Thưa ông, nguyên nhân nào khiến tín dụng tăng trưởng yếu, tiền chưa chảy ra nền kinh tế?
- Một số quốc gia lớn, lạm phát đang ở mức cao, sức mua giảm. Điều này đã khiến nền kinh tế nội tại nước ta bị ảnh hưởng trầm trọng. Nhu cầu sử dụng vốn của những doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế sụt giảm. Đặc biệt doanh nghiệp có sức hấp thụ vốn lớn như bất động sản, chứng khoán gặp khó khăn, vướng mắc.
Đồng thời chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá chưa có sự phối hợp nhịp nhàng. Trước đây, chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá khá độc lập. Khi ngành kinh tế vĩ mô gặp khó khăn, hai chính sách này có sự tác động, ảnh hưởng qua lại. Chính sách tiền tệ đưa ra nhiều Thông tư, Nghị quyết, trong đó ngành ngân hàng giảm lãi suất. Chính sách tài khóa đưa ra nhiều chính sách liên quan đến thúc đẩy đầu tư công, giảm VAT và những chính sách thuế khác. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ đang “nhỉnh” hơn so với chính sách tài khoá.
Chính sách tài khoá cần giải quyết được thủ tục hành chính hỗ trợ những chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế. Chính sách tài khoá phải gắn liền với hiệu quả giải ngân đầu tư công. Hai chính sách này cần song hành, đồng nhất để tăng trưởng tín dụng và kinh tế.
Theo ông, cần có những giải pháp nào để khơi thông dòng vốn đầu tư công?
- Bộ Tài chính cần khắt khe trong giám sát an toàn, an ninh của hệ thống tài chính. Đặc biệt, lưu thông vốn thị trường trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản để khôi phục niềm tin. Nếu không kiểm soát chặt, dòng tiền có thể chảy vào các kênh rủi ro thay vì hoạt động kinh doanh cần thiết. Các chủ thể khác trong nền kinh tế có thể lợi dụng phát hành trái phiếu không đúng bản chất. Từ đó có thể khơi thông dòng vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để dòng tiền phân bổ hiệu quả. Đây chính là cú hích quan trọng để nền kinh tế tăng trưởng.
Hiện nay dòng vốn đầu tư công luôn có sẵn nhưng gặp trục trặc trong thủ tục, tiến trình giải ngân, đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư. Chính phủ cần quan tâm đến từng chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế: doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… Phân tích từng ngành đặc thù để phân bổ nguồn vốn hiệu quả với từng chủ thế. Nếu chỉ tập trung một chủ thể thì sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng.
Theo ông, doanh nghiệp và ngân hàng cần song hành như thế nào trong việc khơi thông dòng vốn, tăng trưởng tín dụng?
- Tại buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tối ngày 6.7, Thủ tướng dẫn một kết quả khảo sát 10.000 doanh nghiệp gần đây cho thấy, hơn 59% cho rằng, khó khăn lớn nhất là đơn hàng, trên 51% gặp vướng mắc liên quan tiếp cận vốn, còn lại là thủ tục hành chính. Hiện nay nhiều doanh nghiệp không chứng minh được năng lực tài chính, khả năng trả nợ, mục đích sử dụng vốn. Ít nhất, doanh nghiệp phải có phương án trả nợ thứ cấp đảm bảo niềm tin của ngân hàng. Ngân hàng muốn cho vay, nhưng ngược lại doanh nghiệp phải chứng minh được khả năng trả nợ.
Muốn tăng trưởng tín dụng ngân hàng cần “may đo” sản phẩm tài chính phù hợp với từng đối tượng, ngành nghề. Doanh nghiệp phải hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Để tự cứu lấy mình, doanh nghiệp phải cải thiện năng lực, chuẩn bị hồ sơ, chứng minh năng lực tài chính, đảm bảo uy tín người đứng đầu… đáp ứng đầy đủ những yêu cầu ngân hàng. Nếu có sự hợp tác đồng bộ, nhuần nhuyễn sẽ tăng trưởng tín dụng.