Vinh danh 74 “Doanh nghiệp vì người lao động” năm 2017: Doanh nghiệp sẽ thành công nếu sử dụng được trí tuệ người lao động

TẤT THẢO |

Chiều 28.11, Báo Lao Động tổ chức chương trình giao lưu “Doanh nghiệp vì người lao động 2017” với chủ đề “Bạn đã sẵn sàng với cách mạng công nghiệp 4.0?”. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải tham dự.

Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp (DN) muốn ứng dụng thành công thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 phải sử dụng được trí tuệ của người lao động (NLĐ). Muốn vậy, DN cần tích cực nâng cao kỹ năng, trình độ của NLĐ bởi xét cho cùng, yếu tố con người vẫn chiếm vị trí chủ chốt trong sự phát triển bền vững của DN.

Lao động cơ bắp sẽ bị thay thế

Chương trình giao lưu có sự tham dự của các DN được vinh danh trong Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì người lao động” (DNVNLĐ) 2017 và các DN đã nhận được giải thưởng DNVNLĐ năm 2016. Theo TS Nguyễn Minh Phong - Phó Vụ trưởng, Phó ban Tuyên truyền Lý luận (Báo Nhân Dân) - thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 mang lại nhiều lợi ích to lớn cho con người; tuy nhiên, đi cùng với đó là một tương lai sẽ biến mất rất nhanh lao động phổ thông do bị robot thay thế; thay vào đó nhu cầu đòi hỏi về nhân lực cao sẽ tăng lên. “Phân hóa lao động ngày càng rõ rệt. Phần lớn lao động trình độ thấp có giá rẻ, nhưng không có việc làm; ngược lại, NLĐ có trình độ cao, lương cao chiếm vị trí thống trị và nền tảng của sự phát triển” - ông Phong nói.

Ông Phong cho biết thêm, theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong tương lai, trung bình 9% việc làm hiện nay có nguy cơ bị thay thế hoàn toàn bởi tự động hóa; khoảng 47% các công việc hiện tại ở Mỹ có thể sẽ biến mất vì tự động hóa; 30% việc làm sẽ trải qua quá trình trang bị lại, bao gồm các kỹ năng mới. Khi thời kỳ robot hóa và tự động hóa lên ngôi, hàng triệu người sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp, đặc biệt là những nhân công trong ngành vận tải, kế toán, môi giới bất động sản hay bảo hiểm.

Bà Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) - chia sẻ thông tin: Mới đây, Hãng Adidas đã công bố sản xuất thành công 500 đôi giày đầu tiên không cần sử dụng công nhân nào. Bên cạnh đó, may là khâu khó tự động hóa nhất trong ngành dệt may, do nguyên liệu vải sẽ bị co trong quá trình may, nhất là các đường may vòng, uốn lượn. Tuy nhiên, 2 Cty công nghệ của Mỹ đã công bố thiết kế thành công máy may tự động hóa hoàn toàn với hai công nghệ khác nhau. Trong tương lai, robot tự động hóa hoàn toàn có thể thay thế việc làm trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp hàng loạt như ôtô, điện tử, dệt may, da giày. “Hiểu đơn giản là hầu hết các công việc đơn giản, lặp đi lặp lại, hay việc tay chân, robot đều có thể thay thế được” - bà Lan cho biết.

Nâng cao kỹ năng tay nghề cho công nhân

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến nhấn mạnh vấn đề DN cần chủ động nâng cao kỹ năng tay nghề cho NLĐ trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch CĐ Cty Thủy điện Sơn La - cho rằng, đứng trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì vấn đề đào tạo cho NLĐ hết sức quan trọng. “Con người là vốn quý của DN, là nhân tố chiến lược để xây dựng phát triển DN.

Trong bối cảnh tự động hóa đang trở thành một xu hướng, thì vai trò nhân tố trí thức của con người ngày càng quan trọng. Hiện chúng tôi tập trung khai thác nguồn lao động thâm niên, đây là những người giàu kinh nghiệm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng nâng cao tay nghề cho đội ngũ kỹ sư trẻ. Với khoảng 40% số lao động có trình độ kỹ sư, chúng tôi đã sẵn sàng hội nhập, đáp ứng ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0” - ông Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ.

Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn Phạm Thị Thu Lan nhận định, DN cần có kế hoạch về đào tạo cho NLĐ ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho việc áp dụng công nghệ 4.0 cũng như trong quá trình chuyển đổi công nghệ 4.0. “DN cần quan tâm và có kế hoạch đào tạo dự phòng cho NLĐ, tức là bên cạnh việc đào tạo các kỹ năng của công việc hiện tại, DN cần đào tạo thêm các kiến thức và kỹ năng chuyên môn khác mà thị trường lao động trong tương lai cần tới, đặc biệt là kiến thức về tin học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, phần mềm, các bộ cảm ứng kết nối, tư duy lập trình…” - bà Lan nói.

Chia sẻ với các DN, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN - cũng nhấn mạnh, các DN cần có chính sách hỗ trợ để nâng cao trình độ chuyên môn của NLĐ, để từ đó NLĐ có tương lai tốt hơn trong bối cảnh ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Bà Trần Thị Anh Phương - Trưởng phòng Kinh doanh, Chủ tịch CĐ Cty Traphaco: Năng suất cao hơn nhờ tự động hóa

Cty chúng tôi mới khánh thành một nhà máy tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Điều đặc biệt của nhà máy này so với các nhà máy khác là đây là nơi đầu tiên chúng tôi áp dụng gần như hoàn toàn tự động hóa gọi là công nghệ BFS. Theo đó, nhà máy này có 3 phân xưởng sản xuất thuốc nhỏ mắt, mũi đều do máy móc tiến hành; còn con người chỉ điều hành máy móc online. Hiện nhà máy này có 150 cán bộ, công nhân lao động, trong khi bình thường phải cần khoảng 300 người. Những người lao động trong nhà máy này vẫn được đảm bảo quyền lợi, chế độ như các nhà máy khác trong Cty. TẤT THẢO (ghi)

Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN: Người lao động tạo nên sự giàu có của doanh nghiệp

 

Phát biểu tại buổi giao lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải cho rằng, cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đưa ra nhiều thách thức, vấn đề đối với DN. DN có thể ứng dụng cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 thành công khi sử dụng được trí tuệ của NLĐ. Theo đó, DN cần phải chuẩn bị để NLĐ có trí tuệ vận hành máy móc hiện đại, tự động; đồng thời chủ động đóng góp trí tuệ hơn vào sự phát triển của DN. DN phải nhận thức sâu sắc rằng để có sự bền vững thì phải nâng cao trình độ của NLĐ. Ông Trần Thanh Hải cũng bày tỏ sự trân trọng của tổ chức CĐ với các DN bởi nhiều năm qua, các DN đối mặt với nhiều thử thách, nhưng đã nỗ lực vươn lên, trong đó đã thể hiện sự quan tâm đến NLĐ như một phần của DN, tạo nên sự giàu có của DN. QUẾ CHI ghi

Phó Tổng Thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh: Chất lượng doanh nghiệp tham gia cao hơn những năm trước

 
 

Qua 2 vòng chấm điểm và 1 vòng hiệp y, đã có 74 doanh nghiệp (DN) được xếp hạng. Số lượng DN tham gia đông đảo hơn, chất lượng các DN đăng ký tham dự trong năm 2017 cũng cao hơn những năm trước. Số lượng DN có hơn 1.000 lao động trở lên đăng ký tham gia Bảng xếp hạng chiếm 45% tổng số DN tham gia, trong đó có 47 DN có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng; 8 DN có mức lương bình quân trên 20 triệu đồng/tháng.

