Bến Oai Rong ngày đợi voi về

Hữu Long |

Qua rồi cái thời tấp nập, bến Oai Rong (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) bây giờ đìu hiu, khắc khoải ngày đàn voi nhà lại đông đúc như xưa. Voi nhà vẫn chưa sinh sản phần vì bị bắt làm du lịch quá sức, phần vì những cánh rừng, nơi từng là “không gian yêu” bị thu hẹp đáng kể. Tây Nguyên ngày mai rồi sẽ không còn voi?

Phai nhạt bản sắc

Nhà ông Ma Phương (trú buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) dịp cuối năm lại rộn rã khi con cháu tề tựu sắm sửa lễ vật truyền thống mang ra bến Oai Rong cúng thần nước; Cầu thần phù hộ gia đình, dân làng được bình an. Tại xã Krông Na, ngoài những lễ lớn của người Ê Đê thì những gia đình như ông Ma Phương vẫn đều đặn tổ chức lễ cúng báo thần nước về một năm làm việc của gia đình. Khi nén hương giữa núi rừng đang bốc khói chưa tàn, ông Ma Phương lặng lẽ ngồi bên hòn đá rêu phong, phóng tầm nhìn xa xăm nơi con nước hàng ngàn đời vẫn chảy. Nơi ông ngồi, chỉ cách đây vài chục năm là một vùng rừng bạt ngàn. Khu vực bến nước trước đây từng là khu vực sinh hoạt cộng đồng của cộng đoàn người Ê Đê và cũng là nơi đàn voi nhà quẫy đạp nước... Thế nhưng giờ đây trước mắt ông Ma Phương chỉ ráo trọi cảnh rừng già tan hoang, voi không về nữa. Qua ánh mắt và khuôn mặt buồn vời vợi, tôi nhận ra những thế hệ như ông Ma Phương càng về tuổi xế chiều thường hoài niệm một thời quá khứ xa xăm.

Tại bến Oai Rong, trước từng là nơi những người đàn bà Ê Đê giặt giũ, trông chừng trẻ nhỏ đùa nghịch nước dưới dòng mát rượi. Là nơi đồng bào Ê Đê dừng chân nghỉ ngơi dưới những hàng cây cổ thụ sau một ngày lên nương rẫy khó nhọc. Giờ những hoạt động cộng đồng đó hiếm khi diễn ra khiến chứng nhân của quá khứ - bến Oai Rong, vẫn còn đó nhưng mất đi sức sống và linh hồn. Ông Ma Phương nhớ lại, hương ước do các già làng xưa kia lập ra được người trong làng tuân thủ nghiêm ngặt. Hương ước người Ê Đê chủ yếu được truyền miệng nhưng chặt chẽ, len lỏi vào trong từng mái nhà sàn, bếp lửa bập bùng trong đêm. “Ngày lễ lớn, khi người dân quây quần bên bến nước, già làng dõng dạc đọc to hương ước như để nhắc bà con về quy tắc ứng xử giữa người với người, quy tắc giữa người với rừng già. Ấy vây mà giờ đây, những hương ước này không ngăn được lối sống hiện đại, xu hướng cá nhân của một bộ phận người dân” - ông Ma Phương nói và chỉ tay xa tít táp về phía bờ bên kia bến Oai Rong... Bên kia sông Sêrêpôk từng là một vùng rừng rậm rạp, giờ rừng bị thu hẹp đáng kể dành đất cho người dân sản xuất.

Hồi còn nhỏ, ông Ma Bói (65 tuổi, trú buôn Trí A, xã Krông Na) cùng cha mẹ ra bến Oai Rong vào mùa khô gánh nước. Ma Bói kể, khi dòng SêrêPôk khô cạn đáy, bà con trong làng dù thiếu thốn nhưng ưu ái để nài tắm cho voi nhà trước. Lúc trưởng thành, Ma Bói theo nghiệp nài voi nhưng lại chưa một lần đưa voi trở về bến Oai Rong xưa cũ. “Sông Sêrêpôk không còn hiền hòa như xưa khi 2 bờ sông bên lở bên bồi. Rừng bị tàn sát cộng với tình trạng “cát tặt” lộng hành khiến lòng sông sâu hoắm, ăn sâu vào bến Oai Rong nên nài voi không dám mạo hiểm đưa voi về tắm. Bến Oai Rong đã mất đi hồn cốt bởi những cây cổ thụ không còn mà thay vào đó được xây xi măng kiên cố. Dưới bến nước giờ lác đác mấy con thuyền đưa dân sang bờ bên kia trồng trọt, canh tác. Những người lớn tuổi như chúng tôi thỉnh thoảng lại tìm ra bến để trông về những kỷ niệm không quay trở lại của một thời tuổi thơ êm đềm...” – ông Ma Bói tâm sự.

