Tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 10 trường đại học thông báo mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch, Công nghệ bán dẫn trong mùa tuyển sinh 2024.
Dự kiến năm 2024, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội tuyển sinh 1.050 chỉ tiêu, tăng 100 chỉ tiêu so với năm 2023 và áp dụng 4 phương thức tuyển sinh: Xét kết quả thi đánh giá năng lực do trường tổ chức, xét kết quả học tập THPT kết hợp phỏng vấn, xét tuyển thẳng và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Trường cũng bắt đầu tuyển sinh ngành công nghệ vi mạch bán dẫn từ năm nay.
Theo thông tin từ Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, từ năm nay, trường mở thêm chuyên ngành vi mạch điện tử để cung cấp nguồn nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Trường dự kiến tuyển sinh hơn 3.500 chỉ tiêu, riêng chuyên ngành vi điện tử dự kiến tuyển khoảng 100 chỉ tiêu. Ngành này chủ yếu ưu tiên xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh riêng.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng dự kiến tuyển sinh chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn, khóa tuyển sinh đầu tiên sẽ được thực hiện với khoảng 50 sinh viên.
Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn - Đại học Đà Nẵng cũng thông tin trường sẽ tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu trong năm nay. Trong đó, chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn được mở mới sẽ tuyển sinh 40 chỉ tiêu.
Nhà trường cũng dự kiến chuyển tiếp 180 sinh viên các chuyên ngành gần và liên quan sang thiết kế vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, trường cũng sẽ triển khai các lớp đào tạo nhanh, tập huấn phối hợp với doanh nghiệp dự kiến tuyển sinh và đào tạo từ 60-100 chỉ tiêu hằng năm.
Đặc biệt, trường cũng đưa ra chính sách, với thí sinh trúng tuyển chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn có điểm xét tuyển từ 27 điểm trở lên sẽ được xét hỗ trợ 100% học phí 2 học kì đầu tiên.
Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cũng sẽ tuyển sinh chuyên ngành thiết kế vi mạch trong mùa tuyển sinh năm nay. Lãnh đạo trường cho biết, việc mở và đào tạo ngành vi mạch bán dẫn hay thiết kế vi mạch trong năm nay để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường thời gian tới.
Trường Đại học Bách khoa TP HCM dự kiến tuyển 100 chỉ tiêu vào ngành Thiết kế vi mạch. Còn chương trình thạc sĩ vi mạch bán dẫn có 60 tín chỉ, dự kiến tuyển 20 học viên.
Năm nay, Trường Đại học Phenikaa tăng thêm 7 ngành/chương trình đào tạo so với năm 2023 gồm Kỹ thuật điện tử - Viễn thông (thiết kế vi mạch bán dẫn), Trí tuệ nhân tạo, Marketing, Công nghệ tài chính, Kỹ thuật hình ảnh y học, Quản lý bệnh viện, Y học cổ truyền.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử, Đại học Bách khoa, 100% sinh viên định hướng thiết kế vi mạch ra trường được chào đón, có việc ngay. Mức lương khởi điểm của kỹ sư mới khoảng 15 - 20 triệu đồng, tương đương ngành Công nghệ thông tin.
"Nếu theo nghề 5 - 10 năm, lương kỹ sư ngành này cao gấp rưỡi Công nghệ thông tin, lên tới khoảng 60 - 70 triệu đồng/tháng" - PGS.TS Nguyễn Minh Đức cho biết.