Người Hà Nội ăn

Huyền Trang |

Hà Nội ngàn năm văn hiến là nơi giao thoa, hội tụ nhiều nét văn hóa tinh tế. Nhắc đến văn hóa, không thể bỏ qua nền ẩm thực tinh túy của người Tràng An. Người dân xứ kinh kỳ nổi tiếng với tính tỉ mẩn, công phu và tao nhã trong chuyện ăn uống. Ăn không cốt ở miếng to, bữa no, mà ăn phải biết thưởng thức. Bởi vậy, câu cổ văn “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” - quý ở phần tinh túy, chứ không quý ở sự nhiều - quả thực đúng để nói về thú ăn uống của người Hà Nội.

Quý hồ tinh, bất quý hồ đa

Cái tinh ở gu ẩm thực của người Hà Nội nằm ở chỗ ăn uống là để thưởng thức chứ không cốt lấy no, đáp ứng nhu cầu về vật chất, phồn thực... Từng chi tiết nhỏ trong cách chế biến, thưởng thức của người nấu lẫn người ăn đều thể hiện nét đẹp văn hóa ẩm thực đúc kết qua nhiều thế hệ. Người nấu khéo léo chọn món ngon theo mùa nào thức ấy, nấu gì thết đãi ai, trong hoàn cảnh nào, món nào ăn với món nào, thưởng thức ra sao… đều phải tỉ mẩn.

Là người con sinh ra trong gia đình gốc 7 đời ở phố cổ Hà Nội, từ nhỏ nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết đã được dạy về “công, dung, ngôn, hạnh”, học về “nữ công gia chánh”. Từ khi mới là cô bé chín tuổi, nghệ nhân Ánh Tuyết đã bắt đầu học bà, học mẹ từng việc nhỏ như nhặt rau, vo gạo, rửa cá, thái thịt… cho đến nấu nướng ra sao, bày biện thế nào để cả nhà có bữa cơm ngon, mâm cỗ đẹp.

“Ông cha ta từ xưa không ăn nhiều nhưng đòi hỏi cái vị rất tinh túy. Trước kia, chỉ có ngày giỗ, ngày Tết mới được ăn thịt gà, nhưng cái chất, cái tinh túy thì khác hẳn ngày nay. Nên bây giờ, người sành ăn đi tìm cái tinh chứ không tìm số lượng”, nghệ nhân Ánh Tuyết chia sẻ.

Bún chả kẹp que tre nướng đặc trưng của Hà Nội. Ảnh: PHẠM HUYỀN
Bún chả kẹp que tre nướng đặc trưng của Hà Nội. Ảnh: PHẠM HUYỀN

Từ những câu chuyện thủ thỉ hàng ngày với bà, với mẹ, cho đến lời chỉ bảo của cha trong bữa cơm thường ngày, đam mê ẩm thực cứ thế trở thành lẽ tự nhiên với bà.

Theo bà, một bữa ăn ngon phải tổng hòa từ những điều nhỏ nhất. Một bữa ăn tưởng như đơn giản nhưng lại chứa đựng cả cái hồn của thiên nhiên, đất trời gói trong từng món. Mùa nào thức nấy, xuân về hoa bưởi nở trắng vườn, chị em trong nhà rủ nhau hái hoa ướp mía. Hè mát trời, bữa cơm sẽ ngon hơn với đĩa rau muống luộc. Mùa thu hanh hao không gì bằng ăn một bát bún ốc nguội. Trời sang đông rét mướt, cả nhà quây quần ăn xôi sắn rưới mỡ hành.

Nghệ nhân Ánh Tuyết dẫn chứng: “Đơn cử như món bún ốc nguội. Trời thu, gió heo may về, cái thứ nước chấm bún có vị thanh dịu của dấm bỗng, chút cay cay của ớt chưng làm con người ta bớt cảm giác hanh hao nơi cổ họng”.

Kế đến là cái tinh tế từ khâu lựa chọn nguyên liệu. Từ nhỏ, bà Ánh Tuyết cũng như chị em xách làn đi chợ phải biết chọn từ củ gừng, củ tỏi ngon, phân biệt quả cà chua nào thì nhiều bột, ít hạt, hay miếng bóng nào sạch, không hôi…

Gia vị trong ẩm thực Hà Nội vô cùng phong phú, “có đôi có cặp” với từng món ăn. Rau muống xào kiểu xưa phải có chút mắm tôm, tía tô đi với bún ốc, bún đậu mắm tôm tròn vị không thể thiếu rau kinh giới…

Khâu chế biến càng không thể qua loa ở bất kỳ một bước nào. Ví như bát canh cá rô đồng, con cá bé xíu phải luộc vừa chín tới, lọc xương thật khéo cho miếng thịt không nát bấy. Phần xương cá đem giã nhuyễn, lọc lấy nước ngọt, nấu cùng cải mơ. Thịt cá rô rim trong nước mắm mặn pha chút nước cho loãng, đập thêm miếng gừng ta thật thơm. Khi ăn, miếng thịt cá được bày lên trên bát canh cá rô, tỏa hương thơm, ngọt, thể hiện sự cầu kỳ, tâm huyết của người nấu, bà Ánh Tuyết phân tích.

