Lương tối thiểu và mức sống tối thiểu: Cuộc “rượt đuổi” bao giờ kết thúc?

Nhóm Phóng viên |

Theo khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐVN), mức tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2017 trung bình là 7,3% đã được các DN thực hiện tương đối tốt; hầu hết CNLĐ đã được điều chỉnh bằng hoặc cao hơn mức tăng trên. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa “tiệm cận” được mức sống tối thiểu cũng như chưa đáp ứng được mong muốn của đa số CNLĐ.

Với mức lương hiện nay, CNLĐ sẽ rơi ngay vào tình cảnh “nghèo khó, túng quẫn” khi họ gặp những cú sốc dù nhỏ, hoặc nghỉ làm việc ít ngày và ngay cả khi không làm thêm giờ.

Tranh của Đan.

Kỳ 1: Chật vật bởi mức lương tối thiểu vùng thấp

Điệp khúc “lương không đủ sống” cứ mãi đeo bám công nhân KCN từng ngày dù rằng ngày nào trong tuần, họ cũng chăm chỉ đi làm từ 9 - 12 tiếng nhưng thu nhập vẫn chỉ đủ ăn, ít có tiền để dành. Chính vì thu nhập thấp, họ phải chắt bóp từng đồng để trang trải cuộc sống.

Sống khổ vì lương quá thấp

Tại đường Đặng Thai Mai (xã Hưng Đông, TP.Vinh, Nghệ An) có nhiều dãy nhà trọ do người dân xây cho công nhân thuê. Điểm chung của các dãy nhà này là thấp, chật hẹp, ẩm thấp vào mùa mưa và vô cùng nóng nực vào ngày hè. Tuy nhiên, công nhân phải chấp nhận thuê vì không có lựa chọn khác.

Có mặt tại đây vào sáng 19.7, tôi gặp bà Nguyễn Thị Thanh (63 tuổi, quê Thanh Chương) và đứa cháu nhỏ gầy yếu, bà cho biết là bé mới 10 tháng tuổi. Mẹ bé là Nguyễn Thị Mỵ (SN 1985) - công nhân một Cty may mặc tại KCN Bắc Vinh.

“Mẹ nó đi làm từ 7h sáng, hầu như ngày nào cũng tăng ca khoảng 2 tiếng, đến 18h mới về nhà, hay than mệt” - bà Thanh cho hay. Làm việc quần quật như thế, nhưng lương chị Mỵ (kể cả tăng ca) cũng chỉ khoảng 3 triệu đồng.

Chồng làm thợ xây, ngày làm ngày nghỉ, trung bình được khoảng 4 triệu tháng. Cả 4 người thuê một nhà trọ rộng hơn chục mét vuông, giá 1,2 triệu đồng/tháng, vô cùng chật chội và nóng bức, chỉ có một chiếc giường, phải trải chiếu xuống đất mà ngủ. Với mức thu nhập ấy, hai vợ chồng chật vật lắm, mà cuộc sống cũng rất khốn khó. Con gái đầu (4 tuổi), hai vợ chồng phải gửi cho bà ngoại nuôi giúp.

Bà chủ nhà trọ số 316 đường Đặng Thai Mai cho biết: “Công nhân ở đây chủ yếu làm Cty gấu bông, thu nhập trên dưới 3 triệu, họ sống rất chật vật. Nhà trọ của tôi chỉ cho thuê giá 500.000 đồng/tháng, nhưng công nhân cứ phải về nhà xin “viện trợ” gạo xuống để ăn.

Được biết, lương công nhân tại TP.Vinh thuộc vùng III. Các địa bàn khác, mức lương còn thấp hơn. Đánh giá chung, LĐLĐ tỉnh Nghệ An cho rằng mức lương của công nhân tại các KCN còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Doanh nghiệp thường chỉ trả lương không thấp hơn mức tối thiểu vùng, cuộc sống của đa số công nhân còn khó khăn.

