Dạy chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: Tiến thoái lưỡng nan

Nguyễn Sơn Phong |

Gần đây trên mạng xã hội bùng nổ cuộc tranh luận về ý kiến “phải học chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” của PGS. TS Đoàn Lê Giang, trong đó ý kiến phản đối chiếm đa số. Trong số những người phản đối, đa phần đều xuất phát từ cảm tính nhiều hơn là dựa trên lập luận khoa học. Bài viết này của tác giả Nguyễn Sơn Phong- nghiên cứu sinh tại Đài Loan- muốn làm sáng tỏ tính khả thi của đề xuất nói trên.

Trên thực tế, chúng ta phải thừa nhận rằng, từ Hán Việt có một địa vị quan trọng trong hệ thống tiếng Việt, chiếm khoảng 70% vốn từ tiếng Việt. Do đó, hiểu biết về chữ Hán là một lợi thế trong việc sử dụng nhuần nhuyễn, chính xác tiếng Việt, cao hơn nữa là có thể nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, PGS. TS Đoàn Lê Giang cùng với một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng phải dạy chữ Hán Nôm trong trường phổ thông (từ thí điểm đến phổ cập) để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và văn hóa Việt, như nội dung của bài viết "Khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường - một phương pháp quan trọng để giữ gìn tiếng Việt và văn hoá Việt Nam". 

Điều cần bàn đến ở đây là giữa mục tiêu và phương pháp thực hiện có một khoảng cách rất lớn, như người ta thường nói: “chủ trương thì đúng nhưng cách làm thì sai”. Sở dĩ nói sai là vì những người đề xuất phương án này không lường trước được những khó khăn khi thực hiện và thậm chí không dựa trên một cơ sở lý luận đáng tin cậy nào. Việc này sẽ dẫn đến không thể hoàn thành được mục tiêu như ý muốn.

I. PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN XA RỜI MỤC TIÊU CỐT LÕI

1. DẠY CHỮ HÁN CỔ VỚI SỐ LƯỢNG CHỮ KHÔNG ĐỦ ĐỂ ĐỌC VĂN BẢN HÁN-NÔM HAY PHÂN TÍCH THƠ VĂN

Một trong những lý do quan trọng mà các nhà nghiên cứu đưa ra rằng Việt Nam là một trong những nước phương Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán nhưng lại phế bỏ việc học chữ Hán, nên không thể phát triển được như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản. Đồng thời, họ nêu ra các bằng chứng về việc học sinh Hàn, Nhật phải học một số lượng chữ Hán nhất định: “ Ở Nhật, người tốt nghiệp phổ thông phải biết ít nhất 1.945 chữ Hán, đến hết ĐH thì phải biết khoảng 3.000 chữ. Trung Quốc cũng yêu cầu số lượng tương tự. Hàn Quốc thì hết phổ thông, học sinh phải biết khoảng 1.000 chữ. Chỉ có Việt Nam là không đặt ra yêu cầu này.”

Tuy nhiên, về vấn đề phát triển đất nước, thực tế là phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là chính sách kinh tế, xã hội, chính trị, khoa học, như Nhật Bản đã mở cửa tạo nên phong trào Tây du từ giữa thế kỷ 19.

Còn về vấn đề học chữ Hán, cần phải hiểu rằng Nhật Bản và Hàn Quốc chưa từng phế bỏ chữ Hán ra khỏi hệ thống văn tự của họ, đồng thời họ lại sáng tạo ra hệ thống chữ viết đơn giản (tương tự như hệ thống chữ cái Latinh) để thay thế cho những chữ Hán với nét chữ phức tạp, khó nhớ. Ngược lại, Việt Nam đã phế bỏ chế độ thi cử bằng chữ Hán khoảng 100 năm rồi, đó là một khoảng cách không hề nhỏ. Theo học giả Trần Bích San thì “Kỳ thi Hương cuối cùng ở Bắc là năm Ất Mão 1915, và ở Huế năm Mậu Ngọ 1918. Chế độ giáo dục và khoa cử Nho học thực sự cáo chung với khoa thi Hội chót năm Kỷ Mùi 1919 ở Huế.