Nghệ nhân Ánh Tuyết quan niệm, đã nấu món Hà Nội phải đúng chất ẩm thực Hà Nội, không nên pha lẫn, lai tạp các nguyên liệu, công thức từ nơi khác. “Có như vậy mới giữ gìn được cốt cách, tinh túy của ẩm thực Hà Nội, để văn hóa ẩm thực Việt không mai một theo thời gian”, bà tâm niệm.

Phở gà Hà Nội truyền thống. Ảnh: PHẠM HUYỀN
Phở gà Hà Nội truyền thống. Ảnh: PHẠM HUYỀN

Thú ăn uống tao nhã

Văn hóa ẩm thực của người Tràng An không chỉ dừng lại ở nấu ăn ngon, trình bày đẹp mắt mà còn thể hiện trong cách ứng xử thanh tao trên bàn ăn. Xếp chỗ ngồi thế nào, bày mâm cơm sao cho đẹp mắt, món nào ăn trước, món nào ăn sau… tất cả thực ra đều là nghệ thuật. Một bữa ăn hấp dẫn trước hết ở thị giác, khứu giác, vị giác cho đến cả xúc giác, thính giác.

Theo nghệ nhân Ánh Tuyết, phép tắc thưởng thức trên bàn ăn của người Hà Nội là thứ tạo nên cả một nếp nhà. “Thuở nhỏ, mẹ dạy con gái khi cho rau luộc, rau xào ra đĩa phải xốc thế nào cho tơi, để rau không cuốn vào nhau, thuận tiện cho người gắp. Khi ngồi vào mâm có nhiều món ăn, nên gắp món nào trước, món nào sau cho phải phép, không bị xem như thiếu nề nếp, tế nhị”.

Từ bếp dọn thức ăn ra đĩa ra sao, ngồi vào bàn ăn, thưởng thức món ăn thế nào, đều phải theo quy củ, sao cho tinh tế, thanh lịch, toát lên cái thần của người Hà Nội, nghệ nhân Ánh Tuyết chia sẻ.

Với người Hà Nội, một món ăn ngon mà ngồi cùng người không phù hợp, chỗ ngồi không sạch sẽ hay hoàn cảnh không thuận tiện thì cũng hóa dở. Một món ăn chế biến khéo léo, phục vụ đúng cách, đúng chỗ, dẫu nguyên liệu có đạm bạc nhất cũng hóa cao lương, mỹ vị trong mắt người thưởng thức.

“Thủa nhỏ, tôi nấu đĩa bóng xào ngày lễ Tết, cụ thân sinh của tôi chỉ cần cắn một miếng là biết con gái nấu chuẩn hay chưa. Miếng bóng khi cắn không được khô, cũng không được nát mà phải xốp, beo béo, ngấm đẫm vị nước tôm he. Ông phân tích từng li từng tí, để con cái hiểu cách nấu đã đạt được tiêu chí của từng món hay chưa”, nghệ nhân Ánh Tuyết nhớ lại.

Từ “cái khó tính” của người Hà Nội xưa mà các chàng trai, cô gái được học cách ứng xử, thưởng thức trên bàn ăn chuẩn mực, thanh tao trước khi đến tuổi được dựng vợ, gả chồng.

Phong cách ăn uống của người Hà Nội lịch lãm, tế nhị, phù hợp với từng buổi, từng mùa và bản chất của từng món ăn. Tỉ dụ như khi ăn cốm, người Hà Nội chẳng bao giờ vội vã. Thưởng thức thứ quà giản dị, thanh khiết của đồng quê, người ăn phải chậm rãi nhâm nhi từng chút ít, vừa ăn vừa suy ngẫm, cảm nhận hương thơm của lúa mới hòa vào mùi lá sen thanh mát. Cốm mới dẻo mềm, ngọt nhẹ, thêm chén trà mạn trong buổi chiều thu thật là thi vị.

