Lũy tre Việt ở Sơn Trà Tịnh Viên

Thùy Trang |

Sơn Trà Tịnh Viên là tên của khu vườn đang lưu giữ hơn 100 loài tre trúc, được gầy dựng bởi tâm sức của một người tu sỹ với tâm nguyện tìm và lưu giữ những giá trị văn hóa Việt Nam qua hình ảnh lũy tre xanh. “Để mỗi người đến thăm, từ trẻ nhỏ đến người lớn, ai cũng sẽ hiểu hơn về văn hóa dân tộc. Với tôi, tre là đại diện cho những nguồn cội tốt đẹp ấy”, sư thầy Thích Thế Tường tâm sự.

Bộ sưu tập tre Việt

Cách trung tâm Đà Nẵng 10 km, bán đảo Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên với hệ động thực vật phong phú. Thế nhưng không chỉ có tự nhiên nơi đây đầy kỳ vĩ với Voọc Chà vá chân nâu, mèo rừng,… mà cùng góp mình vào sự đa dạng đó là khu vườn bảo tồn Sơn Trà Tịnh Viên với hơn 100 loài tre trúc đang trở thành điểm đến được nhiều du khách ghé thăm.

Với tâm nguyện lưu giữ những giống tre Việt Nam, sư thầy Thích Thế Tường, người gầy dựng nên khu vườn xanh mướt này được một người dân nơi đây cúng dường khu đất 2ha. Có vườn, thầy Tường vừa đào ao, cất chòi vừa tranh thủ thời gian đi khắp từ Nam chí Bắc để nghiên cứu, tìm tòi các loài tre trúc. Cứ nghe ở đâu có người mách tre lạ là thầy lại lên đường đến tận nơi.

Sưa tầm đã khó, trồng tre còn khó hơn. “Tùy vào từng mùa mà tìm hiểu các giống tre khác nhau để nuôi dưỡng phù hợp. Một gốc tre từ khi mang về đến khi ra lá non, mọc măng và trưởng thành phải mất hàng tháng, hàng năm trời. Không ít lần biết tre ở đó, tìm hiểu rồi đó, nhưng không phải cứ bỏ tiền ra hay đến nơi là mang về được. Số tre trúc trong vườn chỉ là 70% các loại được mang về còn sống được. Cũng nhờ những người có tấm lòng yêu tre, yêu văn hóa Việt ở khắp các nơi cùng góp sức mà tâm nguyện của tôi được dần trở thành hiện thực”, thầy Tường tâm sự.

Rồi trên chính mảnh đất nắng lắm mưa nhiều miền Trung, bằng công sức và tâm huyết hơn một thập kỷ, những cây măng mọc lên, lá xanh chen nhau ngập tràn khu vườn. Sau 12 năm, đến nay khu vườn đang lưu giữ hơn 100 loài tre trúc. Không chỉ có các loại tre trúc trong nước, khu vườn còn có những giống tre được mang về từ nước ngoài như trúc Dharam Sala do đức Dalai Lama tặng. Nhiều giống tre từ Lào, Nhật, Thái Lan cũng được thầy Tường đặt mua về trồng.

Nói về cơ duyên gắn mình với núi rừng Sơn Trà, thầy Tường tâm đắc: “Mảnh đất này nhiều điều thú vị đến kỳ vĩ lắm. Có những giống tre chỉ có ở miền Bắc, hoặc chỉ có ở miền Nam nhưng khi mang tất cả về đây thì đều lên xanh tốt. Hẳn thiên nhiên và tạo hóa đã an phú cho mảnh đất này sự an lành nhiều lắm. Vậy nhưng không hẳn ai cũng hay, cũng quý!”.

Làm vườn tre là một chuyện, sâu xa hơn thầy tâm nguyện: “Tôi mong nhiều người sẽ biết, rằng tre có thể có mặt ở tất cả mọi ngóc ngách đời sống, tre thậm chí còn có năng suất và cho kinh tế cao, lại thân thiện với môi trường hơn là những đồi keo, bạch đàn. Trồng tre còn giúp chống xói mòn đất, điều hết sức cần thiết và quan trọng đối với mọi khu rừng tại nước ta. Biết được những điều này, chúng ta sẽ biết đưa cây tre gắn với cuộc sống nhiều hơn, ích lợi hơn”.

Thầy Thích Thế Tường chăm sóc từng cụm tre với mong muốn lưu giữ màu xanh quê hương, truyền đạt những giá trị văn hóa Việt Nam đến với thế hệ trẻ. Ảnh: Thùy Trang

Giữ tre, giữ tinh hoa văn hóa dân tộc

Trồng tre, lặn lội đi tìm những giống tre quý rồi cắt tỉa thành khu vườn xanh mướt nhưng tâm nguyện cuối cùng và lớn nhất của thầy Tường là mỗi người tìm đến nơi này đều được ngắm nhìn và nghe về văn hóa dân tộc qua từng khóm tre trúc.

“Vòng đời của tre cũng như con người, mỗi loại một vòng đời sinh trưởng khác nhau. Người ta nói trăm năm tre mới nở hoa một lần rồi chết đi, nhưng với những người am hiểu về tre thì sẽ biết không có gì mất đi vĩnh viễn, một cây tre chết đi sẽ luôn giữ lại giống nòi của mình, bằng măng, bằng cành, và cũng có thể bằng quả. Với những gì đang có, tôi chưa dám nhận đây là một bảo tàng, khu vườn đơn giản chỉ là tâm nguyện của một con người nhỏ bé giữa cuộc đời. Với tôi, tre mang phẩm chất của con người Việt Nam, tre là văn hóa, tre là cốt cách của con người Việt. Tôi muốn dựa trên những giá trị văn hóa đó để góp chút công sức cho xã hội, làm đẹp cho mảnh đất quê hương mình”, thầy Tương chia sẻ.

