Nhiệm vụ quan trọng nhất là đoàn viên công đoàn tham gia trực tiếp bảo vệ môi trường

Nhóm PV |

Sáng 19.4, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo Lao Động phối hợp cùng Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường tổ chức toạ đàm "Tổ chức công đoàn, doanh nghiệp đồng hành trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường”.

11h40: Ông Đỗ Trần Hải - Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu kết luận buổi tọa đàm.

Ông Hải cho rằng, việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường ở một số doanh nghiệp, một số nơi hiện nay còn chưa tốt. 

Tọa đàm cũng nêu ra vấn đề, dù thời gian qua, Tổng LĐLĐVN và Bộ TNMT đã có nhiều nỗ lực trong việc hợp tác, tăng cường phối hợp giám sát, phản biện trong vấn đề bảo vệ môi trường, tuy nhiên còn một số hạn chế. Thời gian tới, thông qua việc ký kết Chương trình phối hợp góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam giai đoạn 2018 - 2023, hai bên sẽ có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn nữa, góp phần bảo vệ môi trường sống Xanh-Sạch-Đẹp.

Chương trình phối hợp sẽ thực hiện 7 nội dung hoạt động cụ thể trong thời gian tới, đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác bảo vệ môi trường.

Thời gian tới, Tổng LĐLĐVN cũng kiến nghị làm rõ vai trò trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức chính trị-xã hội để phát huy tốt hơn nữa vai trò kiểm tra, giám sát trong vấn đề bảo vệ môi trường; đồng thời có một số kiến nghị liên quan đến việc thống nhất sự quản lý vấn đề vệ sinh an toàn lao động với vấn đề bảo vệ môi trường, có hình thức tôn vinh NLĐ, tổ chức công đoàn tham gia mạnh mẽ, có hiệu quả hơn trong vấn này.

Ông Hải cũng khẳng định, Giải thưởng Môi trường vì người lao động sẽ được trao thưởng hằng năm, để tôn vinh những cá nhân, tổ chức, NLĐ có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường.

11h30': Đại diện Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đặt câu hỏi với ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Đối với doanh nghiệp thực hiện tốt vấn đề bảo vệ môi trường sẽ được ưu tiến, khuyến khích gì so với các doanh nghiệp chưa thực hiện tốt?

Ông Nguyễn Thế Đồng khẳng định: Việc thực hiện tốt các vấn đề về bảo vệ môi trường là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên trong thực tế, có doanh nghiệp thực hiện tốt, có doanh nghiệp có biểu hiện trốn tránh.

Đối với những doanh nghiệp thực hiện chưa tốt vấn đề bảo vệ môi trường, nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật, tùy mức độ, có thể bị xử lý hình sự.

Nếu các doanh nghiệp thực hiện tốt vấn đề này sẽ được xã hội ghi nhận, đồng thời thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp sẽ được nâng cao.

Về phía cơ quan quản lý, hiện chúng tôi có chính sách khen thưởng vinh doanh các doanh nghiệp làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, Chính phủ cũng có nhiều chính sách vinh danh đối với doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong vấn đề này. Thực tế có thể thấy, xã hội sẵn sàng tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp nào nếu có những hành vi, động thái gây tổn hải đến sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng môi trường.

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế, nếu doanh nghiệp làm tốt vấn đề về bảo vệ môi trường sẽ có lợi thế rất lớn trong việc xuất khẩu sản phẩm của mình ra nước ngoài.

Khi tham gia đầu tư, thực hiện các nghĩa vụ về BVMT sẽ góp phần giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.

Như vậy, việc đầu tư và chi cho các hoạt động BVMT sẽ giúp doanh nghiệp thu được lợi ích nhiều mặt về kinh tế, xã hội và vị trí thương mại. Thông thường, đầu tư cho các sáng kiến cải tiến nhằm đáp ứng các yêu cầu về môi trường và chi cho BVMT luôn giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đầu vào cho sản xuất thông qua việc giảm tiêu hao năng lượng, tài nguyên, nhân lực. Mặt khác, các kết quả về BVMT cũng giúp doanh nghiệp cải thiện vị trí cạnh tranh trên thị trường một cách đáng kể, đặc biệt là trong xu thế ngày càng có nhiều nước thúc đẩy và triển khai các chương trình quốc gia về mua sắm và tiêu dùng xanh như hiện nay.

11h20: PV báo Dân Trí nêu câu hỏi: Bộ Tài nguyên - Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có các giải pháp gì để tôn vinh những người lao động và tổ chức công đoàn có đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ môi trường?