Vấn đề đáng nói nhất ở đây là muốn đọc hiểu thư tịch, văn bia cổ bằng chữ Hán nhằm hiểu biết về di sản của cha ông thì bắt buộc phải học chữ Hán phồn thể, chứ không phải là chữ Hán giản thể như hiện nay. Điều này liệu các nhà nghiên cứu đã liên hệ với việc Trung Quốc đã áp dụng hệ thống chữ viết giản thể cách đây hơn nửa thế kỷ hay chưa? Người Trung Quốc đã phải giản hóa hệ thống nét chữ Hán vì quá phức tạp và khó nhớ, dẫn đến ngày nay có ít nhất ba thế hệ người Trung Quốc gồm hàng trăm triệu người (không tính đến những người già biết chữ trước thời cải cách chữ viết và học giả biết chữ Hán phồn thể) không thể đọc và hiểu di sản cha ông họ để lại. Chính phủ Trung Quốc đã làm gì để bảo tồn sự trong sáng của tiếng Hán và văn hóa Hán? Họ có mở lớp dạy chữ Hán phồn thể ở các bậc học tiểu học hay không? Khi phân tích văn thơ cổ cho học sinh, các thày cô giáo có dùng nguyên bản chữ Hán cổ để giảng dạy hay không? Nếu không, lý do gì lại dạy học sinh phổ thông học chữ Hán cổ? Thậm chí, nhà giáoTrầm Thanh Tuấn còn cho rằng phải dạy từ bậc lớp ba (còn tiếng Anh học từ cấp 2 cũng không muộn). Không hiểu là ông dựa trên những căn cứ nào hãy cũng chỉ là ý kiến cảm tính?

Chưa kể, số lượng chữ Hán giản thể là khoảng 3000 chữ, đã khiến đông đảo người dân Trung Quốc lìa xa văn hiến cổ. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Việt Nam lại yêu cầu học sinh học một số lượng chữ Hán phồn thể tương đương với Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng cũng không thể giúp học sinh sau khi tốt nghiệp có thể hiểu được văn hiến cổ. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh về số lượng chữ và độ khó của nó. Còn nếu bảo học sinh học chữ giản thể thì coi như đã lạc đề rồi.

2. HỌC CHỮ NÔM KHÓ HƠN CHỮ HÁN GẤP BỘI

Như trên đã nói, người Hàn Quốc và Nhật Bản đã sáng tạo ra hệ thống chữ cái đơn giản, tương tự như hệ chữ cái Latinh, nhưng tổ tiên ta lại sáng tạo ra hệ thống chữ Nôm phức tạp hơn và khó nhớ hơn. Chữ Hán thời kỳ chữ Giáp cốt, Kim văn…vẫn còn lộn xộn, chưa được thống nhất, từ thời Tần Thủy Hoàng trở đi mới được định hình, tuy sau đó mỗi thời có khác về thể chữ (Triện, Lệ, Khải) nhưng số lượng nét chữ đã cố định. Ngược lại, hệ thống chữ Nôm của chúng ta vẫn chưa hoàn toàn thống nhất. Hiện tượng cùng một âm được viết bằng nhiều chữ Nôm, hoặc cùng một chữ Nôm có thể đọc bằng nhiều âm khác nhau vẫn rất phổ biến.

Cái khó nhất ở đây phải nói là cấu tạo chữ Nôm được hình thành trên cơ sở cấu tạo của chữ Hán. Do đó, muốn đọc hiểu được chữ Nôm thì bắt buộc phải tinh thông hệ chữ Hán phồn thể. Đây là sự thực không thể chối cãi, nên tôi thấy không cần phải nêu ra ví dụ nữa. Mặc dù chỉ thấy PGS. TS Đoàn Lê Giang nói cần giảng dạy chữ Hán ở trường phổ thông, nhưng qua các cuộc tranh luận, các bài viết, chúng ta đều thấy các nhà giáo, nhà nghiên cứu (Trịnh Khắc Mạnh, Nguyễn Tô Lan, Hà Văn Minh…) nói về việc giảng dạy chữ Hán Nôm ở trường phổ thông (chính xác là chữ Hán và chữ Nôm). Vô hình trung, chúng ta lại thấy một hiện tượng “chưa học bò đã lo học chạy”, vì chữ Nôm muốn biết phải thông thạo chữ Hán đã. Như vậy, khó khăn lại chồng chất khó khăn, mà mục tiêu thì vẫn xa lơ xa lắc, sau khi tốt nghiệp, học sinh vẫn không thể đọc nổi văn bản chữ Hán cổ và chữ Nôm hoàn chỉnh. Đã không hoàn chỉnh thì sao có thể nói là bảo tồn và phát huy được di sản văn hiến?

