Từ 800.000 đồng khởi nghiệp đến trang trại gà tiền tỉ
Nhắc về những kỷ niệm khi mới khởi nghiệp, ông Hướng cho biết, trước đây vốn đi dạy học ở trường Tiểu học Minh Hòa (Dầu Tiếng), vợ làm công nhân. "Năm 1994, tôi bắt đầu khởi nghiệp ở vùng đất này với số vốn 800.000 đồng. Tôi dạy học ở trường tiểu học, sau đó, bà con cô bác hàng xóm giúp đỡ vay vốn mua đất và vay vốn ngân hàng để làm trang trại"- ông Hướng chia sẻ.
Trước đây, ông Hướng chăn nuôi gà và có thời điểm gặp thất bại tưởng như không thể đứng lên nổi. "Đáng nhớ nhất là năm 2003, tôi nuôi 4 trại gà hở, đúng năm dịch cúm gia cầm. Gà đến ngày xuất bán rồi mà bị dịch cúm phải hủy hết 30.000 con, khoảng 100 tấn thịt. Lúc đó tưởng chừng như là xuống, xuống luôn rồi đó. Nhưng ngân hàng tiếp tục cho vay vốn, tôi chuyển hướng đầu tư trại kín, hạn chế được dịch bệnh và bắt đầu lấy lại được vốn" - ông Tống Văn Hướng kể.
Hiện ông Hướng có 8 trại lạnh với 16.000-17.000 con/trại, thu nhập 8 tỉ đồng/năm, xây dựng phát triển 8 mô hình nhà yến với diện tích 250m2/nhà yến, thu hoạch từ 10-15 kí yến/tháng (khoảng 300 triệu/tháng)...
Theo những lão nông ở Bình Dương, khoảng 20 năm về trước, ông Tống Văn Hướng là một trong những người đầu tiên đưa mô hình nuôi gà chuồng lạnh về Bình Dương. Về sau, ông sử hữu 7 trại gà lạnh. Từ thành công của ông Hướng, phong trào đầu tư vốn chăn nuôi hiện đại, khép kín đã lan tỏa đến những nông dân khác trong tỉnh.
Chuyển hướng trồng cây ăn trái
Dần dần, ông Hướng chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, nhưng ban đầu cũng rất khó khăn vì thiếu vốn. Để có đầu tư cho mỗi ha cây ăn trái và tạo nên trang trại với khu vườn xanh và sạch, cần từ 500-700 triệu đồng. Nếu sản xuất nhỏ lẻ thì người nông dân rất khó để tiếp cận nguồn vốn để đầu tư.
Ông Hướng đã suy nghĩ và liên kết với các nông dân khác thành lập Hợp tác xã nông nghiệp để có thể vay vốn đầu tư và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho những lao động tại địa phương.
Đến năm 2018, ông Hướng cùng các hội viên khác thành lập Hợp tác xã Minh Hòa Phát do ông làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX. Đến nay, tổng diện tích cây ăn trái của Hợp tác xã Minh Hòa Phát khoảng 150ha. Trong đó, bưởi da xanh 50ha, quýt đường 50ha, cam sành 20ha... Mô hình trồng cây ăn quả của của hợp tác xã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Hằng năm, thu nhập từ trang trại khoảng 12 tỉ đồng.
"Riêng trang trại của tôi có khoảng 25ha, tất cả đều tự động hết. Khó khăn lớn nhất năm nay là thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, chu kỳ của cây ăn trái không như mọi năm khiến sản lượng thấp. Cũng may là giá cả năm nay ổn, nông dân có lãi. Khoảng nửa năm nay, tôi có thu nhập khoảng 3,5 tỉ đồng"- ông Hướng chia sẻ.
Tạo việc làm cho hàng chục lao động
Từ thành công trong sản xuất, ông Hướng đã tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động với mức thu nhập từ 6-10 triệu đồng mỗi tháng tùy theo công việc. Đến thời vụ thì tạo ra việc làm cho khoảng 100 lao động.