Bộ GDĐT họp báo, trả lời hàng loạt vấn đề nóng về kỳ thi tốt nghiệp

Nhóm PV |

Chiều tối 8.7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Nhiều vấn đề dư luận quan tâm liên quan đến đề thi, các khâu tổ chức kỳ thi đã được lãnh đạo Bộ GDĐT giải đáp.

Kỳ thi diễn ra gọn nhẹ và thành công

Mở đầu buổi họp báo, ông Lê Mỹ Phong – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng thông tin, một trong những điểm mới đáng lưu ý nhất của thí sinh trong việc đăng ký dự thi năm nay là việc Bộ GDĐT tổ chức đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2021-2022.

Trong các ngày đăng ký dự thi, hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định, việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra bình thường, cơ bản thuận lợi, đảm bảo số liệu thi chính xác.

Công tác kiểm tra chuẩn bị thi được các lãnh đạo Bộ GDĐT thực hiện liên tục, xuyên suốt từ ngày 24.6 đến ngày 5.7. Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã thành lập 5 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 24 địa phương trên toàn quốc; thành lập 10 đoàn kiểm tra của Bộ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 địa phương.

Các địa phương còn lại được Ban Chỉ đạo kiểm tra bằng hình thức trực tuyến. Thông qua hoạt động kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi, lãnh đạo Bộ GDĐT đã chỉ đạo các địa phương, các Hội đồng thi khắc phục kịp thời những bất cập, thiếu sót để bảo đảm thực hiện nghiêm túc Quy chế, quy định trong tổ chức Kỳ thi, nhất là tạo mọi điều kiện cho các thí sinh tham gia Kỳ thi đạt kết quả.

Cũng theo ông Phong, một trong những điểm nhấn của kỳ thi năm này là, công tác ra đề và in sao, vận chuyển, giao nhận, bảo quản và sử dụng đề thi đúng quy định bảo đảm bảo mật, an toàn. Theo đó, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; các nội dung dạy học được điều chỉnh do tác động của dịch Covid-19 (năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022) không được đưa vào đề thi năm nay.

Có thể nói, Kỳ thi đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các Điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực và cơ bản đáp ứng đúng kế hoạch đề ra.

Có hay không việc lộ đề thi môn ngữ văn?

Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí truyền thông đặt nhiều câu hỏi liên quan đến đề thi môn Ngữ văn, có hay không việc lộ đề thi.

Về vấn đề này, đại diện Bộ GDĐT cho biết, việc xác suất để đoán vào tác phẩm nào trong đề cũng là dễ hiểu.

“Có rất nhiều người dự đoán trong khuôn khổ một số tác phẩm nhất định nên đoán trúng là dễ hiểu. Nhưng cùng 1 tác phẩm hỏi khác sẽ chắc chắn khác. Chúng tôi cho rằng, phải dự đoán đúng những câu hỏi đặt ra, thậm chí là đoạn trích trong tác phẩm đó mới là lộ đề.

Theo đó, một vài năm nữa, khi chương trình GDPT 2018 áp dụng, 1 chương trình nhiều sách, sẽ có ngữ liệu khác nhau, lúc bấy giờ đề thi sẽ không kìm kẹp trong bộ sách nào” – ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Trung học cho biết.

Về nghi vấn lộ đề thi môn Toán khi xuất hiện đề thi chính thức trên mạng xã hội khi chưa hết giờ làm bài, Bộ GDĐT và Bộ Công an cũng đã vào cuộc để xác minh thông tin để làm rõ vụ việc này.

Độ phân hóa của đề thi là để bảo đảm công bằng

Trước câu hỏi của phóng viên về đề thi năm nay có tính phân hóa cao hơn, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc kiểm tra, đánh giá theo ma trận đề được các nhà trường áp dụng, triển khai theo văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trong nhiều năm nay. Theo đó, đề có các mức độ câu hỏi, từ nhận biết, thông hiểu, đến vận dụng, vận dụng cao. Ma trận này được thầy cô áp dụng trong các đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học.