Các DN được vinh danh đều thực sự là những “cánh chim đầu đàn” không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường làm việc, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ, xây dựng môi trường văn hóa DN lành mạnh, quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, hướng tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập và phát triển. Chương trình Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì người lao động” không chỉ khuyến khích các DN ngày càng chăm sóc tốt hơn cho đời sống của NLĐ, mà còn tạo dựng và duy trì mối quan hệ đối tác lành mạnh, tin cậy và gắn bó giữa DN và NLĐ cùng đồng hành trên con đường phát triển bền vững, khuyến khích DN tạo một môi trường làm việc lý tưởng, chia sẻ lợi ích, khắc phục khó khăn để NLĐ nỗ lực hơn nữa, cống hiến sức lực và trí tuệ, kiến tạo nên những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Môi trường làm việc, văn hóa DN cần được khuyến khích nhân rộng, tạo hiệu ứng xã hội và trở thành “chuẩn mực” và là điều kiện bắt buộc tại nơi làm việc. Môi trường làm việc thể hiện trách nhiệm kinh doanh và đạo đức kinh doanh, không chỉ tốt cho NLĐ mà còn mang lại lợi ích cho chính DN, góp phần tăng năng lực sản xuất và cạnh tranh của các DN, bởi vì con người là tài sản lớn nhất của mỗi DN. Tôi cho rằng, việc tham gia vào Bảng xếp hạng là bước tạo tiền đề để tất cả DN đều có môi trường làm việc “vì người lao động”. KHÁNH VŨ ghi

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH: Bình chọn doanh nghiệp khắt khe hơn mọi năm

 
 

Năm nay là năm thứ 4 chúng ta duy trì vinh danh “Doanh nghiệp vì người lao động”. Tên gọi bảng xếp hạng đã phản ánh nhiều điều trong chất lượng của bảng xếp hạng này. Tiêu chí quan trọng nhất là doanh nghiệp (DN) có chăm lo đời sống người lao động (NLĐ) hay không, ngoài nghĩa vụ thực hiện theo Luật Lao động còn thể hiện ở các nghĩa vụ ngoài quy định của pháp luật. Năm nay, số DN tham gia bảng xếp hạng nhiều hơn. Tuy nhiên, số DN được bình chọn khắt khe hơn mọi năm. Qua nhiều vòng sơ khảo, bảng chấm, Thanh tra Bộ LĐTBXH là đơn vị trực tiếp chấm qua rất nhiều vòng rà soát. Sau khi chấm, các DN được đưa vào bảng xếp hạng được xin ý kiến của Thanh tra Sở LĐTBXH các địa phương. Có sự khắt khe trong bình chọn do chúng ta đón đầu công nghệ 4.0, phải đối mặt với thực tế như sử dụng người máy, lao động công nghệ cao…. Vì vậy, đối với những DN này, chúng tôi hoàn toàn yên tâm, xứng đáng được vinh danh vì người lao động. Hy vọng trong năm 2018, có nhiều DN tham gia và được vinh danh là “Doanh nghiệp vì người lao động”. Qua việc tham gia bảng xếp hạng, 74 DN gắn chặt hơn nữa trách nhiệm với công đoàn cơ sở trong việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ, chú trọng đến công tác công đoàn và đảm bảo những lợi ích thiết thực của NLĐ. LÊ HOA ghi

Ý kiến đại diện doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Liên - Phó Tổng Giám đốc Cty cổ phần quốc tế Phong Phú: “Tự động hóa là xu thế tất yếu”

