Vấn đề xuất khẩu 400.000 tấn gạo theo hạn ngạch trong tháng 4 đang thu hút dư luận bởi chỉ sau một thời gian rất ngắn, lượng tờ khai xuất khẩu đã hết hạn ngạch. Tuy nhiên, ngoài vấn đề này, cơ quan Hải quan cho rằng đơn vị này đã phát hiện những dấu hiệu bất thường.
Theo ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan thì qua rà soát các doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu từ 0h ngày 12.4 có 39 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo, số lượng hạn ngạch đạt mốc 400.000 tấn theo Quyết định của Bộ Công Thương. Qua đánh giá thì trung bình một tờ khai từ khi đăng ký đến khi nhận lại kết quả chỉ trong vòng vài giây như vậy hoàn toàn con người không thể can thiệp vào.
Cũng từ việc rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký các tờ khai xuất khẩu, Tổng cục Hải quan nhận thấy trong danh sách đăng ký tờ khai xuất khẩu, xuất hiện những doanh nghiệp đã trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo theo đấu thầu của Tổng cục dự trữ Quốc. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục dự trữ thì những doanh nghiệp này lại không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia.
“Khi hệ thống hải quan cho đăng ký tờ khai xuất khẩu thì các doanh nghiệp này lại đăng ký tờ khai xuất khẩu lên tới hàng ngàn tấn gạo”, ông Tuấn nói.
Theo vị lãnh đạo này, cơ quan Hải quan thống kê có 4 doanh nghiệp nằm trong danh sách nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020. Ví dụ như Tổng Công ty lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn. Đến thời điểm hiện nay, Công ty chưa ký hợp đồng nhưng doanh nghiệp này lại đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn. Hay Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn, doanh nghiệp cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu, tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.
Hai doanh nghiệp khác gồm: Công ty cổ phần Vĩnh Tường và Công ty CP XNK Thuận Ninh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Cục dự trữ Quốc gia khu vực. Tuy nhiên, cả hai doanh nghiệp này cũng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.
Như vậy, theo ông Tuấn các doanh nghiệp này chưa thực hiện quy định cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia. Cơ quan Hải quan cho rằng hiện tượng này làm phát sinh nguy cơ không đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo dự trữ quốc gia.
Nói thêm về việc rủi ro phát sinh khi doanh nghiệp từ chối tham gia vào hợp đồng cung cấp dự trữ gạo quốc gia nhưng lại có tên trong danh sách mở tờ khai xuất khẩu gạo ông Tuấn cho rằng do ảnh hưởng dịch COVID-19 và một số yếu tố về thời tiết (xâm nhập mặn, hạn hán…) nguồn lương thực sắp tới sẽ khan hiếm và đẩy nhu cầu cao lên sau dịch.
Vậy nên giá thị trường một số mặt hàng, đặc biệt là nông sản sẽ tăng và có thể có sự chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá thị trường thế giới. Từ đó một số doanh nghiệp có thể chuyển sang không ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng với Bộ Tài chính để xuất khẩu.
Thực tế này đặt ra vấn đề phía Tổng cục dự trữ không mua đủ và dự trữ đủ lượng lương thực cần thiết phục vụ an ninh lương thực. Bên cạnh đó, nếu không có sự kiểm soát của Bộ Công Thương thì có thể doanh nghiệp không có đủ lượng dự trữ lưu thông tối thiểu 5% sản lượng xuất khẩu 6 tháng trước. Điều này ảnh hưởng tới lượng cung ứng gạo ra thị trường.