Cuộc sống nhàm chán cũng vì… lương thấp

Trên diễn đàn của công nhân KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội), chiều tối những ngày cuối tuần, anh chị em trong cùng xóm trọ lên diễn đàn rủ nhau ra quán trà đá nói chuyện suông chứ cũng không có hoạt động vui chơi giải trí gì khác.

Anh Lê Văn Bách (sinh năm 1993, làm việc tại Cty TNHH Denso Việt Nam) cho biết: “Đời sống vật chất của công nhân đã khó khăn nhưng đời sống tinh thần lại càng kém. Đa phần công nhân ở đây đi làm về là đi ngủ vì mệt, nhất là những người đi làm ca đêm, họ ngủ cả ngày. Nếu không đi làm thì cũng đóng cửa phòng ngủ hoặc lên mạng trên điện thoại. Ngày nghỉ nhiều người cũng tranh thủ đi làm thêm giờ vì ngày nghỉ lương gấp đôi ngày thường. Chính vì thế mà cuộc sống của công nhân khá nhàm chán”.

Chị Minh Nga (quê Thái Nguyên, đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long) tâm sự: “Tôi làm việc ở Hà Nội được gần 6 năm rồi, ở lâu một mình cũng thành quen, ăn một mình thì càng không có gì lạ. Công việc vất vả, tăng ca, làm thêm mà cũng chỉ được hơn 5 triệu đồng. Sau khi trang trải chi phí thuê nhà, điện, nước, thực phẩm… và sinh hoạt tiết kiệm lắm, tôi cũng chỉ dành dụm được hơn 1 triệu đồng gửi về quê để bố mẹ chăm con hộ”.

Cuộc sống của nhiều gia đình công nhân còn gặp rất nhiều khó khăn do lương thấp. Ảnh: L.Tuyết

Anh Nguyễn Minh Tùng là công nhân da giày làm việc tại một doanh nghiệp ở quận Bình Tân (TPHCM) có thu nhập “cứng” hằng tháng là 4,5 triệu đồng bao gồm lương cơ bản và các khoản phụ cấp như nhà trọ, đi lại, nuôi con dưới 6 tuổi. Nếu công ty tăng ca, thu nhập của anh vào khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Anh chia sẻ: “Hai vợ chồng đều là công nhân, tổng thu nhập hằng tháng của hai vợ chồng nếu có tăng ca là được hơn 10 triệu đồng/tháng. Mấy năm gần đây mới cải thiện được chút ít vì con trai của tôi lớn, gửi nhà trẻ được nên vợ mới tăng ca ở công ty. Trước kia, vợ chỉ nhận lương “cứng” nên thu nhập của hai vợ chồng dưới 10 triệu đồng, khốn khó vô cùng”.

Tiếp lời chồng, vợ anh Tùng nói: “Nói bây giờ thu nhập cao hơn trước nhưng thực ra cuộc sống của gia đình đâu khá hơn bao nhiêu. Mình gửi con để đi tăng ca, tiền tăng ca gần như bù vào tiền gửi con nên chẳng tích lũy được bao nhiêu nhưng vẫn phải làm, vì mình không tăng ca, các anh chị ở chuyền không hài lòng”.

Chị Lê Thị Hiền đang là công nhân Cty điện tử Pocons Vina, KCN Yên Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Cty chị thuộc đối tượng áp dụng LTT vùng 2, ở mức 3.320.000 đồng. Chị cho biết, tổng thu nhập của chị, nếu không làm thêm thì chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng; nếu có làm thêm thì tăng thêm được 1-2 triệu đồng. Chồng chị làm chạy xe ở ngoài, thu nhập rất bấp bênh, có tháng được 5-6 triệu đồng, nhưng có tháng gần như không được đồng nào.

