Bảo vệ tác quyền âm nhạc: “Mở cửa” để biết “sốt ruột”

Hạnh Nhân |

“Mở cửa” ra thế giới không chỉ để học cách nghĩ, cách làm của các nước khác về “chuyện bảo vệ tác quyền âm nhạc” mà để bản thân mình biết sốt ruột, tự đặt kế hoạch cho những mục tiêu mình phải đạt được trong tương lai.

Bạn bè trong làng văn nghệ với nhạc sĩ Phó Đức Phương ngồi với nhau thường thương cảm mà nói với nhau rằng: “Con người tài hoa là thế, đang ở đỉnh cao sáng tạo là thế, đùng một cái bỏ ngang tất cả để đi làm cái việc bị người ta chửi.” Cái việc hầu thiên hạ mà còn bị người ta chửi ấy chính là mở Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC), thứ mà 15 năm qua, người ta xét công ông thì ít mà xét tội thì nhiều. Nhưng ít hay nhiều không quan trọng bằng việc bản thân ông thấy đúng.

Gặp Phó Đức Phương một sáng cuối năm tại văn phòng VCPMC. Hà Nội nắng hanh hao. Phòng làm việc của vị Giám đốc VCPMC nhỏ bé, cuối dãy hành lang tầng 8, tầng trên cùng tòa nhà Hội Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật trên đường Nguyễn Văn Huyên. Giữa khung cảnh ấy, vào thời gian này, lẽ ra với vị thế của mình, một nhạc sĩ có tên tuổi trong làng nhạc Việt, ông Phương phải tất bật với những cuộc họp tổng kết cuối năm, hay để mặc cảm xúc trôi theo những nốt nhạc cho những bài tình ca mùa xuân. Thế mà bàn làm việc của ông lại bừa bộn giấy tờ sổ sách, còn trong đầu, ông bảo, đang nhảy múa “loạn xị ngậu” những con số liên quan đến chuyện thu chi, thanh toán phí tác quyền âm nhạc.

Cũng đã 15 năm ông gắn bó với vị trí giám đốc này. 15 năm, cứ đến thời khắc này là ông lại căng não để tính toán “tận thu” từ những nguồn còn chưa chịu nộp phí tác quyền, phân bổ giải ngân cho các tác giả kịp “ăn Tết” cho tươm tất; rồi thì kế hoạch, chỉ tiêu cho năm sau… Cứ vắt chân lên cổ mà chạy theo những con số, để rồi bỏ lỡ đi bao cảm xúc lẽ ra phải dành cho những sáng tác mới làm đồ sộ hơn gia tài âm nhạc của mình. Công viêc bận rộn “phức tạp” và nhiều “tai tiếng”, nhưng ông Phương bảo, chưa bao giờ mảy may ông nghĩ đến chuyện từ bỏ. Và chính công việc đã giúp ông hoàn thiện bản thân mình hơn. Ông thấy hài lòng với con người hiện tại của mình, hơn cả cái thời chỉ là con người nhạc sĩ đơn thuần.

Phải biết “quên mình”

Nói về công việc nhiều “tai tiếng” của mình, Phó Đức Phương cho rằng, sở dĩ ông đặt sự nghiệp âm nhạc sang một bên, bỏ ngoài tai mọi lời khuyên nhủ lẫn cảnh cáo của bạn bè người thân để gắn bó và xông pha với công việc này 15 năm qua là vì ông tin điều ông làm thực sự đúng. Bảo vệ lợi ích hợp pháp của các tác giả âm nhạc Việt Nam và thế giới suy cho cùng chính là bảo vệ lợi ích đất nước; bảo vệ được lợi ích hợp pháp của các tác giả âm nhạc chính là giải pháp, động lực để các tác giả sáng tạo. Ông cho rằng, chỉ với mục đích này cũng là quá đủ và xứng đáng để ông hy sinh.

Người không hiểu Phó Đức Phương có thể nghĩ ông ngạo mạn. Nhưng Phó Đức Phương thực sự có niềm tin vững chắc vào bản thân, tin rằng nếu mình không khởi xướng, không đeo đuổi thì sẽ không ai dám đeo đuổi đến cùng. Để làm được công việc được cho là “vác tù và hàng tổng” này, người làm đòi hỏi phải có đủ uy tín, kiến thức (cả về âm nhạc và pháp luật về âm nhạc), sự nhiệt tình… nhưng trên tất cả, phải biết “quên mình”. Dám quên mình, quên sự nghiệp đang thăng hoa ở đỉnh cao để bắt tay vào địa hạt tăm tối, u minh, nhọc nhằn khai hoang từ suy nghĩ cho đến hành động của từng người một, nếu không phải là Phó Đức Phương thì là ai? “Chỉ khi không nghĩ đến những cái tôi thuần túy thì con người ta mới có thể đi lâu và theo đuổi tới cùng được cộng việc mà nhiều người vẫn cho là “đòi nợ thuê” này” - Phương bảo.