PGS. TS Đoàn Lê Giang còn đưa ra một ví dụ rất khập khiễng rằng:Đọc Truyện Kiều, nếu có biết chữ Hán, chữ Nôm thì mới hiểu thấu đáo cái hay của nó”. Đây là một cách lập luận khiên cưỡng, bởi trước năm 1945 có đến 95% dân số mù chữ nhưng thực tế có nhiều người ở nhiều độ tuổi và thời đại khác nhau vẫn thuộc Kiều, lẩy Kiều, đọc ngược Kiều… một cách nhuần nhuyễn mà chưa hẳn đã biết chữ. Nếu như họ không hiểu âm Nôm (ở đây tạm loại bỏ những điển tích và thành ngữ Hán ra) thì chẳng hóa ra học thuộc vẹt ư? Nhận biết mặt chữ là một việc, nhưng hiểu âm và nghĩa lại là việc khác. Các cụ đã có thể truyền khẩu và giảng giải cho nhau, hiểu được ngữ nghĩa của nó, đó mới là lý do chính khiến cho truyện Kiều được lưu truyền và nổi tiếng đến tận ngày nay, chứ không phải là do người ta biết chữ Hán và chữ Nôm để đọc được truyện Kiều. Ngược lại, những người biết chữ cũng chưa chắc đã biết được ngữ nghĩa của chữ đó, kể cả là người Trung Quốc. Nếu không phải vậy, thì tất cả những người biết chữ ở Trung Quốc đều đã có thể thông hiểu kinh Phật làu làu rồi, khỏi cần hòa thượng truyền pháp, giảng kinh nữa.

II. MỘT VÀI GIẢI PHÁP CƠ BẢN

1. CẦN NHẬN DIỆN RÕ BẢN THÂN TIẾNG VIỆT TRƯỚC

Muốn giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt, trước hết phải nhận diện nó, rồi từng bước khắc phục và bổ sung yếu kém trong giảng dạy và thực hành.

Tiếng thuần Việt thuộc hệ ngôn ngữ Nam Á, gần gũi với tiếng Mường và có rất nhiều từ có nguồn gốc từ nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer. Ngoài ra, tiếng Việt cũng có rất nhiều từ ngoại lai. Ở đây tạm bỏ nhóm từ ngoại lai có nguồn gốc tiếng Pháp, Anh, Quảng Đông…thì chúng ta cần tập trung vào nhóm từ có nguồn gốc từ chữ Hán. Trong nhóm từ có nguồn gốc từ chữ Hán, lại có thể chia thành bốn nhóm nhỏ là từ Hán Việt cổ (tiền Hán Việt), từ Hán Việt, từ Hán Việt-Việt hóa và từ Hán Nhật-Nhật Việt. Trong bốn nhóm này, từ Hán Việt-Việt hóa theo ý kiến chủ quan của tôi là có số lượng ít nhất, còn số lượng lớn nhất là nhóm từ Hán Việt.

Về nguyên tắc, mỗi chữ Hán sẽ có ít nhất một âm Hán Việt tương đương, nhưng điều này không có nghĩa là tất cả các chữ Hán đều có một âm Hán Việt thực sự. Thực tế thì chỉ có khoảng hơn 8000 chữ Hán có âm Hán Việt tương ứng, còn lại là ở dạng tiềm ẩn, muốn biết âm đó phải sử dụng hệ thống phản thiết để lấy âm (số lượng chữ Hán có thể lên đến hơn 4 vạn chữ. Lỗ Tấn là người biết nhiều chữ Hán nhất cũng chỉ đến 2 vạn chữ). Tuy nhiên, trong số các chữ Hán được nhận diện có âm Hán Việt hiện nay, thì cũng không có nghĩa là người Việt sử dụng tất cả các âm Hán Việt đó trong giao tiếp hoặc sáng tác thơ văn, hay ghi chép lịch sử. Ngoài ra, trong số những âm Hán Việt được sử dụng thường xuyên trong tiếng Việt, không phải âm nào cũng được sử dụng theo đúng nghĩa của nó, mà nó được người Việt sử dụng một cách có chọn lọc, có sáng tạo, phù hợp với thói quen và đặc điểm tiếng Việt. Tôi thấy có rất nhiều học giả nêu ra ý kiến cho rằng có nhiều từ Hán Việt bị dùng sai, ví dụ như “cứu cánh” được hiểu là “biện pháp” thay vì nghĩa là “cuối cùng”; “yếu điểm” là “điểm quan trọng”, chứ không phải là “điểm yếu”…do đó phải học từ Hán Việt để sửa đổi, làm trong sáng tiếng Việt. Tuy nhiên, số lượng chữ bị dùng sai đó thực tế không nhiều, có thể thống kê được và sửa đổi dễ dàng qua giảng dạy môn Ngữ văn.

Điều đáng nói ở đây là có một số lượng lớn từ Hán Việt tuy có nguồn gốc từ tiếng Hán/ chữ Hán, nhưng lại được dùng một cách sáng tạo trong tiếng Việt, được tăng thêm nghĩa, hoặc được hiểu sang nghĩa khác, không giống nghĩa gốc, nhưng lại được đông đảo người Việt mặc nhiên thừa nhận và dùng rộng rãi trong giao tiếp và sáng tác thơ văn. Ví dụ như “bằng cấp”, “thư thái”, “mỹ phẩm”…tuy được ghép bằng các chữ Hán, nhưng người Trung Quốc không hiểu. Thậm chí, có những từ Hán được dùng đảo lộn trật tự chữ trong âm Hán Việt như “ngoại lệ”, “phóng thích”, “lương thiện”…trong khi người Trung Quốc lại nói là “lệ ngoại”, “thích phóng”, “thiện lương”…Lại có những từ Hán Việt có nghĩa khác với từ Hán mặc dù chữ viết như nhau, ví dụ: cùng là chữ Hán được thể hiện qua âm Hán Việt là “bí thư”, “thủy tinh” thì nghĩa của nó trong tiếng Hán là “thư ký”, “pha lê”; ngược lại, cùng là chữ Hán được thể hiện qua âm Hán Việt là “thư ký”, “pha lê” thì nghĩa trong tiếng Hán lại là “bí thư”, “thủy tinh”.

Ở đây, tôi muốn nói đến một khái niệm quan trọng, đó là ngôn ngữ là do một cộng đồng người ở một khu vực nào đó quy ước mà thành. Ngôn ngữ tuy có thể thay đổi âm điệu, cách dùng từ, nhưng nếu nó được cộng đồng chấp nhận thì nó sẽ được dùng, ngược lại sẽ bị đào thải. Do đó, chúng ta cần dựa vào thực tế của tiếng Việt, trừ một số trường hợp dùng từ dẫn đến hiểu sai hoặc không được cộng đồng chấp nhận, thì mới cần lên tiếng loại bỏ. Còn nếu dùng từ mà được người ta chấp nhận, hiểu được thì không có lý gì phải loại bỏ. Tiếng lóng là một phạm trù hẹp, nhưng nó cũng có ý nghĩa tương tự.

Vì ngôn ngữ có trước, chữ viết có sau, cho nên chúng ta không thể lấy ngôn ngữ, lấy từ điển ra để điều chỉnh ngôn ngữ của cộng đồng, nhất là khi nó đã được cộng đồng chấp nhận (Bản thân tôi dùng từ “cộng đồng” ở đây cũng là sai so với nghĩa gốc, những vẫn được mọi người hiểu như một danh từ mang hàm ý “xã hội”, “quần thể người”, chứ không phải là một tính từ có nghĩa là “chung” như trong tiếng Hán/chữ Hán). Càng không thể vì chúng ta dùng sai so với tiếng Hán, chữ Hán thì phải sửa đổi lại một cách cực đoan. Không có lý do gì phải sửa lại các từ “ngoại lệ”, “phóng thích”, “lương thiện”, “pha lê”, “thư ký” cho đúng nghĩa tiếng Hán hoặc trật tự chữ Hán.

Từ Hán Nhật-Nhật Việt thực tế có khá nhiều, nó xuất phát từ việc người Nhật dùng chữ Hán để phiên dịch lại các khái niệm mới ở phương Tây, sau đó được du nhập ngược lại vào tiếng Hán và tiếng Việt, ví dụ như: dân chủ, kinh tế, cộng hòa, xã hội, văn học, lịch sử, triết học, tiểu thuyết, mỹ thuật, chủ nghĩa, thiếu tá… Những từ Hán Việt này có cách dùng giống với tiếng Hán hiện đại, nên không có gì đáng bàn, song không phải thày cô giáo nào cũng biết nguồn gốc của nó.

