Ai trả tiền?

Kim Duy |

Có một tình huống như sau: Một nhóm bạn cũ gồm các cặp vợ chồng được mời đi ăn uống do một cặp vợ chồng là doanh nhân thành đạt làm “chủ xị”. Ăn uống xong xuôi, tờ hóa đơn được đưa ra cho người vợ. Phu nhân sau khi liếc qua (mà chủ yếu là con số tổng cuối cùng) liền đưa cho chồng. Anh chồng cũng chỉ liếc nhanh con số tổng đó rồi vừa nói chuyện với bạn vừa đưa tay ra sau lấy ví tiền. Dứt khoát trong bàn có một, hai phu nhân cũng tò mò con số phải chi trả. Họ tò mò có nhiều lý do như đánh giá mức độ rẻ hay đắt (so với các món ăn vừa được thưởng thức) của nhà hàng, có thể sau này, dịp nào đó, họ mời bạn bè đến… Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là trong bàn có người thắc mắc tại sao vợ để chồng trả tiền? Thắc mắc này có ngược đời hay không khi anh chồng là người làm ra tiền, việc anh trả tiền là lẽ đương nhiên?

Theo ý người đặt ra vấn đề trên: Phu nhân của người chồng thành đạt phải thể hiện vai trò “mama tổng quản” theo đúng ý nghĩa của nó. Chồng làm ra tiền, vợ là người giữ tiền. Chồng là doanh nhân thành đạt lại càng không nên để chồng phải trả tiền. Đi ăn, chiêu đãi khách hàng, đối tác làm ăn… người chồng luôn có “đệ tử” đi theo để trả tiền. Vai trò của chồng cứ việc ăn, uống, cụng ly và nói chuyện với khách làm sao cho không khí bữa tiệc được vui vẻ, đạt đúng mục đích của việc giao tiếp cũng như chủ đề của bữa tiệc. Thậm chí, chồng không cần phải nhìn đến tờ hóa đơn mới đúng điệu “ông chủ”. Tất thảy mọi thứ có người khác lo. Tất nhiên, sau đó, có thể, biết đâu tờ hóa đơn sẽ được ông chủ tính toán và xét nét từng chút, nhưng đó là việc hậu trường, không ai biết!
Chiêu đãi bạn bè càng phải thoáng, mọi người cứ gọi thức ăn, đồ uống thoải mái, sau đó, vai trò của bà vợ là móc ví. Chiếc ví “hàng hiệu” có dịp được thể hiện, không chỉ hình dáng bên ngoài của nó mà còn khẳng định nội dung bên trong… Theo ý chị này, chồng móc ví trả tiền thấy không hay, đàn ông dứt khoát không giữ tiền dù tất cả tài sản là do họ làm ra, thế mới thoáng, mới ra dáng đàn ông thành đạt. Cái tư thế người đàn ông móc ví trả tiền có thể ít nhiều làm giảm bớt sự lịch lãm của một ông chủ.
Tất nhiên, có nhiều người phản biện. Đàn ông trả tiền mới “manly”, vai trò của phụ nữ là chỉ đi theo đàn ông, e ấp, duyên dáng bên chồng, nói cười đúng lúc, đúng chỗ cho không khí bữa tiệc thân thiện, ấm cúng. Cho dù ở nhà phu nhân là một mama tổng quản đúng nghĩa, nhưng ra đường giảm bớt vai trò “tổng quản” này, mới tăng thêm uy tín cho chồng. Ý nói, chồng đúng là một người giỏi tề gia là căn bản vững chắc cho việc “trị nước”…
Ở đây, cần chú ý một điều tình huống này chỉ đặt ra trong bối cảnh gia đình, đã là vợ chồng, đóng vai trò ông bà chủ. Bởi, ai cũng phải hiểu, ở góc độ còn là tình nhân, việc nam giới trả tiền chiêu đã phụ nữ là việc đương nhiên (!). Tình huống ngược lại phải đặt vấn đề, điều này thể hiện việc tôn trọng phụ nữ, tư cách của người đàn ông không lợi dụng phụ nữ…
Chồng hay vợ ai là người trả tiền trước mặt công chúng là vấn đề tế nhị. Khi người chồng móc ví trả tiền cho một bữa tiệc tất nhiên, ít nhiều, người ngoài nhìn vào cũng thấy phu nhân hơi bị… dở. Có thể là người vợ có vấn đề về tiền bạc (thất thế) mà người chồng không tin tưởng? Có thể đó là một ông chồng quá kỹ tính? Hay cũng có thể là một phu nhân không quan tâm đến tiền bạc, mọi thứ phó mặc hết cho chồng? Đến đây có người lại cho rằng, tại sao đi ăn tiệc mà người phụ nữ phải chăm chú đến tờ hóa đơn? Họ phải được hưởng thụ, thoải mái tư tưởng để thể hiện vai trò bà chủ tiếp khách bởi đã có chồng lo.
Thật ra, mỗi con người mỗi tính cách. Nếu có những người phụ nữ thích cầm chịch mọi thứ thì cũng có những người phụ nữ không màng đến tiền bạc. Nếu có người đàn ông kỹ tính muốn dành hết mọi vấn đề giao tế thì cũng có người phó thác hết cho vợ, vai trò của họ là chỉ biết làm ra tiền, biết mời mọc, đãi đằng,  mọi thứ “bả” lo…
Tuy nhiên, cần hiểu rằng, ai trả tiền cũng được, miễn đồng vợ đồng chồng. Cái thiếu của chồng sẽ được bổ sung từ vợ tạo thành mối giao hòa tốt đẹp. Cái đáng trách ở đây sẽ là thái độ. Nếu chồng trả tiền với vẻ tự đắc của người làm ra tiền mà bà vợ chỉ là cái bóng hay vì những lỗi lầm nào đó của vợ trong vấn đề quản lý tài chính thì thật quá đáng, không chỉ làm buồn lòng vợ mà còn làm khách thất vọng. Từ đó, nhiều ông chủ cho rằng, thôi cứ phó thác hết cho bả lo là tốt nhất!
Ai trả tiền chỉ là chuyện nhỏ, nhưng đôi khi không nhỏ và làm mất đi những mối quan hệ là có lý do của nó!  

