Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, về hồ sơ hưởng, theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội, giấy ra viện và các giấy tờ khác làm căn cứ hưởng Bảo hiểm xã hội.
Hồ sơ đề nghị hưởng (đối với người lao động là F0 hoặc chăm con dưới 7 tuổi là F0) gồm giấy tờ sau:
Đối với người lao động là F0 điều trị nội trú: Giấy ra viện.
Đối với người lao động là F0 điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội hoặc Giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
Về thời gian hưởng, tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định, mỗi lần khám, người bệnh được cấp một Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội tối đa là 30 ngày.
Trường hợp F0 cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội đã được cấp, người F0 phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.
Tại Khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng Bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Về quy trình giải quyết hồ sơ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, để hưởng chế độ ốm đau sau khi điều trị khỏi COVID-19, người lao động cần nộp lại cho đơn vị sử dụng lao động bản sao Giấy ra viện (đối với trường hợp điều trị nội trú); Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội hoặc Giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị (đối với trường hợp điều trị ngoại trú) trong vòng 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc để đơn vị hoàn thiện hồ sơ và gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết chế độ cho người lao động trong tối đa 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Người lao động có thể nhận tiền qua một trong các hình thức như thông qua tài khoản cá nhân hoặc thông qua đơn vị sử dụng lao động.