Đến thăm khu vườn của thầy đúng dịp những cây tầm vông đang đâm măng, thầy Tường nhắc những bạn trẻ rào khoảnh đất những ngọn măng đang lên. Vừa chỉ, thầy vừa nói. “Sức tre mạnh mẽ lắm, con người chúng ta phải học tre nhiều mà nhất là các bạn trẻ. Bài học cuộc sống là từ đây chứ đâu”.

Sơn Trà Tịnh Viên quả đúng như cái tên của nó, một khu vườn yên tĩnh giữa núi Sơn Trà, không chỉ được nghỉ mát, nhiều người còn phải trầm trồ khi thấy những lũy tre vàng sọc vững chắc, những cây tầm vông đi vào lịch sử đánh giặc giữ nước hay những hàng rào tre bụng phật xanh mướt hai bên lối đi.

Không chỉ có tre trúc, khu vườn còn có các loại như bương Điện Biên thuộc loại to lớn nhất Việt Nam, trúc đen Hà Giang đang được các nhà khoa học cảnh báo có nguy cơ mất dạng. Đặc biệt, tại vườn có những loại lần đầu tiên phát hiện tại Việt Nam như Giang Sơn Trà, hóp nước mặn ở phá Tam Giang, góp thêm những cái tên vào danh sách tre Việt Nam.

Vậy ra, giữ tinh hoa của văn hóa dân tộc chính là giữ lại hình ảnh lũy tre mà chỉ cần nhắc đến tên thôi là ai nấy cũng đã thấy một bức tranh cuộc sống của người Việt. Giữa cánh đồng trưa hè oi ả, dáng mẹ cha ngồi dưới bóng mát nghe tre hát, gió quạt mát xua tan những mệt mỏi đã đi vào tiềm thức của nhiều người con Việt Nam. “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà xanh” vẫn còn đó trong bài học của mọi thế hệ. Và giờ đây, ngay giữa núi Sơn Trà đang chứa đựng một hồn Việt như vậy.

Trồng tre, làm vườn hơn 12 năm, thầy Tường trải qua không ít khó khăn. Thế nhưng dù sức người nhỏ bé nhưng nhìn khu vườn hôm nay, thầy Tường nói với giọng đầy hy vọng: “Mai này tôi và những người yêu tre sẽ còn làm nhiều hơn nữa để xây dựng bảo tàng bằng tre đầu tiên ở Việt Nam, ở đó sẽ có nhà đọc sách cho các bạn trẻ có nơi yên tĩnh học tập, nhà trưng bày tư liệu về tre, cả khu vui chơi trẻ em nữa để các cháu đến chơi bên lũy tre. Có như vậy, hồn tre mới không mất đi, văn hóa Việt từ những điều nhỏ như đọc sách đến cái lớn hơn là tinh thần tìm về cội nguồn, về với thiên nhiên mới được lưu giữ”.

Mỗi ngày ở Sơn Trà Tịnh Viên đều có nhiều bạn trẻ, du khách ghé thăm. Nhiều người là “lạc bước”, thế nhưng có không ít cô cậu sinh viên đã chọn nơi này làm nơi học tập, nghiên cứu về một không gian Việt bên lũy tre xanh, để được nghe về tre, về tâm nguyện của vị sư thầy.

“Tre lưu giữ văn hóa trong từng chiếc lá, búp măng. Hiểu hơn về tre, yêu văn hóa Việt Nam. Đó là những điều tôi muốn truyền đạt đến những người bạn khi đến thăm khu vườn này” là tâm nguyện mà thầy Tường cứ nhắc lại trong suốt cuộc chuyện trò. 

Thùy Trang
TIN LIÊN QUAN

Rất cần phục hồi những lũy tre làng ở vùng rốn lũ miền Trung

NGUYỄN VĂN NHUẬN |

Bão lũ miền Trung ngày càng khốc liệt, mức độ thiệt hại ngày càng tăng dần. Ngoài nguyên nhân thời tiết hàng năm, có một nguyên nhân rất quan trọng mà chúng ta bỏ qua không đề cập đến khi xây dựng nông thôn mới ở miền Trung, đó là việc phá bỏ những lũy tre làng để thay vào đó là những bờ kè bê tông, trồng các loại cây cảnh không có tác dụng làm giảm tốc dòng chảy, hấp thụ phù sa mỗi khi lũ về. Xây dựng nông thôn mới của chúng ta chưa thích ứng với địa hình triền dốc của giải đất miền Trung.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Rất cần phục hồi những lũy tre làng ở vùng rốn lũ miền Trung

NGUYỄN VĂN NHUẬN |

Bão lũ miền Trung ngày càng khốc liệt, mức độ thiệt hại ngày càng tăng dần. Ngoài nguyên nhân thời tiết hàng năm, có một nguyên nhân rất quan trọng mà chúng ta bỏ qua không đề cập đến khi xây dựng nông thôn mới ở miền Trung, đó là việc phá bỏ những lũy tre làng để thay vào đó là những bờ kè bê tông, trồng các loại cây cảnh không có tác dụng làm giảm tốc dòng chảy, hấp thụ phù sa mỗi khi lũ về. Xây dựng nông thôn mới của chúng ta chưa thích ứng với địa hình triền dốc của giải đất miền Trung.