Người đồng màu

trần duy hưng |

Đi giữa cánh đồng rau màu bạt ngàn, đủ loại của làng Bái Dương (Nam Dương - Nam Trực - Nam Định) chúng tôi không thể không khâm phục trình độ thâm canh của nông dân nơi đây. Mấy chục năm trước, chẳng cần ai hô hào, chẳng đợi hỗ trợ người Bái Dương đã tự mày mò sản xuất rau màu vụ đông trên đất hai lúa, dần hình thành được vùng chuyên canh nức tiếng. Vậy nhưng, ở thời điểm hiện tại, người Bái Dương lại đang tự hỏi: Mai này còn ai nắng mưa trên đồng?

Khởi đầu nan

Rỉ rả chuyện làng, chuyện xóm với chúng tôi, mấy lão nông trong làng cho hay, trước đây mỗi năm làng chỉ trồng hai vụ lúa, “nhàn tênh” nhưng thu nhập rất thấp. Xoay sở cách nào cũng chỉ được trên dưới 4 tạ thóc/sào/năm. Cái sự “thiếu tiền” ngày ấy của người Bái Dương được ông Trần Văn Bội, nông dân xóm 5 minh họa bằng chuyện mỗi lần anh em, họ hàng, làng xóm có “công to việc lớn” người làng lại lễ mễ đội đến thùng thóc, gọi là chia sẻ, giúp đỡ. “Túng thì phải tính. Mình làm nông dân thì phải bám đồng đất để sống. Hai vụ không đủ thì phải thâm canh!” - ông Bội triết lý.

Ngoài ít đất màu, đồng đất của làng chủ yếu là đất thịt 2 vụ lúa. Ông Bội kể: “Những năm đầu đưa cà chua xuống đất hai lúa vất lắm! Ngày ấy tôi còn sung sức nhưng cày lên, nhìn những tảng đất thịt gặp nắng rắn như đá tôi cũng ngán ngẩm. Vợ chồng con cái dùng vồ đập sái tay vẫn không tơi, đã muốn bỏ cuộc...”. Ông kể thêm: Lúc xuống giống lại vào cữ cuối thu đầu đông, thời tiết khô hanh, mương máng cạn kiệt, khi đó xã lại chưa có hệ thống thủy lợi chuyên dùng. Để có nước tưới, ngày ấy các ông phải hì hục đào những cái hố sâu quá đầu người ngay dưới lòng mương rồi chắt lấy từng xô. Nửa đêm vợ chồng, con cái vẫn còn lỉnh kỉnh gầu, xô, thùng, chậu đi tưới nước chống hạn cho rau màu là chuyện thường ngày ở làng. Theo ông Bội, ngày ấy các ông không nản, vẫn quyết tâm làm là bởi thấy cà chua, rau màu không chỉ sống mà còn sống khỏe trên đất thịt hai lúa. Từ chỗ chỉ có vài hộ tiên phong, cả làng theo nhau làm vụ đông...

Chằng buộc xong xe rau, bà Trần Thị Huyền, nông dân xóm 4 góp thêm chuyện: “Lúc thu hoạch vất vả cũng không kém gì. Chẳng hạn, cà chua vặt về phải mang vào ủ. Có tiền bỏ túi hay mất trắng phụ thuộc nhiều vào khâu này. Thiếu nhiệt độ khi ra lò quả cà chua cứ xanh lè, cứng, để mãi không chín hoặc chín lẻ tẻ, bán vụn vặt chẳng được mấy đồng tiền. Nhưng thừa một tý là ra lò quả cà chua đã nhão nhoét, để mấy ngày thì chảy nước, bán chẳng ai mua”. Vậy nên, theo bà Huyền, mỗi khi “vào lò” việc chuẩn bị công phu như chuẩn bị... một trận đánh. Quây cót, chèn rơm rạ, bốc xếp cà chua - việc nào cũng phải rất cẩn thận. Có như vậy khi ra lò quả cà chua mới chín đều, đỏ tươi, bán mới được đồng tiền. “Ba, bốn giờ sáng trong khi người các làng khác còn đang ngáy khò khò trong chăn thì chúng tôi đã phải lạch cạch lên xe mang rau, củ quả đi bán. Dân quanh đây chả cần nhìn mặt, cứ thấy cái xe máy đằng sau có hai cái sọt đựng cà chua, su hào, bắp cải là họ biết đấy là người Bái Dương chúng tôi”, bà Huyền kể thêm.

Vất vả là vậy, nhưng về làng Bái Dương chúng tôi cảm nhận rõ sự vất vả được bù lại bằng việc rau màu, kết hợp chạy chợ thêm từ lâu đã giúp hầu hết các hộ dân ở Bái Dương thoát nghèo. Đơn giản, gặp thời tiết thuận lợi, được giá, một sào rau màu cho thu nhập trên dưới chục triệu đồng, gấp nhiều lần trồng lúa. Đi khắp 7 xóm trong làng, thấy gia đình nào nhà cửa cũng khang trang, sóng Wifi không mật khẩu giăng từ đầu đến cuối làng. Chẳng nói đâu xa, ngay nhà bà Huyền từ lâu đã xây được nhà mái bằng kiên cố, trong nhà không thiếu vật dụng gì của cuộc sống hiện đại. Ông Nguyễn Văn Toàn, chồng bà Huyền bộc tuệch bộc toạc: “Toàn khảo từ đồng đất mà ra!”.

