Minh bạch tài sản công chức, còn nhiều “khoảng trống”

QUANG ĐẠI |

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, minh bạch tài sản, thu nhập là giải pháp quan trọng, hữu hiệu chống tham nhũng. Hiện nay, Nhà nước đã có quy định về minh bạch tài sản công chức, tuy nhiên, vẫn còn không ít “khoảng trống”.

Tài sản, thu nhập của công chức phải minh bạch

Vừa qua, dư luận tiếp tục “nóng” lên về vấn đề minh bạch, kiểm soát tài sản công chức lãnh đạo ở một số địa phương như Đà Nẵng, Thanh Hóa.

Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao với mức thu nhập của một công chức thì tại sao một số cán bộ lại có thể sở hữu khối tài sản lớn như vậy? Việc kiểm soát thu nhập, minh bạch tài sản của công chức hiện nay được thực hiện như thế nào, hiệu quả, hiệu lực ra sao?

Với sự ra đời của Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2005, chúng ta đã có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng, trong đó quy định cụ thể về minh bạch tài sản của công chức lãnh đạo.

Về đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập, Luật PCTN quy định gồm: Cán bộ từ Phó trưởng phòng của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị;

Một số cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân;

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Các loại tài sản phải kê khai bao gồm:

1. Nhà, quyền sử dụng đất;

2. Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ năm mươi triệu đồng trở lên;

3. Tài sản, tài khoản ở nước ngoài;

4. Thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật.

Theo quy định, bản kê khai tài sản được nộp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người có nghĩa vụ kê khai tài sản.

Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải công khai với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.

Theo Thông tư  08/2013/TT-TTCP ngày 31.10.2013 của Thanh tra Chính phủ Hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ngoài việc công khai tại nơi thường xuyên làm việc còn phải công khai tại hội nghị cử tri theo quy định của Hội đồng bầu cử.

Hình thức công khai có thể công bố tại Hội nghị hoặc niêm yết công khai.

Tuy nhiên, Thông tư 08 cũng quy định, việc khai thác thông tin liên quan đến bản kê khai tài sản, thu nhập của công chức phải được thực hiện theo quy định; Người tiết lộ thông tin hồ sơ xác minh tài sản, thu nhập khi chưa được người có thẩm quyền cho phép thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Mặc dù vậy, hiện nay không có quy định cấm hay chế tài xử lý hành vi phát tán thông tin tài sản, thu nhập của công chức.

Còn nhiều “khe hở”

Về nguyên tắc xử lý hành vi tham nhũng, tại Điều 4, Luật PCTN đã thể hiện quyết liệt:

“1. Mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh.

2. Người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị, chức vụ nào phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

4. Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát hiện, tích cực hạn chế thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng thì có thể được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật, giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

5. Việc xử lý tham nhũng phải được thực hiện công khai theo quy định của pháp luật.

6. Người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn phải bị xử lý về hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện”.

Mặc dù vậy, trong các quy định hiện hành, hầu như việc kê khai tài sản chủ yếu dựa vào tính tự giác của công chức. Việc xác minh chỉ được tiến hành khi có đơn thư tố cáo, hay căn cứ khác cho rằng công chức có biểu hiện tham nhũng.

Nếu trong quá trình xác minh, phát hiện công chức kê khai, giải trình không trung thực thì công chức phải chịu kỷ luật, từ khiển trách, cảnh cáo, cho đến cách chức, bãi nhiệm.

Hiện chưa có quy định thu hồi, sung công số tài sản mà công chức không giải trình được, hoặc giải trình không thuyết phục.

Đây là kẽ hở không nhỏ, dẫn đến không ít công chức có khối tài sản lớn bất thường, nhưng không có chế tài xử lý, nên họ vẫn “ung dung”.

UBND TP Đà Nẵng phản hồi thông tin về việc kê khai tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ

Liên quan đến vấn đề trên, Điều 53 Luật PCTN năm 2005 đã quy định: “Chính phủ trình Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn”.

