Giá cả được kiểm soát tốt, tăng lương càng thêm ý nghĩa

Nhóm phóng viên |

Theo các chuyên gia, tăng lương cơ sở từ 1.7.2023 có rất nhiều ý nghĩa đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, nhất là trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang được kiểm soát tốt. Tăng lương không chỉ giúp cải thiện đời sống của người lao động mà còn kích thích sức mua, từ đó thúc đẩy sản xuất.

Mong lương tăng nhưng giá không tăng

Trước ngày 1.7, lương của anh Phạm Văn T - cán bộ phường tại tỉnh Ninh Bình là 6,7 triệu đồng/tháng. Sau khi tăng lương, cộng thêm 2 khoản phụ cấp công vụ và chức vụ, lương của anh T khoảng 10,5 triệu đồng/tháng.

Theo anh T, sau 4 năm, lương cơ sở đã thêm 310.000 đồng - mức được cho là khá cao so với các lần trước. Và quan trọng hơn, ở đợt tăng lương này, không có sự thay đổi nhiều về giá hàng hoá thiết yếu...

Anh T nói: “Năm nay ngoài 40 tuổi, trải qua nhiều vị trí công việc và nhiều lần tăng lương, tôi thấy kì tăng này khá ấn tượng. Giá cả ở thời điểm lương tăng không thay đổi nhiều, từ bó rau, gói mì chính, cân gạo hay vé máy bay,... Lương tăng, giá không tăng, có như vậy người làm công như chúng tôi mới có thể yên tâm làm việc”.

Chị Nguyễn Thị H - là công chức hành chính cấp xã ở Thanh Hoá cho biết, từ ngày 1.7, tiền lương của tôi được 6,5 triệu đồng/tháng. Vì thu nhập chỉ đủ nuôi 2 con nhỏ với mức chi tiêu tiết kiệm ở quê nên tiền lương tăng nhưng giá cả không được kiểm soát thì tất cả sẽ không còn nhiều ý nghĩa.

Trao đổi với phóng viên Lao Động ngày 3.7, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), đánh giá, tăng lương cơ sở ở mức 20,8% từ ngày 1.7.2023 là mức cao. “Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, việc tăng lương là rất đáng mừng bởi người lao động đã chờ tăng lương trong thời gian dài. Lần tăng lương này không chỉ giúp họ cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống mà còn động viên người lao động làm công ăn lương trong khu vực Nhà nước” - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nhận định.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đánh giá, tăng lương từ ngày 1.7 thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực to lớn của Chính phủ trong việc đáp ứng nguyện vọng của hàng triệu lao động.

Tăng lương giúp tăng sức mua

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐVN) - cho rằng, việc tăng lương cơ sở thời điểm này có tác động đến nhiều mặt. Bên cạnh việc cải thiện một phần đời sống của cán bộ, công chức, người hưởng lương còn kích thích sức mua, tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Ông Quảng cho biết, các lần điều chỉnh mức lương cơ sở đều dựa trên một số yếu tố, trong đó phải bù đắp được chi phí trượt giá cũng như tính đến yếu tố phát triển kinh tế - xã hội để cải thiện một phần khó khăn của công chức, viên chức, người lao động nhưng mỗi lần điều chỉnh lương cơ sở, lương tối thiểu thì giá cả lại tăng. Điều này ảnh hưởng đến ý nghĩa thực tế của tăng lương, không đảm bảo ý nghĩa cải thiện đời sống.
“Năm nay có điều đáng mừng là đến thời điểm hiện tại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo thông báo của Tổng cục Thống kê vẫn đang được kiểm soát tốt” - ông Quảng thông tin và cho rằng, trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh lương cơ sở lần này là rất cấp thiết đối với 9 nhóm đối tượng theo quy định.

Không chỉ vậy, các chính sách đi kèm (như hưởng bảo hiểm xã hội liên quan đến mức lương cơ sở) cũng tăng lên, có tác động rất tích cực trong bối cảnh đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thời gian vừa qua gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Quảng, việc điều chỉnh lương cơ sở lần này giúp cải thiện, giảm bớt khó khăn của người lao động, từ đó động viên họ làm việc với động lực, năng suất, chất lượng hiệu quả hơn. Không chỉ vậy, trong bối cảnh hiện nay khi kinh tế còn gặp nhiều khó khăn thời điểm hậu COVID-19, cung cầu tiêu dùng giảm thì việc tăng lương cơ sở còn kích thích sức mua, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Kỳ tăng lương từ ngày 1.7.2018 - 30.6.2019 (lương cơ sở tăng từ mức 1.300.000 đồng lên 1.390.000 đồng/tháng), tăng 90.000 so với kỳ trước. Ở kỳ này, không ghi nhận sự tăng đột biến của lạm phát cơ bản lẫn chỉ số giá tiêu dùng.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, mức tăng CPI tháng 6 là 0,61% và chỉ số lạm phát 6.2018 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên khi sang đến tháng 7, nghĩa là sau khi tăng lương, các chỉ số trên lại giảm nhẹ.