Phó Đức Phương bảo mình thay đổi khá nhiều khi làm tác quyền. Từ một người thiên về hướng nội, tỉ mỉ, cẩn trọng, đặt cảm xúc, cái tôi cá nhân lên trên hết trở thành một người mạnh mẽ, xông xáo, đáo để, thậm chí là “đanh đá”. “Cũng là thực tế tôi rèn cả thôi”, Phó Đức Phương dí dỏm. Thực tế hoạt động thu phí tác quyền, không ít đơn vị biểu diễn lấy việc phải thỏa thuận, thương lượng và nộp phí tác quyền cho các tác giả âm nhạc thông qua đơn vị được ủy quyền VCPMC như là một việc làm lấy vì, thỏa thuận gọi cho có. Vì không nộp phí tác quyền họ cũng đã xin được giấy phép tổ chức rồi! Thế mới, gây ra những xì căng đan như vụ “ông Phương nhảy lên sân khấu đêm nhạc Trịnh Công Sơn của Khánh Ly để bắt nộp tiền phí tác quyền” hồi năm 2014.

Quả là nếu không “đáo để”, không biết “quên mình” thì tội gì ông nhạc sĩ vốn nổi tiếng hàng bậc nhất Việt Nam phải cư xử “gàn dở” quên cả thân phận mình đến như vậy?

Chết cũng phải làm!

Hiện nay VCPMC là thành viên của Cisac Liên minh quốc tế các tổ chức của các tác giả, có hợp đồng hợp tác song phương với 70 tổ chức tương ứng với phạm vi bảo hộ trên gần 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nghĩa là VCPMC sẽ đại diện cho các tổ chức này bảo vệ các tác phẩm trong kho tác phẩm của họ tại lãnh thổ Việt Nam. Và ngược lại tác phẩm Việt Nam sẽ được các tổ chức này bảo hộ trên lãnh thổ quốc gia đó.

Để Việt Nam có thể “mở cửa” hội nhập với thế giới hơn nữa trong lĩnh vực thực thi bảo vệ quyền bản quyền của tác giả âm nhạc, Phó Đức Phương thẳng thắn, bản thân ông có nỗ lực thêm gấp trăm lần cũng không đủ. Khi mà những chính sách của cơ quan quản lý nhà nước không có sự tương thích, không lấy vấn đề tác quyền làm nền tảng cho các quy định liên quan.

Phó Đức Phương không giấu được nỗi bức xúc khi nhiều năm đi vận động chính sách cho vấn đề tác quyền âm nhạc mà chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Mặc dù, về cơ bản, các văn bản luật của Việt Nam tương xứng và phù hợp với luật pháp quốc tế về quyền tác giả, mà cụ thể ở đây là công ước Bern, phù hợp với các thông lệ quốc tế trong lĩnh vực này. Song các văn bản dưới luật, hướng dẫn luật đang bị “chênh phô” rất nhiều. Việt Nam cũng đang thiếu các cơ quan thực thi pháp luật có quyền lực đủ mạnh để triển khai, thực thi và bảo vệ quyền bản quyền.

Trên thế giới, nếu một tác giả có tác phẩm âm nhạc nổi tiếng họ có thể bán và sống cả đời. Tuy nhiên ở Việt Nam đang có khoảng cách khá xa giữa thu nhập của các tác giả và các ca sĩ thị trường. Rất nhiều vị nhạc sĩ Việt với gia tài âm nhạc đồ sộ cống hiến cho đất nước khi về già sống trong cảnh cơ cực, bần hàn. Trong khi đó, nhiều ca sĩ thị trường hát một bài hát đã được vài chục triệu. Thậm chí ngôi sao hạng A đi hát đám cưới có thể nhận mức cátsê vài trăm triệu.

