Khu Đông TP.Hồ Chí Minh: Chưa kịp hiện đại đã quá tải

Minh Quân |

Việc đi tắt đón đầu của doanh nghiệp bất động sản đã khiến khu Đông TPHCM tăng trưởng nhanh chóng về số dự án và quy mô dân số, gây áp lực lớn lên hạ tầng mà khu vực này chưa kịp hoàn thiện. Dù thực tế, khu Đông TPHCM (gồm quận 2, 9, và Thủ Đức) là nơi được đầu tư hạ tầng cơ bản khá tốt và là thỏi nam châm hút nhà đầu tư, song do số dự án tăng quá nhanh nên khiến hạ tầng bị đè nặng, dẫn đến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ở các trục đường dẫn vào trung tâm thành phố.

Đi hướng nào cũng tắc

Nếu như trước đây, khu Đông được các doanh nghiệp địa ốc chú ý phát triển các dự án đất nền để bán, thì nay đang thu hút số lượng lớn các dự án căn hộ. Bởi theo quy hoạch đến năm 2025, khu Đông sẽ trở thành trung tâm đô thị tri thức và công nghệ cao của TP, tập trung nhiều dự án hạ tầng giao thông quy mô trọng điểm. Nắm bắt được nhu cầu nhà ở của hàng chục ngàn lao động tri thức, nhiều dự án căn hộ đang đua nhau mọc lên ở khu vực này.

Hiện hầu hết đại gia địa ốc đều có dự án lớn tại khu Đông, như Đại Quang Minh với Khu đô thị Sa La, Novaland với một loạt dự án ở quận 2, quận 9, với tổng cộng hàng chục nghìn căn hộ. Đó là chưa kể các chủ đầu tư khác như Thủ Đức House, Khang Điền, Đất Xanh, Phúc Khang, Hưng Thịnh, Nam Long…, cũng đều có những dự án lớn đã và đang đầu tư ở khu vực này. Một số dự án khác dự kiến công bố trong năm 2018.

Khi các dự án trên hoàn thành và đưa vào sử dụng, có khả năng "hút" thêm hàng chục ngàn người vào đây sinh sống trong khi tiện ích bên ngoài chưa được quan tâm đúng mức sẽ tạo ra nhiều áp lực lớn cho cuộc sống. Cụ thể, hạ tầng giao thông, đáng kể nhất là xa lộ Hà Nội, đại lộ Mai Chí Thọ và tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, đang bị một sức ép nặng từ các dự án nhà ở và các khu đô thị đang mọc lên san sát.

Từ các quận 2, 9, Thủ Đức vào khu vực trung tâm TPHCM, người dân thường đi theo ba hướng chính: đi xa lộ Hà Nội qua cầu Sài Gòn vào trung tâm, qua đại lộ Đông Tây theo hầm Thủ Thiêm vào trung tâm hoặc chọn đường xa hơn là Phạm Văn Đồng để về trung tâm.

Theo ghi nhận vào các buổi sáng, lượng xe máy từ quận 2 theo đường Mai Chí Thọ qua hầm sông Sài Gòn rất đông. Tuyến này có 3 làn xe máy và 4 làn ô tô nhưng khi vào hầm sông Sài Gòn thì bị bóp nghẹt, chỉ còn 1 làn cho xe máy và 2 làn cho ô tô. Theo Trung tâm QLĐH sông Sài Gòn, trung bình mỗi ngày có 230.000 lượt xe máy và 43.000 lượt ô tô qua hầm.

Trước tình trạng hai đầu hầm sông Sài Gòn thường xuyên bị ùn tắc, cuối năm 2017, Sở GTVT TP phải mở thêm 1 làn đường cho xe máy ở 2 đầu hầm và giờ cao điểm cho tạm ngưng ôtô vào hầm sông Sài Gòn để xe máy đi vào làn ôtô.

Tương tự, xa lộ Hà Nội cũng thường xuyên ùn tắc tại ngã tư Thủ Đức (địa bàn giáp ranh Q.Thủ Đức và Q.9) và ngã tư MRK (Q.9). Có những buổi hàng xe kéo dài "chôn chân" hơn cả tiếng mới thoát ra khỏi điểm kẹt. Đặc biệt trên tuyến đường này, các loại xe trọng tải lớn thường xuyên hoạt động và xảy ra nhiều vụ tai nạn gây kẹt xe cục bộ.

Người dân đi đường Phạm Văn Đồng qua cầu Bình Lợi (Q.Bình Thạnh) thường bị nghẽn tại các giao lộ với đường Phan Văn Trị (Q.Bình Thạnh), Lê Quang Định (Q.Gò Vấp) khiến việc di chuyển khó khăn. Từ giữa năm 2016, Sở GTVT TP phải cho xe máy chạy vào một làn ô tô trong giờ cao điểm nhằm hạn chế tình trạng ùn ứ giao thông trên tuyến đường này. 