Ông Đỗ Trần Hải - Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Tôn vinh đội ngũ công nhân lao động, tổ chức công đoàn các cấp là một hoạt động cần thiết và đã được ghi rõ trong Chương trình phối hợp giữa Bộ Tài nguyên - Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Năm 2018, chúng tôi sẽ phối hợp tổ chức diễn đàn và xét tặng Giải thưởng “Công nhân lao động vì môi trường” toàn quốc, dự kiến tổ chức vào tháng 9.2018. Hoạt động này sẽ được duy trì hàng năm, nhằm tôn vinh những đóng góp, cống hiến của đội ngũ công nhân lao động, tổ chức công đoàn các cấp trong các hoạt động giám sát, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ chỉ đạo các Sở Tài nguyên - Môi trường, các Liên đoàn lao động tỉnh, hàng năm phối hợp tổ chức xét tặng, tôn vinh những công nhân lao động, tổ chức công đoàn các cấp có thành tích xuất sắc trong các hoạt động giám sát, bảo vệ tài nguyên và môi trường tại các địa phương.

Hy vọng, hoạt động này sẽ tạo ra được một phong trào rộng khắp, khuyến khích công nhân lao động, tổ chức công đoàn các cấp hăng hái, nhiệt tình tham gia các hoạt động giám sát, bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.

11h10: Đại diện của Tổng Công ty Xi măng: Xi măng là ngành dùng nhiều tài nguyên đất nước, chúng tôi luôn quan tâm việc đảm bảo môi trường, tránh ô nhiễm, đảm bảo sức khoẻ người lao động. Chúng tôi mong được biết chương trình phối hợp giữa Tổng liên đoàn lao động và Bộ Tài nguyên môi trường gồm nội dung gì? Và nội dung này ảnh hưởng như thế nào đến vai trò người lao động và tổ chức công đoàn?

Ông Đỗ Trần Hải - Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam: Chương trình phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Tài nguyên Môi trường đã kí cách đây 3 ngày. Toạ đàm hôm nay là một trong những hoạt động để hiện thực hoá. 

Việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức các cấp công đoàn, người lao động đối với công tác tham gia, quản lý, giám sát bảo vệ môi trường. Đồng thời sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, lồng ghép phong trào xanh sạch đẹp.

 
Đại diện của Tổng Công ty Xi măng. 

Chương trình phối hợp bao gồm 7 nội dung:

1. Tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng để nâng cao nhận thức và vận động CNVCLĐ tham gia quản lý, giám sát, bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên lồng ghép với phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. Tổ chức các chương trình hành động và các hoạt động cụ thể nhân Ngày Môi trường thế giới (5.6), Tháng hành động vì Môi trường và các sự kiện môi trường khác hàng năm.

2. Phối hợp kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

3. Biên soạn tài liệu, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và kiến thức, kỹ năng cho cán bộ công đoàn về quản lý, giám sát, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Biên soạn và cung cấp các tài liệu tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp cho CNVCLĐ lồng ghép với nội dung tuyên truyền, giáo dục về an toàn vệ sinh lao động.

4. Xây dựng chương trình lồng ghép về quản lý thống nhất hệ thống an toàn vệ sinh lao động với bảo vệ môi trường trong hệ thống công đoàn; phối hợp nghiên cứu, triển khai các đề tài khoa học và sử dựng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn công tác của mỗi cơ quan.

5. Xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình CNVCLĐ tham gia quản lý, giám sát, bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đánh giá hiệu quả để nhân rộng mô hình; tổ chức Diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường” tạo cơ hội trao đổi, thảo luận về công tác bảo vệ môi trường với người lao động tại các doanh nghiệp; đồng thời, tôn vinh người lao động, cán bộ công đoàn có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp. 

Tuyên truyền, giới thiệu về giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam trong hệ thống các cơ quan của ngành tài nguyên - môi trường, trong các hoạt động truyền thông khác phù hợp với tính chất, nội dung của hoạt động.

6. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước và Bộ Tài nguyên và Môi trường giao: Chương trình quan trắc đánh giá tác động ảnh hưởng của môi trường lao động đến môi trường xung quanh, môi trường khu dân cư; Đánh giá sức khỏe môi trường, nhất là ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe người lao động nói riêng và dân cư xung quanh các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp; Triển khai ứng dụng các dự án kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm mục đích bảo vệ môi trường, phục vụ tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

7. Bảo đảm quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án Thiết chế công đoàn tại các Khu công nghiệp - khu chế xuất và việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất cho các Thiết chế của công đoàn tại các Khu công nghiệp - khu chế xuất.

