Có chồng bạc bẽo cũng như không!

Lê An Nhiên |

Với đồng lương công nhân (CN) ít ỏi, gia đình đủ vợ đủ chồng nuôi con còn chật vật, huống hồ các chị em phải nuôi con một mình. Nhiều chị em, không những một mình vất vả nuôi con mà còn nặng gánh với người chồng “ham chơi biếng làm”.

Nuôi con một mình

“Anh ấy lười quá, không chịu làm việc, thích nhậu nhẹt. Em khuyên nhủ hoài anh ấy vẫn không chịu tu tỉnh làm ăn. Em nản quá nên ôm con bỏ đi. Đến nay bé 5 tuổi, anh ấy cũng không thăm hỏi con một lần” – Chị Vũ Thị H, 31 tuổi, CN xí nghiệp may An Phú (TPHCM) bộc bạch. Chị H quê ở Thanh Hóa, 18 tuổi, chị vào Nam làm CN. Chị kể, cuộc sống xa nhà vất vả nên khi có người yêu, xác định lâu dài, ai cũng mừng, bản thân chị cũng cảm thấy mình may mắn. Chồng chị quê ở Lâm Đồng, làm nghề sửa xe máy. Khi biết hoàn cảnh gia đình chồng khó khăn, đi lại giữa Thanh Hóa – Lâm Đồng cách trở, đồng nghiệp, bạn bè khuyên chị tìm người khác nhưng chị vẫn quyết lấy anh. Chị nghĩ: “Chỉ cần yêu thương nhau, cùng nhau cố gắng thì mọi chuyện sẽ tốt. Hơn nữa, xác định lập nghiệp ở Sài Gòn thì quê ở đâu cũng không quan trọng”.

Tuy nhiên, mọi chuyện không như chị nghĩ. Cưới nhau được hơn năm, chị sinh em bé thì chồng chị trở chứng làm biếng. Vì cả hai gia đình đều khó khăn nên đám cưới anh chị phải tự lo, cưới xong không có tiền tích lũy, chị lại mang bầu ngay. Sức khỏe chị kém nên chị xin nghỉ việc để trông con. Suốt thời gian ở cữ, anh không đỡ đần gì cho chị. Vợ chồng hục hặc liên tục. Con được 5 tháng, chị không chịu đựng được nữa nên ôm con ra đi. Ở nhà người quen được thời gian, chị mang con về quê. Con cứng cáp một chút, chị gửi con cho ông bà ngoại rồi trở lại Sài Gòn, xin vào làm lại ở xí nghiệp may An Phú.

“Vào đây các chị đồng nghiệp thương tình nên cho ở nhờ. Ban giám đốc nhận em trở lại làm việc ngay mà không ngại con nhỏ hay để tâm chuyện trước đây mình bỏ việc giữa chừng. Làm được vài tháng, thu nhập ổn định, em thuê nhà trọ rồi đón con trở vào. Hai mẹ con côi cút nuôi nhau, mới đó đã 5 năm trôi qua” – Chị H bộc bạch.

Với tiền nhà trọ 900.000 đồng/tháng, tiền gửi con hàng tháng từ 1,6-1,7 triệu đồng/tháng, thu nhập hàng tháng của chị vẫn đủ trang trải. Chị chia sẻ: “Trung bình thu nhập của em tầm 8-9 triệu đồng/tháng, cuộc sống của hai mẹ con cũng tạm ổn. Nhưng con gái em hay bệnh, viêm họng, ho suốt. Có những hôm đi làm về trễ, tất tả đi đón con. Con ốm, chở con đi khám bệnh, mưa lẹp nhẹp, con cứ co ro. Về nhà để con tự chơi, em nấu cơm, cho con ăn. Ăn xong ru con ngủ, em đưa được miếng cơm lên miệng cũng gần 10g đêm”. Thế nhưng đối với chị H, như vậy vẫn chưa là vất vả vì mãi rồi cũng quen, chị chỉ lo sắp tới, khi con vào lớp 1, các trường không giữ ngoài giờ, chị lại đi làm cả ngày, chị chưa biết sẽ sắp xếp đón con ra sao.

“Ông bà ngoại đã già yếu, người thân không có ai. Mỗi lần nghĩ đến con là lòng cứ rối bời. Nhưng không vì thế mà em ngừng cố gắng. Em phải sống và nuôi con thật tốt” – Chị H bộc bạch.