Các dự án bất động sản mọc lên san sát nhau dọc Xa lộ Hà Nội, nơi có tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dần hình thành. Ảnh: MINH QUÂN
Các dự án bất động sản mọc lên san sát nhau dọc Xa lộ Hà Nội, nơi có tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dần hình thành. Ảnh: MINH QUÂN

Quy hoạch có nhưng thiếu vốn để làm

Theo Sở GTVT TPHCM, trong quy hoạch về giao thông vận tải TPHCM đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2007 (điều chỉnh bổ sung vào năm 2013), TPHCM cần xây dựng 21 cầu và hầm vượt sông kết nối đôi bờ sông Sài Gòn, để đáp ứng nhu cầu hạ tầng giao thông.

Đến nay đã có 14 cầu và hầm được xây dựng và đưa vào sử dụng. TPHCM sẽ tiếp tục xây dựng mới 7 cây cầu, trong đó riêng cầu bắc qua sông Sài Gòn nối trung tâm với khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) có 3 cây cầu là Thủ Thiêm 2 (nối từ quận 1), Thủ Thiêm 3 (nối từ quận 4) và Thủ Thiêm 4 (nối từ quận 7). Ngoài ra, sẽ xây thêm các cầu Phú Thuận (đường vành đai 4), cầu Bình Gửi (đường vành đai 3), cầu Bình Quới (quận Thủ Đức), cầu Rạch Các 3 cho tuyến đường sắt đôi ra cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Tuy nhiên, thời điểm thực hiện các dự án này còn tùy thuộc... nguồn lực của TPHCM.

Ông Bùi Xuân Cường – GĐ Sở GTVT TP thừa nhận tốc độ phát triển đô thị khu vực phía Đông TPHCM đang tăng nhanh nên lưu lượng phương tiện ở các trục đường chính như xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ... tăng theo, khiến áp lực giao thông ở khu vực này rất lớn.

Theo ông Cường, ngoài việc thực hiện các giải pháp điều tiết, phân luồng giao thông, cần nhanh chóng triển khai các dự án trên thì mới có thể giải quyết căn cơ. Ngoài ra, Sở GTVT TP đang cùng Sở Xây dựng TP đề ra các quy chế phối hợp trong một số nội dung để giảm ảnh hưởng giao thông. Cụ thể, trong quá trình nhận hồ sơ của nhà đầu tư, các đơn vị phải chú ý khu vực nào gây tác động lớn tới giao thông bên ngoài cũng như lên phương án điều chỉnh.

Một lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM chia sẻ quy hoạch hạ tầng để giải quyết giao thông cho khu Đông đã có, nhưng vốn để phát triển không đáp ứng. Tất cả đều trông cậy vào vốn vay ODA, ngân sách. Trong khi đó, các dự án căn hộ thương mại doanh nghiệp huy động được vốn từ rất nhiều nguồn, nên phát triển nhanh chóng, bỏ lại hạ tầng một khoảng xa, và đó là bài toán đón đầu hạ tầng săn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Việc phát triển dự án dựa vào kỳ vọng tương lai đang đưa hạ tầng khu Đông vào cuộc rượt đuổi không cân sức với các dự án nhà ở thương mại. Nếu không có kế hoạch thực hiện quy hoạch với lộ trình rõ ràng, xác định nguồn lực để đầu tư các tuyến đường, cầu kết nối theo thứ tự ưu tiên thì hạ tầng giao thông ngày càng bị bỏ xa so với tốc độ phát triển của dự án và dân số.  

Theo ông Võ Kim Cương - Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, một trong những nguyên tắc cơ bản trong phát triển đô thị là hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải “đi trước một bước” mới đảm bảo cho đô thị phát triển bền vững. Vấn đề hiện nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thường đi sau việc xây dựng nhà cửa.

Đáng lẽ, sau khi có quy hoạch xây dựng, các cơ quan chức năng phải lập kế hoạch phát triển đô thị, trên cơ sở nguồn vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật tới đâu thì cho phép xây dựng nhà cửa tới đó. KTS Võ Kim Cương cho rằng, trách nhiệm của nhà nước là phải đánh giá được nhu cầu ở của người dân, có kế hoạch và tìm mọi cách huy động kinh phí đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật một cách hợp lý để người dân có điều kiện tạo lập nhà ở.

Nơi nào người dân ở nhiều, phù hợp với mục tiêu phát triển đô thị, thành phố phải ưu tiên nguồn vốn đầu tư vào đây hoặc có kế hoạch xã hội hóa, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Hài hòa được lợi ích của người dân và lợi ích của cộng đồng, của thành phố là nguyên tắc cơ bản để xây dựng thành phố phát triển bền vững.

Minh Quân
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.