11h00: Tiếp tục phần đối thoại, đại diện doanh nghiệp tham luận và đặt câu hỏi - Công ty Lavie: Những doanh nghiệp thực hiện tốt những chính sách, pháp luật quy định về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững được ưu tiên, khuyến khích những gì so với các doanh nghiệp không thực hiện tốt? Các chính sách ưu tiên này có mang lại lợi ích trực tiếp như thế nào đối với môi trường làm việc và lợi ích của người lao động? Đánh giá thực trạng tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp thông qua thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường trong thời gian qua. Bộ TNMT sẽ có giải pháp gì để tăng cường giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp?

 
Đại diện của Công ty Lavie. 

Về những vấn đề này, ông Nguyễn Thế Đồng trả lời: Khi doanh nghiệp tham gia vào quá trình thực thi các qui định về chuẩn mực BVMT hay thực hiện trách nhiệm xã hội của mình sẽ có những lợi ích mang lại cho chính doanh nghiệp như: Góp phần nâng cao hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp tham gia đầu tư vào BVMT sẽ góp phần tạo ra sự tin tưởng của xã hội và người tiêu dùng đối với chính doanh nghiệp, chính những sản phẩm của doanh nghiệp làm ra. Do vậy, hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được nâng lên, thị trường tiêu thụ các sản phẩm sẽ bền vững hơn.

Ngoài ra, sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Trong những năm vừa qua, các điều khoản cam kết về môi trường trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã là một phần không thể thiếu trong các cam kết hội nhập đó. Do vậy, khi doanh nghiệp tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực BVMT sẽ góp phần tạo ra cơ hội cho các sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.

Khi tham gia đầu tư, thực hiện các nghĩa vụ về BVMT sẽ góp phần giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp. Trong ngắn hạn nếu các doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất theo hướng góp phần BVMT có thể sẽ làm cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên nhưng trong dài hạn thì sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất thông qua giảm sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu, giảm các chi phí liên quan đến pháp lý BVMT, chi phí khắc phục sự cố môi trường, tạo ra không gian làm việc hiệu quả cho người lao động. Chính vì vậy, trong dài hạn, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tốt hơn nếu ngay từ đầu chú trọng tới công tác BVMT.

Khi những chính sách ưu tiên này được thực hiện sẽ mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho người lao động, giáo dục cho người lao động thói quen tiết kiệm chống lãng phí trong việc sử dụng văn phòng phẩm, điện, nước… Như vậy, việc thực hiện chính sách về bảo vệ môi trường chính là cách giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, BVMT sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động, nâng cao năng suất lao động. Vì người lao động là yếu tố quyết định tới sự sống còn của doanh nghiệp vì vậy khi bảo vệ môi trường đồng thời doanh nghiệp đã bảo vệ cho sức khỏe người lao động. Bên cạnh đó, việc BVMT sẽ tạo hình ảnh tốt với cư dân xung quanh, chính quyền và xã hội, củng cố niềm tin của đối tác và khách hàng với doanh nghiệp.

Cũng theo ông Đồng, thời gian qua, qua kết quả kiểm tra giám sát có thể thấy thức và nhận thức của doanh nghiệp về bảo vệ tài nguyên môi trường đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vi phạm về xả thảu ngày càng tinh vi, phức tạp nhằm trốn tránh chi phí xử lý chất thải hết sức tốn kém hoặc cố tình che giấu sự cố môi trường xảy ra ngoài ý muốn, nhằm trốn tránh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, thời gian tới Bộ TNMT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát và phối hợp với các địa phương thực hiện giám sát đặc biệt đối với một số dự án. Ngoài ra, bộ đang tích cực xây dựng tiêu chí để lực chọn những cơ sở, loại hình sản xuất tiềm ẩn rủi ro về môi trường để tổ chức kiểm soát đặt biệt…

Để làm được việc này, ông Nguyễn Thế Đồng khẳng định: Bộ TNMT cần sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị. Ông Đồng nhấn mạnh, sự kiện ký kết Chương trình phối hợp góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam giai đoạn 2018 - 2023 giữa Tổng LĐLĐVN và Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) sẽ góp phần rất lớn trong việc tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát, phát hiện các cơ sở chưa tuân thủ nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ môi trương sống xanh-sạch-đẹp hơn..

10h40: Ông Bùi Xuân Vinh – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Bình: Hiện nay Bộ Tài nguyên Môi trường có đường dây nóng tiếp nhận thông tin. Cơ quan tài nguyên môi trường đã có hành động gì để giám sát công tác bảo vệ môi trường?