Ở kỳ tăng lương từ ngày 1.7.2019 - 30.6.2023 (lương cơ sở tăng từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng), tăng 100.000 đồng so với kỳ trước. Ở kỳ này, số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, chỉ số CPI lại tăng thấp nhất trong 3 năm trước đó. Như vậy, việc tăng lương cơ sở không làm biến động quá nhiều CPI cũng như lạm phát.

Từ ngày 1.7.2023 trở đi, lương cơ sở tăng lên mức 1.800.000 đồng/tháng, tăng 310.000 đồng so với kỳ trước. CPI thángg 6.2023 tăng 0,27% so với tháng trước, CPI bình quân 6 tháng năm 2023 tăng 3,29% so với cùng kỳ năm. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,83%.

Có thể thấy, ngày 1.7 tăng lương cơ sở nhưng các chỉ số CPI hay lạm phát vẫn không ảnh hưởng nhiều.

Minh Hương

Nhóm phóng viên
TIN LIÊN QUAN

Những cán bộ y tế cơ sở "không được thừa nhận"

Nhóm PV |

Hành trình của chúng tôi dọc các tỉnh miền núi phía Bắc và nhiều địa phương khác trên cả nước đã ghi nhận những câu chuyện đáng ngạc nhiên, thực trạng đáng buồn về những cán bộ y tế cơ sở không được thừa nhận. Dù cũng nằm trong lực lượng y tế, nhưng họ lại đang “lạc loài” giữa chính đồng nghiệp của mình.

Nợ lương triền miên, bị yêu cầu báo cáo nhưng công ty xe buýt Đà Nẵng vẫn làm thinh

THÙY TRANG |

Trước vụ việc gần 100 lao động là tài xế, phụ xe của Công ty CP Quảng An 1 - đơn vị vận hành xe buýt Đà Nẵng ngưng việc tập thể, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho biết, hơn một tháng trước, người lao động cũng từng gửi đơn khiếu nại, sở đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp báo cáo sự việc nhưng doanh nghiệp này im lặng, ngó lơ.

Phụ huynh trắng đêm giành suất học cho con, Sở GDĐT Hà Nội nói thành phố không thiếu chỗ học

HOÀI ANH - PHẠM ĐÔNG |

Liên quan đến hình ảnh phụ huynh Hà Nội vạ vật, chen chúc giành suất học cho con, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội khẳng định, thành phố không thiếu chỗ học.

Tổng cục Thuế cảnh báo về việc giả danh cơ quan thuế để trục lợi

TRÍ MINH |

Chiều ngày 5.7, Tổng cục Thuế cho biết trên các nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện quảng cáo các dịch vụ trực tuyến về những tên miền, ứng dụng (App) giả mạo cơ quan thuế được các đối tượng xấu thiết lập và sử dụng với mục đích lừa đảo về việc ủy quyền đóng thuế; mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

MB Ageas ôm nghìn tỉ đồng trái phiếu, lãi giảm sâu vì trích lập dự phòng

Quang Dân |

Kết thúc năm 2022, MB Ageas đã sử dụng 7.731 tỉ đồng, tương ứng khoảng 80% tổng tài sản doanh nghiệp cho các hoạt động đầu tư tài chính, trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm này đang ôm khoảng 2.395 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp.

Trước lễ 2.9, người dân Thủ đô có thêm dịch vụ xe đạp điện công cộng để di chuyển

Tô Thế |

100 xe đạp điện trong dự án xe đạp công cộng được triển khai tại Hà Nội đang được vận chuyển về Việt Nam. Trước dịp lễ 2.9.2023, người dân và du khách khi tới Thủ đô có thể bắt đầu trải nghiệm dịch vụ này.

Xác minh vụ biển ngũ quý 6 cùng đeo trên 3 xe ô tô tại Thái Nguyên

Việt Bắc |

Cơ quan chức năng đã xác định 2 trong số 3 ô tô sử dụng biển số ngũ quý 6 xuất hiện tại Thái Nguyên là biển số giả, không đúng với loại xe được cấp.

Cận cảnh khu "đất vàng” ở Cần Thơ sẽ được đấu giá

Tạ Quang |

Cần Thơ - UBND TP Cần Thơ sẽ tiến hành đấu giá khu đất của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ.