Nỗi trăn trở của người đi xe gắn máy

Huyền Trân |

Tại một hội thảo về giao thông đô thị TPHCM tổ chức ngày 20.4, một số chuyên gia cho rằng, xe gắn máy chính là thủ phạm gây kẹt xe cho thành phố, do vậy cần phải cấm hẳn và tiến tới loại bỏ phương tiện này ra khỏi hệ thống giao thông đô thị của thành phố. Không lâu sau đó, ngày 27.4, dưới góc độ cơ quan quản lý, Sở GTVT cũng tuyên bố “Chắc chắn phải hạn chế xe cá nhân thời gian sắp tới”. Trong khi đó, nếu cấm xe gắn máy thì đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là hàng triệu người dân thành phố, nhưng các cơ quan quản lý có hiểu được tâm tư, nỗi trăn trở của người đi xe gắn máy như thế nào? Rồi nếu cấm xe gắn máy thì người dân đi lại bằng gì? Xe buýt thành phố liệu có đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân không?....

Đi xe máy vì không có lựa chọn khác tốt hơn

Khi nghe tôi đề cấp đến việc dự kiến sắp tới TPHCM sẽ cấm xe gắn máy để giải quyết vấn đề kẹt xe, anh Nguyễn Văn Dưỡng (đang thuê nhà trọ trên đường Nguyễn Duy Trinh, Q.2 và làm việc tại một Cty tư vấn trên đường Điện Biên Phủ, Q.3), tâm tư chia sẻ: “Có ai muốn đi xe gắn máy đâu. Ai mà chẳng muốn đi xe ô tô, xe buýt, tàu điện ngầm. Người dân chọn xe gắn máy để làm phương tiện đi lại cũng là chuyện cực chẳng đã mà thôi. Đi xe máy vừa nắng nóng, mưa ngập, khói bụi lại không an toàn. Nhưng khổ nỗi, nếu người dân chúng tôi không đi xe máy thì thử hỏi anh bây giờ có phương tiện nào tiện lợi hơn thay thế được không?”.

Theo anh Nguyễn Văn Dưỡng, đa phần người đi xe gắn máy hiện nay có mức thu nhập từ trung bình khá trở xuống (vì người giàu có phần lớn đi lại bằng ô tô). Với mức thu nhập trung bình khá trở xuống, nếu lựa chọn phương tiện đi lại tiết kiệm nhất thì gần như ai cũng biết đó là phương tiện công cộng (chi phí đi lại rẻ hơn xe gắn máy, tránh được mưa nắng, ít tai nạn…). Tuy nhiên, thực tế thì hệ thống công cộng của thành phố hiện nay chỉ mới có xe buýt, còn tàu điện ngầm dù đã triển khai từ một chục năm qua đến nay vẫn chưa có tuyến đi vào hoạt động. Trong khi đó, hệ thống xe buýt thì vẫn chưa tiện lợi về luồng tuyến, chất lượng dịch vụ lại kém, bỏ đón khách, chậm trễ giờ…

Nói về lý do cực chẳng đã phải chọn xe gắn máy đi lại mà không phải là xe buýt, bà Nguyễn Thị Hậu (Phường Tân Quý, Q.Tân Phú), cho rằng: “Tôi thuê nhà sống ở đường Độc Lập, Q.Tân Phú, nhưng đi làm giúp việc nhà cho người quen tại đường Trương Định, quận 3. Với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng, tôi cũng biết rằng nếu đi lại bằng xe buýt thì mỗi ngày chỉ tốn tối đa 20.000 đồng (cả đi lẫn về). Nhưng sau vài lần đi xe buýt, tôi thấy bất tiện đủ điều nên cuối cùng đành phải mua xe gắn máy cũ 3,5 triệu đồng để đi lại hằng ngày.