- Ông Nguyễn Thế Đồng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục môi trường – Bộ Tài nguyên Môi trường: Việc Bộ Tài nguyên Môi trường thành lập đường dây nóng được sự đánh giá cao của cộng đồng, đây là giải pháp hữu hiệu để phát hiện các vi phạm gây ô nhiễm môi trường.

Trong vòng 5 tháng, đường dây nóng tiếp nhận 516 vụ việc phản ánh ô nhiễm môi trường từ người dân. Khi Tổng cục Môi trường nhận được phản ánh, chúng tôi tập trung xử lý quyết liệt và thông báo cho địa phương nếu việc đó thuộc trách nhiệm địa phương.

Các địa phương có sự phối hợp tốt với Tổng cục Môi trường. Phần lớn kiến nghị của người dân được giải quyết khá kịp thời.

 
Ông Bùi Xuân Vinh – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Bình. 

Trong số 516 vụ việc được phản ánh, 251 vụ việc được phản ánh gây ô nhiễm môi trường, chiếm tỷ lệ 48,64% là do các doanh nghiệp gây nên. Các địa phương tích cực xử lý, cần khẳng định đường dây nóng là cực kì hữu hiệu.

Để tăng cường sự giám sát của cộng đồng và đoàn viên công đoàn, ngày 16.4 vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Tài nguyên Môi trường đã kí chương trình phối hợp với 7 nội dung cụ thể để tăng cường vai trò của các thành viên công đoàn trong giám sát, thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp địa phương.

Chúng tôi tin tưởng Công đoàn với mạng lưới sâu rộng tại các xí nghiệp, địa phương chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng, chỉ người lao động mới biết mức độ tuân thủ bảo vệ môi trường ra sao. Các chương trình kiểm tra, giám sát, thanh tra sẽ có chương trình. Nhưng nếu chỉ nhà nước làm thì không thể nào làm hết được. 

Tôi tin rằng sự kiện kí kết giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ giúp chúng ta trong thời gian tới làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường. 

Chúng tôi đang rà soát Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản liên quan, dự kiến năm sau sẽ trình xin phép sửa Luật Bảo vệ môi trường để làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức trong xã hội theo hướng tăng cường hơn nữa sự tham gia của cộng đồng, tổ chức xã hội. 

Hiện nay vẫn còn tư tưởng những gì thiên nhiên ban tặng là trời cho, nước là cái gì đó không có giá trị nên nhiều người mặc nhiên không có trách nhiệm gì.

Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý và tổ chức chính trị xã hội, trách nhiệm mỗi cá nhân trong cộng đồng. 

10h30: Tiếp tục tọa đàm là phần đối thoại giữa doanh nghiệp, báo chí về vấn đề bảo vệ môi trường.

Trưởng phòng Môi trường của Công ty Cocacola đặt câu hỏi: Vai trò của người lao động và tổ chức công đoàn đối với nhiệm vụ giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh?

Về vấn đề này, ông Đỗ Trần Hải - Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khẳng định: Vai trò của NLĐ và tổ chức công đoàn đối với nhiệm vụ giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh được quy định tại Khoản 2 Điều 145 của Luật Bảo vệ Tài nguyên môi trường.

Theo đó, NLĐ có thể thông qua tổ chức công đoàn với vai trò là một tổ chức chính trị-xã hội thực hiện nhiệm vụ giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ TNMT thông qua thực hiện quyền:

a) Được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

b) Tham vấn đối với dự án có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

c) Tư vấn, phản biện về bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý nhà nước và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan theo quy định của pháp luật;

d) Tham gia hoạt động kiểm tra về bảo vệ môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

đ) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, NLĐ sinh hoạt ở cộng đồng dân cư cón có thể thông qua người đại diện cộng đồng dân cư thực hiện quy định tại Khoản 1,2 và 3 Điều 46 của Luật TNMT. 

 
Đại diện của Công ty Coca Cola Việt Nam (giữa). Ảnh: Sơn Tùng. 

Trong đó, đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền:

a) Yêu cầu chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ cungg cấp thông tin về bảo vệ môi trường thông qua đối thoại trực tiếp bằng văn bản, tổ chức tìm hiểu thực tế về công tác bảo vệ môi trường ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ; thu thập cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin cho cơ quan có thẩm quyền về thông tin cung cấp;

b) Yêu cầu cơ quan nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, xử lý đối với cơ sở;

c) tham gua đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất, dịch vụ; thực hiện các biện pháp để bảo vệ về quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.

