Kinh tế Việt Nam 2020 - Phải cán mốc xuất khẩu 300 tỉ USD

Đặng Chung |

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thương mại toàn cầu suy giảm thì kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục có nhiều chuyển biến và đạt được những kỷ lục mới. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 7,02%, thuộc hàng cao nhất thế giới và khu vực; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỉ USD;  chỉ số cạnh tranh quốc gia (GCI) tăng thêm 10 bậc… Làm nên bức tranh tươi sáng này là sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và những đóng góp của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Tại Hội nghị tổng kết năm 2019 của ngành Công Thương mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải cán mốc xuất khẩu 300 tỉ USD ngay trong năm 2020.

Nhiều kỷ lục mới

Đầu năm 2019, trước các yếu tố rủi ro và thách thức gia tăng, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Changyong Rhee đã cảnh báo về những khó khăn mà các nền kinh tế trong khu vực phải đối mặt. Để vượt qua, ông cho rằng Chính phủ các nước phải có những chính sách thận trọng và nhanh chóng để có thể định hướng nền kinh tế vượt qua các cơn “gió xoáy”.

Nhận thức rõ những nguy cơ đối với kinh tế nước ta, xác định năm 2019 là năm “bứt phá” phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.  Kết quả, năm 2019 kinh tế Việt Nam khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất; chất lượng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp chúng ta đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu Quốc hội giao, với nhiều kỷ lục, dấu ấn mới.

Trước hết phải kể đến tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6-6,8%.  Đây là năm thứ hai liên tiếp trong giai đoạn chiến lược 10 năm nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 7%. Trong đó ngành Công Thương đóng góp đến 80% vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019. Động lực chính của nền kinh tế năm nay tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ thị trường.

Cùng với tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, thì đời sống nhân dân được nâng lên, bình quân GDP đầu người đạt gần 2.800USD. Đáng lưu ý, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức dưới 4%, lạm phát là 2,79% - mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Đặc biệt, năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên cán mốc 500 tỉ USD, chỉ 2 năm sau khi đạt thành tích 400 tỉ USD. Trong đó ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước với tốc độ cao hơn rất nhiều khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.  Việt Nam cũng lọt top 22  thế giới về quy mô xuất khẩu, với 264 tỉ USD. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm nay ước đạt mức kỷ lục là 41,3 tỉ USD. Thành tích này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực suy giảm xuất nhập khẩu, còn Việt Nam xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp.

Ngoài ra, năm 2019, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã hướng tới đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ. Có 7 doanh nghiệp của Việt Nam nằm trong danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỉ USD tốt nhất tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do Forbes Asia 2019 công bố. Năm nay cũng ghi nhận những dấu ấn mới của du lịch, khi  lượng khách quốc tế đạt trên 1,8 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay.

Với lĩnh vực công nghệ thông tin, tổng doanh thu toàn ngành dự kiến đạt gần 135 tỉ USD, tăng 8,8% so với năm 2018. Năm 2019 cũng có sự nâng hạng vượt bậc, tăng 54 bậc của chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là các chỉ số hạ tầng viễn thông, Internet đã giúp Việt Nam nâng hạng của chỉ số cạnh tranh quốc gia (GCI) thêm 10 bậc (từ thứ 77 lên thứ 67/140 thế giới). Ghi nhận kết quả này, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã đánh giá, Việt Nam là quốc gia có điểm số về năng lực cạnh tranh tăng mạnh nhất toàn cầu. Đây là kết quả của những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam, để xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện, minh bạch.

Từ những điểm sáng của nền kinh tế năm 2019, xác định 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia sâu rộng và toàn diện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt kỳ vọng vào nhiều bộ, ngành, lĩnh vực. Trong đó, ngành Công Thương cần phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt mức 300 tỉ USD năm 2020; ngành nông nghiệp kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trên 42 tỉ USD. Với ngành Thông tin và Truyền thông, coi kinh tế số là động lực quan trọng phát triển để đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phải đặt vấn đề phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ nói chung và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nói riêng, để xây dựng Việt Nam thành nước công nghệ phát triển.

Thách thức là động lực đổi mới, phát triển

Trước những gam màu sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2019, Đại biểu Trần Văn Lâm - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cho rằng cử tri cả nước phấn khởi trước những kết quả phát triển kinh tế xã hội đạt được trong năm qua. Chúng ta đã biến thách thức thành động lực để đổi mới, phát triển. Để có được thành tựu đó là nhờ những nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, của toàn hệ thống chính trị. Đặc biệt, những thành tựu đạt được là rất đáng ghi nhận trên bối cảnh biến động của kinh tế, chính trị thế giới, cùng với đó là những khó khăn nội tại.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - thì cho rằng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và quyết tâm của Chính phủ, chúng ta giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4%, kéo giảm bội chi, nợ công, xử lý nợ xấu, đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và an toàn hệ thống ngân hàng. Vì lẽ đó, người dân vẫn tin tưởng và gửi tiền vào hệ thống. Nhờ vậy, hệ thống ngân hàng có nguồn vốn ổn định để cung ứng cho nền kinh tế.

Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, năm 2020, tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhiều quốc gia tăng cường sử dụng hàng rào kỹ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, vấn đề Brexit cũng tác động trực tiếp tới Châu Âu. Trước tình hình diễn biến thế giới không thuận lợi như trên thì việc phát huy nội lực là rất quan trọng.

Và để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2020 khoảng 6,8% như Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội đề ra, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, thời gian tới Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tiến hành tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thuộc các lĩnh vực mà kinh tế tư nhân có thể phát triển được.

Ngoài ra, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa nếu giải quyết được vấn đề về mặt luật pháp.

Hệ thống giao thông cũng phải được đầu tư, phát triển, thông suốt. Nếu tập trung nhân lực và trí tuệ tháo gỡ những điểm nghẽn này thì sức bật của nền kinh tế còn cao hơn nữa.

* GS Võ Đại Lược (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới): Tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam là hiếm có

GS Võ Đại Lược cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2019 đã thu được những kết quả rất đang khen ngợi; một là tăng trưởng cao khi GDP tăng trưởng lên tới 7,02% - đây là mức tăng trưởng hiếm có, nhất là khi chúng ta so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo đó, các quốc gia có nền kinh tế lớn như Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn luôn ở mức cao nhưng năm nay chỉ đạt 6%, Châu Âu đạt trên dưới 2%, Nhật Bản đạt 1%, Mỹ cũng chỉ 2%.

Ngoài ra, Việt Nam không chỉ có mức tăng trưởng cao mà chỉ số lạm phát rất thấp, chỉ 2,79%, thấp hơn năm ngoái 4%. Chỉ số này nói lên rằng chúng ta tăng trưởng không phải bằng tiền. Trong khi nhiều quốc gia hiện nay muốn kích thích tăng trưởng đều phải dùng tiền để gia tăng tín dụng, gia tăng đầu tư công, thì tín dụng của chúng ta gia tăng hợp lý nên mức độ lạm phát của Việt Nam chỉ ở mức 2,79%, dù giá thịt lợn biến động gia tăng.

* Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương): Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc Việt Nam gia nhập nhiều hiệp định thương mại đã mở ra cơ hội đưa hàng hóa đến nhiều thị trường khác nhau. Một Việt Nam ổn định đã thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tạo thêm việc làm, đóng góp thuế cho ngân sách Nhà nước.

Dẫn số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02%, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mức 500 tỉ USD, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng, người dân được hưởng lợi đầu tiên. Thứ nhất đó là giá cả ổn định, thu nhập thực tế của người dân được duy trì hoặc cải thiện. Thứ hai là khi tăng trưởng  cao như vậy, công ăn việc làm sẽ nhiều hơn, người dân thu nhập tốt hơn.

Nhìn vào con số xuất siêu gần 10 tỉ USD trong năm 2019, cao nhất từ trước đến nay, có ý nghĩa hết sức quan trọng với nền kinh tế của Việt Nam. Xuất siêu cũng là động lực quan trọng, tạo đà cho nền kinh tế Việt Nam năm 2019 tăng trưởng, xếp top đầu những nước tăng trưởng cao trên thế giới.

“Những doanh nghiệp xuất khẩu được thường là những doanh nghiệp quản trị tốt, nên ở đó chính sách an sinh xã hội đối với người lao động tốt hơn. Đó cũng là lý do khiến hàng hóa của chúng ta xuất khẩu ra nước ngoài được” - Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho biết. Tuy nhiên, Tiến sĩ Cung cũng lưu ý, việc phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Cường Ngô

Đặng Chung
TIN LIÊN QUAN

Phấn đấu 2020 là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam xuất siêu

Đặng Chung |

Đánh giá cao công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao nhiệm vụ cho các cơ quan, bộ, ngành phải giảm chi phí logistics trong xuất khẩu các mặt hàng.

Thủ tướng biểu dương thành tích xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mốc 500 tỉ USD

Đặng Chung |

Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước vượt qua ngưỡng 500 tỉ USD - là năm thứ tư liên tiếp xuất siêu. Trước thành tích ấn tượng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận, biểu dương nỗ lực của các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các doanh nghiệp... đã có nhiều đóng góp vào thành tựu chung của nền kinh tế Việt Nam năm 2019.

Giá xăng có thể tăng vào ngày cuối cùng của năm 2019

Thuỳ Dung |

Giá xăng được dự đoán tăng trong kỳ điều chỉnh cuối cùng của năm 2019.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Phấn đấu 2020 là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam xuất siêu

Đặng Chung |

Đánh giá cao công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao nhiệm vụ cho các cơ quan, bộ, ngành phải giảm chi phí logistics trong xuất khẩu các mặt hàng.

Thủ tướng biểu dương thành tích xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mốc 500 tỉ USD

Đặng Chung |

Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước vượt qua ngưỡng 500 tỉ USD - là năm thứ tư liên tiếp xuất siêu. Trước thành tích ấn tượng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận, biểu dương nỗ lực của các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các doanh nghiệp... đã có nhiều đóng góp vào thành tựu chung của nền kinh tế Việt Nam năm 2019.

Giá xăng có thể tăng vào ngày cuối cùng của năm 2019

Thuỳ Dung |

Giá xăng được dự đoán tăng trong kỳ điều chỉnh cuối cùng của năm 2019.