Tiền thuê trọ cho NLĐ: Hỗ trợ 50.000-100.000 đồng/tháng cũng đã là đáng quý

THƯ HÂN |

Nhiều công nhân lao động chưa nắm được thông tin về đề nghị của Chính phủ gửi Quốc hội sử dụng 6.600 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động. Thế nhưng, họ đều cho rằng, nếu chính sách này được triển khai sẽ giúp công nhân đỡ phần nào khó khăn, mang lại thêm động lực cho họ trong bối cảnh bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh.

Công nhân mong mỏi

Anh Phan Văn Nhanh (quê ở Thái Bình) cùng vợ và con đang thuê trọ tại thôn Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một phòng trọ trong dãy gồm 7 phòng, giá thuê 1,5 triệu đồng/tháng. “Mùa đông, không phải dùng điều hoà thì tổng cộng tiền thuê nhà, tiền điện nước là khoảng 2 triệu đồng/tháng. Số tiền này vào mùa hè sẽ cao hơn vì lượng điện tiêu thụ nhiều hơn” - anh Nhanh cho hay.

Tiền nhà, tiền điện, nước chiếm tỉ lệ đáng kể trong thu nhập của vợ chồng anh Nhanh. Cả hai đều làm công nhân trong công ty tư nhân. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 2 công ty nơi anh chị theo làm đều ít việc. Anh Nhanh được khoảng 7 triệu đồng/tháng; còn vợ anh được 5 triệu đồng/tháng. “Ngoài tiền thuê nhà, vợ chồng tôi còn phải chi nhiều khoản khác: Tiền gửi con, mua sữa, bỉm cho con, tiền ăn uống, sinh hoạt… Tính ra làm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, không dành dụm được đồng nào” - anh Nhanh than thở.

Anh Nhanh cho biết, anh chưa nắm được thông tin Chính phủ đề nghị Quốc hội sử dụng 6.600 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động. “Nếu chính sách hỗ trợ hỗ trợ này sớm được triển khai sẽ mang lại niềm vui rất lớn cho những công nhân thuê trọ như vợ chồng tôi, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, ảnh hưởng rất lớn đến việc làm, đời sống, thu nhập” - anh Nhanh nói và cho hay, đối với công nhân, được hỗ trợ 50.000-100.000 đồng/tháng cũng đã là đáng quý. “Được hỗ trợ sẽ giúp công nhân lao động bớt đi phần nào khó khăn, hơn nữa, tạo động lực để công nhân nỗ lực hơn trong lao động sản xuất, yên tâm làm việc” - anh Nhanh nói.

Còn tại Hà Nội, theo khảo sát của phóng viên, hiện nay, nơi ở của nhiều công nhân đang làm việc trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) thường là những dãy phòng cấp bốn, được lợp bằng tấm lợp fibro ximăng, lụp xụp và tuềnh toàng. Nhiều phòng trọ chỉ có diện tích khoảng 9-10m2. Với không gian nhỏ hẹp như vậy, cuộc sống rất bí bách. Nếu công nhân sống một mình, thì 1 phòng trọ là đủ, nhưng nếu sinh con, rồi ông, bà lên trông cháu thì nhiều công nhân buộc phải thuê phòng khác rộng rãi hơn hoặc thuê thêm một phòng trọ mới.

Anh Nông Văn H. (thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) đang phải thuê 2 căn phòng trọ sát nhau, mỗi căn chỉ tầm 7-8m2. Trước đây, khi còn độc thân, anh chỉ thuê một phòng trọ, nhưng từ khi lấy vợ, có 2 con con, rồi bà ngoại lên trông cháu, anh phải chăm chút hơn nơi trọ, đồng thời phải thuê thêm một phòng nữa. Một tháng, tiền thuê trọ, tiền điện nước của cả 2 phòng tiêu tốn hết 2 triệu đồng.

Anh H. cho biết, hiện thu nhập của cả 2 vợ chồng được khoảng 14-15 triệu đồng/tháng. Hằng tháng, cùng với 2 triệu tiền thuê nhà, điện nước, vợ chồng anh H. phải tiêu khoảng 8 triệu đồng nuôi con, mua thực phẩm, đó là chưa kể các khoản chi phát sinh khác. Anh H. cho rằng, nếu được hỗ trợ tiền thuê nhà sẽ là một sự động viên rất lớn đối với công nhân lao động, giúp họ có động lực vượt qua khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19.

Cần chiến lược hỗ trợ tổng thể cho người lao động 

Trao đổi về đề nghị của Chính phủ gửi Quốc hội sử dụng 6.600 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho hay: “Quốc hội bàn về hỗ trợ cho người lao động là rất tốt. Việc hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động là vấn đề trước mắt. Vấn đề căn cơ phải có chiến lược tổng thể từ thuê nhà trọ, nhà ở, thiết chế văn hoá-xã hội...”.

Những địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội… vốn thu hút nhiều lao động ngoại tỉnh đến làm việc. Song thực tế cho thấy những chính sách an sinh như nhà ở, thiết chế văn hoá, xã hội, nhà mẫu giáo… cho người lao động ngoại tỉnh và con em họ chưa được triển khai tốt. Vì vậy, họ vẫn mãi là ngụ cư, đến để kiếm nguồn thu nhập và không xác định ở đây lâu dài. Cho nên, khi dịch bệnh tác động, người lao động không chịu được phải về quê. Mặc dù, họ chưa thể biết về quê sẽ ra sao, song với họ, trong lúc này về quê vẫn là tốt nhất.

Vì vậy, ông Huân cho rằng, Nhà nước có các chính sách an sinh, tài khóa, tín dụng dành cho người lao động. Đặc biệt, các địa phương phải ban hành chính sách dành đất khu công nghiệp xây dựng thiết chế văn hóa xã hội, nhà mẫu giáo, quy hoạch trường học, kết nối giao thông với khu dân cư… để người lao động ngoại tỉnh yên tâm làm việc.

Ông Đinh Ngọc Quý - Uỷ viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng nhấn mạnh về việc ổn định thị trường lao động lâu dài, bên cạnh việc làm bền vững, họ còn cần được hỗ trợ về nhà ở. Về giáo dục, cần có nơi cho con cái học học hành ổn định. Đặc biệt, các khu công nghiệp cần thiết có những hỗ trợ nhà ở xã hội để người lao động có thể ổn định, yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài.

THƯ HÂN
TIN LIÊN QUAN

Công nhân thuê trọ cũng là người nhà

Mai Dung |

Dịch COVID-19 tại Hải Phòng đang diễn biến phức tạp, “len lỏi” vào nhà máy, khu công nghiệp với hàng nghìn công nhân, lao động thuộc diện F0, F1, phải cách ly, điều trị. Chia sẻ với khó khăn của người lao động, nhiều chủ nhà trọ ở Hải Phòng tuy tuổi đã cao nhưng vẫn hằng ngày hỗ trợ người lao động đang phải cách ly do dịch.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Công nhân thuê trọ cũng là người nhà

Mai Dung |

Dịch COVID-19 tại Hải Phòng đang diễn biến phức tạp, “len lỏi” vào nhà máy, khu công nghiệp với hàng nghìn công nhân, lao động thuộc diện F0, F1, phải cách ly, điều trị. Chia sẻ với khó khăn của người lao động, nhiều chủ nhà trọ ở Hải Phòng tuy tuổi đã cao nhưng vẫn hằng ngày hỗ trợ người lao động đang phải cách ly do dịch.