Chuyên môn hóa, tự động hóa là xu thế tất yếu. Bản thân tôi rất ủng hộ, bởi DN không thể đi ngược lại xu thế trên. Vừa qua, chúng tôi đã đặt mua một con robot với giá 250.000 euro. Con robot này sẽ làm trong công đoạn phun màu. Công đoạn này vốn sử dụng hóa chất, nên bên cạnh việc chính xác hơn, robot sẽ giúp cho con người không phải tiếp xúc với hóa chất độc hại. Bên cạnh đó, Cty chúng tôi cũng đã sử dụng nhiều máy móc tự động hóa trong nhiều công đoạn, như máy laser để tạo ra những vết rách theo như thiết kế… Khi nhập những công nghệ mới này về, chúng tôi huấn luyện cho công nhân biết điều khiển máy. Tôi không nghĩ là việc áp dụng công nghệ tự động trong Cty mình sẽ khiến công nhân mất việc. Khi tiến hành việc này khiến lao động dôi dư, chúng tôi sẽ tiến hành đào tạo lại họ để họ có thể làm công việc khác. Trong các cuộc họp, chúng tôi khuyến khích NLĐ tăng cường kỹ năng tay nghề, bởi nếu có kỹ năng tay nghề tốt thì họ sẽ không bao giờ bị đào thải. Bản thân Cty cũng hỗ trợ đào tạo cho NLĐ hằng năm. TẤT THẢO ghi

Ông Đoàn Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần May Nam Hà (Nam Định): “Chỉ con người mới có thể làm một sản phẩm “có hồn””

Theo tôi nghĩ, việc áp dụng công nghệ tự động hóa vào doanh nghiệp không thể diễn ra đột ngột, mà phải từng bước để thích ứng với sự thay đổi của thời đại. Hiện nay, Cty đã áp dụng nhiều loại máy bán tự động (vẫn phải có bàn tay con người điều khiển) để tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, đối với những sản phẩm mà khách hàng muốn có những sự khác biệt thì vẫn không thể thay thế được bàn tay con người, bởi chỉ con người mới có thể làm một sản phẩm “có hồn”, đáp ứng nhu cầu riêng của khách hàng. Chúng tôi cũng đã phổ biến thông tin về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này đến toàn thể cán bộ quản lý, NLĐ trong Cty. Họ đã hiểu hơn về bối cảnh này và từng bước có sự thay đổi về nhận thức, tích cực nâng cao tay nghề để có thể thích ứng trong tình hình mới. Q.CHI (ghi)

Bà Trần Quý Dân - Chủ tịch CĐ Cty May 10: “Nâng cao tay nghề CNLĐ để thích nghi được công nghệ mới”

Chúng tôi đang bàn bạc xây dựng kế hoạch áp dụng robot vào sản xuất, chứ chưa áp dụng hay có một kế hoạch cụ thể. Bởi đây là một việc phức tạp liên quan đến bộ máy vận hành, kinh phí… Tuy nhiên, tôi nghĩ đây là xu thế tất yếu mà các DN đều phải trải qua. Với chức năng của CĐCS, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho công nhân hiểu được xu thế mới và không thể tránh khỏi này. Để chuẩn bị cho việc áp dụng tự động hóa, robot sau này, chúng tôi tham mưu cho chuyên môn trước mắt tập trung tuyên truyền, đào tạo, nâng cao kỹ năng tay nghề cho công nhân để có thể đáp ứng thích nghi được công nghệ mới, điều hành được máy móc mới, không bị mất việc trong tương lai. T.THẢO (ghi)

TẤT THẢO
TIN LIÊN QUAN

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Khổ luyện để trở thành kỳ nữ Mai hoa thung

Tạ Quang |

Để có thể biểu diễn Mai hoa thung, các vận động viên phải khổ luyện, thành thạo múa lân truyền thống và bắt buộc là phải biết võ thuật. Những chú lân bay nhảy trên dàn cọc sắt, cao từ 1m đến 3m, kết hợp với các động tác tung hứng mạo hiểm, tạo nên những pha thót tim.

Giải cứu thành công người đàn ông ở dưới giếng sâu 25m trong 4 ngày

BẢO TRUNG |

Ngày 18.1, Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh giải cứu thành công một người đàn ông sau 4 ngày rơi xuống giếng sâu 25m trong rẫy vắng.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nhận 10.000 USD cảm ơn

Việt Dũng |

Ngoài chỉ đạo cấp dưới thương thảo, đàm phán nhà thầu "hỗ trợ" 2-5% giá trị gói thầu, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn còn nhận "cảm ơn".