Tăng học phí và tính công ích của giáo dục

Lê Xuân Chiến |

Lâu nay người dân quen với việc đóng học phí thấp, thu không đủ chi, thiếu hụt thì ngân sách “bù”. Giờ đây ngân sách không thể theo mãi kiểu cơ chế đó, nên học phí sẽ dần quay về đúng với thực chất của nó. Tuy nhiên, vẫn có những “ngã rẽ” ưu tiên cho HS, SV nghèo. GD-ĐT nước ta chưa bao giờ theo khái niệm dịch vụ GD-ĐT là dịch vụ thị trường thuần túy. Giáo dục thời nào cũng mang tính phúc lợi xã hội và ý nghĩa nhân văn.

Chưa đến thềm năm học mới nhưng câu chuyện tăng học phí trong năm học tới rất rộn ràng, trở thành mối quan tâm đặc biệt của phụ huynh, học sinh, sinh viên (HS, SV) cả nước. Một thông tin tất nhiên không được vui đối với phụ huynh (PH), HS, SV là : không riêng gì 14 trường ĐH được giao quyền tự chủ tài chính năm nay mới tăng học phí, mà tất cả các trường từ mầm non, phổ thông trung học đến cao đẳng, đại học đều tăng học phí liên tục từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 theo lộ trình được quy định tại nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định 86). 

Vấn đề tăng học phí có lẽ trở nên nóng hơn từ khi trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội thông báo tăng học phí gần 30% đối với năm học 2016-2017, gặp sự phản ứng gay gắt của người học. Không chỉ trường ĐH này mà nhiều trường ĐH khác cùng với những trường bậc trung học ở các tỉnh thành khi tăng học phí đều gặp phản ứng tương tự của dư luận. 

Vì sao tăng học phí ? 

Chi phí cho giáo dục rất lớn, năm 2015 tỷ lệ chi cho giáo dục trên GDP là 8.3%, trong khi đó sự lạm phát tăng, đồng tiền mất giá, giá cả hàng hóa, dịch vụ đều tăng vọt. Người dân hiện nay chi trả 40% chi phí giáo dục, 60% còn lại do ngân sách nhà nước chi trả. 

Theo xu hướng xã hội hóa giáo dục, việc tăng học phí là tất yếu, phải tăng để bổ sung nguồn thu còn thiếu hụt trong nhiệm vụ bảo đảm chất lượng đào tạo. Thực ra, do cơ chế bao cấp giáo dục từ rất lâu, đến nay học phí ở nước ta, nhất là học phí bậc đại học vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới. 

Không phải bây giờ mà ngay từ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI (năm 2005), nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từng đề nghị “không nên bao cấp tràn lan trong giáo dục nữa, đồng thời chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các loại hình giáo dục”. Lâu nay người dân quen với việc đóng học phí thấp, thu không đủ chi, thiếu hụt thì ngân sách “bù”. Giờ đây ngân sách không thể theo mãi kiểu cơ chế đó, nên học phí sẽ dần quay về đúng với thực chất của nó. 

Tăng như thế nào ? 

Nghị định 86 của Chính phủ quy định, từ năm học 2016-2017, học phí đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố. Theo đó, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn mình. 

Đối với học phí bậc đại học, cao đẳng, trung cấp công lập, mức tăng học phí theo lộ trình, Nghị định 68 đã quy định mức trần (mức cao nhất) học phí đối với khối ngành, chuyên ngành đào tạo theo từng năm học hoặc 2 năm học/lần cho đến năm học 2020-2021. 

Mức trần học phí đối với các trường tự chủ về tài chính năm học 2016-2017 từ 1.750.000 - 4.400.000 đồng/SV/tháng. Mức trần học phí đối với các trường chưa tự chủ về tài chính từ 670.000 đến 970.000 đồng/SV/ tháng (tùy theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo). 

Đến năm học 2020 - 2021, mức trần học phí tăng lên đến mức từ 2.050.000 đến 5.050.000 đồng/SV/tháng đối với các trường tự chủ về tài chính, từ 980.000 - 1.430.000 đồng/SV/tháng đối với các trường chưa tự chủ về tài chính. Căn cứ vào mức trần trên, các trường ĐH sẽ có thể tăng học phí chạm đến mức trần hoặc thấp hơn. 

Vì sao phụ huynh, người học phản ứng ?/ Nghị định 86 được ban hành và áp dụng từ ngày 02/10/2015 nhưng do công tác truyền thông chưa tốt, nhiều PH, HS, SV hết sức bất ngờ, không rõ ngọn ngành của việc tăng học phí nên họ bị sốc. Một số trường ĐH, CĐ, THPT tăng học phí từ 30% đến 50% so với mức cũ, dù còn dưới mức trần nhưng vẫn đột ngột đối với PH, HS, SV. 

Trong khi đó, truyền thông báo chí “có nơi, có lúc” đã "cường điệu" việc tăng học phí, làm cho vấn đề càng nóng thêm. Dư luận càng bức xúc khi trên facebook có người (được cho là một giảng viên của trường ĐH nọ) nói rằng, trong nền kinh tế thị trường, giáo dục ĐH là một loại hàng hóa, trường ĐH là nơi bán hàng hóa, dịch vụ giáo dục và đào tạo. 

Một số người hơi nóng vội khi cho rằng tăng học phí nhưng trường ĐH phải đảm bảo chất lượng đào tạo, SV ra trường phải có việc làm. Phụ huynh và người học có quyền đòi hỏi về chất lượng giáo dục. Tăng học phí để đảm bảo chất lượng đào tạo, nhưng trước hết là để đảm bảo điều kiện “cần” chứ chưa phải là điều kiện “đủ” để tăng chất lượng đào tạo. 

Học phí tăng, chưa hẳn chất lượng đào tạo tăng và không thể tăng một sớm một chiều cùng với sự tăng học phí. “Tiền nào của nấy” nhưng phải trải qua quá trình và quá trình ấy lâu hay mau lại phụ thuộc vào việc sử dụng nguồn học phí ra sao, có hiệu quả không. Đó là chưa nói chất lượng đào tạo còn phụ thuộc sự chủ động của người học. 

Còn vấn đề SV ra trường có việc làm, bản thân trường ĐH khó có thể, chính xác là không thể đảm bảo được. Vấn đề SV có việc làm hay không còn phụ thuộc vào tình trạng cung - cầu lao động, ngành nghề đào tạo, kết quả học tập và năng lực cạnh tranh của người học. 

Giáo dục là hàng hóa, dịch vụ ?

Xin trở lại chuyện có người nói rằng, trong nền kinh tế thị trường, giáo dục là một loại hàng hóa, trường ĐH là nơi bán hàng hóa, dịch vụ GD-ĐT. Nếu chính danh, không ngụy tạo, câu nói thực sự là của một giảng viên ĐH thì có phần bất nhẫn và lệch lạc về mặt tư tưởng, nhưng về mặt lý thuyết kinh tế thì không có gì sai, và quan điểm ấy rất thẳng thắn, rõ ràng. Giáo dục ĐH là một hàng hóa, dịch vụ vì nó có cung cầu, chủ đầu tư, khách hàng, sản phẩm, cạnh tranh, thậm chí có “tiếp thị, quảng bá” sản phẩm và môi trường “đầu tư”, “lợi nhuận”. 

Nhưng nó là một “hàng hóa đặc biệt”, muốn “mua” hàng hóa đó không phải dễ (phải có trí tuệ, khả năng tiếp thu, nghiên cứu ...), giá trị hàng hóa đó không tuân theo quy luật kinh tế nào, bởi vì sản phẩm trí tuệ không thể quy đổi bằng tiền, không thể mặc cả bán mua. Hàng hóa, dịch vụ GD-ĐT còn đặc biệt bởi nó mang tính công ích, nhà nước vừa quản lý, kiểm soát vừa đầu tư, hỗ trợ cho GD-ĐT qua các chính sách và ngân sách ưu tiên cho GD-ĐT. Nhà nước chi khoảng 20% ngân sách cho GD-ĐT. Người học dù có đóng học phí nhưng ngân sách nhà nước vẫn phải chi đến 60% chi phí giáo dục. 