Hiện chị cùng chồng và 2 con nhỏ đang thuê trọ trong KCN. Vì vậy, với mức thu nhập như trên, về cơ bản, gia đình chị kiếm được đồng nào tiêu hết đồng đó, cả năm hiếm khi dành dụm được đồng nào. Mỗi tháng, anh chị phải tốn hơn 3 triệu đồng tiền ăn uống; riêng tiền nuôi hai đứa con (một đứa 7 tuổi, một đứa 3 tuổi) phải lên tới 5-7 triệu đồng. Đấy là trong điều kiện các thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh, còn nếu không, chẳng may một người bị ốm đau, thì cuộc sống gia đình sẽ đảo lộn, bởi không chỉ phải mất người trông, mà còn phải vay mượn bên ngoài để có tiền trang trải trước cho cuộc sống hằng ngày cũng như cho chữa bệnh.

Theo kết quả điều tra về thu nhập, đời sống của CNLĐ trong các DN năm 2017 do Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) tiến hành, tiền lương thực tế của CNLĐ hết quý I năm 2017 (sau điều chỉnh) tăng 8,1%, cao hơn mức LTT vùng. Trong đó, DN tư nhân tăng 8,02%; DN FDI tăng 5,0%. Cũng theo kết quả điều tra, chỉ có 1,8% số CNLĐ cho biết mức điều chỉnh LTT năm 2017 là cao; 42,9% số CNLĐ cho là phù hợp và 55,3% số CNLĐ cho là còn thấp.

Theo PGS-TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn - để đảm bảo mức sống tối thiểu, từng bước nâng cao thu nhập cho tương xứng với công sức của CNLĐ và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đề nghị Chính phủ, Hội đồng Tiền lương Quốc gia và các bộ, ngành liên quan điều chỉnh tiền LTT sao cho để đến hết năm 2018, mức LTT phải đáp ứng đủ mức sống tối thiểu theo quy định của Bộ luật Lao động.

Nhóm Phóng viên
TIN LIÊN QUAN

Lương tối thiểu vùng 2018: Tổng LĐLĐVN đề xuất tăng 13,3%, VCCI chỉ muốn tăng 5%

QUẾ CHI - NGUYỄN NGA |

Ngày 27.6, phiên họp thứ nhất để thương lượng phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2018 của Hội đồng Tiền lương quốc gia (HĐTLQG) đã được tổ chức tại Đồ Sơn (Hải Phòng) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - Chủ tịch HĐTLQG Doãn Mậu Diệp. Tham dự về phía đại diện cho NLĐ có Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính. Về phía đại diện cho người sử dụng lao động có Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch HĐTLQG Hoàng Quang Phòng.

Lương tối thiểu cần sớm đáp ứng mức sống tối thiểu

TẤT THẢO |

Theo kết quả điều tra về thu nhập, đời sống của CNLĐ trong các doanh nghiệp năm 2017 do Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) tiến hành, mức điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) năm 2017 còn thấp và CNLĐ đều mong muốn tiền LTT phải sớm đáp ứng mức sống tối thiểu.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Lương tối thiểu vùng 2018: Tổng LĐLĐVN đề xuất tăng 13,3%, VCCI chỉ muốn tăng 5%

QUẾ CHI - NGUYỄN NGA |

Ngày 27.6, phiên họp thứ nhất để thương lượng phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2018 của Hội đồng Tiền lương quốc gia (HĐTLQG) đã được tổ chức tại Đồ Sơn (Hải Phòng) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - Chủ tịch HĐTLQG Doãn Mậu Diệp. Tham dự về phía đại diện cho NLĐ có Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính. Về phía đại diện cho người sử dụng lao động có Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch HĐTLQG Hoàng Quang Phòng.

Lương tối thiểu cần sớm đáp ứng mức sống tối thiểu

TẤT THẢO |

Theo kết quả điều tra về thu nhập, đời sống của CNLĐ trong các doanh nghiệp năm 2017 do Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) tiến hành, mức điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) năm 2017 còn thấp và CNLĐ đều mong muốn tiền LTT phải sớm đáp ứng mức sống tối thiểu.