Chạy xe thẳng tới Mũi Năm Căn

Huy Minh |

Miền Tây luôn mang tới cảm hứng bất tuyệt cho khách lữ hành. Chín năm về trước tôi mới có điều kiện đến nơi này và nay đọc lại những gì mình viết ngày nào vẫn thấy dội lên nhiều cảm xúc.
Chín năm trước ấy, tôi đã viết: “Cuối cùng, tôi cũng đặt chân đến được đồng bằng châu thổ Cửu Long, nơi mà riêng tên gọi của nó đã có một mãnh lực đầy lôi cuốn. Tổ tiên trên bước tiến ngàn dặm của mình, tới nơi đây hẳn cũng đã từng cảm thấy ngây ngất khi lần đầu tiên nhìn thấy một đồng bằng mênh mông với những dòng sông bờ xa tít tắp.
Hơn 300 năm bị chinh phục, bãi bờ vẫn nồng ấm mùi vị của phù sa ngày đêm bồi đắp. Nước sông ngay vào mùa lũ cũng không đục như nước ở sông Hồng, do hàm lượng phù sa nhỏ. Tuy vậy, tổng lượng phù sa của các con sông Cửu Long hợp lại vẫn lên đến một con số khổng lồ, vào khoảng 100 triệu tấn/năm, nghĩa là gấp khoảng vài lần tổng lượng phù sa sông Hồng, và lượng nước đổ ra biển trung bình lên đến 475 - 500 tỉ mét khối.
Ở quanh TPHCM, chiều dày phù sa chỉ có khoảng vài mét, nhưng nó đã đạt đến 20m ở Long An, 70m ở Mỹ Tho, 100m ở Long Toàn, 110m ở Bạc Liêu, 200m ở Cà Mau, thậm chí tới 260m ở Năm Căn. Miền Tây là nơi các đạo quân thực vật bền bỉ tiến ra biển rộng, mở đầu là Mắm đen, sau đó là Vẹt tách, Đước, Cốc, Ráng, Sú, Bần, sau đó một chút là Chà là và Dừa nước, và chúng chỉ chịu dừng lại ở những nơi có nền đất không thích hợp hoặc vực sâu”...
Cũng đã có lần, theo tầu hải quân, tôi có dịp tới hòn đảo xa nhất cực nam Việt Nam. Ở đó, nhìn về Đất Mũi không xa lắm, xanh mờ trong nắng trưa. Lần này tôi mới có dịp đến cực nam phần đất liền của tổ quốc. Đường bộ đã thông suốt từ cực bắc tới cực nam vào đầu năm 2012 khi cầu Đầm Cùng bắc qua sông Bảy Háp nối liền huyện Cái Nước với huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau được khánh thành.
Đường bộ vào Mũi Năm Căn có những đoạn còn rất hẹp và chật chội.

Đường từ Cà Mau về với Đất Mũi dài cả trăm cây số chứ không ngắn ngủi như ở nhà tưởng tượng; chặng dài rộng thênh thang, chặng thưa hẹp, xóc nẩy, chật chội. Nhưng có như thế nào thì vẫn khá hơn đi bằng đường thủy. Cách đây vài năm, một người em tôi từng đến Đất Mũi, rẻo đất bé xíu nằm giữa Biển Đông với Biển Tây kể rằng, đường thủy mới gian lao làm sao. Tầu tốc hành nhưng chạy chậm như rùa, lèn người như cá mòi, hú còi ầm ĩ lúc chạy lúc tấp vào bờ đón khách, giống hệt một chiếc xe đò tùy tiện dừng đỗ dọc đường.

Ở đây người ta thường sống trong những ngôi nhà hai mặt tiền: Mặt tiền lộ và mặt tiền sông. Nhà có mặt tiền sông cũng phát tài chẳng khác nhà mặt phố, xám xịt và cũ kỹ tấp nập người vào ra, khuân vác trên bến, dưới thuyền. Em tôi nói rằng, rất nhiều người miền Bắc cả đời chẳng đến mũi Cà Mau, như rất nhiều người Đất Mũi cả đời không được thấy mùa đông. Là xứ ta cả, mà vừa quen vừa lạ. Biểu tượng của Đất Mũi, dù thiêng liêng, hào sảng, ai được chụp ảnh ở đó là oai lắm, rất đáng tiếc, chỉ là một con tàu bé xíu xây bằng gạch đề chữ: Mũi Cà Mau 8o.37’.30” Vĩ độ Bắc, 104o.43’ Kinh độ Đông. Nhưng khi đứng trên cây cầu bêtông dài như bất tận sát biển, thấy tất cả những gì “đáng tiếc” chỉ còn là tiểu tiết, cả vầng mặt trời đang rải lửa đến hoa cả mắt cũng bỗng hóa thành làn gió mát xung quanh.