Bến Oai Rong được sửa chữa khang trang, sạch sẽ nhưng mất đi hồn cốt ban đầu.
Bến Oai Rong được sửa chữa khang trang, sạch sẽ nhưng mất đi hồn cốt ban đầu.

Bao giờ voi về?

Nhiều lần ngồi trò chuyện với những chủ voi vùng hồ Lắk (huyện Lắk), tôi nhận ra trong đôi mắt của các nài voi ẩn chứa nhiều lo lắng vì đàn voi nhà tại Đắk Lắk đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao. Nguyên nhân của việc đàn voi nhà giảm sút được giải thích đơn giản như lời nài voi Y Mứ Bkrông (thị trấn Liêng Sơn, huyện Lắk) bởi “rừng thu hẹp đẩy “không gian yêu” của voi nhà trở nên chật chội, tù túng”. Mà không đáng lo sao được khi hiện tổng đàn voi nhà tại Đắk Lắk chỉ còn 45 cá thể (gồm 26 cá thể cái, 19 cá thể đực), tập trung ở huyện Buôn Đôn và huyện Lắk. Còn ngoài hoang dã, tỉnh Đắk Lắk thống kê có 5 đàn voi với tổng số khoảng 80 đến 100 cá thể tập trung tại các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Cư M’gar. “Cứ thế này, chúng ta không có giải pháp hiệu quả để bảo vệ đàn voi nhà thì trong tương lai, voi nhà tại Đắk Lắk sẽ tuyệt chủng mất thôi!” – ông Ma Bói rầu rĩ.

Trước đây, HĐND tỉnh Đắk Lắk từng ban hành Nghị quyết số 78 với nội dung “Quy định một số chính sách bảo tồn voi” trong đó, chính quyền cam kết sẵn sàng hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho chủ voi nếu voi cái mang thai thành công. Vất vả lắm Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk cùng các nài voi trên địa bàn tỉnh mới sắp xếp để voi cái H’Ban Nang - chủ voi là ông Y Mứ Bkrông, đậu thai thành công với một voi đực có chủ người địa phương. Câu chuyện cổ tích về voi H’Ban Nang đã không có cái kết đẹp khi voi con bị chết lưu trong bụng mẹ trước khi ra đời.

Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, nài voi Y Vinh E Ung (32 tuổi, cháu ông Y Mứ Bkrông) phân tích, nguyên nhân voi con chết sẽ còn được giới khoa học, nhà nghiên cứu tìm hiểu, phân tích để rút kinh nghiệm sau này. Duy điều anh Vinh cảm nhận rõ là hiện môi trường sinh sản của voi Tây Nguyên đã thu hẹp đáng kể. Nguyên nhân nữa được kể đến là những con voi nhà trong độ tuổi sinh sản đang bị bóc lột làm du lịch nên thời gian voi “yêu” không có. Từ đó, những mùa voi “yêu”, mùa voi nhà sinh sản hiếm khi diễn ra suông sẻ trong tự nhiên. Như trường hợp voi H’Ban Nang mang thai, các chuyên gia phải đưa voi mẹ vào vùng rừng giữa lòng hồ Lắk lạc lõng. Voi sinh sản trong không gian hẹp, xung quanh là những tán rừng thưa thớt, ô nhiễm vây quanh... Từ lý giải của anh Y Vinh chắc hắn sẽ buộc giới nghiên cứu, chuyên gia tìm một giải pháp hiệu quả trong những lần voi nhà mang thai tiếp theo.