* Clip đại diện của Công ty Coca Cola Việt Nam phát biểu:

Tuy nhiên, ông Hải thừa nhận trong những năm qua, NLĐ chưa phát huy được vai trò của mình trong vấn đề bảo vệ môi trường. Thời gian qua, thông qua vệ ký kết chương trình hợp tác bảo vệ môi trường giữa Tổng LĐLĐVN và Bộ TNMT, tổ chức công đoàn sẽ cụ thể hóa, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, công tác phản biện xã hội về vấn đề tài nguyên môi trường nói chung. Không chỉ về vấn đề ô nhiễm môi trường cả vấn đề sử dụng tài nguyên môi trường ở các doanh nghiệp đã thực sự hiệu quả, tiết kiệm hay chưa.

* Ông Bùi Xuân Vinh – Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Bình: Theo ông, nhiệm vụ quan trọng nhất mà LĐLĐ phải triển khai trong thời gian tới để nâng cao công tác bảo vệ môi trường là gì? 

- Nhiệm vụ quan trọng nhất là làm sao mỗi thành viên công đoàn tham gia nhiều nhất, trực tiếp nhất vào công tác bảo vệ môi trường. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải làm sao để mỗi thành viên công đoàn hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường. Nếu mỗi thành viên công đoàn nhìn thấy sai phạm và góp ý thì đã giúp DN để có thương hiệu tốt trong mắt người tiêu dùng, sản phẩm tiêu thụ tốt hơn. Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, nếu không đảm bảo tiêu chí về môi trường thì doanh nghiệp khó có thể xuất khẩu sản phẩm của mình. Do cái nhìn ngắn hạn của DN có tác động tiêu cực đến sự phát triển lâu dài của DN. Nếu các đoàn viên có góp ý thì DN chắc chắn sẽ đánh giá cao vai trò của người  lao động.

10h25: Ông Quách Văn Ngọc – Trưởng ban Chính sách Pháp luật Công đoàn Công Thương Việt Nam - cho hay, ngành Công Thương Việt Nam đã thực hiện tốt chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phát động phong trào xanh, sạch đẹp trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp. Bảo vệ môi trường là bảo vệ người lao động, tạo môi trường làm việc tốt cho người lao động.

Chúng tôi tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học như đề tài an toàn vệ sinh lao động trong ngành hoá chất, đây là đề tài cấp Bộ và được Bộ đánh giá cao.

 
Ông Quách Văn Ngọc – Trưởng ban Chính sách Pháp luật Công đoàn Công Thương Việt Nam. 
Chúng tôi phối hợp với một số đơn vị triển khai dự án về chống biến đổi khí hậu. Chúng tôi xây dựng bộ tài liệu, đào tạo giảng viên, tổ chức tuyên truyền. Dự án này qua 2 năm triển khai được đánh giá cao.

Công đoàn cơ sở tại địa phương phối hợp tổ chức hoạt động tết trồng cây hàng năm. Nhiều đơn vị xây dựng khuôn viên đẹp, vườn hoa, trồng cây xanh xung quanh nhà máy, nhiều đơn vị phát động phong trào thi đua sáng kiến.

Công đoàn Công Thương được đánh giá cao về phong trào sáng kiến, lao động sáng tạo. Một mô hình nữa là mô hình xây dựng 6 nhà, trong đó có mô hình xây dựng nhà máy công viên. Họ xây dựng tiêu chí như thế nào là nhà máy công viên, hàng năm họ đi kiểm tra các tiêu chí, nếu đảm bảo tiêu chuẩn thì sẽ được duy trì danh hiệu nhà máy công viên.

Một điển hình của ngành Công Thương là nghiên cứu chế tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường. Nhiều doanh nghiệp đưa các tiêu chí bảo vệ môi trường ra hàng đầu. Từ sự chỉ đạo của Công đoàn Công Thương Việt Nam, ngành Công Thương theo báo cáo các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá có những tiến bộ tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số nhà máy dùng các thiết bị lạc hậu như năm 60, 70 của thế kỉ trước. Để xử lý hệ thống môi trường tại các nhà máy là rất tốn kém. Chúng tôi kiến nghị, đề xuất để giải quyết vấn đề này thì có sự hỗ trợ của Nhà nước, nếu để chỉ một mình DN thực hiện thì sẽ khó khăn.

Chúng tôi kiến nghị cần có đánh giá, tổng kết phong trào về bảo vệ môi trường do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động đã diễn ra như thế nào.