Tuy tăng học phí nhưng nhà nước vẫn có những chính sách hỗ trợ đối với HS, SV. Theo Nghị định 86, HS-SV hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, gia đình khó khăn đột xuất ... được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. SV học các ngành đặc thù như sư phạm, công an, quân đội, năng lượng nguyên tử, chuyên ngành Mác - Lê nin, tư tưởng HCM, một số ngành y khoa cộng đồng (Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh), người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp cũng được miễn học phí. HS, SV các ngành nghệ thuật truyền thống được giảm 70% học phí. HS, SV hộ nghèo, khó khăn có thể vay vốn hỗ trợ học tập của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) với mức vay tối đa là 1.100.000 đồng/tháng/HS, SV, lãi suất 6.5%/ năm. Trong vòng 1 năm, sau khi HS, SV ra trường có việc làm, có thu nhập thì NHCSXH mới thu nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. 

Ngay một số trường ĐH tự chủ vẫn có chương trình học bổng hỗ trợ SV nghèo vượt khó học giỏi (trích từ nguồn thu học phí và các khoản thu từ nguồn liên doanh liên kết đào tạo của nhà trường). 

Qua một số chính sách như vậy ta cũng đủ thấy rằng, học phí tăng nhưng vẫn có những “ngã rẽ” ưu tiên cho HS, SV nghèo. GD-ĐT nước ta chưa bao giờ theo khái niệm dịch vụ GD-ĐT là dịch vụ thị trường thuần túy. Giáo dục thời nào cũng mang tính phúc lợi xã hội và ý nghĩa nhân văn. 

Tăng học phí là một thách thức đối với gia đình nghèo có người đi học. Nhiều phụ huynh phải thắt lưng buộc bụng, vay mượn để cho con ăn học, nay học phí tăng, gánh nặng kinh tế tăng theo. 

Thiết nghĩ, năm học đến, Bộ GD&ĐT và UBND các tỉnh, thành cần chỉ đạo quyết liệt về chống lạm thu ở các trường phổ thông, tiểu học, mầm non. Học phí dù tăng nhưng có chừng mực và lộ trình, các khoản ngoài học phí mới thực sự là gánh nặng của phụ huynh. Cần kiên quyết cấm dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức, không để tình trạng dạy thêm “biến tướng”, lách luật. Học phí tăng, dân khổ, kêu ca phàn nàn, không lý do gì để dạy thêm - học thêm đeo bám mãi. Chi phí cho con học thêm gấp đến 5-7 lần học phí.

Đối với HS đã tốt nghiệp THPT, giấc mơ ĐH là chính đáng nhưng không phải vào ĐH bằng mọi giá. PH và các em cần cân nhắc khả năng kinh tế của gia đình để “đầu tư” hợp lý, hiệu quả trong điều kiện học phí, chi phí học tập ngày càng tăng cao.

Lê Xuân Chiến - xuanchienle@gmail.com

Hãy tham gia Diễn đàn! Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.
Lê Xuân Chiến
TIN LIÊN QUAN

Lì xì mùa Tết hết cả tháng lương

Phương Minh |

"Để chuẩn bị tiền lì xì một mùa Tết đi tong cả tháng lương của tôi, thậm chí phải hơn khi tiền lì xì cũng leo thang theo giá cả" - chị Phạm Ngọc Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ khi được hỏi về việc lì xì đầu năm.

Hàng nghìn người lỉnh kỉnh đồ đạc xuống Ga Thanh Hóa để về quê đón Tết

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão - 2023, tại nhà Ga Thanh Hóa đã đón hàng nghìn người về quê ăn Tết. Tại đây, nhiều người lỉnh kỉnh đồ đạc, “tay xách nách mang” hối hả ra xe người thân chờ sẵn để về đón Tết đoàn viên cùng gia đình.

Người dân chen chân trong siêu thị ngày cận Tết mua hàng giảm giá, bình ổn

THUỲ TRANG |

Đà Nẵng - Với nhiều chương trình bình ổn giá, khuyến mãi, giảm giá, các siêu thị đang thu hút lượng lớn người dân đến tham quan, mua sắm Tết.

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Trách nhiệm cá nhân trong vụ Chủ tịch Vimedimex thâu tóm "đất vàng" ra sao?

Việt Dũng |

Hà Nội - Ngoài bị can Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Vimedimex và 8 người trong vụ dìm giá, thâu tóm 49.000 m2 đất, công an còn nêu trách nhiệm của nhiều cá nhân.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.