Báo cáo ban đầu
Ngày 14.7, Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Lộc đã có báo cáo ban đầu về vụ việc sản phụ tử vong khi sinh tại bệnh viện này.
Theo báo cáo, Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Lộc tiếp nhận sản phụ T.T.N. (32 tuổi, trú tại xã Thạch Long, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) vào bệnh viện để sinh lúc 7h05 ngày 13.7.
Quá trình diễn biến bệnh: Sản phụ có thai lần 3, thai 39 tuần, nhập viện trong tình trạng tỉnh, da niêm mạc bình thường, mạch 80l/p, HA 110/70, NĐ 37ºC, cổ tử cung mở 2cm dày cứng, cơn co tử cung tần số 2, ối vỡ hoàn toàn, nước ối vàng. Tại bệnh viện, các bác sĩ xử trí cho đi làm các xét nghiệm, tổng phân tích tế bào máu, nước tiểu, sinh hoá.
Sau khi làm các xét nghiệm, bệnh nhân được theo dõi quá trình chuyển dạ tại Khoa Sản. Vào lúc 8h15 cùng ngày, sản phụ có biểu hiện đau tức ngực, khó thở, tím tái toàn thân, tim nghe không rõ, huyết áp không đo được.
Ngay lập tức, sản phụ được ban trực xử trí cấp cứu ngừng tuần hoàn, đồng thời hội chẩn trực lãnh đạo, trực cấp cứu báo động đỏ toàn viện. Sản phụ đã được hội chẩn và chẩn đoán suy hô hấp ngừng tuần hoàn/thai 39 tuần chuyển dạ đẻ lần 3, ối vỡ sớm/Cơn hen phế quản ác tính/Theo dõi thuyên tắc mạch ối.
Theo Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Lộc, bệnh nhân T.T.N có tiền sử bệnh hen phế quản.
Chỉ định vừa hồi sức vừa mổ cấp cứu để cứu mẹ và con. Sản phụ được mổ, lúc 8h30 ra thai. Cấp cứu hồi sức thai nhi (là bé gái) tích cực trong vòng 30 phút nhưng không kết quả. Người mẹ được hồi sức khâu phục hồi thành bụng, ổn định mạch, huyết động và hội chẩn với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thống nhất chuyển lúc 11h.
Người nhà sản phụ phản ứng
Trao đổi với PV Báo Lao Động, người nhà bệnh nhân rất bức xúc, cho rằng báo cáo của Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Lộc không đúng thực tế.
Theo người nhà bệnh nhân, ngày 12.7, sản phụ T.T.N xuống Phòng khám sản phụ khoa Đức Quân tại khu I, thị trấn Vĩnh Lộc khám thai định kỳ. Phòng khám trên của ông Lê Đức Quân - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Lộc và cũng là người ký báo cáo nhanh gửi Sở Y tế.
Kết quả siêu âm thai sáng 12.7 do bác sĩ Lê Đức Quân kết luận: “Một thai khoảng 39 tuần trong buồng tử cung. Hiện tại thai phát triển bình thường”.
Trước đó, sản phụ T.T.N thường xuyên xuống Phòng khám Đức Quân và được bác sĩ Lê Đức Quân thăm khám định kỳ, tất cả các lần khám thai đều cho kết quả bình thường.
Đến sáng ngày 13.7, sản phụ N có dấu hiệu chuyển dạ, ra dịch hồng, gia đình đưa bệnh nhân xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Lộc, chờ đẻ. Khi nhập viện, mọi siêu âm, xét nghiệm của bệnh viện cho kết quả sinh tồn bình thường, cổ tử cung mở 2cm.
Sau khi xét nghiệm, khoảng hơn 8h, hộ lý dẫn sản phụ N lên tầng hai để vào phòng chờ sinh. Khi di chuyển từ tầng 1 lên tầng 2, sản phụ T.T.N tự đi, tay xách đồ.
Theo phản ánh của người nhà sản phụ, khi lên tầng hai, điều dưỡng viên thực hiện y lệnh, đem dịch để truyền cho sản phụ, đồng thời tiêm 1/2 xilanh thuốc vào đường truyền, còn 1/2 tiêm vào bắp tay. Tiêm xong khoảng 5 - 6 phút, bệnh nhân lên cơ co giật, suy hô hấp, suy tim, lên cơn khó thở.
Người nhà bệnh nhân không biết loại thuốc mà điều dưỡng bơm vào dịch truyền và tiêm trực tiếp vào bắp là loại thuốc gì vì khi tiêm, điều dưỡng không giải thích.
Khi xảy ra sự cố, một điều dưỡng khác vội khóa dịch truyền và sau đó bác sĩ đến, chuyển sang phòng mổ lấy thai nhưng thai nhi khi đưa ra ngoài trắng bạch, tử vong. Trước đó, khi sản phụ lên cơn co giật, thai nhi quẫy đạp rất mạnh.
Cũng theo người nhà sản phụ, khi đưa bệnh nhân xuống Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa, bác sĩ ra tiếp đón thì đồng tử giãn, đo mạch không có, máy chỉ đánh dấu hỏi.
“Ông Quân thông báo sai hoàn toàn, gán cho con tôi là hen phế quản ác tính. Làm dâu 8 năm, tôi chưa thấy con tôi bị hen suyễn bao giờ, con tôi đã sinh 2 đứa con hoàn toàn bình thường. Lâu nay, con tôi không có dùng bất kỳ thuốc hen suyễn nào” - gia đình sản phụ nói.
Người nhà sản phụ T.T.N đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm của hai mẹ con sản phụ.