Qua sông sực nhớ…

Hoàng Văn Minh |

Lại sực nhớ sinh ra ở phá Tam Giang, uống nước phá Tam Giang mà lớn nhưng đi qua không biết bao nhiêu tháng năm, tôi mới nhận ra mình chẳng hiểu biết chút gì về con “sông Mẹ” ngoài những nhớ nhung, hồi ức về thời thơ ấu.

Sực nhớ, “Chiều trên phá Tam Giang” là một trong những ví dụ về sự “đóng đinh” và “khuynh đảo” mà người thường không hiểu nổi của thơ nhạc vào đời sống, đôi khi chỉ một hai câu, lại chẳng có liên quan gì nhiều đến chủ thể.

Ví như hôm chính quyền Sài Gòn quyết định phá bỏ Thương xá Tax, một phần máu thịt của người dân thành phố này với tuổi đời hơn 130 năm để nhường chỗ cho một cao ốc 45 tầng, không hiểu sao “trên mạng” từ Bắc tới Nam, ghé đâu cũng nghe người ta ngỡ ngàng, tiếc nuối dẫn “Chiều trên phá Tam Giang” dù bài hát này chỉ nhắc về Thương xá Tax vỏn vẹn đúng hai câu: “Giờ này Thương xá sắp đóng cửa/ Người lao công quét dọn hành lang”. Ngay cả tôi, khi nghe tin về Thương xá, suốt hôm ấy đầu cũng cứ văng vẳng đúng hai câu này và trí nhớ thì chập chờn về đôi lần lang thang trong Thương xá Tax từ những mùa xa lắc. Giờ mới thấm thía cảm giác mình sinh ra đôi khi chỉ để dành riêng cho ai đó là như thế nào…   

Hay phá Tam Giang, phá nằm trong hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai với diện tích hơn 52km2 (chiếm 11% diện tích đầm phá ven bờ của cả nước), trải dài hơn 24km theo hướng Tây Bắc – Đông Nam qua địa phận 4 huyện của tỉnh Thừa Thiên –Huế gồm Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang. Nhưng trên Wikipedia, thông tin đáng chú ý nhất lại là: Vào thập niên 1970, trong giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh Việt Nam, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã phổ nhạc cho một bài thơ của Tô Thùy Yên và đặt tên là “Chiều trên phá Tam Giang”. Bài hát có đoạn: “Chiều trên phá Tam Giang, anh sực nhớ em, nhớ ôi là nhớ ôi là nhớ đến bất tận…”.

Có thể kể thêm mấy câu ca dao cũ mèm rằng: “Đường vô xứ Huế quanh quanh/ Non xanh nước biết như trang họa đồ/ Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang”. Là bởi phá Tam Giang với cửa biển Thuận An và sông Hương là những thủy lộ chính lên kinh thành Huế thời nhà Nguyễn. Ai muốn thượng kinh thì phải vượt phá. Mà phá thời ấy hai bên bờ toàn là đầm lầy lau lách, là sào huyệt của những băng cướp khét tiếng chứ đâu có thơ mộng, đẹp đẽ như bây giờ. Những gì đáng đọc nhất về phá Tam Giang trên mạng, tôi chỉ tìm được có thế...

Phá Tam Giang. Ảnh: Lê Anh Tuấn

 

Sực nhớ ngày bé nội tôi hay kể chuyện người làng mình “thượng kinh” bằng chân trần trên con đường độc đạo vòng vèo ra tận Quảng Trị rồi đi ngược vào hay vượt phá bằng đò chèo tay, ngày đi đêm tấp vô bờ nghĩ, nghe đâu ròng rã mấy ngày mới vượt phá được hơn 50km. Chuyện thật mà nghe như bịa, như cổ tích. Ngày tôi lớn lên, làng vẫn là một ốc đảo, cho đến những năm 2000 vẫn chưa có cầu qua phá, chưa có xe máy, thậm chí cả xe buýt như bây giờ và phương tiện “thượng kinh” phổ biến nhất của người làng những năm tháng ấy vẫn là đò dọc – đò gắn máy.