Tuy nhiên, đến nay, chưa có văn bản pháp quy nào về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Vừa qua, trong báo cáo của HĐND tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, đều có nội dung: Việc kê khai tài sản của công chức chủ yếu phụ thuộc vào tính tự giác, tự chịu trách nhiệm của công chức, nên không kiểm soát được và không thể xác định có chính xác hay không.

Cần minh bạch, triệt để

Những nguyên tắc xử lý hành vi tham nhũng trong Luật PCTN cần nhanh chóng được cụ thể hoá, với các văn bản quy phạm pháp luật, đầy đủ chế tài có hiệu lực thực thi.

Trong trả lời báo Lao Động mới đây, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng, theo nguyện vọng của cử tri và người dân thì cần công khai rộng rãi bản kê khai tài sản của tất cả các cán bộ Đảng viên có chức có quyền để mọi người dân đều biết và giám sát.

Việc thực hiện nguyện vọng nói trên không khó, trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay. Đành rằng các thông tin về tài sản, thu nhập cá nhân có phần nhạy cảm; song đã là cán bộ, công chức, thì phải chấp nhận việc công khai, minh bạch về tài sản, như một nguyên tắc, thái độ sống trung thực, sòng phẳng với người dân. Đây là một chế tài đặc biệt, một nghĩa vụ dành cho cán bộ, công chức.

Nếu cảm thấy “không thích” điều này, cán bộ có thể từ chức.

Mặt khác, cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức, có chế tài xử lý, kê biên, thu hồi đối với số tài sản không minh bạch.

Nếu tấm lưới còn lỗ thủng, cá sẽ chui ra ngoài. Nếu còn những “khe hở”, thì rất khó chống tham nhũng thành công.

Tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường chỉnh đốn Đảng, ngày 30.10.2016: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.

 

QUANG ĐẠI
TIN LIÊN QUAN

Hình ảnh du khách nườm nượp đổ về chùa Hương ngày khai hội Xuân Quý Mão

Hương Mai (Ảnh: Minh Đức) |

Hôm nay (ngày 27.1), lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) đã chính thức khai hội, thu hút hàng vạn du khách thập phương về trẩy hội.

Công nhân mong chờ nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ phù hợp với mức thu nhập

KHÁNH LINH |

Đối với người lao động xa quê vào miền Nam lập nghiệp, sinh sống, với mức lương công nhân chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt hằng ngày, việc mua được 1 căn nhà ở để ổn định cuộc sống, “an cư lạc nghiệp” đang ngày càng xa tầm với khi giá bất động sản ngày một tăng.

Cận cảnh bức tranh gỗ lũa độc nhất miền Tây

Tạ Quang |

An Giang - Ông Nguyễn Văn Nghỉ (44 tuổi, huyện Chợ Mới, An Giang) đang sở hữu bức tranh gỗ lũa có chiều dài 24,5m, rộng hơn 2m được coi là độc nhất miền Tây.

Đông đảo du khách đến chùa Hương ngày khai hội Xuân Quý Mão 2023

Hương Mai |

Sáng 27.1 (mùng 6 Tết), lễ hội chùa Hương chính thức khai hội với chủ đề "Lễ hội chùa Hương an toàn, văn minh, thân thiện".

50 năm Hiệp định Paris (1973-2023): Ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris

THEO TTXVN |

Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam thế kỷ XX đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam hơn 20 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

Đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

PHẠM ĐÔNG |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu, công chức, viên chức, người lao động tiếp tục nỗ lực, đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Quốc hội; đóng góp chung vào thành công của cả nhiệm kỳ.

Đường phố Hà Nội ùn tắc cục bộ ngày đầu người dân đi làm sau kỳ nghỉ Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

Ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão, nhiều tuyến đường trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra tình trạng ùn tắc, người tham gia giao thông chật vật nhích từng mét để tới cơ quan, công sở...

Du lịch sinh thái lên ngôi trong dịp Tết Nguyên đán 2023

PHONG LINH |

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại thành phố Cần Thơ đánh dấu sự bức phá của các điểm du lịch sinh thái miệt vườn, góp phần phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19.