Năm 2018 tiếp tục cắt bỏ 50% các điều kiện kinh doanh: Khó mấy cũng phải làm

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ |

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, nhắc tới vấn đề xóa bỏ các điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng còn nhiều thủ tục rườm rà.

Theo Nghị quyết 01 của Chính phủ năm 2018, cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh hiện hành. Trong khi đó, đại diện một số doanh nghiệp cũng cho rằng, tuy đã cắt giảm nhiều các thủ tục hành chính nhưng trên thực tế vẫn chỉ là hình thức, như việc triển khai thanh toán hoá đơn qua mạng nhưng đến nay nhiều DN vẫn chưa triển khai.

Nhiều thủ tục vẫn cắt giảm hình thức

Thẳng thắn đánh giá, trong năm qua nhiều bộ ngành đã thực hiện khá nghiêm túc, đi đầu, làm gương trong công tác xóa bỏ các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điển hình có thể kể tới Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, Bộ TNMT, Bộ Xây dựng… đã cắt giảm hàng nghìn điều kiện kinh doanh, góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá, vẫn còn các điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý dẫn tới việc hạn chế khả năng gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, năng suất lao động của doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho hành vi nhũng nhiễu… Vì vậy, trong thời gian tới các bộ, ngành vẫn cần phải tiếp tục xem xét cắt giảm các điều kiện kinh doanh đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp song vẫn phải bảo đảm công tác quản lý nhà nước, nhất là đối với những ngành nghề đặc thù.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ngày 2.1, Giám đốc Công ty TNHH Hinet, một doanh nghiệp kinh doanh phần mềm - ông Đỗ Duy Hưng - cho biết: “Các thủ tục hành chính tuy đã được tinh giản nhưng vẫn còn rườm rà, trong khi đó các DN cũng chưa triển khai đồng bộ, do vậy khó trong quá trình triển khai. Việc các cơ quan chức năng thực hiện việc cắt giảm các thủ tục, điều kiện đăng ký kinh doanh giúp các DN tự chủ hơn trong SXKD. Cụ thể như việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh không giới hạn ngành nghề mà cho các DN được phép hoạt động SXKD tất cả mọi ngành nghề có thể mà pháp luật không cấm. Tuy đã cắt giảm nhiều các thủ tục hành chính nhưng trên thực tế vẫn chỉ là hình thức, như việc triển khai thanh toán hoá đơn qua mạng, nhưng đến nay nhiều DN vẫn chưa triển khai”.

Trong khi đó, đại diện Cty CP Chăn nuôi Thảo Nguyên - ông Phan Tiến Dũng - cho rằng “khó khăn nhất của các DN hiện nay là các thủ tục cấp phép qua nhiều cửa từ xã lên đến tỉnh. Cùng đó việc vay vốn đối với các DN mới khởi động cũng là một gian nan, vì theo quy định DN phải có tài sản đảm bảo và không được thế chấp dự án và đất dự án để vay vốn. Do vậy, để tạo điều kiện cho các DN, Chính phủ cần cắt giảm nhiều hơn nữa thủ tục hành chính công, nhất là các loại giấy phép con”.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, tương ứng với 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh hiện khoảng 4.284. Tuy nhiên, hệ thống quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh hay thay đổi và có thể khó theo dõi, thống kê, cập nhật một cách chính xác, kịp thời. Thậm chí có ngành nghề đầu tư kinh doanh mà các điều kiện được quy định ở nhiều nghị định khác nhau, theo phạm vi quản lý bộ, ngành về sản phẩm, dịch vụ liên quan.

Theo đánh giá, các điều kiện đầu tư kinh doanh còn bất hợp lý, làm hạn chế gia nhập thị trường, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, năng suất lao động của doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho hành vi nhũng nhiễu. Do đó, các bộ, ngành cần tiếp tục xem xét cắt giảm cho phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng vẫn phải bảo đảm công tác quản lý nhà nước, nhất là đối với những ngành nghề đặc thù.

Tính từ ngày 1.7.2015 (ngày Luật Đầu tư có hiệu lực) đến nay, Bộ Tư pháp đã phát hiện và kiến nghị xử lý 31 văn bản có quy định không phù hợp về điều kiện đầu tư kinh doanh, riêng năm 2017 phát hiện, kiến nghị xử lý 6 văn bản. Đến nay các bộ, ngành, địa phương đã xử lý 26/31 văn bản; còn 5 văn bản chưa được xử lý.

Riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, Bộ Công Thương đã cắt giảm quá 50% các điều kiện không cần thiết. Ảnh:P.V
Riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, Bộ Công Thương đã cắt giảm quá 50% các điều kiện không cần thiết. Ảnh:P.V

Năm 2018 cần tiếp tục được coi là “Năm cắt giảm chi phí” cho DN

TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - nhận định: “Để kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, cần cải cách một số thể chế chính sách, khẩn trương ban hành khung pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa, củng cố định hướng chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5. Thứ nhất, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, bảo đảm chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân một cách thực chất, thông qua các chính sách hỗ trợ lãi suất, ưu đãi thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng... Thứ hai, cần triệt để cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về chế độ sở hữu rõ ràng. Thứ tư, cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị. Thứ năm, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khiếu nại, kiến nghị của DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho DN.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, Thủ tướng đã đề nghị Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - ông Nguyễn Đình Cung - “nói về tình hình bức xúc nhất của doanh nghiệp là gì” và yêu cầu các Bộ trưởng chú ý lắng nghe.Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh là một trong những vấn đề bức bối trong hệ thống pháp luật về kinh doanh nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng. Do vậy, ông Cung đã đề nghị Thủ tướng cho cắt bỏ gần 3.000 điều kiện kinh doanh.

