Ưu tiên ngành công nghệ
Tại hội thảo Đầu tư vào lĩnh vực Công nghệ cao tại TP Đà Nẵng được tổ chức mới đây, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng phấn đấu trở thành một đô thị sinh thái thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. TP Đà Nẵng tập trung phát triển 3 trụ cột chính gồm: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển.
Từ năm 2012 đến nay, địa phương đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, một trong ba khu công nghệ cao cấp quốc gia và là Khu Công nghệ cao duy nhất tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao được xác định là động lực và hạt nhân để tạo ra đột phá, góp phần then chốt vào sự phát triển của kinh tế Đà Nẵng sau dịch bệnh. TP Đà Nẵng phấn đấu tỷ lệ đóng góp của Khu Công nghệ cao đạt tối thiểu 10-15% giai đoạn 2025-2030.
Trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, Đà Nẵng tiếp cận theo sát xu hướng của CMCN 4.0 để định hướng thu hút và phát triển các lĩnh vực phù hợp.
Hiện Đà Nẵng ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực: công nghệ thông tin, truyền thông; công nghệ sinh học; công nghệ vi điện tử, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano…
Theo Chủ tịch Lê Trung Chinh, TP Đà Nẵng cam kết sẽ không ngừng tạo dựng, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư và phát triển ổn định, thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chính là thành công của thành phố.
Tạo mọi chính sách hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Công Tiến - Phó Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng, bên cạnh những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư vào khu Công nghệ cao theo quy định của Trung ương, TP Đà Nẵng cũng ban hành những chính sách riêng để hỗ trợ thêm cho nhà đầu tư.
Trong đó, TP Đà Nẵng đã miễn giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp. Đối với phân khu sản xuất được giảm 50 năm.
Về thuế hàng hóa nhập khẩu, đối với hàng hóa thiết bị đầu tư vào khu Công nghệ cao để hình thành lên nhà xưởng, nhà máy thì được miễn thuế nhập khẩu.
Đối với các nguyên vật liệu, linh kiện mà Việt Nam chưa sản xuất được, các nhà đầu tư được miễn thuế nhập khẩu trong 5 năm. Đối với ưu đãi tín dụng, ngân hàng sẽ tham gia tài trợ vốn.
Ông Nguyễn Công Tiến cho biết, visa cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam cũng là một vấn đề được các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm. Vì thế, visa cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ được cấp nhiều lần để tạo thuận lợi.
Đối với dự án vào khu công nghệ cao, ngay từ ban đầu, đơn vị sẽ kết nối nhà đầu tư với Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng sẽ giúp đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực đối từng vị trí việc làm của dự án nhà đầu tư về kỹ thuật, vốn ngoại ngữ,…
Đối với dự án quan trọng có vốn đầu tư lớn, Ban quản lý sẽ thành lập Tổ công tác để giúp nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc. Ban quản lý sẽ bố trí nhân sự của các phòng chuyên môn nghiệp vụ để giúp đỡ từ giai đoạn tiếp xúc gặp gỡ đến lúc nhà đầu tư nộp hồ sơ.
Theo ông Nguyễn Công Tiến, hiện nay, khu công nghệ cao đã cấp được 29 dự án với tổng số vốn là 905 tỉ USD. Trong đó, 8/29 dự án đã triển khai và đi vào hoạt động. Dự kiến, trong năm 2023 sẽ có thêm 3 – 4 dự án triển khai xây dựng và đi vào hoạt động.