Bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, công đoàn ngành đã ban hành, triển khai đầy đủ các quy chế, quy định về thi đua khen thưởng đảm bảo tính khách quan theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/BCH ngày 15.1.2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong công nhân viên chức lao động. Nhiều nội dung chỉ đạo được đơn vị cụ thể hóa, linh hoạt trong cách thức triển khai, nhận được sự hưởng ứng tích cực của công nhân viên chức lao động.
Cụ thể, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được các cấp Công đoàn hưởng ứng tích cực. Ngay đầu nhiệm kỳ, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã xây dựng Chương trình “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo” thông qua việc phát huy sáng kiến cải tiến công nghệ, thiết bị, hợp lý hóa sản xuất, luyện tay nghề thành thợ giỏi; giỏi một công đoạn biết nhiều công đoạn; thi đua đạt năng suất cao chất lượng tốt; hội thi thợ giỏi, hội thi giáo viên giỏi…
Tại các cơ sở, nhiều câu lạc bộ sáng kiến được hình thành, ngày hội ý tưởng được tổ chức. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cán bộ, đoàn viên, người lao động toàn hệ thống có 11.475 sáng kiến, giải pháp, làm lợi trên 237,5 tỉ đồng (tăng 6.807 sáng kiến, giải pháp so với nhiệm kỳ 2013-2018)
Tại cấp ngành, trong 5 năm đã 2 lần tổ chức Ngày hội lao động sáng tạo. Kết quả có 172 sáng kiến, đề tài, giải pháp dự thi; có 17 tập thể, 40 cá nhân đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích và 19 giải phong trào. Tổng số tiền chi thưởng là 740,5 triệu đồng.
Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng đã phối hợp với Tập đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức thành công Hội thi thợ giỏi cấp ngành lần thứ VI. Tham dự có 34 đội tuyển được lựa chọn từ các đơn vị và hội thi thợ giỏi cấp cơ sở. Kết quả có 3 đội tuyển được nhận danh hiệu Bàn tay Vàng, 5 đội tuyển được nhận danh hiệu Bàn tay Bạc, 8 đội tuyển được nhận danh hiệu Bàn tay Đồng, 18 đội tuyển được nhận danh hiệu Thợ giỏi cấp Ngành, cùng nhiều giải chuyên đề khác với tổng số tiền thưởng 705 triệu đồng…