Nắng mưa trên đồng, mai này còn ai?

Trong câu chuyện, ông Nguyễn Văn Toàn chia sẻ, so với thế hệ cha anh, ngày nay người Bái Dương không còn phải lo việc có trồng được rau màu trên đất hai lúa hay không? Ngược lại, người làng hôm nay rất tự hào vì đã “sở hữu” trình độ, kinh nghiệm thâm canh rau màu ít nơi sánh kịp, trong mấy tháng có thể quay vòng đất được đến mấy lần. Nỗi lo lớn nhất của người Bái Dương hiện nay, theo ông Toàn chính là cảnh “được mùa, mất giá”. Trừ những năm thời tiết quá đỏng đảnh, còn lại bà con tự tin đã trồng là đạt năng suất cao. Nhưng cảnh “được mùa, mất giá” thì những năm qua họ thường xuyên phải đối mặt. Chăm bẵm, vất vả từ sáng đến tối nhưng nhiều khi cà chua, khoai tây, su hào thu hoạch về không sao bán được hoặc phải bán với giá rẻ mạt...

Cái khó ló cái liều, để tránh gặp thời điểm mất giá, một số hộ trong làng đã “mạo hiểm”, bỏ không cấy lúa vụ mùa, để sẵn đất đón vụ đông sớm. “Đơn giản là đầu mùa bao giờ rau màu cũng được giá, gấp mấy lần lúc đại trà, một sào cà chua, su hào, bí xanh, súp lơ... cho thu nhập có khi lên tới 15 - 20 triệu đồng. Khốn nỗi thời điểm thu chưa qua, đông chưa tới thường mưa rất nhiều, xuống giống vào thời điểm này không khác gì đánh bạc! Thường là mất, phải làm lại! Họa hoằn mới có năm thoát mưa, được cả mùa, được cả giá!”, ông Toàn nói bằng sự trải nghiệm.

Cái sự “đánh bạc” với thị trường của người Bái Dương còn thể hiện ở quyết định thu hoạch ở thời điểm nào? Về làng, chúng tôi nghe chuyện vụ đông 2017 vừa qua, một đôi vợ chồng trẻ trong làng có hai sào su hào sớm, phấn khởi lắm! Khi củ mới bằng miệng cái cốc anh chồng đã giục vợ chặt bán, hơi bé nhưng giá chợ lúc ấy những 6 - 7 nghìn đồng/củ. Nhưng chị vợ lại chưa vội, bảo đợi thêm ít ngày, củ to thêm và giá có thể cũng sẽ cao hơn. Nào ngờ, mấy hôm sau nhiều nơi khác cũng thu hoạch, chợ đầy su hào, giá tụt xuống chỉ còn 2 - 3 nghìn đồng/củ. Thay bằng thu 6 - 7 triệu đồng/sào lại chỉ thu được chưa đến 3 triệu; tiếc của, tiếc công nên vợ chồng sinh lục đục...

Nói về chuyện tiêu thụ, ông Toàn nhớ lại, một dạo, cách nay đã lâu lắm rồi, khoảng 20 chục năm, nhiều hộ trong thôn không phải lo việc đầu ra, mà chỉ việc mang rau, dưa ra “cân” cho Hợp tác xã. Ấy là khi có một doanh nghiệp về liên kết với nông dân địa phương để trồng dưa chuột, dưa bầu xuất khẩu, theo cách “nông dân làm, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm”. “Nhưng việc này không duy trì được lâu! Ai đời vất vả mãi mới làm ra quả dưa, thế mà chỉ quá kích cỡ một tí họ đã loại, không cân. Đã vậy, mình thì cần tiền tiêu trong khi cân dưa xong phải đợi đến cuối vụ mới được thanh toán. Được vài vụ chúng tôi bỏ...”, ông Toàn như vẫn còn bực bội.

Rồi từ đó, theo ông Toàn, vào dịp thu hoạch, vợ chồng ông cũng như nhiều người làng khác lại trở lại với “điệp khúc”: Ba, bốn giờ sáng lao ra đường, mang rau, củ, quả lên TP. Nam Định hoặc các chợ xa gần khác trong tỉnh để bán. Hôm nào may mắn bán tột (hết một lần) được cho đại lý thì được về sớm. Hôm nào ế ẩm thì phải đến tối muộn mới được về. “Mới gần năm mươi, vẫn còn theo được. Ít năm nữa, sức kém đi thì chả biết thế nào”, ông chép miệng.

Nhưng nỗi niềm của ông Toàn và nông dân Bái Dương không chỉ có vậy! Như lời ông, hiện người làng còn đang phải đứng trước câu hỏi, ấy là mai này còn ai mưa nắng trên đồng? “Con nhà nông nhưng bọn trẻ làng này giờ có còn mấy đứa biết đến ruộng đồng đâu? Đứa đi học, đứa đi làm công ty. Nhà tôi có hai thằng con thì thằng lớn giờ làm mãi trong Nam, thằng em cũng đang tấp tểnh theo anh. Ngó nhà trên, nhà dưới, bên nội bên ngoại thấy cũng thế cả. Trong làng, ngoài đồng giờ chỉ còn cánh già và sắp già như chúng tôi thôi! Dăm năm trước ruộng đất ở đây quý lắm! Hở ra là người thuê liền. Giờ thì...”, ông Toàn bỏ lửng, nhìn xa xăm...

trần duy hưng
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.