10h15: Ông Trương Công Đại - Chi cục trưởng Chi cục Tài nguyên Môi trường, Sở TNMT tỉnh Bắc Giang - chia sẻ ý kiến, góp ý tại buổi tọa đàm.

Theo ông Đại, LĐLĐ Bắc Giang và Sở TNMT đã có nghị quyết liên tịch 02 trong việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, nâng cao ý thức NLĐ, vận động họ tham gia xây dựng các mô hình điểm để bảo vệ môi trường; đồng thời đôn đốc hệ thống công đoàn ngay trong doanh nghiệp nâng cao vai trò của mình trong việc giám sát, bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp.

 
Ông Trương Công Đại - Chi cục trưởng Chi cục Tài nguyên Môi trường, Sở TNMT tỉnh Bắc Giang. 
Ngoài ra, nhân dịp các hoạt động của công đoàn, Sở TNMT cũng kết hợp để tuyên truyền đội ngũ công nhân, NLĐ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, coi việc bảo vệ sức khỏe của người dân, NLĐ trong các khu công nghiệp là mục tiêu chính để thực hiện. 

Sở TNMT tỉnh Bắc Giang cũng xây dựng chiến lược phát triển môi trường của tỉnh, trong đó có việc tổ chức các giải thưởng về môi trường của tỉnh Bắc Giang. Giải thưởng này không chỉ trao cho người dân, NLĐ, mà còn tôn vinh cả những doanh nghiệp có nhiều hoạt động tích cực trong vấn đề bảo vệ môi trường. Đây là cách để khích lệ, động viên doanh nghiệp tham gia tích cực hơn nữa, cùng chung tay để bảo vệ môi trường sống. 

Tuy nhiên, theo ông Đại, việc phối hợp, phân nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức trong vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay còn chung chung, chưa thực sự có hiệu quả. Đôi khi NLĐ còn có tâm lý e ngại, không dám lên tiếng tố các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Có thể do họ phải sống bằng đồng lương của ông chủ nên không dám lên tiếng.

Chị cục trưởng Chi cục Tài nguyên môi trường tỉnh Bắc Giang kiến nghị cần có cơ chế giúp đỡ, tạo điều kiện cho NLĐ hơn nữa trong việc phát huy vai trò, tiếng nói của mình tại các doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Đại cũng đề xuất cần tiến hành ký các nghị quyết liên tịch để vấn đề hợp tác bảo vệ môi trường được sâu rộng hơn nữa. Ví dụ như đưa xuống cả cấp xã, các làng nghề chứ không dừng lại ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp.

Đối với các LĐLĐ cần đôn đốc các tổ chức công đoàn ngay trong các doanh nghiệp chú ý hơn nữa công tác bảo vệ môi trường trong hệ thống công đoàn.

9h50: Ông Đỗ Trần Hải - Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - trình bày tham luận: Nỗ lực của các tổ chức công đoàn trong công tác bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu trong những năm qua: Những khó khăn và vướng mắc.

Ông Đỗ Trần Hải - Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam
Ông Đỗ Trần Hải - Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Theo ông Hải, Công đoàn với vai trò bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ đã rất quan tâm đến sức khỏe của NLĐ trong các môi trường sản xuất. Nếu nhìn rộng ra, các hoạt động sản xuất và dịch vụ là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm môi trường. Ví dụ, lượng chất thải rắn hiện nay có xấp xỉ 30% là từ các cơ sở xuản xuất công nghiệp, nhiều chất gây ô nhiễm môi trường.

Với vai trò của mình, được quy định trong Bộ luật Lao động, Tổ chức Công đoàn hết sức quan tâm đến điều kiện lao động của NLĐ, để đảm bảo NLĐ luôn được làm việc trong môi trường trong sạch, vì NLĐ chính là nguồn lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế.

* Clip ông Đỗ Trần Hải - Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu:

Cũng theo ông Đỗ Trần Hải, từ năm 1996, tổ chức Công đoàn đã tổ chức phong trào Xanh - Sạch - Đẹp, để bảo vệ sức khỏe NLĐ. Nghị quyết 05 cũng nhấn mạnh việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động đi đôi với việc bảo vệ tài nguyên môi trường.