Cái bất tiện lớn nhất hiện nay là từ nhà tôi muốn đến chỗ làm phải đi đến hai chặng xe buýt, thay vì nếu có một chặng liên tục thì đỡ mất thời gian hơn. Cụ thể: Từ nhà, tôi phải bắt xe buýt đến trạm trung tâm chợ Bến Thành, sau đó từ đây, tôi lại phải chờ đợi để bắt tiếp chuyến xe buýt có lộ trình đi qua đường Trương Định thì mới đến được chỗ làm. Và cứ mỗi lần đón xe buýt là mất khoảng 10 đến 15 phút, thậm chí có khi mất gần nửa tiếng đồng hồ vì xe buýt không dừng đón khách. Sau nhiều lần bị động, đến nơi làm trễ cả tiếng đồng hồ bị chủ la rầy nên tôi quyết định mua xe gắn máy cà tàng đi làm, dù biết rằng chi phí cao hơn, nhưng không còn cách nào khác”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Lan (làm công nhân may tại KCN Tân Bình), chia sẻ: “Tôi thuê nhà ở đường Tân Kỳ Tân Quý, từ chỗ thuê đến chỗ làm khoảng 5 cây số. Hiện nay xe buýt cũng chỉ đến cổng KCN, chứ không vào đến Cty tôi đang làm. Vì vậy, nếu cấm xe máy mà buộc đi làm bằng xe buýt thì tôi phải cuốc bộ thêm ít nhất gần 2 cây số nữa từ cổng KCN vào đến Cty thì chẳng còn sức đâu mà làm việc”.

Đó là với những người làm công việc ổn định một chỗ, còn đối với những người làm các công việc phải chạy nhiều nơi để liên hệ công việc thì mới thấy được xe gắn máy tiện hơn xe buýt như thế nào. Sau khi có thông tin đề xuất cấm xe gắn máy, anh Nguyễn Cường, một nhân viên làm thủ tục xuất hàng, trăn trở: “Công việc của tôi là chạy ra cảng thanh lý tờ khai hải quan, chạy đến cơ quan kiểm dịch xin cấp chứng thư, chạy đến cơ quan giám định phun trùng để xin cấp chứng thư, chạy đến Phòng quản lý xuất nhập khẩu TPHCM xin cấp C/O, chạy lên ngân hàng đề xuất trình chứng từ….Và mỗi công việc như vậy phải mất thời gian đi tới đi lui 2-3 lượt mới hoàn tất. Với luồng tuyến xe buýt thành phố hiện nay chưa kết nối khoa học, nhiều khi 2 tuyến đường cách nhau trong bán kính 2 -3 cây số, nhưng muốn đi phải qua ít nhất 2 chặng xe buýt, rồi chờ đợi đón xe của 2 chặng này cũng mất khoảng 20-30 phút, giá vé đi cho 2 chặng (10.000 đồng), trong khi nếu đi xe gắn máy chỉ 5 phút là đến nơi, chi phí cũng rẻ hơn đi xe buýt trong trường hợp này”.

Đường phố tại TPHCM thường xuyên quá tải. Ảnh: M.Q

 

Nếu giao thông công cộng tiện lợi, dân ắt sẽ bỏ xe gắn máy

PGS, TS Phạm Xuân Mai, ngoài đề xuất cấm hẳn xe gắn máy rồi tiến tới loại bỏ phương tiện này ra khỏi hệ thống giao thông đô thị thành phố, ông còn đưa ra một con số khiến mọi người giật mình. Đó là, thiệt hại về mặt kinh tế do xe gắn máy gây ra cho thành phố mỗi năm ước khoảng 6 tỉ USD – tức tương đương 130.000 tỉ đồng/năm.

Nói như nhiều người, đó là một sự “kết tội” đối với xe gắn máy để đi đến cái đích cuối cùng là đề xuất cấm phương tiện này. Thật là không công bằng nếu chỉ “kết tội” xe gắn máy mà không nhìn nhận ở góc độ nào đó lâu nay chính xe gắn máy cũng góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Như đã đề cập, việc lựa chọn xe gắn máy làm phương tiện đi lại hiện nay của người dân, đơn giản vì phương tiện vận tải công cộng thành phố chưa phát triển tốt và không đáp ứng nổi nhu cầu đi lại của người dân. Mà phương tiện vận tải công cộng phát triển không tốt đâu phải lỗi của người dân. Thử nghĩ, nếu lâu nay, không có chiếc xe gắn máy giúp hàng triệu người dân làm phương tiện đi lại để phục vụ cho công việc, hoạt động kinh doanh hằng ngày thì liệu kinh tế xã hội có phát triển như ngày hôm nay không?