Còn về từ cổ Hán Việt và từ Hán Việt Việt hóa có số lượng rất ít, nên không mấy học giả ngôn ngữ nhận diện được chứ đừng nói là người ngoài ngành. Hiện có khoảng 113 từ cổ Hán Việt (âm đọc xuất hiện trước thời vãn Đường), tuy không nhiều nhưng lại do Vương Lực – nhà ngôn ngữ học Trung Quốc phát hiện ra cách đây khoảng 70 năm chứ không phải là các nhà ngôn ngữ học Việt Nam. Đến năm 1985, nhà ngôn ngữ học Vương Lộc của Việt Nam có nói ông đã tìm ra khoảng 401 âm Hán Việt cổ nhưng cho đến nay vẫn chưa hề công bố ở bất kỳ bài báo hay cuốn sách nào.

Nói như vậy để thấy rằng âm Hán Việt tuy nhiều, nhưng chỉ là một bộ phận trong tiếng Việt, mà sự trong sáng của tiếng Việt không phải chỉ dựa vào việc học chữ Hán và chữ Nôm. Đó là chưa kể đến những từ thuần Việt có nguồn gốc từ tiếng Mường, tiếng Khmer và những từ Việt cổ đã biến mất trong tiếng Việt hiện đại, nhưng vẫn còn nằm đâu đó trong thư tịch, văn bia cổ. Điều này có nghĩa là các nhà nghiên cứu đã đưa ra một đề xuất thiếu công bằng, thiếu tính khoa học, nhằm đạt một mục tiêu ngoài mức tưởng tượng, dẫn đến nước xa thì không cứu được lửa gần.

2. MUỐN BẢO TỒN VĂN HÓA, DI SẢN DÂN TỘC PHẢI DỰA VÀO NHÀ NGHIÊN CỨU

Như trên đã nói, muốn hiểu được chữ Nôm thì phải tinh thông chữ Hán cổ. Muốn tinh thông chữ Hán cổ thì phải học tối thiểu 4 năm chuyên ngành, biết ít nhất 5000 chữ Hán phồn thể. Đây là công việc mang tính chuyên ngành, không thể dựa vào cách dạy đại trà với vài ngàn chữ Hán cơ bản được.

Trong một lớp tiếng Hán chuyên ngành ở bậc đại học, khi ra trường cũng có người dốt người giỏi, cũng không phải ai cũng đi theo con đường nghiên cứu. Muốn bảo tồn văn hóa Việt, bảo tồn và phát huy di sản Hán Nôm thì phải dựa vào hệ thống nghiên cứu chuyên ngành. Do đó, thay vì việc dạy đại trà tốn vô số công sức và thời gian đào tạo mới, đào tạo lại giáo viên trên cả nước thì hãy tập trung vào chuyên môn, đề xuất chính sách đãi ngộ và đào tạo hệ thống các nhà nghiên cứu Hán Nôm. Cụ thể là phải sưu tập, biên soạn, phiên dịch ra chữ Quốc ngữ các thư tịch Hán Nôm cổ và phát hành, công bố rộng rãi qua sách báo, mạng internet, tại các di tích đình chùa lăng tẩm…

Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ nghiên cứu chuyên ngành Hán Nôm vừa thiếu vừa yếu. Thay vì cải cách, thay đổi bản thân thì họ lại đề xuất vấn đề đào tạo nửa vời ở trường phổ thông, dường như có ý muốn thế hệ học sinh mai sau làm thay công việc của chính mình trong khi lại không đề xuất kế hoạch đào tạo bài bản, trọng tâm cho đội ngũ kế cận trước mắt.

Cách đây 2 năm, báo điện tử Vietnamnet.vn đã đăng bài “Sống dưới bóng ‘quyền lực vô hình’”, trong đó nói về thực trạng khoa học nước nhà hiện nay có tính chất khép kín, phụ thuộc vào một số ít nhà khoa học, thậm chí phần nhiều là “sống lâu lên lão làng”, trọng học hàm, học vị, thiếu sự truyền thừa, thiếu không gian và chính sách phát triển cho các nhà khoa học trẻ… Vấn đề “giữ gìn tiếng Việt và văn hoá Việt Nam” cũng không nằm ngoài thực trạng này. Cho nên, tre già thì phải đào tạo cho măng đã mọc, chứ không phải là gieo trồng hạt giống tràn lan mà không có kế hoạch phát triển trọng tâm.