Nằm trong những nỗ lực bảo tồn đàn voi nhà Đắk Lắk, đầu năm 2018, Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk tiếp tục áp dụng phương pháp cấp... chứng minh cho voi. Chứng minh cho voi còn được hiểu là 45 con voi nhà sẽ được gắn chíp điện tử dưới da nhằm giúp dễ dàng quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiên cứu, chăm sóc đàn. Mỗi con voi sau khi được gắn chíp sẽ được lập hồ sơ về các thông số: Chiều cao, cân nặng, giới tính, tiểu sử bệnh... Theo đánh giá, việc “cấp chứng minh” cho voi là một giải pháp hữu hiệu, có khả năng áp dụng trong thực tế cao khi đưa máy đọc vào gần thì các chuyên gia sẽ nhận được phản hồi khi các thông tin cần thiết về chú voi được hiện thị. Riêng việc gắn chip cho voi hoang dã đã được đề xuất nhiều lần nhưng chưa được thực hiện do quãng đường voi di chuyển không có biên giới nên cần phải có sự đồng ý của hai chính phủ Việt Nam và Campuchia.

Oai Rong trong tiếng người Ê Đê được hiểu “Oai” trong nghĩa bà thím, bà mợ, “Rong” trong nghĩa che chở, phù hộ. 2 nghĩa trên còn được người cao tuổi người Ê Đê tại xã Krông Na giải thích thông qua các câu chuyện có thật quanh bến Oai Rong. Rằng, trong suốt chiều dài tồn tại của mình, thần linh tại bến Oai Rong che chở, bảo vệ dân làng nên các chuyến vượt sông Sêrêpôk, đánh bắt cá, chưa lần nào, con sông Sêrêpôk hùng vĩ cướp sinh mạng của người dân.

Hữu Long
TIN LIÊN QUAN

Trình diễn văn hóa các dân tộc thiểu số của dãy Trường Sơn định kỳ mỗi đêm rằm tại Hội An

Thanh Hải |

Sự kiện này có tên: “Ngày Văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam 2018, tại Hội An” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam chủ trì và phối hợp với UBND và ngành VHTT của 6 huyện miền núi gồm: Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My và Bắc Trà My, tổ chức vào tối 15 âm lịch hằng tháng tại Hội An.

Bản Áng những ngày gần Tết

dương quốc bình |

Bản Áng thuộc xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La. Không có nhiều lợi thế về diện tích đất canh tác như các khu vực khác trong cao nguyên Mộc Châu, Bản Áng đang tập trung phát triển du lịch từ vài năm qua nhờ vẻ đẹp của thiên nhiên và sự đa dạng trong nét văn hoá các dân tộc. 

Lớp học xóa mù chữ giữa rừng sâu núi thẳm

Mai Thắng |

Giữa “tâm lõi” của rừng quốc gia Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) có một lớp học đặc biệt gồm 21 học sinh. Lớp học này không chỉ “đặc biệt” bởi đa phần học trò ở lứa tuổi lên chức ông bà, mà còn “đặc biệt” bởi lần đầu tiên ở giữa rừng sâu núi thẳm có những thầy cô giáo hi sinh hạnh phúc riêng tư, miệt mài gieo chữ với tâm nguyện xóa mù cho người đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Trình diễn văn hóa các dân tộc thiểu số của dãy Trường Sơn định kỳ mỗi đêm rằm tại Hội An

Thanh Hải |

Sự kiện này có tên: “Ngày Văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam 2018, tại Hội An” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam chủ trì và phối hợp với UBND và ngành VHTT của 6 huyện miền núi gồm: Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My và Bắc Trà My, tổ chức vào tối 15 âm lịch hằng tháng tại Hội An.

Bản Áng những ngày gần Tết

dương quốc bình |

Bản Áng thuộc xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La. Không có nhiều lợi thế về diện tích đất canh tác như các khu vực khác trong cao nguyên Mộc Châu, Bản Áng đang tập trung phát triển du lịch từ vài năm qua nhờ vẻ đẹp của thiên nhiên và sự đa dạng trong nét văn hoá các dân tộc. 

Lớp học xóa mù chữ giữa rừng sâu núi thẳm

Mai Thắng |

Giữa “tâm lõi” của rừng quốc gia Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) có một lớp học đặc biệt gồm 21 học sinh. Lớp học này không chỉ “đặc biệt” bởi đa phần học trò ở lứa tuổi lên chức ông bà, mà còn “đặc biệt” bởi lần đầu tiên ở giữa rừng sâu núi thẳm có những thầy cô giáo hi sinh hạnh phúc riêng tư, miệt mài gieo chữ với tâm nguyện xóa mù cho người đồng bào dân tộc thiểu số.