Nếu ví văn hóa ẩm thực Việt Nam như một bức tranh lớn thì có lẽ, ẩm thực Hà Nội sẽ là mảng màu đa sắc, rực rỡ nhất. Từng nét cọ họa nên hồn cốt của ẩm thực Hà thành không chỉ có phần sắc, mà còn ẩn chứa cả hương. Hữu xạ tự nhiên hương, để rồi qua ngàn năm, cái thanh lịch, tao nhã của ẩm thực xứ kinh kỳ vẫn là câu chuyện tự hào được ngợi ca, nhớ mãi.

Huyền Trang
TIN LIÊN QUAN

Người Hà Nội đội mưa, đội gió đi lễ trong ngày mùng 1 cuối cùng năm Quý Mão

Hồng Diệp - Hiệp Phạm |

Ngày mùng 1 âm lịch cuối cùng của năm Quý Mão, dù thời tiết mưa phùn từ sáng sớm nhưng dòng người vẫn đổ về nườm nượp để lễ bái, cầu tài lộc, bình an tại Phủ Tây Hồ, và một số ngôi chùa khác tại Hà Nội.

Khởi động cuộc thi “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh 2023”

Thanh Hương |

Cuộc thi hùng biện “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh 2023” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hà Nội chính thức được phát động.

Một thoáng Trung thu truyền thống của người Hà Nội xưa

Nhật Minh |

Thay vì chen chân trong những nơi đông đúc để chụp ảnh check-in, nhiều bạn trẻ tìm đến không gian Trung thu xưa cũ để tìm hiểu về ngày Tết đoàn viên.

Doanh nghiệp nhộn nhịp mở hàng

PHAN ANH |

Trong dịp Tết Nguyên đán, không ít trạm, đội có hoạt động thông quan tại các tỉnh thành duy trì trực 100% quân số làm nhiệm vụ để đảm bảo giải quyết thủ tục hải quan thông thoáng, nhanh chóng cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.

Chiều nay, giá xăng dầu dự báo tăng mạnh

Anh Tuấn |

Giá xăng dầu ngày 15.2 được dự báo tăng theo xu hướng thế giới. Nếu cơ quan quản lý không chi quỹ bình ổn, giá xăng E5 RON 92 và xăng RON 95 có thể tăng 600-700 đồng/lít.

Hơn 10,5 triệu lượt khách vui chơi trên cả nước dịp Tết

Chí Long |

Nhiều địa phương trọng điểm du lịch trên cả nước ghi nhận đón lượng khách tăng cao, doanh thu du lịch tăng trưởng khả quan dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Người dân đi lễ hội, chiêm bái văn minh dịp Tết

Ngọc Trang |

Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, năm nay, lượng người dân, du khách tham gia lễ hội đầu xuân, chiêm bái tại các chùa chiền, di tích, khu du lịch tâm linh vẫn rất đông. Tuy nhiên, đa số người dân đều du xuân, lễ bái văn minh, tiết kiệm, giảm bớt tình trạng biến tướng, lệch chuẩn so với các năm trước.

Đề xuất đóng mới hoàn toàn đội tàu du lịch bên vịnh Bái Tử Long

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Để mở rộng không gian phát triển du lịch vịnh Hạ Long sang bên vịnh Bái Tử Long, ban đầu, một số đơn vị liên quan từng đề xuất đưa một số tàu đang hoạt động bên vịnh Hạ Long sang để phục vụ du khách. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, nên đóng tàu mới hoàn toàn và ở đẳng cấp cao, với số lượng giới hạn, cùng các sản phẩm cao cấp, khác biệt với bên vịnh Hạ Long.

Người Hà Nội đội mưa, đội gió đi lễ trong ngày mùng 1 cuối cùng năm Quý Mão

Hồng Diệp - Hiệp Phạm |

Ngày mùng 1 âm lịch cuối cùng của năm Quý Mão, dù thời tiết mưa phùn từ sáng sớm nhưng dòng người vẫn đổ về nườm nượp để lễ bái, cầu tài lộc, bình an tại Phủ Tây Hồ, và một số ngôi chùa khác tại Hà Nội.

Khởi động cuộc thi “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh 2023”

Thanh Hương |

Cuộc thi hùng biện “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh 2023” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hà Nội chính thức được phát động.

Một thoáng Trung thu truyền thống của người Hà Nội xưa

Nhật Minh |

Thay vì chen chân trong những nơi đông đúc để chụp ảnh check-in, nhiều bạn trẻ tìm đến không gian Trung thu xưa cũ để tìm hiểu về ngày Tết đoàn viên.