Như trên đã nói, cho đến nay vẫn chưa có nhà nghiên cứu Việt Nam nào đi sâu tìm hiểu một cách có hệ thống về âm Hán Việt cổ, tất cả các sách báo nghiên cứu đều chỉ lấy lại các ví dụ của Vương Lực đã phát hiện từ 70 năm trước mà thôi. Cũng chưa có học giả ngôn ngữ nào tuyên bố rằng, các từ như “bịa (bịa chuyện)”, “gạt (gạt rèm)”, “sâu (con sâu)”, “luống (luống rau)”, “thấy (nhìn thấy)”…vốn dĩ là âm Hán Việt cổ (có nguồn gốc từ tiếng Hán trung cổ) chứ không phải là từ thuần Việt như xưa nay người ta vẫn lầm tưởng (các từ này hoàn toàn không nằm trong danh mục 113 chữ của Vương Lực).

Về âm Hán Việt, TS. Nguyễn Tô Lan (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) nói: "Kinh nghiệm cho thấy, ngay từ khi còn rất nhỏ, các các em đã đối mặt với việc phải nhận thức chữ nào là chữ Hán, chữ nào là âm Hán - Việt. Vì vậy, nếu đã không hiểu từ cái gốc rồi thì sau này lớn lên học rất là khó". Bà đưa ra một nhận định rất khó hiểu về “chữ nào là chữ Hán, chữ nào là âm Hán - Việt”. Hán-Việt được biết đến là âm Hán Việt, từ Hán Việt, chứ không phải là chữ. Nếu nói đến mặt chữ để ghi chép thì nó là sự khác biệt giữa chữ Hán nét vạch với chữ Latinh. Còn nếu nói dùng chữ Hán để ghi lại âm Hán Việt, thì nó lại phụ thuộc vào chữ Hán, thậm chí còn liên quan đến cách dùng từ Hán Việt (dùng khác nghĩa, đảo trật tự chữ như đã nói ở trên). Đó là những khái niệm liên quan đến chuyên ngành ngôn ngữ, nói một cách hàn lâm để biểu thị nhận thức yếu kém của học sinh tiểu học, thực sự rất tối nghĩa và có tính chất thổi phồng sự việc. Nếu là người học sơ đẳng, người ta chỉ cần biết chữ đó viết thế nào, nghĩa là gì, phát âm là gì, dùng trong trường hợp nào, thế là đạt yêu cầu tối thiểu, cách thức cũng như học tiếng Anh mà thôi.

Có một thực tế là hiện nay các di sản thư tịch Hán Nôm đều được sưu tầm từ khắp nơi trên cả nước (thậm chí cả từ nước ngoài), nhưng sau đó dường như lại được cất kín đi như một món đồ cổ, chứ không được công khai hóa, không được số hóa rộng rãi. Các nhà nghiên cứu chuyên ngành và nghiệp dư khắp nơi muốn tìm hiểu về kho thư tịch này đều phải đích thân tìm đến thư viện Hán Nôm, chứ không dễ gì tìm thấy tài liệu trên mạng một cách có hệ thống, thậm chí có đến cũng chỉ được tiếp xúc với bản sao mà thôi. Thử hỏi, với cách thực hiện như thế mà muốn toàn dân tự hào, bảo tồn, hiểu biết về di sản văn hóa cổ của dân tộc liệu có được chăng? Cho nên, muốn thực hiện được mục tiêu lớn trên, trước hết các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành Hán Nôm phải cải cách chính mình, vừa bảo tồn, phiên dịch, vừa số hóa và công khai hóa kho tàng di sản chung này thay vì đề xuất đào tạo có tính chất nửa vời ở trường phổ thông. Nhưng chính vì chưa làm được điều đó, cho nên TS Đoàn Lê Giang mới phát biểu rằng:Chúng ta nếu có biết chút ít chữ Hán thì đến các di tích văn hóa (đình chùa miếu mạo), nhìn một tập thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, chúng ta không thấy xa lạ. Phiên dịch, phân tích tác phẩm, nghiên cứu tác phẩm, công bố rộng rãi kết quả nghiên cứu…vốn dĩ là một công việc rất thường thấy, nhằm phổ biến kiến thức được nhanh hơn, rộng hơn, chứ sao lại chỉ cần biết một chút ít chữ Hán để thấy thư tịch cổ không xa lạ?

Sở dĩ tôi muốn nhấn mạnh về vấn đề phiên dịch thư tịch cổ, vì đó là cách nhanh nhất để truyền tải thông tin đến cho mọi người; còn ai muốn tìm hiểu thâm sâu hơn thì họ đã có xu hướng thành nhà nghiên cứu rồi, tất nhiên họ sẽ phải tiếp cận theo cách khác người thường. Chính vì lẽ đó mà ngay từ đầu thế kỷ 20, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã chú trọng dùng chữ quốc ngữ để khai hóa quốc dân, cho nên các nhà cải cách thời đó đã có thơ rằng:

Chữ quốc ngữ là hồn trong nước

Phải đem ra tính trước dân ta

Sách các nước, sách Chi Na

Chữ nào chữ ấy dịch ra cho tường.

Nay muốn toàn dân bảo tồn văn hóa, hiểu biết về thư tịch văn bia Hán Nôm rộng rãi, cũng có khác gì cách xưa?

Vì lẽ đó, trước ý kiến “chữ Hán là phần gốc của Việt Nam, được người Việt vay mượn để tạo nên chữ viết bây giờ. Do đó, nếu từ bỏ chữ Hán, mọi người sẽ ít hiểu biết về quá khứ dân tộc” của TS. Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội ), tôi thấy có phần kỳ quặc và ngụy biện. Chúng ta đã bỏ chữ Hán gần 100 năm nay rồi (không phải là “nếu” như ông Lâm nói), quá khứ của dân tộc nếu không được người Việt biết đến, trước hết là lỗi của các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà sử học. Nhưng thực tế, văn hóa và ngôn ngữ Việt vẫn còn, sách vở vẫn còn, chỉ là chưa được dịch ra chữ Quốc ngữ đầy đủ, chưa tuyên truyền sâu rộng và có bài bản, chứ đâu có liên quan mật thiết gì đến việc toàn dân biết chữ Hán hay không. Nói như TS. Lâm thì có lẽ nước ta toàn người mù văn hóa, lịch sử hết rồi, vì thực tế là tuyệt đại đa số người Việt hiện nay không hề biết chữ Hán. Cho nên, phát biểu của ông Lâm không thông tí nào.

Ngoài ra, còn có ý kiến của TS.Vũ Thu Hương (Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học - Đại học Sư phạm) cho rằng: “Hiện nay trên thế giới có 2 tỷ người biết tiếng Hán. Do đó, muốn trở thành công dân toàn cầu, học sinh học chữ Hán là cần thiết.” Tôi thấy buồn cười về nhận thức của vị tiến sĩ này, chỉ muốn nhắc lại rằng, trình độ của đội ngũ nghiên cứu còn quá yếu.

3. MUỐN BẢO TỒN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT, TRƯỚC HẾT PHẢI DỰA VÀO GIÁO VIÊN NGỮ VĂN

Có một thực tế là bản thân các giáo viên ngữ văn hiện nay cũng không mấy ai hiểu biết gì về Hán Việt, Hán Nôm. Chúng ta đôi lúc trách cứ rằng người Việt dùng từ cổ Hán Việt mà cứ tưởng đó là từ thuần Việt, nhưng muốn biết được rõ sự thật nguồn gốc từ ngữ, thì cũng phải có nghiên cứu, có đào tạo, có truyền dạy chứ đâu phải là nói xong rồi để đấy.

Muốn giáo viên Ngữ văn hiểu được Hán Việt, Hán Nôm thì trước hết phải xem cách thức và thời lượng đào tạo chuyên môn này ở các trường Sư phạm hiện nay xem liệu đã đúng và đủ chưa? Chúng ta cứ trách thế hệ học sinh ngày nay, hoặc thậm chí là trách các phóng viên báo đài dùng từ sai be bét, nhưng có bao giờ tự hỏi nguyên nhân do đâu không? Họ cũng đều phải học từ trường phổ thông mà ra. Đối với từ ngữ tiếng Việt, rồi Hán Việt…họ ban đầu như tờ giấy trắng, dạy thế nào thì họ biết thế. Nếu học sinh nói sai, dùng từ sai thì phải sửa chữa một cách có bài bản, có phương pháp. Cần thiết thì phải tổ chức các cuộc vui chơi nho nhỏ kiểu “hái hoa dân chủ” như thời trước nhằm nâng cao kiến thức về giữ gìn và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.

