Theo tìm hiểu, số doanh nghiệp đã đăng ký mở tờ khai hải quan thành công để xuất khẩu gạo trong tháng 4 có nhiều tên tuổi lớn trong giới xuất khẩu gạo. Theo đó, doanh nghiệp đăng ký “trúng” số lượng lớn nhất là Công ty CP Tập đoàn Intimex với trên 96.200 tấn.
Top 5 doanh nghiệp đăng ký thành công số lượng lớn còn có Tổng Cty Lương thực miền Nam (Vinafood2) là 38.350 tấn, Cty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang gần 35.700 tấn, Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín gần 25.400 tấn, Cty CP Thương mại Kiên Giang trên 24.400 tấn…
Ngoài ra, một loạt các doanh nghiệp tên tuổi khác như: Cty CP Quốc Tế Gia, Cty CP TNHH Tân Thạnh An, Cty TNHH MTV XNK Lương thực Ngọc Lợi, Cty CP Hiệp lợi, Cty TNHH Phát tài, Ct CP Lương thực Bình Định, Cty CP Mỹ Trường… đều có số lượng đăng ký từ 11.000-17.000 nghìn tấn…
Nhóm 5 doanh nghiệp đăng ký thành công nhưng số lượng ít nhất là Cty TNHH Thương mại Chiến Thắng, Cty TNHH Hiệp Tài, Cty CP Tập đoàn Lộc Trời, Cty TNHH Phước Thành II.
Trong khi một số doanh nghiệp đã đăng ký mở tờ khai hải quan thành công thì cũng có nhiều doanh nghiệp khác tiếp tục tồn đọng, ùn ứ ở cảng, phát sinh hàng loạt chi phí.
Ngày 14.4, trả lời PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Cẩn – Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, việc các doanh nghiệp đăng ký là khách quan, không có sự can thiệp của cán bộ hải quan. Khi nào hết hạn nghạch thì sẽ dừng lại.
Về vấn đề hệ thống đăng ký tờ khai hải quan mở lúc nửa đêm khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trở tay không kịp, thậm chí bức xúc, theo ông Cẩn tất cả các mặt hàng nói chung về xuất nhập khẩu là làm trên hệ thống 24/7, chứ không phải riêng gạo. "Làm cả ngày lẫn đêm, làm cả ngày nghỉ, khai mọi lúc mọi nơi. Riêng mặt hàng gạo vẫn mở như vậy, trừ khi có lệnh tạm dừng thì mới khóa lại", ông Cẩn nói.
Cũng theo vị này, theo luật Hải quan thì tờ khai chỉ có hiệu lực trong vòng 15 ngày. Trước đây, một số doanh nghiệp đã bị tạm dừng theo lệnh của Thủ tướng. Nếu giờ tờ khai đó hết hạn thì phải mở tờ khai mới.