Đò xuất phát từ chợ Mới, có khi vạ vật với sóng nước suốt 5 tiếng đồng hồ mới đến ngược đến Ngã Ba Sình, lên Vĩ Dạ, qua đập Đá để vào chợ Đông Ba. Lần nào lên được bờ, vào đến “kinh” thì thân xác rã rời, nghe mềm như con bún. Là chưa kể đến những mùa mưa bão Tam Giang dậy sóng đò nghiêng ngả, chết sống cận kề trong gang tấc. Ngày ấy lần nào “thượng kinh” tôi cũng phập phồng với ý nghĩ nếu bây giờ mà lật đò thì mình bơi được bao xa… Sau này đi riết thành quen thì đầu óc lại lơ mơ nghĩ về chuyện ông lái đò đưa đi đưa về nhiều năm, bỗng dưng không còn nhớ được đâu là bến, đâu là bờ? Là khi tôi tự hỏi mình đang trở về hay ra đi giữa mênh mông sóng nước...

Nhưng rồi hạt mầm ước mơ trở thành một nhà báo trong tôi lại được ông chú họ, cố nhà báo Hoàng Thành ở báo Thừa Thiên – Huế gieo cho trong một lần “thượng kinh” bằng đò dọc run rẩy ấy. Giờ thì nhiều không nhớ hết tên chứ lúc đó, cả làng chỉ có mỗi chú ấy làm báo nên oai lắm, đi đâu cũng nghe kể, cũng nghe tự hào vô cùng tận. Tôi tò mò lắm bởi “văn kỳ thanh bất tiếng kỳ hình”, chú ấy thì làm báo tận trên “kinh”, tôi chỉ là đứa trẻ trâu ru rú xó nhà, nên là chú mình đấy mà chỉ nghe tên chứ chưa một lần chạm mặt.

Rồi cũng đến ngày tôi được lên đò “thượng kinh”. Loay hoay thế nào lại ngồi bên cạnh một “ông chú” da trắng hồng hào, diện sơ mi quần jean, ngoài khoác áo gile mà sau này tôi thấy mấy ông chụp ảnh dạo hay mặc, từ trên xuống dưới toát ra một mùi thơm của “người trên Huế”. Lân la bắt chuyện làm quen, một lúc thì hóa ra đây là nhà báo Hoàng Thành, niềm tự hào của cả làng. Chỉ nhớ lúc đó hỏi “chú học trường nào ra mà làm báo?”. Chú bảo “học Tổng hợp Văn”. Hỏi “làm báo khó không chú?”. Bảo “dễ lắm con”… Rứa là tôi nghe sướng râm ran với một ước mơ vừa lóe lên: Sau này lớn lên sẽ học Tổng hợp Văn để đi làm báo như chú ấy.

Nay thì tôi cũng thỏa nguyện được giấc mơ làm báo và người gieo hạt mầm ấy đã thành thiên cổ. Nhưng thi thoảng trong giấc mơ, chuyến đò định mệnh ấy lại hiện về tươi mới, mồn một. Có thể là sự run rủi của số phận, nhưng tôi hay nghĩ về ngày ấy, về chú ấy, về chuyến đò dọc trên phá Tam Giang ấy với lòng biết ơn không thể kể hết bằng lời.

Phá Tam Giang. Ảnh: Lê Anh Tuấn

 

Sau này tôi bị ám ảnh bởi ý nghĩ về những hạt mầm ước mơ. Tôi nhớ cuốn sách đầu tiên trong đời mà tôi đọc là “Hán Sở tranh hùng”. Tôi nhớ Tử Anh, vị vua cuối cùng của nhà Tần lúc đó đã thất trận nhưng vẫn cố “mời gọi” cho được Lưu Bang vào thăm Hoàng cung với lời gởi gắm: “Nhà Tần có thể mất nhưng giấc mơ thống nhất đất nước của Tần Thủy Hoàng thì không bao giờ mất”. Và chính Lưu Bang sau này thừa nhận, chính lần đầu tiên vào cung Hàm Dương xa hoa lộng lẫy theo “lời mời” của Tử Anh đã gieo vào trong ông một hạt mầm ước mơ về việc làm vua thiên hạ, điều mà suốt những năm tháng trước đó theo Hạng Vũ chính chiến phản Tần, một Đình trưởng (kiểu như công an xã bây giờ) rách nát, bần hàn như ông chưa bao giờ dám tưởng tới. Để rồi hạt mầm ước mơ trong ông cứ lớn dần, lớn dần cho đến một ngày ông nghiến răng xuống tay với người anh em kết nghĩa Hạng Vũ, sau đó xưng đế, lập ra triều Hán kéo dài hơn 2000 năm lịch sử.