Đề thi được ra cũng cơ bản theo hướng dẫn này, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 và không ra vào phần kiến thức đã được tinh giản. Năm nay, việc tổ chức dạy học rất đa dạng trên toàn quốc trong bối cảnh dịch bệnh, nơi dạy trực tuyến trong thời gian dài, nơi có thời gian dạy học trực tiếp nhiều hơn.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, độ phân hóa của đề thi là cần thiết để bảo đảm công bằng cho học sinh, tránh trường hợp có thể có rất nhiều học sinh trình độ khác nhau lại cùng đạt điểm tối đa. Bên cạnh đó, với mức độ đề thi như vậy, kết quả thi cũng là một căn cứ để đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vừa qua.

Khó khăn khi thực hiện quy định để đồ cách phòng thi 25m

Tại buổi họp báo, phóng viên Báo Lao Động đặt câu hỏi về việc Bộ GDĐT thiếu sát sao khi các địa phương lúng túng với quy định để đồ của thí sinh cách 25m so với phòng thi.

Trước câu hỏi này, Phó Cục Trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng Lê Mỹ Phong trả lời: “Báo Lao Động có phản ánh tại điểm thi huyện Phúc Thọ (Hà Nội) không phân công ai trông đồ cho thí sinh, bây giờ chúng tôi mới được tiếp nhận thông tin. Có thể nói việc bố trí nơi để đồ cách 25m là khó khăn nhưng khi chúng tôi tới kiểm tra các đồng chí nói khó khăn nhưng phải thực hiện. Chúng tôi sẽ liên hệ với điểm thi để xác minh lại và trao đổi lại với nhà báo. Với lý do không ai trông coi phải mang điện thoại vào thì đó là lý do khó chấp nhận được”.

Một số điểm mới trong công tác chấm thi

Liên quan đến công tác chấm thi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Lê Mỹ Phong cho biết, việc chấm thi thực hiện cơ bản như năm 2021 nhưng có thêm một số điểm mới. Cụ thể, trong khâu làm phách với bài thi tự luận, địa phương được quyết định phương án làm 1 vòng hay 2 vòng, nhưng đều phải quán triệt thực hiện theo quy định.

Nếu như năm trước, điện thoại cố định vòng ngoài chỉ cần có loa ngoài, thì năm nay yêu cầu phải có chức năng ghi âm và có loa ngoài do công an kiểm soát liên tục 24 giờ/ngày để liên lạc với Hội đồng thi/Ban Chỉ đạo thi các cấp, mọi liên lạc qua điện thoại đều phải ghi âm, bật loa ngoài, ghi biên bản có chữ ký của các thành phần liên quan.

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, một trong những công việc trong thời gian tới là tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2022.

Phát biểu kết luận tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, Kỳ thi tốt nghiệp THPT là sự kiện quan trọng, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Bộ GDĐT quyết tâm đặt mục tiêu an toàn và chất lượng. Để đạt được mục tiêu này, Bộ đã làm tốt công tác bồi dưỡng giáo viên dạy trực tuyến. Do đó, việc dạy - học online đã được đảm bảo.

Theo Thứ trưởng, bước đầu công tác coi thi, tổ chức đạt hiệu quả, tạo ấn tượng tốt đẹp với phụ huynh, thí sinh và sự đồng thuận của xã hội. Thí sinh phấn khởi sau khi hoàn thành bài thi. Có thể nói, kỳ thi đã đáp ứng được mục tiêu: an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng Quy chế. Trong những ngày thi, thí sinh được hỗ trợ tối đa. Các địa phương quan tâm, chăm lo đến thí sinh, không để em nào bị bỏ lại phía sau.

Thứ trưởng ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong công tác tổ chức, nhất là khâu lựa chọn nhân sự tham gia làm nhiệm vụ kỳ thi. Thứ trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến Chính phủ, các cơ quan hữu quan đã chung tay vào cuộc, góp phần vào thành công của Kỳ thi.

Vi phạm quy chế tăng 

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là: 1.002.432. Tổng số thí sinh dự thi là 989.863 đạt tỉ lệ 98,75% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Số thí sinh thuộc diện F0 là 79 thí sinh của 20 hội đồng thi, trong đó, có 18 thí sinh đến dự thi; 61 thí sinh không đến dự thi.

Đáng chú ý, số thí sinh vi phạm quy chế thi tăng gấp gần 3 lần. Cụ thể, có 50 thí sinh bị đình chỉ thi, trong đó có 6 thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 43 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Không có cán bộ vi phạm quy chế. Đến chiều 8.7, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Tại họp báo kết thúc thi tốt nghiệp THPT chiều 8.7, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục đích đánh giá kết quả học tập 12 năm học của học sinh và là căn cứ công nhận tốt nghiệp cho các em.

“Qua đánh giá kết quả học tập cũng là căn cứ điều chỉnh chất lượng, kế hoạch dạy và học. Trong thực tế, mặc dù đã phân cấp tự chủ đại học trong tuyển sinh nhưng khá nhiều trường vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp làm căn cứ tuyển sinh. Cho nên, kỳ thi ở mức độ cạnh tranh rất quyết liệt. Sự quan tâm của toàn xã hội và trách nhiệm của Bộ GDĐT là tổ chức kỳ thi nghiêm túc, công bằng, an toàn, trách nhiệm”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu và khẳng định kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, an toàn, chặt chẽ và đúng quy chế.

Sau khi kết thúc 2 ngày thi, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nghiệp tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022.

Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và 63 đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GDĐT sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở 63 Hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra công tác chấm thi để tăng cường tính nghiêm minh trong quá trình chấm thi.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Đáp án đề thi môn Hoá mã đề 219, 220 thi tốt nghiệp THPT 2022

PV |

Đáp án đề thi môn Hoá học kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 mã đề 219, 220 trên Báo Lao Động, mời quý phụ huynh, học sinh tham khảo.

Vợ chồng người Tà Ôi vượt hơn 100km để động viên con thi tốt nghiệp THPT

ĐÀO HƯỞNG |

THỪA THIÊN HUẾ - Dưới cái nắng chói chang của tháng 7, đôi vợ chồng người đồng bào Tà Ôi dừng hết công việc nương rẫy, vượt hơn 100km để về phố động viên con vượt qua kì thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Bộ trưởng Bộ GDĐT kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT tại Ninh Bình

DIỆU ANH |

Ninh Bình - Ngày 8.7, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GDĐT đã đến kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại điểm thi Trường THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình.

Giữ nguyên thu kinh phí Công đoàn 2% là hợp tình, hợp lý

Nam Dương (thực hiện) |

Đó là ý kiến của ông Đặng Ngọc Tùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trong cuộc trao đổi với phóng viên
Báo Lao Động.

Tập đoàn Dabaco đã bị tỉnh Bắc Ninh xử phạt hành chính

Trần Tuấn |

Bắc Ninh - Đưa công trình là tòa nhà ở xã hội Dabaco Khắc Niệm vào sử dụng khi chưa nghiệm thu, Tập đoàn Dabaco đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Lo ngại về chất lượng nhiều gói thầu dịch vụ công ích tại Cao Bằng

Tân Văn |

Liên tiếp từ năm 2019 đến nay, Công ty TNHH Nga Hải đã trở thành nhà thầu trúng nhiều dự án xây lắp, dịch vụ công ích trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, chất lượng của các dự án này lại đang là dấu hỏi.

Nơi cứ đến Tết Đoan Ngọ, người dân đổ xô đi tắm biển giữa trưa

Thanh Trà |

Ngày Tết Đoan Ngọ (tức 5.5 Âm lịch), hàng nghìn người dân TP Quy Nhơn (Bình Định) và các vùng lân cận đổ xô đi tắm biển vào chính Ngọ.

Chưa phát hiện được dấu chân, phân hổ để lại trong rừng tại Quảng Bình

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Sau khi nhận được thông tin từ người dân về việc phát hiện một cá thể hổ, lực lượng kiểm lâm đã đến kiểm tra nhưng chưa phát hiện dấu chân, phân hổ để lại.

Đáp án đề thi môn Hoá mã đề 219, 220 thi tốt nghiệp THPT 2022

PV |

Đáp án đề thi môn Hoá học kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 mã đề 219, 220 trên Báo Lao Động, mời quý phụ huynh, học sinh tham khảo.

Vợ chồng người Tà Ôi vượt hơn 100km để động viên con thi tốt nghiệp THPT

ĐÀO HƯỞNG |

THỪA THIÊN HUẾ - Dưới cái nắng chói chang của tháng 7, đôi vợ chồng người đồng bào Tà Ôi dừng hết công việc nương rẫy, vượt hơn 100km để về phố động viên con vượt qua kì thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Bộ trưởng Bộ GDĐT kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT tại Ninh Bình

DIỆU ANH |

Ninh Bình - Ngày 8.7, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GDĐT đã đến kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại điểm thi Trường THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình.