Trước đó, theo đơn khởi kiện của bà Đặng Thùy Trang, năm 2017, Thùy Tiên đề nghị vay 1,5 tỉ đồng để thi Hoa khôi Nam Bộ. Việc có nhận 1,5 tỉ tiền mặt hay không vẫn đang là câu chuyện tranh cãi qua lại giữa bà Đặng Thùy Trang và Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên.
Việc Thùy Tiên phải ký giấy nợ với mức giá 1,5 tỉ đồng để đầu tư cho hành trình chinh chiến tại một cuộc thi sắc đẹp quy mô nhỏ như Hoa hậu Nam Bộ không gây ngạc nhiên.
Trực tiếp tác nghiệp tại hậu trường một cuộc thi sắc đẹp sẽ thấy, dù được BTC hỗ trợ về nhiều mặt, nhưng để nổi bật hơn, nhiều thí sinh vẫn đổ tiền đầu tư.
Những năm 2010-2015, ở hậu trường các cuộc thi sắc đẹp, nhiều thí sinh chi “mạnh tay”, sẵn sàng đưa đi cả một ê-kíp chuyên nghiệp, hùng hậu phục vụ riêng từ trang điểm, làm tóc, đến stylist cho phục trang, váy áo. Mỗi màn xuất hiện ở cuộc thi đều được xây dựng hình ảnh có chiến lược, đặc biệt ở những vòng ngoài.
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh chia sẻ từng chi 20-30 triệu đồng khi thi Hoa hậu Việt Nam 2016, theo Đỗ Mỹ Linh đây là số tiền không lớn so với nhiều người đẹp khác.
Mẹ của thí sinh Lê Hoàng Phương từng muốn bán nhà để có tiền cho con gái đi thi hoa hậu.
Gần nhất, sau chung kết Miss Grand Vietnam 2022, Chu Lê Vi Anh tiết lộ, mức chi phí của các thí sinh vào các đấu trường sắc đẹp rơi vào khoảng 60 – 200 triệu đồng.
Một Á hậu đoạt giải tại cuộc thi nhan sắc từ năm 2007, hiện làm truyền thông cho một số nhà tài trợ ở các cuộc thi chia sẻ, “Những năm gần đây, các cuộc thi sắc đẹp đã được tổ chức chuyên nghiệp hơn rất nhiều do nhà tài trợ tham gia đông đảo. Khi nhà tài trợ chi tiền, BTC sẽ hỗ trợ thí sinh về nhiều mặt, từ trang điểm, làm tóc, đến ăn ở, đi lại.
Về trang phục, hầu hết cũng sẽ mặc đồng phục, để tránh hiện tượng thí sinh nào nhiều tiền hơn sẽ mặc đẹp hơn. Tuy nhiên, sẽ vẫn có những phần thi cần thí sinh phải tự chi, ví dụ trang phục dạ hội. Váy dạ hội được trình diễn theo phong cách, sở thích cá nhân, nên nhiều thí sinh có thể bỏ hàng trăm triệu thuê váy đẹp. Cũng có nhiều cuộc thi, dù BTC đã hỗ trợ trang phục, nhưng thí sinh vẫn chi tiền cho stylist để đặt hàng, thuê mượn váy đẹp cho riêng mình”.
Bên cạnh đó, khi xác định đi thi hoa hậu, các thí sinh cũng phải đầu tư số tiền lớn ngay từ đầu để học catwalk, học trình diễn, tạo dáng, thậm chí học từ cách cười, cách nói chuyện trước đám đông. Việc đầu tư vào các phần thi tài năng cũng “ngốn” khá nhiều tiền khi thí sinh thích những màn tài năng vượt trội, cần có huấn luyện viên riêng trong thời gian dài.
Liệu trình chăm sóc da, chăm sóc sắc đẹp, giảm cân, tập gym, mua sắm trang phục đi thi... cũng là những khoản chi phí ngốn không ít tiền.
Mới đây, bà Phạm Kim Dung – Tổng giám đốc công ty Sen Vàng – tiết lộ, số tiền bỏ ra để đưa một người đẹp Việt đi thi tại các đấu trường sắc đẹp quốc tế rơi vào khoảng từ 5-10 tỉ đồng.
Mức chi phí này tùy thuộc vào quy mô, tiêu chí của từng cuộc thi sẽ có sự dao động, nhưng ngày càng đắt đỏ, tốn kém.
Để một người đẹp lên đường với hình ảnh hoàn hảo, đơn vị tổ chức phải lo cho họ học tập, rèn luyện đủ “cầm kỳ thi họa” để thi tài năng, phải trau dồi ngoại ngữ, trình diễn catwalk đẹp mắt, đồng thời luôn xuất hiện với những bộ váy áo vừa lộng lẫy vừa đầy tính thông điệp.
Ở các cuộc thi nhan sắc, mỗi phút xuất hiện, mỗi lần cười hay nói chuyện – đều là mỗi phút thi đấu. Trong hầu hết cuộc thi, các thành viên ban giám khảo luôn theo sát thí sinh ở tất cả các hoạt động, từ ăn uống, sinh hoạt chung đến các trò chơi vận động tập thể.
Khi mỗi phút xuất hiện đều cần sự tỏa sáng, đều cần có dấu ấn, thí sinh càng tham vọng sẽ càng phải chịu chi. Để bước vào cuộc thi với tinh thần tự tin nhất, thí sinh ấy đã phải có thời gian dài chuẩn bị.
Việc chi tiền cho một cuộc thi sắc đẹp vốn đã tốn kém ngay từ khi cuộc thi còn chưa bắt đầu.