Cột mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 nằm trang nghiêm giữa rừng ngập mặn cao lớn, mạnh mẽ.

Bởi thế, chạy xe thẳng tới mũi Cà Mau có lẽ cũng đáng để viết đôi dòng. Nói như Mỹ Duyên hướng dẫn viên khách tham quan, người Cà Mau hết sức tự hào vùng Đất Mũi là nơi “đất nở ra, rừng biết đi và biển sinh sôi”. Nhưng tôi biết rằng, sạt lở đang diễn ra vô cùng nghiêm trọng và nếu không dùng đủ “trăm phương nghìn kế” để giữ đất thì đến 2100 Cà Mau có thể sẽ mất 56% diện tích, hơn một nửa mảnh đất nơi cuối cùng Tổ quốc sẽ không còn. Và Mũi Năm Căn - mũi thuyền của Việt Nam cũng sẽ khó giữ được dáng hình thuở trước.

Phải giữ được đất. Đất Cà Mau không chỉ tạo không gian sinh tồn cho hàng triệu người dân mà quan trọng hơn, nó còn có ý nghĩa địa lý đặc biệt - một biểu tượng chủ quyền Tổ quốc. Muốn giữ đất phải ứng phó với sạt lở. Được biết những năm qua, Cà Mau đã đầu tư nhiều trăm tỉ đồng khắc phục sạt lở ven biển tại những điểm xung yếu, bằng giải pháp kè bản nhựa, kè rọ đá, kè ngầm tạo bãi... Trong đó, giải pháp kè ngầm chắn sóng tạo bãi (đã và đang thực hiện với chiều dài khoảng 8.000m) được đánh giá là khá tối ưu. Khảo sát gần đây cho thấy, tại những đoạn kè ngầm hiện đất bùn đã lắng lọc và bồi tụ, cây ngập mặn như mắm, đước đã tái sinh, phát triển tốt tươi. Sau chu kỳ 5 năm làm tròn sứ mệnh tạo bãi và phục hồi rừng, khi đó kè ngầm được nhổ lên để tiếp tục cắm xa ra biển thêm 50m. Theo cách này, rừng và đất lấn dần ra biển, thắng từng bước trong cuộc chiến với sóng to, gió lớn.
Những đứa trẻ Đất Mũi đùa nghịch trên đất rừng ngập mặn đang trồng mới.

Người Cà Mau vẫn bảo rằng: “Mắm đi trước, đước theo sau” là thế. Những rừng đước, rừng mắm rồi sẽ sinh sôi, bám trụ khỏe khoắn giữa sóng gió biển khơi, cũng như hành trình lấn biển của con người chưa bao giờ ngơi nghỉ. Và cũng được biết, đã có kế hoạch xây dựng công trình biểu tượng cột cờ Hà Nội tại vị trí địa đầu này. Tôi có dịp ngắm thiết kế cột cờ Đất Mũi được tính toán đặt ngay bên bờ biển, với các vạt rừng vây quanh và trên đỉnh, ngay dưới bệ đỡ cờ tổ quốc, nếu không nhầm thì một ngọn hải đăng sẽ tỏa sáng dẫn đường cho tầu thuyền đi lại đêm đêm.

Những nếp nhà ven sông chầm chậm lướt qua mắt chúng tôi. Trong làn gió biển mặn mòi, thú vị nhất là tận mắt thấy cách người ta làm mộ cho người đã khuất. Người nghèo làm theo kiểu người nghèo, người khá giả làm theo kiểu người khá giả. Điều đặc biệt là ở chỗ, rất nhiều mộ được xây cao hơn hẳn mặt đất bằng và có mái che mưa nắng gió sương. Nghèo thì che bằng lá dừa nước, có tiền hơn chút thì che bằng các vật liệu cao cấp hơn. Ấy là cái tình đơn sơ mộc mạc, ấm áp của người còn sống dành cho người đã khuất ở dải đất cực Nam này.

ĐÍNH CHÍNH

Ngày 21.5.2017, báo Lao Động nhận được công văn số 411/STTTT - TTBCXB của Sở TTTT tỉnh Cà Mau về việc yêu cầu cải chính nội dung bài báo: "Chạy xe thẳng tới Mũi Năm Căn". Công văn nhận định, bài viết nói lên những cảm nhận tốt đẹp của tác giả về vùng đất cuối trời Tổ quốc. Tuy nhiên, trong bài có những chi tiết về nội dung chưa đúng với thực tế. Trong bài tác giả đề cập địa danh "Mũi Năm Căn" là sai với địa danh thực tế của tỉnh. Tỉnh Cà Mau chỉ có Mũi Cà Mau và thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, không có địa danh Mũi Năm Căn như đề cập của tác giả bài viết.

Sau khi kiểm tra lại, chúng tôi thấy rằng, tác giả đã nhầm lẫn khi cho rằng, "Mũi Năm Căn", "Mũi Cà Mau", "Đất Mũi" là những tên gọi khác nhau của cùng một địa danh (trong bài có nhiều lần khẳng định các tên gọi này chỉ là một). Đây là một sai sót đáng tiếc.

Ngoài ra, còn một vài chi tiết khác, chúng tôi cho rằng đó là các quan sát, cảm nhận của cá nhân tác giả, người lần đầu tiên đặt chân đến Mũi Cà Mau. Chi tiết: "Ngay dưới bệ đỡ cờ tổ quốc, nếu không nhầm thì một ngọn hải đăng sẽ tỏa sáng" - theo bản vẽ thiết kế được phê duyệt và đang triển khai thi công Biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau thì dưới bệ đỡ cờ tổ quốc không có ngọn hải đăng. Chi tiết: "Cây cầu bê tông dài như bất tận sát biển", nay xin đọc lại là: "Đoạn bờ kè chống sạt lở dài như bất tận sát biển".

Bởi vậy, xin được cáo lỗi cùng Sở TTTT Cà Mau và bạn đọc.

LĐCT
Huy Minh
TIN LIÊN QUAN

Nhiều tuyến đường TPHCM ngập nặng sau cơn mưa lớn

MINH QUÂN |

Chiều ngày 15.5, một cơn mưa nặng hạt kéo dài gần 2 giờ đồng hồ đã làm cho nhiều tuyến đường tại TPHCM bị ngập nặng, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và đi lại của người dân.

Vấn đề nóng nào được mong chờ xuất hiện trong Táo Quân 2023?

HẢI MINH |

Táo Quân 2023 được hy vọng sẽ khai thác nhiều vấn đề nóng, gây bức xúc trong xã hội trong suốt cả năm qua.

Việt Nam cán mốc 7 triệu tài khoản chứng khoán: Làm gì để nâng cao chất lượng?

Đức Mạnh |

thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến phức tạp và chịu áp lực lớn từ biến động của thị trường quốc tế, nhưng vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực. 

"Đụng lợn" ăn Tết: Nét đẹp văn hóa làng quê xưa nay

HỮU CHÁNH |

Mỗi độ Tết đến, nhiều gia đình nông thôn lại chung nhau mổ một con lợn, rồi chia phần, dân gian gọi là "đụng lợn". Một tập tục rất thú vị, một nét đẹp trong văn hóa đón Tết vui xuân của người dân làng quê từ xưa tới nay.

Nếu chọn Philippe Troussier, nên học theo Nhật Bản?

TAM NGUYÊN |

Cách bóng đá Nhật Bản sử dụng huấn luyện viên Philippe Troussier có thể là cách VFF cân nhắc học hỏi…

Các nước Đông Nam Á đón Tết Nguyên đán thế nào?

Ngọc Vân |

Pháo hoa, múa lân và sắc đỏ rực rỡ tràn ngập đường phố, nhà cửa và quần áo là dấu hiệu của Tết Nguyên đán ở các nước Đông Nam Á.

Các địa điểm vui chơi thú vị tại TPHCM dịp Tết Quý Mão

Huỳnh Phương |

Để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các khu vui chơi Đầm Sen, Suối Tiên có nhiều ưu đãi và hoạt động xuyên Tết.

Khởi tố thêm 12 đối tượng tại một trung tâm đăng kiểm ở Đồng Nai

HÀ ANH CHIẾN |

Đồng Nai - Ngày 20.1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 12 đối tượng để điều tra về hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 60-05D, ở P.Phước Tân, TP.Biên Hòa. Các quyết định và lệnh nói trên đã được Viện KSND tỉnh Đồng Nai phê chuẩn.

Nhiều tuyến đường TPHCM ngập nặng sau cơn mưa lớn

MINH QUÂN |

Chiều ngày 15.5, một cơn mưa nặng hạt kéo dài gần 2 giờ đồng hồ đã làm cho nhiều tuyến đường tại TPHCM bị ngập nặng, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và đi lại của người dân.