Thông tin mới vụ 4 máy bay Airbus 321 nằm “đắp chiếu”

Nhóm PV |

Báo Lao Động vừa đăng tải thông tin 4 chiếc máy bay Airbus 321 (A321) đang nằm “đắp chiếu” tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Sau khi đăng tải, báo tiếp nhận nhiều thông tin mới.

Bộ GTVT họp khẩn với các bộ, ngành về thiếu hụt máy bay

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 3.4.2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo khó khăn của ngành hàng không Việt Nam.

Theo đó, số máy bay thương mại giảm mạnh, nhiều đường bay trong nước bị cắt hoặc giảm tần suất, làm tăng giá vé máy bay, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của nhân dân.

Bộ trưởng cũng kiến nghị khẩn trương nghiên cứu, có giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hàng không duy trì đường bay, số máy bay thương mại, hạn chế ảnh hưởng lên giá vé, việc di chuyển của người dân và phát triển du lịch trong nước.

Được biết, ngay sau phiên họp Chính phủ, ngày 5.4.2024, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành bàn về việc thực thi Công ước Cape Town, Nghị định thư Cape Town và Công ước Chicago cũng như các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu máy bay hiện nay, nhất là trong bối cảnh các cơ quan báo chí đưa tin nhiều về tình trạng 4 máy bay từng thuộc đội tàu bay của Việt Nam đang bị bỏ phí không được khai thác.

Cuộc họp do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo Cục Hàng không, Vụ Pháp chế Bộ Giao thông Vận tải và đại diện Bộ Tư pháp, Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Ngoại giao…

Việt Nam tuân thủ đầy đủ Công ước

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp khẳng định pháp luật Việt Nam đã nội luật hóa và tuân thủ các quy định của các điều ước quốc tế nêu trên; không hề có mâu thuẫn hay xung đột giữa pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế về hàng không. Trên thực tế, có thể đánh giá Việt Nam đã và đang tuân thủ tốt nghĩa vụ thành viên Cape Town.

Liên quan đến 4 tàu bay của hãng hàng không Việt Nam tạm nhập hiện đang chờ phán quyết cuối cùng của Tòa án Anh và Tòa án Hà Nội về các tranh chấp liên quan, các cơ quan tham dự cuộc họp đều nhất trí cho rằng, trong khi chờ Tòa án ra quyết định cuối cùng, các tàu bay trên đã được xóa quốc tịch Việt Nam và bàn giao cho bên có quyền lợi là FWA theo đúng quy định và Công ước Cape Town, Nghị định thư Cape Town và Công ước Chicago.

Các tàu bay này hiện đã đăng ký quốc tịch nước khác (Guernsey) nên Việt Nam không còn quyền tài phán, đồng nghĩa không thể cấp giấy tờ gì liên quan cho những tàu bay này.

Nhiều máy bay đang nằm đắp chiếu. Ảnh: Phóng viên
Vé máy bay hiện nay không chỉ tăng cao mà còn khan hiếm. Ảnh: Phóng viên
Máy bay nằm đắp chiếu ở sân bay. Ảnh: Phóng viên
Máy bay nằm "đắp chiếu" ở sân bay. Ảnh: Phóng viên
Máy bay
Máy bay trong nước vốn rơi vào tình trạng thiếu hụt. Ảnh: Phóng viên

Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu là tài liệu bắt buộc không thể thay thế

Theo quy định của Nghị định thư Cape Town, việc áp dụng các biện pháp khắc phục cho các chủ tàu liên quan đến tàu bay (trong đó có xuất khẩu tàu bay) bắt buộc phải tuân thủ các luật và quy định về an toàn hàng không của quốc gia có liên quan.

Trong trường hợp 4 tàu bay trên, việc xuất khẩu tàu bay khỏi Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ các quy định xuất khẩu của cơ quan Hải quan, tuân thủ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), Nghị định 68/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 07/2019/NĐ-CP) và các văn bản có liên quan khác.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Hải quan đều nhất trí cho rằng Việt Nam đã làm tốt công ước Cape Town và việc xuất khẩu tàu bay bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu do Cục Hàng không Việt Nam cấp theo quy định tại Nghị định 68/2015/NĐ-CP.

Các cơ quan này nhấn mạnh không thể dùng các giấy tờ khác như Công văn xác nhận tình trạng kỹ thuật an toàn bay thay thế cho Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu.