“Chắc lần này tôi thôi chồng”

Chị Tạ Ngọc H, 32 tuổi, làm việc tại xí nghiệp may An Phú, đưa tay quẹt nước mắt khi kể về người chồng “có cũng như không” của mình. Chị lấy chồng đã được 14 năm, có hai con, một gái 14 tuổi và một trai 12 tuổi. 14 năm mang tiếng có chồng nhưng số tháng chồng chị ở nhà với chị và các con chỉ đếm trên đầu ngón tay.

14 năm với 2 đứa con nhưng anh chưa một lần đưa tiền phụ vợ nuôi con. Anh vắng nhà thường xuyên, biền biệt vài năm rồi về. Mỗi lần về lại hứa hẹn với chị sẽ tu chí làm ăn. Chị cũng tin là thật. Được vài hôm, anh cho biết đang mắc nợ, chị phải giúp anh, kẻo sẽ bị giang hồ xử. Có được cuốn sổ tiết kiệm nào vài chục triệu, chị đi rút đưa cho anh. Cầm tiền rồi anh đi luôn, ném vào đề đóm, cá độ, chơi game bắn cá… Vài lần như vậy, chị đâm đơn ly hôn. Đến khi tòa gọi lên để xử, anh lại năn nỉ ngọt nhạt, chị lại rút đơn. Chị bật khóc. Chị cố gắng chịu đựng là vì con, không muốn con lớn lên mà không có cha, chính cái suy nghĩ đó đã làm chị khổ và con chị cũng khổ.

“Anh ấy vô tình lắm. Có lúc tôi đang đi làm vầy nè. Anh ấy gọi điện giật ngược chỉ để kêu tôi mang 2 triệu đồng lên quán karaoke để anh ấy trả tiền đi nhậu với bạn. Hoặc có lúc nhà hết tiền, anh ấy kêu tôi mang hợp đồng lao động đi vay tín chấp. Lãi mẹ lãi con, tiền học cho con lo chưa xong còn phải trả tiền nợ ngân hàng. Nhiều lúc thấy mình ngu quá. Khổ con” – Chị khóc. Đứa con gái đầu của chị bị bệnh động kinh, hay lên cơn co giật, hàng tháng chị phải xin nghỉ làm đưa con đi khám. Đứa con trai không có ai kèm cập nên học hành kém, ở lại lớp.

“Hai đứa con đã lớn, thấy mẹ khổ nên ủng hộ mẹ bỏ ba. Tôi đã trả gần xong khoản nợ vay tín chấp cái hợp đồng lao động. Kết thúc khoản nợ này, tôi sẽ làm để dành tiền còn lo cho con. Cứ nghĩ mình tha thứ, hy sinh cho chồng thì chồng sẽ tỉnh ngộ để cùng lo cho con nhưng không phải vậy. Chắc lần này tôi thôi chồng” – Chị nói, mắt ngân ngấn nước. 

Xí nghiệp may An Phú có gần 20 trường hợp chị em đơn thân nuôi con. Có chị em một mình nuôi 3 con, khá vất vả. Dù cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng chị em vẫn luôn cố gắng vươn lên, hoàn thành tốt công việc, thu nhập luôn nằm trong nhóm khá của xí nghiệp. Để chia sẻ với những khó khăn của chị em, ban giám đốc có chính sách hỗ trợ cho các chị em đơn thân nuôi con. Theo đó, nếu chị em nuôi một con, công ty hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, hai con là 800.000 đồng/tháng, ba con là 1 triệu đồng/tháng. Xí nghiệp cũng đang tính toán để xây nhà trẻ, giữ trẻ miễn phí cho con CN – Bà Hoàng Thị Kim Dung – Giám đốc xí nghiệp may An Phú (TPHCM), nói.

Lê An Nhiên
TIN LIÊN QUAN

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Khổ luyện để trở thành kỳ nữ Mai hoa thung

Tạ Quang |

Để có thể biểu diễn Mai hoa thung, các vận động viên phải khổ luyện, thành thạo múa lân truyền thống và bắt buộc là phải biết võ thuật. Những chú lân bay nhảy trên dàn cọc sắt, cao từ 1m đến 3m, kết hợp với các động tác tung hứng mạo hiểm, tạo nên những pha thót tim.

Giải cứu thành công người đàn ông ở dưới giếng sâu 25m trong 4 ngày

BẢO TRUNG |

Ngày 18.1, Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh giải cứu thành công một người đàn ông sau 4 ngày rơi xuống giếng sâu 25m trong rẫy vắng.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nhận 10.000 USD cảm ơn

Việt Dũng |

Ngoài chỉ đạo cấp dưới thương thảo, đàm phán nhà thầu "hỗ trợ" 2-5% giá trị gói thầu, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn còn nhận "cảm ơn".