Các nhà nghiên cứu có nói về việc dùng sai từ, vậy cho đến nay đã có một cuốn sách hoặc công trình nghiên cứu cụ thể nào liệt kê và chỉ ra được các từ đó hay chưa? Và đã được đưa vào giảng dạy hoặc bổ túc ngoại khóa trong trường học hay chưa? Qua cuộc khảo sát, nghiên cứu đó thì mới biết vấn đề nằm ở chỗ nào, từ đó đề ra cách giải quyết ra sao, chứ không phải là lập tức đề nghị học sinh phổ thông học chữ Hán cổ như một giải pháp tối ưu.

Một khi có thể sửa chữa cách dùng từ sai, hoặc phát huy vốn tiếng Việt phong phú ngay trong trường học thì có thể góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ngay từ gốc rễ, chứ không phải là sai đâu sửa đó, hôm nay viết báo nói từ này dùng sai, mai lại lên đài bảo từ kia bị dùng sai.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là, văn bia thư tịch cổ, dù viết bằng chữ viết nào thì vẫn có “ý ở ngoài lời”. Do đó, nếu chỉ chăm chăm nhìn vào mặt chữ, dù có thuộc làu mặt chữ thì cũng không thể giải quyết vấn đề, nhất là khi thư tịch Hán Nôm cổ đều dùng từ rất cô đọng, tiết kiệm chữ, đặc biệt là các tác phẩm văn thơ hoặc triết học. Việc giáo viên dùng lời phân tích, hoặc các nhà nghiên cứu viết sách thảo luận sẽ làm sáng tỏ ngữ nghĩa, những ý tứ ngoài mặt chữ. Một ví dụ điển hình chính là việc các hòa thượng giảng giải kinh Phật, rất nhiều ý nghĩa thâm sâu đều ở ngoài mặt chữ, dù có biết hàng vạn chữ, thuộc hàng ngàn cuốn kinh mà không có người thày giảng giải cũng đều dẫn đến hiểu sai kinh văn. Dù ví dụ này hơi cao xa so với mục tiêu mà chúng ta bàn đến, nhưng không thể phủ định được hiện thực “ý ở ngoài lời” có rất nhiều trong thư tịch cổ và vai trò giảng dạy của thày cô.

 

Cho nên, việc bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt và văn hóa Việt không đơn thuần chỉ dựa vào việc giảng dạy chữ Hán, chữ Nôm có tính chất cơ học, đơn giản mà đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ về tính khả thi, lợi ích được mất và so sánh với các biện pháp khác. Nếu chỉ chăm chú vào việc đào tạo dạy học chữ Hán Nôm ở trường phổ thông một cách cưỡi ngựa xem hoa (giả sử đề xuất được thực hiện) thì sẽ không thể nào đạt được mục tiêu chính, thậm chí dễ bị biến tướng sang một hệ quả khác. Hay nói một cách khác thì đề xuất của PGS. TS Đoàn Lê Giang chưa đủ sức thuyết phục, vì với các khó khăn chồng chất nói trên thì “trở đi mắc núi”; còn với đội ngũ kế cận chưa được đào tạo và sử dụng đúng mức, kho tàng di sản Hán Nôm chưa được phổ biến công khai rộng rãi như thực tế hiện nay, thì lại dẫn đến tình trạng “trở lại mắc sông”.

Trên đây là các ý kiến của tôi dựa trên thông tin từ trên mạng thời gian vừa qua. Vì tôi không có cơ hội đọc toàn văn bài viết "Khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường - một phương pháp quan trọng để giữ gìn tiếng Việt và văn hoá Việt Nam", nên có thể không hoàn toàn hiểu đúng ý của PGS. TS Đoàn Lê Giang, cho nên nếu có điều gì nhầm lẫn, sai sót, xin được các nhà nghiên cứu chỉ giáo.

Hãy tham gia Diễn đàn! Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.
Nguyễn Sơn Phong
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.