Nhiều nhãn hàng bất ngờ thoái lui
Việc giá mặt bằng tăng cao cùng với tình hình kinh doanh chưa thể phục hồi hoàn toàn như trước dịch COVID-19 đang khiến nhiều nhãn hàng, thương hiệu lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chật vật duy trì doanh thu.
Ngay trong đầu tháng 6.2023, tất cả các cửa hàng của thương hiệu Auntie Anne's (một thương hiệu bánh ngọt của Mỹ) bất ngờ thông báo ngừng hoạt động sau 4 năm có mặt tại thị trường Việt Nam.
Những khách hàng có thẻ thành viên thân thiết của thương hiệu này nhận được thông báo từ những cửa hàng của Auntie Anne's và được thương hiệu gợi ý một nhãn hàng mới có sản phẩm tương tự để khách hàng sử dụng nếu có nhu cầu.
Tại TP Hồ Chí Minh, ghi nhận của PV Lao Động cho thấy hàng loạt “ông lớn” trong ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) như chuỗi cà phê Nhật Bản %Arabica đã phải trả mặt bằng cửa hàng thứ 2 tại Diamond Plaza (Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Đáng chú ý, cửa hàng thứ 2 này dù đã được thi công từ lâu nhưng chưa mở cửa đón khách thì bất ngờ chuyển hướng sang một địa điểm khác.
Theo đại diện của Arabica, kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên tại chung cư 42 Nguyễn Huệ (Quận 1, TP Hồ Chí Minh), họ đã nhận được nhiều phản hồi từ khách hàng. Cuối cùng, doanh nghiệp phải đưa ra quyết định khó khăn là không khai trương cửa hàng như kế hoạch.
Dù mặt bằng có giá thuê thuộc nhóm đắt đỏ nhất TP Hồ Chí Minh thế nhưng những tháng gần đây, hàng loạt cửa hàng ăn uống, dịch vụ tại khu vực Hồ Con Rùa (Quận 3) cũng chứng kiến nhiều cuộc thoái lui của các thương hiệu F&B như PhinDeli, SaiGon Casa, Passio, Chuk Chuk…
Hạ nhiệt giá thuê mặt bằng, doanh nghiệp cần được tiếp vốn
Theo đại diện nhiều nhãn hàng, doanh nghiệp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong những tháng vừa qua xu hướng người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu ngày càng rõ nét, sức mua dù đang hồi phục nhưng có tốc độ rất "nhỏ giọt".
Nhiều doanh nghiệp đã phải tăng cường chương trình khuyến mãi, đa dạng hóa sản phẩm nhưng gần như chỉ có nhóm hàng thiết yếu mới có sự tăng trưởng nhẹ, còn các nhóm hàng khác sức mua rất thấp như thời trang, nội thất, dệt may...
Bà Trần Phạm Phương Quyên - Quản lí Bộ phận Cho thuê Bán lẻ Savills TP Hồ Chí Minh - cho rằng, kế hoạch rời bỏ những mặt bằng đắc địa đã được các doanh nghiệp đưa ra từ lâu, tùy vào những thay đổi của tình hình kinh doanh cũng như chiến lược phát triển của một thương hiệu.
Đối với một nhãn hàng, khi mô hình kinh doanh của họ chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, việc đóng cửa các mặt bằng đắc địa là điều có thể nhìn thấy rõ.
Bà Quyên cho rằng, các thương hiệu lớn vẫn đang tích cực mở rộng trước dự báo triển vọng tích cực của thị trường bán lẻ, tốc độ tăng trưởng dân số ổn định cũng như khả năng phục hồi của nền kinh tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang cân nhắc kĩ trước các áp lực về chi phí để đảm bảo kế hoạch kinh doanh dài hạn.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - nhận định, những tháng vừa qua, nhiều hộ kinh doanh, thương hiệu, nhãn hàng đã phải trả mặt bằng, tháo chạy khỏi các tuyến phố lớn.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, ngành bất động sản ảm đạm, đóng băng đã tác động lớn đến sức mua sắm của nhiều cửa hàng dịch vụ, toàn bộ nền kinh tế khi tiêu dùng giảm rõ rệt. Các doanh nghiệp, nhãn hàng thời điểm này đang rất cần trợ lực, mong muốn được tiếp thêm nguồn vốn, hạ nhiệt giá thuê mặt bằng kinh doanh để duy trì doanh thu và chạy các chương trình mua sắm, kích cầu tiêu dùng.
"Đây là động lực chính để doanh nghiệp có thể nhanh chóng hồi phục sức khoẻ, quay lại thị trường, vực dậy sức mua" - ông Điệp nhấn mạnh.