CUỘC THI BÚT KÝ, PHÓNG SỰ VỀ CÔNG NHÂN, CÔNG ĐOÀN VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG HÀ TĨNH

Tạo sinh kế bền vững cho hàng trăm người mù

LÊ VĂN VỴ |

Với phương châm “cho cần câu hơn cho cá”, nhiều năm qua, Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực tổ chức đào tạo nghề tẩm quất cho hội viên, tạo điều kiện cho hàng trăm người khuyết tật có công ăn việc làm ổn định, tự lo được cuộc sống bản thân và gia đình.

Muôn vàn khó khăn, thách thức

Theo anh Hà Huy Thông - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh, ở thời điểm hiện tại, Hội đang quản lý 3.919 hội viên sinh hoạt tại các huyện, thị, thành hội. Mấy chục năm nay, vấn đề đau đáu của hội là làm sao tạo được sinh kế cho hội viên ổn định cuộc sống, san sẻ gánh nặng cho gia đình, xã hội, xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.

“Đó là bài toán hóc búa. Nhiều người có bằng cấp đầy mình, đủ sức khỏe, tuổi trẻ còn khó kiếm công ăn việc làm huống chi người mù. Nhưng không lẽ để hội viên chết đói, nên hội buộc phải tìm giải pháp. Theo tôi, trừ những trường hợp đặc biệt không thể trao cần phải trao cá, còn lại định hướng trao cần câu là tốt nhất” - anh Hà Huy Thông chia sẻ.

 Những kỹ thuật day, bấm huyệt điêu luyện góp phần làm nên thương hiệu tẩm quất người mù. Ảnh: Lê Văn Vỵ
Những kỹ thuật day, bấm huyệt điêu luyện góp phần làm nên thương hiệu tẩm quất người mù. Ảnh: Lê Văn Vỵ

“Trao cần câu” là tạo mọi điều kiện, tìm kiếm cơ hội tổ chức cho hội viên học và hành nghề. Để làm được điều này, Tỉnh hội đối mặt với muôn vàn khó khăn và thách thức.

Đầu tiên là làm sao tìm kiếm được nghề phù hợp với hoàn cảnh người mù. Những nghề truyền thống của hội như làm tăm tre, nuôi ong lấy mật, chăn nuôi gia cầm, gia súc, tẩm quất đã tạo ra sinh kế cho không ít hội viên. Nhưng trải qua hàng chục năm triển khai, tẩm quất được xác định là nghề mũi nhọn phù hợp với người mù. Nhưng tìm kiếm được nguồn lực tổ chức cho hội viên học nghề không dễ.

“Ngoài nguồn lực hỗ trợ của Trung ương hội, nguồn lực từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, còn có nguồn lực xã hội huy động theo phương thức xã hội hóa. Mấy năm gần đây, do dịch bệnh, biến đổi khí hậu, chiến tranh… dẫn đến suy thoái kinh tế, các nguồn hỗ trợ không thường xuyên, khả năng huy động của Tỉnh hội có hạn, nên mỗi năm Tỉnh hội chỉ mở được hai đến ba lớp học chữ Braille và học nghề” - chị Nguyễn Thị Thùy - Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh trao đổi.

Xác định tẩm quất là nghề mũi nhọn nên Tỉnh hội đã tập trung đào tạo nghề tẩm quất. Mười năm trở lại đây, Tỉnh hội đã mở được 10 lớp học nghề cho gần 300 lượt hội viên theo học. Mỗi lớp được học tập trung 3 tháng tại Tỉnh hội. Lớp học gần nhất do hội kết nối, bác sĩ Nguyễn Hồng Minh đến từ TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ toàn diện (ăn, ở, đi lại, người dạy) cho 32 hội viên của 13 huyện, thị trong tỉnh.

Đã từng làm lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn, đã từng phối kết hợp với Hội người mù trong việc dạy chữ Braille, dạy nghề cho đối tượng khiếm thị, tôi hiểu và chia sẻ cả núi khó khăn phức tạp khi tổ chức lớp học nghề cho người mù.

Khó khăn đến từ tổ chức nơi ăn chốn ở. Hàng trăm việc không tên phải tính toán từ phòng ở cho học viên nam và nữ. Biết là với người mù, bố trí ở giường tầng không thuận lợi, nhưng phòng hẹp, tính toán mãi rồi may ra “ém” được phòng ở cho hội viên nữ giường một tầng. Cả 32 thành viên cũng chỉ có 2 nhà vệ sinh (1 cho nam và 1 cho nữ). Làm sao đủ nước sinh hoạt lại phải tính đến bể chứa để ngày hè không thiếu nước. Có những chuyện va chạm nhau mỗi sáng đi vệ sinh, cười chảy ra nước mắt mà không dám kể…

Cầm tay chỉ việc

Cơ sở tẩm quất, mát xa Lê Hữu Tuệ (TP Hà Tĩnh) trở thành sợi dây gắn kết những cảnh ngộ khó khăn, là “cần câu” niềm vui và hạnh phúc.  Ảnh: Lê Văn Vỵ
Cơ sở tẩm quất, mát xa Lê Hữu Tuệ (TP Hà Tĩnh) trở thành sợi dây gắn kết những cảnh ngộ khó khăn, là “cần câu” niềm vui và hạnh phúc. Ảnh: Lê Văn Vỵ

Một trong những kinh nghiệm dạy nghề tẩm quất cho người mù là “cầm tay chỉ việc”. “Kinh lạc, huyệt đạo trên hình vẽ, họ không nhìn thấy, vì vậy, tất cả “lấy tay mà hay”. Là người trực tiếp dạy cho hội viên, tôi cầm tay chỉ từng huyệt đạo. Huyệt bách hội trên đỉnh đầu. Huyệt thùy chẩm sau ót… Cứ cầm tay từng người cho họ nhận biết từ từ vị trí huyệt đạo trên cơ thể họ, sau đó, tổ chức từng cặp một, nhận biết huyệt đạo. Cứ như vậy, chỉ sau hơn một tuần hầu hết các hội viên đã nhận biết thành thạo các huyệt đạo” - chuyên gia dạy tẩm quất Trần Bá Hoàng cho biết.

Tôi hỏi hội viên Nguyễn Đình Tiến: “Khó nhất trong học nghề tẩm quất là khâu nào?”, anh trả lời: “Khó nhất là thành thục kỹ năng. Kỹ năng sử dụng ngón tay, cẳng tay, tay chỏ, ngón chân, cẳng chân, đầu gối một cách thành thạo hỗ trợ bấm, day các huyệt đạo. Bài dạy của thầy chỉ là những đường nét cơ bản, còn khi vào nghề thiên biến vạn hóa.

Bởi mỗi khách hàng, “thượng đế” đau, mỏi, nhức ở những vị trí khác nhau, sức chịu đựng lực bấm, day khác nhau, nên tùy vào từng trường hợp cụ thể mà lượng sao cho vừa sức”.

Còn đối với hội viên Lê Bá Tuệ, học tẩm quất chủ yếu học thực hành. “Bài học trên lớp của thầy theo chúng em đến cả khi sinh hoạt. Tối đến, về phòng không khí sôi nổi. Từng đôi một, khảo bài, trở thành đối tượng thực hành cho nhau, nên bài học được khắc sâu” - anh Tuệ kể.

Đó là chưa kể đến những bài học không có trong giáo án, những ngón nghề tẩm quất “voi dày”, “ngựa xé”, “kiến bò”, “cò mổ”, những thủ thuật nổ khớp răng rắc là cơ hội để các thành viên kiếm kế sinh nhai, hòa nhập vào cộng đồng, xóa đi những mặc cảm, tự ti về thân phận.

Gian nan tìm sinh kế

Hội người mù Khu vực châu Á Thái Bình Dương chứng nhận cơ sở mát xa Hội người mù Hà Tĩnh là cơ sở kiểu mẫu. Ảnh: Lê Văn Vỵ
Hội người mù Khu vực châu Á Thái Bình Dương chứng nhận cơ sở mát xa Hội người mù Hà Tĩnh là cơ sở kiểu mẫu. Ảnh: Lê Văn Vỵ

Học được nghề không dễ, nhưng để nghề thành sinh kế chẳng dễ dàng chút nào. “Hàng trăm người học nghề, nhưng không phải tất cả mưu sinh được từ nghề” - chị Nguyễn Thị Thùy cho biết

Theo thống kê của Hội người mù Hà Tĩnh, ở thời điểm hiện tại có 35 cơ sở tẩm quất, mát xa người mù, trong đó 19 cơ sở với trên 100 kỹ thuật viên do hội quản lý, 16 cơ sở trên 50 kỹ thuật viên do hội viên đăng ký, tự quản lý.

Với hiệu quả tạo sinh kế cho người khiếm thị, cơ sở mát xa, tẩm quất người mù tại Tỉnh hội vinh dự được Hội người mù Khu vực châu Á, Thái Bình Dương chứng nhận là cơ sở mát xa kiểu mẫu.

Thuận lợi của các cơ sở tẩm quất do Hội quản lý là tận dụng được cơ sở vật chất tại tỉnh hay huyện hội, còn các cơ sở tư nhân chủ yếu thuê mướn ở ngoài. Mặc dầu đầu tư ga, gối, lò sưởi, máy lạnh, dầu xoa nhưng cơ sở vật chất của người mù vẫn còn khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các “thượng đế”.

Trong khi đó, các cơ sở mát xa tại các khách sạn, nhà nghỉ và biệt lập được đầu tư tiện nghi, hiện đại mọc lên như nấm. Theo điều tra của chúng tôi, hiện nay, chỉ riêng tại thành phố Hà Tĩnh đã có khoảng 30 cơ sở mát xa được cấp phép hành nghề. Những cơ sở mát xa hiện đại này đang cạnh tranh gay gắt cơ sở tẩm quất của người mù.

Mặc dầu vậy, tẩm quất người mù có thương hiệu riêng vẫn là lựa chọn của nhóm khách hàng là những bệnh nhân bệnh nền, những người già bệnh thoái hóa, xương khớp, vai gáy hay tê bì chân tay và những khách hàng cần kĩ thuật viên mát xa chuyên nghiệp.

Để tẩm quất trở thành sinh kế bền vững cho người mù, bao nhiêu bài toán phải giải. Đó là đổi mới cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới phong cách phục vụ, xây dựng và quảng bá thương hiệu... Để thuê được địa điểm trung tâm, tiện nghi không dễ.

Nhắc đến điều này, Tuệ vẫn buồn lòng, mặc dầu chuyện xảy ra đã lâu. Năm 2007, cơ sở Tuệ thuê được vị trí trung tâm đầu tư hành nghề. Nhưng ba năm sau, khi hết hạn hợp đồng, gia chủ không gia hạn, lấy lại cơ sở.

Vợ chồng Tuệ đành phải đôn đáo chạy tìm cơ sở mới. Phải mất nửa năm mới có cơ sở để hành nghề.

Sau đại dịch COVID-19, cơ sở vắng như chùa bà đanh, mấy anh chị em trong cơ sở của anh Tuệ gom góp những đồng tiền tích góp được nuôi nhau rau cháo cho qua đận khó khăn. Vì vậy, tẩm quất người mù không chỉ là “cần câu cơm” mà còn là sợi dây gắn kết những cảnh ngộ với nhau đầy tình người.

LÊ VĂN VỴ
TIN LIÊN QUAN

Đoàn viên công đoàn Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng được khám sức khỏe miễn phí

PHƯƠNG ANH |

Sóc Trăng - Ngày 21.5, Công đoàn cơ sở (CĐCS) Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng phối hợp chính quyền tổ chức cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) và hội viên khám sức khỏe tổng quát.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao 6.540 cây gậy trắng cho Hội người mù Việt Nam

Đức Anh |

Ngày 27.10, tại trụ sở Hội người mù Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao tặng 6.540 cây gậy trắng cho người mù Việt Nam.

400 bữa sáng miễn phí dành tặng người mù tỉnh Tiền Giang

LƯƠNG HẠNH |

Công đoàn Công an tỉnh Tiền Giang tổ chức “Bữa sáng tình nguyện” tại Trung tâm công tác xã hội và Hội người mù tỉnh.

Giữ nguyên thu kinh phí Công đoàn 2% là hợp tình, hợp lý

Nam Dương (thực hiện) |

Đó là ý kiến của ông Đặng Ngọc Tùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trong cuộc trao đổi với phóng viên
Báo Lao Động.

Tập đoàn Dabaco đã bị tỉnh Bắc Ninh xử phạt hành chính

Trần Tuấn |

Bắc Ninh - Đưa công trình là tòa nhà ở xã hội Dabaco Khắc Niệm vào sử dụng khi chưa nghiệm thu, Tập đoàn Dabaco đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Lo ngại về chất lượng nhiều gói thầu dịch vụ công ích tại Cao Bằng

Tân Văn |

Liên tiếp từ năm 2019 đến nay, Công ty TNHH Nga Hải đã trở thành nhà thầu trúng nhiều dự án xây lắp, dịch vụ công ích trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, chất lượng của các dự án này lại đang là dấu hỏi.

Nhiều người dân ở TPHCM lại xếp hàng dài từ sáng sớm chờ mua vàng miếng SJC

NGỌC LÊ |

Sáng 10.6, hàng trăm người dân lại tiếp tục xếp hàng chờ đợi trước trụ sở Công ty TNHH MTV thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3 (TPHCM) để chờ mua vàng miếng.

Nơi cứ đến Tết Đoan Ngọ, người dân đổ xô đi tắm biển giữa trưa

Thanh Trà |

Ngày Tết Đoan Ngọ (tức 5.5 Âm lịch), hàng nghìn người dân TP Quy Nhơn (Bình Định) và các vùng lân cận đổ xô đi tắm biển vào chính Ngọ.

Đoàn viên công đoàn Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng được khám sức khỏe miễn phí

PHƯƠNG ANH |

Sóc Trăng - Ngày 21.5, Công đoàn cơ sở (CĐCS) Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng phối hợp chính quyền tổ chức cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) và hội viên khám sức khỏe tổng quát.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao 6.540 cây gậy trắng cho Hội người mù Việt Nam

Đức Anh |

Ngày 27.10, tại trụ sở Hội người mù Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao tặng 6.540 cây gậy trắng cho người mù Việt Nam.

400 bữa sáng miễn phí dành tặng người mù tỉnh Tiền Giang

LƯƠNG HẠNH |

Công đoàn Công an tỉnh Tiền Giang tổ chức “Bữa sáng tình nguyện” tại Trung tâm công tác xã hội và Hội người mù tỉnh.