Đó là một ví dụ kinh điển về việc ước mơ không được sinh ra mà được tạo ra. Ước luôn bắt đầu từ một hạt mầm và lớn, lớn đến đâu hay chết non còn tùy thuộc vào việc nó được chăm bẵm như thế nào. Bởi phần lớn con người ta không bao giờ hiểu hết bản thân mình cho đến một ngày họ được ai đó gieo cho một hạt mầm ước mơ…  

Hôm rồi về Huế thắp nhang cho ôn Phan – nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan sắp đến ngày giỗ đầu. Sực nhớ mình với ôn Phan còn nợ nhau một cái hẹn vòng quanh phá Tam Giang để thực hiện một trường thiên bút ký đã được tôi và ôn lên đề cương rất chi tiết, bắt đầu từ những ưu tư về sự thiếu và trống thông tin một cách khó hiểu về con phá này trên các phương tiện truyền thông. Chúng tôi đã lớn hẹn với nhau không biết bao nhiêu lần, đôi khi lý do chỉ là sự thiếu quyết tâm thực hiện bằng được lời hứa của một trong hai người.

Nhưng giờ thì những hẹn hò đã khép, ai nợ ai, còn nghĩa lý gì nữa đâu khi cách biệt âm dương. Khói hương đang nghi ngút trên di ảnh, nhưng tôi vẫn cứ tin rằng ôn Phan đang đi vắng đâu đó mấy hôm rồi sớm sẽ về thôi. Tôi vẫn nghe tiếng ôn cười bẽn lẽn đâu đó quanh những mảnh gốm bể mỗi khi tôi trêu ông “mới tí tuổi mà đã ốm đau…”. Vẫn nghe đâu đó giọng ông thì thầm như bao lần đã thì thầm: “Nì, mi muốn làm chi thì làm nhanh đi bởi cuộc đời rất ngắn…”. Sực nhớ hình như ai đó đang nợ mình, mình đang nợ ai đó những “vì sao” và “giá như” đầy tiếc nuối. Sực nhớ có những ước mơ vừa chết khi hạt mầm chưa kịp nở hay lớn lên què quặt, đớn đau cùng năm tháng… Lại thèm nói với ai đó một điều: “Nì, muốn làm chi thì làm nhanh đi…”.    

Ngày Bod Dylan – ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ được Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao tặng giải Nobel Văn chương 2016, tôi sực nhớ đến câu mở đầu trong ca khúc “Blowin in the Wind” của ông vang lên từ những thập niên 60 -70 của thế kỷ trước, rằng: “Để được coi ra dáng con người, một kẻ tha nhân phải lê chân qua bao nhiêu chặng đường đây?”. Lại sực nhớ sinh ra ở phá Tam Giang, uống nước phá Tam Giang mà lớn nhưng đi qua không biết bao nhiêu tháng năm, tôi mới nhận ra mình chẳng hiểu biết chút gì về con “sông Mẹ” ngoài những nhớ nhung, hồi ức về thời thơ ấu. Thật ra, để qua lại tới mức không còn ý niệm bến bờ như ông lái đò là sự "ngộ" của thánh nhân. Nhưng sống không giống người thì buồn lắm, nên để được coi ra dáng một con người, đôi khi chỉ cần đi hết, hiểu hết ngôi làng của mình là đủ…

 

 

Hoàng Văn Minh
TIN LIÊN QUAN

Những con đò ở phá Tam Giang

ĐOÀN HÀO VŨ |

Cách thành phố Huế trên dưới ba chục cây số về phía biển, các trường học bên bờ đông phá Tam Giang được xem như vùng “hải đảo” (nhưng không có chế độ), biệt danh “miền lưu đày” do giáo viên tự đặt.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

Những con đò ở phá Tam Giang

ĐOÀN HÀO VŨ |

Cách thành phố Huế trên dưới ba chục cây số về phía biển, các trường học bên bờ đông phá Tam Giang được xem như vùng “hải đảo” (nhưng không có chế độ), biệt danh “miền lưu đày” do giáo viên tự đặt.