9h45: Bà Nguyễn Thị Thuý Hà – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc- cho biết, trong những năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc đã có những hoạt động hướng dẫn công đoàn cơ sở để thực hiện phong trào xanh, sạch, đẹp. Ngoài ra chúng tôi phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường để tổ chức các cuộc thi tuyên truyền viên bảo vệ môi trường trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

 
 Bà Nguyễn Thị Thuý Hà – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong năm qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt phong trào xanh sạch đẹp, các phong trào thi đua 5S, các doanh nghiệp áp dụng và thực hiện tương đối tốt… Nhưng hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có sự chuyển dịch tốt theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, các khu công nghiệp và làng nghề phát triển nhanh, công tác bảo vệ môi trường có nơi, có lúc chưa theo kịp, còn tồn tại việc ô nhiễm môi trường, sử dụng tài nguyên môi trường như sử dụng đất, nước chưa hợp lý. Nước thải chưa được xử lý thì thải ra môi trường.

Trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh rất cần có sự giúp đỡ, hướng dẫn của LĐLĐ tỉnh cho các công đoàn cơ sở để tích cực tham gia và hoạt động giám sát và quy tắc bảo vệ môi trường trong các DN. Trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc mong Viện Khoa học, Viện Vệ sinh lao động…  tham mưu cho Đoàn Chủ tịch của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có những chính sách, chủ trương, hướng dẫn, cuộc tập huấn… để các đơn vị nâng cao nhận thức và tăng cường công tác bảo vệ môi trường.

9h35: Ông Nguyễn Thế Đồng- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường- cho biết, trong những năm qua, thực hiện chính sách đổi mới của Đảng và nhà nước, nền kinh tế của Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên ngoài những thành tựu về phát triển kinh tế xã hội, ta cũng thấy vấn đề nhức nhối về ô nhiễm môi trường, ở nhiều nơi vấn đề ô nhiễm môi trường diễn ra khá bức xúc.

Nhờ có sự vào cuộc của cả xã hội, tham gia đồng hành của các tổ chức công đoàn, đoàn viên công đoàn, chúng ta đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác bảo vệ môi trường VN. Vấn đề môi trường đang là áp lực lớn đối với Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Đồng- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường.
Ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường.
Hàng năm, VN có trên 2.000 dự án mới thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cả nước có trên 800 khu đô thị, 300 khu công nghiệp, hơn 500 nghìn cơ sở sản xuất, trên 3.500 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, hơn 5.000 làng nghề, hơn 13 nghìn cơ sở y tế, hàng triệu ôtô, 40 triệu xe gắn máy... Chăn nuôi ở VN có khoảng 36 triệu gia súc, gia cầm, hơn 1 triệu ha nuôi trồng thuỷ sản. Hàng ngày khối lượng chất thải lớn, hơn 3 triệu m3 nước thải sinh hoạt thải ra, hàng trăm nghìn m3 nước thải y tế, hơn 20 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hàng chục triệu tấn chất thải.

Hàng năm chúng ta sử dụng hàng trăm ngàn tấn hoá chất bảo vệ thực vật và các loại phân vô cơ khác nhau. Hoạt động này đang có tác động lớn về môi trường. Chúng ta có Luật Bảo vệ môi trường, có chiến lược bảo vệ môi trường. Luật và các văn bản dưới luật có quy định cụ thể trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nếu xét trên bình diện chung, VN là quốc gia đi sau nhưng có hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường hoàn chỉnh. VN có Luật Bảo vệ môi trường ra đời sớm và có nhiều luật khác như Luật Thuỷ sản, Luật Tài nguyên và Môi trường biển… Hệ thống quy định về pháp luật khá hoàn chỉnh.

* Clip ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường phát biểu:

Về khung chính sách, chúng ta rất nỗ lực. Tuy nhiên, khâu thực hiện do nhiều lý do khác nhau nên kết quả chưa được như mong muốn kì vọng.

Chủ trương lớn của Chính phủ là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc của Tổng Liên đoàn Lao động VN, Mặt trận Tổ quốc VN… Tôi tin tưởng với sự đồng hành vào cuộc quyết liệt như vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ được giải quyết. 

Làm sao để ngăn chặn ô nhiễm, phát sinh và triệt tiêu ô nhiễm. Việc tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu chất thải, bảo vệ và phát triển rừng… là những nội dung liên quan trực tiếp môi trường, cần có sự tham gia của các cơ quan, bộ ngành, địa phương.

9h30: Mở đầu buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đình Chúc – Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động - chia sẻ về ý nghĩa, mục đích và nội dung chủ đề của tọa đàm “Tổ chức công đoàn, doanh nghiệp đồng hành trong công tác bảo vệ môi trường”.

ông Nguyễn Đình Chúc – Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động.
Ông Nguyễn Đình Chúc – Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động.

Theo đó, vào chiều 16.4, tại Hà Nội, lễ ký kết Chương trình phối hợp góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam giai đoạn 2018 - 2023 giữa Tổng LĐLĐVN và Bộ TNMT (19.4) là sự kiện tiếp theo thể hiện sự phối hợp giữa tổ chức công đoàn với Bộ TNMT trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Theo số liệu của Bộ TNMT, hàng năm có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Cả nước hiện có 878 khu đô thị (KĐT), 283 khu công nghiệp (KCN), 615 cụm công nghiệp (CCN), hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trên 3.500 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hơn 5.000 làng nghề, hơn 13.500 cơ sở y tế, hơn 2 triệu ôtô, 40 triệu xe gắn máy, hơn 36 triệu gia súc, gia cầm, hơn 1 triệu ha nuôi trồng thuỷ sản,...

Hàng ngày phát sinh hơn 3.000.000m3 nước thải sinh hoạt, 550.000m3 nước thải công nghiệp, 125.000m3 nước thải y tế. Hàng năm phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải công nghiệp nguy hại, hơn 17.000 tấn chất thải y tế nguy hại.

Mỗi năm, sử dụng hơn 100.000 tấn hoá chất bảo vệ thực vật, trong đó có 80% sử dụng sai mục đích, không đúng kỹ thuật, 50% - 70% không được cây trồng hấp thụ, thải ra môi trường; phát sinh 76 triệu tấn rơm rạ, 85 - 90 triệu tấn chất thải chăn nuôi, 80 triệu tấn khí thải.

* Clip phát biểu của ông Nguyễn Đình Chúc - Phó Tổng biên tập báo Lao Động:

Cả nước hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, phần lớn là bãi rác lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác. Ngoài ra, hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan, gây ô nhiễm môi trường không khí.

Đến nay, cả nước có gần 100 doanh nghiệp với 56 đại lý có địa bàn hoạt động từ hai tỉnh trở lên được Bộ TNMT cấp phép xử lý chất thải nguy hại; khoảng 130 đơn vị, chủ yếu là đơn vị vận chuyển chất thải nguy hại do các địa phương cấp phép đang hoạt động…

Có rất nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường đã bị xử lý, tuy nhiên vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn rất nhức nhối, đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội.

Vì điều này, Tổng LĐLĐVN và Bộ TNMT đã ký chương trình hợp tác hai bên, để tham gia giám sát và phản biện. Đồng thời, thống nhất xây dựng mô hình công nhân viên chức công đoàn tham gia giám sát bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí đậu; tôn vinh NLĐ có thành tích bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp, tăng cường vai trò của các tổ chức công đoàn, người lao động và các doanh nghiệp trong hoạt động giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh. 

Đây là sự kiện nhằm tăng cường vai trò của các tổ chức công đoàn, người lao động và các doanh nghiệp trong hoạt động giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh.

Tham dự buổi tọa đàm có ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), ông Đỗ Trần Hải - Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện các Vụ, Cục Bộ TNMT,  lãnh đạo LĐLĐ các địa phương; lãnh đạo các Sở TNMT địa phương các tỉnh phía Bắc; lãnh đạo các doanh nghiệp và đông đảo cơ quan truyền thông, báo chí.

(Bấm F5 để cập nhật)

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Nhiều người trên thế giới tin tưởng sẽ giàu có hơn sau lạm phát

Quý An (theo Reuters) |

Có 2/5 số người được hỏi tin rằng họ sẽ giàu có hơn trong tương lai, trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát.

Các nhà vườn miền Tây tất bật vận chuyển hoa ra chợ bán Tết

YẾN PHƯƠNG |

Tại một số vườn hoa Tếtmiền Tây, vào thời điểm này, các nhà vườn đang tất bật với việc xuất hoa bán cho thương lái, hoặc vất vả vận chuyển từng chậu hoa từ vườn ra chợ để bán Tết.

Cận Tết tôm, cua Cà Mau nắm tay tăng giá chóng mặt vẫn không đủ hàng để bán

NHẬT HỒ |

Cà Mau - Giá một kg tôm đất khô đã lên đến 1,7 triệu đồng. Không thua kém tôm đất khô, cua gạch Cà Mau cũng có giá lên đến 1,2 triệu đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây và không đủ hàng để bán.

Hơn 4.441 tỉ đồng chăm lo đoàn viên công đoàn trong dịp Tết Nguyên đán

Hà Anh |

Trước dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cấp công đoàn đã và đang tập trung tổ chức chăm lo cho hàng triệu đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ), đặc biệt quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm chưa có điều kiện về quê đón Tết, bị giảm, thiếu, mất việc làm…

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.