Không ai có thể phủ nhận, hiện nay xe máy tại TPHCM quá nhiều, nhiều đến mức khiến đường sá không thể… “nhúc nhích”. Và đến lúc chính quyền phải có giải pháp để giảm việc sử dụng xe gắn máy thì may ra mới giải quyết được bài toán kẹt xe đang ngày càng trầm trọng. Để giảm việc sử dụng xe gắn máy trong dân thì không nên áp dụng bằng các biện pháp hành chính như cấm đoán hoặc gây khó cho người dân, mà thay vào đó thành phố phải cấp thiết tìm giải pháp phát triển nhanh hệ thống vận tải hành khách công cộng. “Lâu nay, thành phố hô hào đầu tư, phát triển mạnh cho hệ thống vận tải công cộng, song thật sự việc phát triển vẫn còn khá ì ạch. Đơn cử như chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến tàu điện ngầm, đường sắt trên cao đã có từ hơn một chục năm nay, nhưng thực tế đến nay vẫn chưa xong được tuyến nào. Còn hệ thống xe buýt, chỉ phát triển tốt được vài năm (từ 2002 đến khoảng 2010), sau đó thì sự phát triển này chựng lại, luồng tuyến bất hợp lý, xe buýt thì xuống cấp, chất lượng dịch vụ còn tệ… Cứ với cái đà phát triển kiểu như vậy, thì làm sao có thể kêu gọi người dân giảm sử dụng xe gắn máy được” – luật sư Trần Quốc Minh (Đoàn luật sư TPHCM), thẳng thắn góp ý.

“TPHCM không thể hạn chế xe gắn máy nếu người dân không có phương tiện tốt hơn để thay thế đó là vận tải công cộng” –tiến sĩ Phạm Sanh nói. Vì vậy, theo TS Phạm Sanh, thành phố cần phải có những đột phá trong phát triển hệ thống vận tải công cộng, chứ không thể phát triển chậm chạp như lâu nay. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thành phố không nên quá kỳ vọng chỉ trông chờ vào các tuyến metro, bởi để xây dựng một tuyến metro vừa rất tốn kém vừa mất nhiều năm mới xong. Do vậy, thành phố nên phát triển mạnh cùng một lúc nhiều phương tiện vận tải công cộng khác nhau như: Xe buýt nhanh (BRT), xe buýt, xe điện mặt đất, metro…

Trong khi đó, TS Lương Hoài Nam cũng góp ý thêm rằng, giải pháp mang tính đột phá là thành phố cần mạnh dạn thay đổi hoàn toàn hệ thống và quản lý điều hành xe buýt hiện nay sang hình thức các tập đoàn tư nhân. Từ đó sẽ dẫn đến sự thay đổi một loạt các hoạt động xe buýt như: mạng lưới, luồng tuyến, dịch vụ, vé thông minh, tạo thuận tiện để thu hút người dân.

“Tôi tin chắc khi hệ thống vận tải công cộng phát triển tốt, tạo được sự đi lại thuận lợi cho người dân trong cuộc sống hằng ngày thì không cần hạn chế người dân cũng tự động bỏ việc sử dụng xe gắn máy” – luật sư Trần Quốc Minh khẳng định. 

Theo Sở GTVT TPHCM, mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP đến nay có 142 tuyến xe buýt có trợ giá và không trợ giá, 54 tuyến vận chuyển công nhân, 141 trường học tham gia chương trình đưa rước học sinh đi học bằng xe đưa rước theo hình thức hợp đồng có trợ giá. Với hệ thống xe buýt hiện nay của TPHCM chỉ mới đáp ứng được khoảng 10-12% nhu cầu đi lại của người dân thành phố.

Huyền Trân
TIN LIÊN QUAN

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Khách Trung Quốc đổ xô đặt tour nước ngoài dịp Tết Nguyên đán

Thúy Ngọc |

Dịp Tết Nguyên đán, yêu cầu đặt tour dịch vụ du lịch của khách Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á tăng 1026% so với cùng kỳ năm ngoái.