“Nếu so sánh về nền kinh tế, nền âm nhạc, Việt Nam không hề thua kém Malaysia. Thậm chí nếu so về quy mô dân số (những người hưởng thụ nền âm nhạc), Việt Nam lớn hơn Malaysia. Thế nhưng trong khi Malaysia thu được khoảng 30 triệu USD thì Việt Nam chỉ thu được một phần mười (tức là khoảng 3 triệu USD). Còn nếu so với các nước có nền âm nhạc hiện đại thì Việt Nam càng không thể thấm tháp gì.

Ông Giám đốc VCPMC và các cộng sự của mình đặt ra mục tiêu của trung tâm là trong 10 năm tới doanh thu từ phí tác quyền phải đạt được con số như Malaysia hiện nay. Tôi hỏi liệu có làm được không? Phó Đức Phương trả lời rất quả quyết: “Làm được chứ. Chết cũng phải làm.”

“Mở cửa” ra thế giới không chỉ để học cách nghĩ, cách làm của các nước khác về “chuyện bảo vệ bản quyền âm nhạc” mà để bản thân mình biết sốt ruột, tự đặt kế hoạch cho những mục tiêu mình phải đạt được trong tương lai.

Vừa rồi, Phương làm một liveshow hoành tráng sau 15 năm ly thân biền biệt với âm nhạc. Có người bảo Phó Đức Phương đã nhớ âm nhạc rồi, nhớ thời vinh quang rồi, hay là Phó Đức Phương đã mỏi mệt với chuyện tác quyền rồi. Tôi tin là không. Bởi người đã dám vứt đi “ngai vàng” cá nhân để dấn thân và coi sự dấn thân là “số phận” mình phải gắn bó thì lẽ nào ví phút nhớ quên mà từ bỏ lẽ dấn thân ấy.

Hạnh Nhân
TIN LIÊN QUAN

Chú mèo của năm, nuôi ngược lại chủ

Minh Ánh - Hà Chi |

Chỉ bằng những clip Tiktok quay lại những hoạt động thường ngày, chú mèo Chi Thối này năm qua đã kiếm về hàng trăm triệu về cho chủ của mình.

Việt Nam và hành trình kể những câu chuyện về vẻ đẹp bất tận

Nick M |

Nhà thám hiểm lừng danh người Morocco - Ibn Battuta – từng nói: “Du lịch – ban đầu nó khiến bạn không thốt nên lời, và sau đó biến bạn trở thành một người kể chuyện”. Và du lịch Việt Nam, đã và đang kể những câu chuyện về vẻ đẹp bất tận đi khắp thế giới.

NSND Tự Long nói về sự xuất hiện của NSND Công Lý ở Táo Quân 2023

Mi Lan |

NSND Công Lý xuất hiện ngắn gọn ở Táo Quân 2023 với 3 câu thoại ngắn.

Hà Nội bình yên, đẹp mơ màng trong sáng mùng 1 Tết

NHÓM PV |

Thời tiết Hà Nội vào sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão (tức 22.1) lạnh giá khiến người dân xuất hành du Xuân muộn hơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông sản góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia

Nhóm PV |

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, khi xuất khẩu hàng hoá ra thị trường quốc tế cần có những cách thức quảng bá thương hiệu quốc gia, ngược lại thương hiệu quốc gia sẽ góp phần định vị nông sản của Việt Nam.

Cộng đồng quốc tế tin tưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ

Trà My |

Năm 2023 đến với nhiều cơ hội và thách thức mới. Với đà tăng trưởng của năm 2022, kinh tế Việt Nam được cộng đồng các tổ chức quốc tế dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc.

Interactive: Sự tích bánh chưng bánh giầy ngày Tết vào đời Vua Hùng nào?

Nhóm PV |

Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm các gia đình quây quần đón Tết, cùng nấu các món ăn ngon. Có rất nhiều món ăn đặc trưng ngày Tết như bánh chưng, bánh giầy, dưa hành... vô cùng hấp dẫn. Tham gia trả lời các câu hỏi dưới đây của báo Lao Động để thử thách hiểu biết của bạn về các món ăn ngày Tết.

Tham gia chương trình truyền hình tương tác của Báo Lao Động bằng cách theo dõi câu hỏi, bấm vào phương án trả lời mà bạn cho là đúng ngay trên màn hình video tương tác dưới đây.

Dự báo thời tiết 22.1: Mùng 1 Tết Bắc Bộ mưa vài nơi, ngày nắng tăng nhiệt

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 22.1.2023, miền Bắc sáng sương mù có mưa nhỏ vài nơi, ngày nắng tăng nhiệt với nhiệt độ cao nhất khoảng 20 - 24 độ C. Đêm trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất 15-19 độ C.