Ngoài ra, trong cuộc trao đổi bên lề với các PV báo chí, TS Nguyễn Đình Cung cũng nhấn mạnh: Một số giải pháp cụ thể là đặt mục tiêu tăng 14-18 bậc về môi trường kinh doanh trong năm 2018. Trong đó tập trung vào các chỉ số khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, đăng ký sở hữu tài sản, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giao dịch thương mại qua biên giới. Cần hoàn thành bãi bỏ ít nhất 1/2 hoặc 1/3 số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh. Cần hoàn thành việc loại bỏ ít nhất 1/2 số mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu. Đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm. Tiếp tục kết nối ít nhất 30 thủ tục qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Năm 2018 cần tiếp tục được coi là “Năm cắt giảm chi phí” cho DN…

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Võ Văn Phong - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang - cho biết: “So với trước đây, các thủ tục hành chính đã được cắt giảm rất nhiều. Trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, những quy định chồng chéo tại Nghị định 36 đã được đổi mới, thay thế tại Nghị Định 55, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian. Nếu năm 2018 tiếp tục được coi là năm cắt giảm thủ tục và chi phí hành chính, thì kinh tế tư nhân chắc chắn sẽ khởi sắc và đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước” - ông Phong nói.

5 bộ đã rà soát và đưa phương án cắt giảm, sửa đổi

Đến cuối tháng 12.2017, mới có 5 bộ thực hiện rà soát và đưa ra phương án cắt giảm, sửa đổi các điều kiện kinh doanh.

Bộ Công Thương đang đi đầu khi cắt giảm 675/1.216 điều kiện kinh doanh (giảm khoảng 55%).

Bộ NNPTNT đã đề xuất bãi bỏ 118/345 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý (cắt bỏ 65, sửa đổi 53 điều kiện, chiếm 34,2%).

Bộ Xây dựng cũng đề xuất bãi bỏ 89 điều kiện (41,3%); đơn giản hóa 94 (43,7%); giữ nguyên 32 điều kiện (15%) trên tổng số 215 điều kiện đầu tư.

Bộ KHĐT cũng tiến hành đơn giản hóa thủ tục hành chính trên 5 lĩnh vực: Thành lập và hoạt động của DN; Thành lập và hoạt động của hợp tác xã; Đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài; Đầu tư tại Việt Nam và Đấu thầu; Đơn giản hóa thủ tục đăng ký tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Bộ TTTT cũng đã thực hiện rà soát điều kiện KD, đề xuất cắt giảm, sửa đổi 51 điều kiện kinh doanh (đạt 16%).

* Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT) Nguyễn Bích Lâm, sự tăng trưởng của năm 2017 khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương. Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5 triệu tỉ đồng, tương đương với 223 tỉ USD; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016. Xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ ước tính đạt 213,77 tỉ USD (tăng 21,1%), đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 58,53 tỉ USD (tăng 16,2%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỉ USD (tăng 23%). Đ.T

* Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của SSI: FDI đã và đang là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Với sự thành công của những doanh nghiệp FDI đợt 1, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI hơn nữa để có thêm những tên tuổi lớn, giúp đa dạng hóa sản phẩm mũi nhọn và giảm thiểu rủi ro. L.HƯƠNG

* Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Về những việc cần làm ngay trong những ngày đầu năm 2018, cần phải triển khai tốt những kế hoạch đã đề ra. Đây là yếu tố quyết định, triển khai tạo đà, tạo thế ngay từ đầu thì tạo được yếu tố tích cực ngay từ đầu. năm 2018 tiếp tục triển khai hội nhập, vì điểm đứng của nền kinh tế vẫn còn cách xa với thế giới. Áp dụng khoa học kỹ thuật để giải quyết vấn đề năng suất lao động được nâng cao hơn. Và cuối cùng, giải quyết triệt để cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhiều hơn cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp cảm thấy tin tưởng, được phục vụ. Nếu làm tốt những yếu tố này ngay từ những ngày đầu năm sẽ tạo ra không khí phấn khởi, tạo động lực cho nền kinh tế. Và mục tiêu tăng trưởng 6,5 đến 6,7% chắc chắn sẽ thực hiện được. T.CHÍ

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ
TIN LIÊN QUAN

Nhiều người trên thế giới tin tưởng sẽ giàu có hơn sau lạm phát

Quý An (theo Reuters) |

Có 2/5 số người được hỏi tin rằng họ sẽ giàu có hơn trong tương lai, trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát.

Các nhà vườn miền Tây tất bật vận chuyển hoa ra chợ bán Tết

YẾN PHƯƠNG |

Tại một số vườn hoa Tếtmiền Tây, vào thời điểm này, các nhà vườn đang tất bật với việc xuất hoa bán cho thương lái, hoặc vất vả vận chuyển từng chậu hoa từ vườn ra chợ để bán Tết.

Cận Tết tôm, cua Cà Mau nắm tay tăng giá chóng mặt vẫn không đủ hàng để bán

NHẬT HỒ |

Cà Mau - Giá một kg tôm đất khô đã lên đến 1,7 triệu đồng. Không thua kém tôm đất khô, cua gạch Cà Mau cũng có giá lên đến 1,2 triệu đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây và không đủ hàng để bán.

Hơn 4.441 tỉ đồng chăm lo đoàn viên công đoàn trong dịp Tết Nguyên đán

Hà Anh |

Trước dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cấp công đoàn đã và đang tập trung tổ chức chăm lo cho hàng triệu đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ), đặc biệt quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm chưa có điều kiện về quê đón Tết, bị giảm, thiếu, mất việc làm…

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.