Đáng chú ý, đại diện các cơ quan cũng cảnh báo nguy cơ Việt Nam bị các cổ đông của hãng hàng không là nhà đầu tư nước ngoài kiện nếu làm không đúng pháp luật, làm ảnh hưởng quyền lợi của các nhà đầu tư.

Trước đó, ngày 27.3.2024, Tổng cục Hải quan cũng đã có Công văn số 1265/TCHQ-GSQL gửi cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định đối với 4 tàu bay khi làm hồ sơ hải quan để xuất khẩu thì trong hồ sơ cần có “Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu còn hiệu lực do Cục Hàng không Việt Nam cấp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 68/2015/NĐ-CP ngày 18.8.2015 của Chính phủ được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 64/2022/NĐ-CƠ ngày 15.9.2022 của Chính phủ”.

Cục Hàng không Việt Nam hiện nay không có quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu

Theo quy định hiện hành đối với các tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam trước khi xuất khẩu và đăng ký quốc tịch nước khác thì Cục Hàng không có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu.

Tuy nhiên, các tàu bay trên đã xóa quốc tịch Việt Nam và ngay lập tức đã đăng ký quốc tịch Guersney mà không đề nghị cấp Giấp chứng nhận bay xuất khẩu.

Do đó, Cục Hàng không Việt Nam không còn quyền tài phán với tàu bay mang quốc tịch nước khác và không thể cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu theo quy định tại Thông tư 01/2011/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo tìm hiểu, Cục Hàng không Việt Nam đã nhiều lần có văn bản khẳng định Cục đã hết quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu với 4 tàu bay này.

Công văn số 5530/CHK-TCATB trả lời FWA, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tàu bay A321 được Cục Hàng không Việt Nam cấp Giấy chứng nhận xóa quốc tịch tàu bay tháng 1.2023 theo đề nghị của FWA.

Thời điểm đó, FWA không đề nghị Cục Hàng không Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu. Theo thông lệ và quy trình thực hiện, Cục Hàng không Việt Nam sẽ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu ngay sau khi tàu bay được xóa quốc tịch Việt Nam trước khi đăng ký quốc tịch nước khác.

Tuy nhiên việc xóa quốc tịch của các tàu A321 đến nay đã quá 6 tháng theo quy định, nên Cục Hàng không Việt Nam chỉ có thể xác nhận tình trạng kỹ thuật hiện tại của tàu bay mà không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu.

Như vậy, không có điều kiện bắt buộc là Giấy chứng nhận điều kiện bay xuất khẩu, FWA không thể đưa tàu bay khỏi Việt Nam.

Trường hợp nếu Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy này cho FWA thì có thể vi phạm các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong công văn 578/SB-GSKS gửi Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Hải quan TPHCM “đề nghị các đơn vị Cục Hàng không Việt Nam, Cảng vụ Hàng không miền Nam, Cảng vụ Hàng không miền Bắc phối hợp giám sát và thông báo kịp thời cho Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trước khi có phát sinh cấp phép bay đối với 4 tàu bay”.

Đồng thời văn bản nêu rõ 4 tàu bay A321 đã làm thủ tục tạm nhập, nhưng hồ sơ tái xuất lô hàng chưa đáp ứng quy định về hồ sơ thủ tục hải quan. 4 tàu bay này cũng đang liên quan đến tranh chấp tại Tòa án Anh và Tòa án Nhân dân TP Hà Nội.

Vì thế, để đảm bảo việc giám sát hải quan với hàng hóa chưa hoàn tất thủ tục hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đề nghị Cục Hàng không Việt Nam và các Cảng vụ Hàng không miền Nam và miền Bắc phối hợp giám sát và thông báo trước khi có phát sinh cấp phép bay với 4 tàu bay trên.

Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, Hãng bay hiện đang vận hành trên 100 tàu bay và tất cả các công ty thuê mua tàu bay đều hợp tác để đội tàu bay khai thác phục vụ thị trường hàng không.

Chỉ duy nhất FWA đã xóa đăng ký quốc tịch Việt Nam, đăng ký tàu bay tại nước khác và tìm cách lấy tàu không hợp lệ khỏi Việt Nam và hoàn toàn không thống nhất với hãng Hàng không đang khai thác tàu bay.

