Chỉ số VN-Index trong những phiên gần đây liên tục dao động quanh biên độ hẹp từ 1.020 - 1.060 điểm. Điều đáng nói là sự tham gia của dòng tiền nội đang khá yếu ớt. Thay vào đó dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài đang trở thành lực đỡ chính, chi phối sự phục hồi của thị trường chứng khoán. Tiêu biểu trong phiên cuối tuần trước, giao dịch khối ngoại chiếm tới gần 36% thanh khoản sàn HOSE, hay mới hôm qua là hơn 20%.
Đặc trưng của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây là mua vào mạnh trong cuối giờ chiều, đảo ngược vị thế bán ròng trong ngày.
Thống kê từ Chứng khoán KIS cho thấy, trong tuần giao dịch vừa qua, Đông Nam Á thu hút dòng vốn ngoại với 18 triệu USD. Khối ngoại đã quay trở lại Việt Nam cùng 9 triệu USD, tăng 80% so với tuần trước đó. Tuy nhiên lực cầu trên các ETF chủ đạo vẫn ở mức thấp và không ổn định. Mặc dù Việt Nam thu hút dòng vốn nhưng bên mua chỉ tập trung vào Fubon ETF trong khi các ETFs chủ đạo khác tiếp tục bị rút vốn.
Đáng chú ý, các ETFs đóng góp tích cực cho hoạt động hút vốn 6 tháng vừa qua đã bắt đầu bị rút vốn hoặc lực cầu đã giảm mạnh trong tuần trước. Có thể kể ra như VFMVN Diamond bị rút 2,7 triệu USD, VFMVN30 ETF bị rút 4,1 triệu USD, SSIAM VNFIN LEAD bị rút 1,2 triệu USD, KIM Growth VN30 ETF bị rút nhẹ 0,9 triệu USD...
Chuyên gia từ KIS đánh giá: "Trong trường hợp này, dòng vốn vào Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu ổn định trở lại và áp lực rút vốn vẫn có thể xuất hiện trong những tuần kế tiếp".
Trên góc nhìn của ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Phú Hưng, cứ có thêm dòng tiền mới tham gia là một thông tin tích cực. Việc quỹ Fubon đang giải ngân phần vốn huy động mới sẽ tác động trực tiếp lên thị trường chung.
Tuy nhiên, liệu lượng vốn mới này có đủ để xoa dịu đi những lo ngại của nhà đầu tư trước những biến động tiêu cực trên thị trường tài chính thế giới hay không thì vẫn cần thêm thời gian để theo dõi.
"Tôi cho rằng thị trường muốn khởi sắc lại thì cần sự đồng thuận của nhiều nguồn lực tham gia, bên cạnh dòng vốn mới từ khối ngoại thì dòng vốn trong nước cũng rất quan trọng. Do đó, tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trước diễn biến tiêu cực từ bên ngoài cần được cởi bỏ thì thị trường mới có thể mong đợi xuất hiện tín hiệu tích cực hơn", ông Hưng nói.