Kim Duy
TIN LIÊN QUAN

Đề xuất sửa đổi một số thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip

Việt Dũng |

Trong dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ Công an đã đề xuất thay đổi một số thông tin trên mặt trước và mặt sau của thẻ căn cước.

Loạt cửa hàng ăn uống tại TPHCM phục vụ xuyên Tết

NGỌC LÊ |

TPHCM - Thời điểm này, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ tại TPHCM đã bắt đầu nghỉ bán. Tuy nhiên, một số quán cà phê, quán kinh doanh đồ ăn thức uống ở thành phố vẫn mở bán xuyên Tết để phục vụ khách du xuân.

Nghệ An: Nhất chi mai ế ẩm, chủ vườn lo âm vốn

Quỳnh Trang |

Nhất chi mai là một loài mai thuộc top “thập đại danh hoa” nổi tiếng đẹp bậc nhất. Tính đến thời điểm hiện tại (29 tết) thị trường hoa Tết ở Nghệ An loài hoa này chưa đủ cạnh tranh với các loài hoa khác nên rất ít người quan tâm.

Chuyên gia thời trang tiết lộ bí quyết phối áo dài cực đẹp mặc vào dịp Tết

Minh Hà - Linh Trang |

Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều bạn trẻ lựa chọn trang phục áo dài để chào đón năm mới. Diện áo dài phù hợp sẽ giúp các bạn trẻ trở nên tự tin và thu hút hơn.

Những góc quán ngắm pháo hoa đón giao thừa sang chảnh ở Hà Nội

Quỳnh Nga |

Cùng tìm hiểu những địa điểm xem pháo hoa đẹp ở Hà Nội để lên lịch cùng người thân, bạn bè đến vui chơi, chiêm ngưỡng những khoảnh khắc đón Tết Qúy Mão ấn tượng.

Muôn kiểu đón Tết của người trẻ

Thu Giang |

Bên cạnh những hoạt động truyền thống, với nhiều người trẻ Tết còn là dịp để nghỉ ngơi, gắn kết tình cảm gia đình, đi du lịch, khám phá những vùng đất mới...

Kỳ lạ ngôi làng cứ đến Tết là người dân đua nhau... ngâm mình dưới ao

Nguyễn Thúy |

Những ngày đầu năm mới, nông dân thôn Đức Long (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình) ngâm mình dưới ao để thu hoạch rau cần, cung cấp thực phẩm ngày xuân. Không khí dường như phấn khởi hơn vì rau cần được mùa, được giá.

Cuộc chiến phòng vé dịp Tết: Trấn Thành - Vũ Ngọc Đãng, ai sẽ lên ngôi?

ĐÔNG DU |

Khi tác phẩm "Siêu lừa gặp siêu lầy" đột ngột rút khỏi rạp chiếu, phim Tết Việt chỉ còn 2 tác phẩm đối đầu nhau là "Nhà bà Nữ" của Trấn Thành và "Chị chị em em 2" của Ngọc Trinh.