Hiện, tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam đã thụ lý đơn khởi kiện của hãng hàng không đối với các ngân hàng nước ngoài về việc chấm dứt bất hợp pháp các hợp đồng thuê mua tàu bay trong thời gian giãn cách xã hội đại dịch COVID-19, gây thiệt hại cho hãng hàng không, khiến những tàu bay mới trong đội tàu bay của Việt Nam phải tạm ngưng hoạt động. Các tàu bay này đang là tài sản, đối tượng tranh chấp của vụ kiện đang được tòa án Việt Nam giải quyết.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Vì sao giá vé máy bay đắt?

Thanh Hà |

Có nhiều yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng đến giá vé máy bay, từ thời điểm đặt vé cho đến điểm đến.

Khan hiếm máy bay nhưng 4 chiếc Airbus 321 lại nằm “đắp chiếu”?

Xuyên Đông |

Thị trường hàng không trong nước đang rơi vào cảnh thiếu hụt máy bay diện rộng, khiến vé máy bay nội địa căng thẳng và đắt đỏ. Nhưng trong lúc các hãng khan hiếm tàu bay khai thác thì 4 chiếc Airbus 321 (A321) lại đang nằm “đắp chiếu” tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Hãng hàng không trả máy bay, chuyên gia hiến kế gỡ khó

Xuyên Đông |

Thời gian qua nhiều hãng hàng không phải trả lại máy bay do làm ăn thua lỗ. Các chuyên gia kinh tế chỉ cách tháo gỡ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hàng không.

U23 Việt Nam thua U23 Jordan trên chấm luân lưu

MINH PHONG |

Ở trận đấu đầu tiên dưới thời huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn, U23 Việt Nam có kết quả hòa không bàn thắng trước U23 Jordan.

Máu thú rừng vẫn chảy - Những cuộc “truy sát” dưới tán rừng

Nhóm phóng viên điều tra |

Từng toán thợ săn mang theo bẫy, súng, chó săn lùng sục nhiều ngày trong các cánh rừng hoang rậm để bắt, giết, rồi mang đủ loại thú quý hiếm bán cho tư thương. Thú rừng bị “xẻ thịt”, “lên mâm”, tỏa đi khắp cả nước. Câu hỏi đặt ra là: Điều gì đã và đang diễn ra trong các cánh rừng bị “truy sát” tận diệt kia?

Tính giá điện như cước điện thoại: Người phải trả tiền cao, người trả ít

Cường Ngô |

Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), nếu áp dụng giá điện 2 thành phần sẽ có khách hàng phải trả tiền cao, có khách hàng phải trả tiền ít hơn.

Chuyện chưa kể về trung vệ cao 1m87 của U23 Việt Nam

AN NGUYÊN |

Nguyễn Thành Khải mang trong mình những giấc mơ riêng khi bắt đầu theo đuổi đam mê với trái bóng tròn.

Ủng hộ đề xuất lao động nam được nghỉ chế độ thai sản tối thiểu 10 ngày

HOÀNG LỘC - LINH TRANG |

Kiến nghị cần tăng số ngày nghỉ chế độ thai sản với lao động nam lên tối thiểu 10 ngày với trường hợp người vợ sinh thông thường và có thể gấp đôi đối với những trường hợp sinh đôi trở lên hoặc sinh con phải phẫu thuật. Thông tin này đang nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của người dân.

Vì sao giá vé máy bay đắt?

Thanh Hà |

Có nhiều yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng đến giá vé máy bay, từ thời điểm đặt vé cho đến điểm đến.

Khan hiếm máy bay nhưng 4 chiếc Airbus 321 lại nằm “đắp chiếu”?

Xuyên Đông |

Thị trường hàng không trong nước đang rơi vào cảnh thiếu hụt máy bay diện rộng, khiến vé máy bay nội địa căng thẳng và đắt đỏ. Nhưng trong lúc các hãng khan hiếm tàu bay khai thác thì 4 chiếc Airbus 321 (A321) lại đang nằm “đắp chiếu” tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Hãng hàng không trả máy bay, chuyên gia hiến kế gỡ khó

Xuyên Đông |

Thời gian qua nhiều hãng hàng không phải trả lại máy bay do làm ăn thua lỗ. Các chuyên gia kinh tế chỉ cách tháo gỡ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hàng không.