở khu 3, Vũ Hoàng Chương đã thốt lên thơ qua bài “Nhớ cố nhân”: “Khanh của Hoàng ơi! Lửa bốn phương/ khói lên ngùn ngụt chén tha hương…”. Khi Tuyết Khanh rời bỏ kháng chiến, ôm con về nuôi ở Hải Phòng, thì Vũ Hoàng Chương cũng hồi cư về Hà Nội. Mỗi khi Hà Nội diễn kịch thơ Vũ Hoàng Chương, Tuyết Khanh cũng đi lên xem. Họ vẫn coi nhau như cố nhân cả khi Tuyết Khanh và Vũ Hoàng Chương cùng di cư vào Sài Gòn.

Ở Sài Gòn từ năm 1954 đến 30.4.1975, Vũ Hoàng Chương vẫn được coi là một trong những bậc trưởng thượng về thơ. Khi phong trào Phật giáo lên cao với sự kiện tự thiêu của nhà sư Thích Quảng Đức, Vũ Hoàng Chương đã xúc động viết bài thơ “Lửa” khá dài. Đó cũng là cách chuộc lỗi, bởi ông đã từng viết tụng ca Ngô Đình Diệm, từng hô hào “Bắc tiến”... Để động viên bà con Phật giáo đấu tranh, Vũ Hoàng Chương đã nhờ con trai người bạn thơ Lam Giang nghe và học thuộc lòng bài thơ, rồi mang đi đọc lại cho những người lãnh đạo phong trào chép lại, phổ biến. Cậu con trai ấy chính là nghệ sĩ guitar Nguyễn Quang Bình, sau này và hiện đang dạy guitar tại trường nghệ thuật Meca ở Houston,Texas, Mỹ. Ông vẫn tiếp tục ra những tập thơ như “Hoa đăng”, “Rừng phong”, “Lửa từ bi”… vẫn chung thủy với kịch thơ và tham gia vào Hội văn bút (Pen club). Ông và Bàng Bá Lân vẫn được mời làm giám khảo cuộc thi thơ miền Nam, giống như Xuân Diệu ở miền Bắc. Thống nhất đất nước, Vũ Hoàng Chương ở lại Sài Gòn, kịp gặp các bạn văn sau nhiều năm xa như Nguyễn Tuân, Tô Hoài… để rồi thanh thản ra đi ở tuổi lục tuần như một “hơi rượu say”.

NGUYỄN THỤY KHA
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.